Hà Tĩnh: Cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân văn hóa Vũ Diệm
Nhà thờ Vũ Diệm được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2006 tại quyết định số 1592/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh.
(nhà thờ Vũ Diệm)
Ông Vũ Diệm là người sớm bộc lộ trí thông minh, học nhiều biết rộng, năm lên 4 tuổi đã biết làm câu đối, 8 tuổi đã biết làm văn thơ. Thủa nhỏ, ông là người nổi tiếng học giỏi, được thiên hạ thời bấy giờ ca tụng hết lời. Năm 13 tuổi ông đi thi khảo hạch ở tỉnh được đỗ đầu. Hồi còn nhỏ ông còn làm văn cho người đi thi, sự việc bị phát giác, triều đình đã phải gửi trát về xã khiển trách và cấm không cho dự thi. Lớn lên theo học ở kinh đô Thăng Long. Trong một lần, một ngày ông đã làm 12 bài luận tập và các bài thi này đều được điểm cao nhất. Năm ấy ông đã 25 tuổi, tiếng đồn ông thông minh học giỏi đã lan khắp chốn Trường An (tức Thăng Long). Bấy giờ ở kinh thành Thăng Long lưu truyền cửa miệng: Bút Cấm Chỉ, Sĩ Thiên Lộc được gắn với tên tuổi của ông. Lại có câu rằng: Trường An tứ hổ Quỳnh, Lân, Tân, Toại (tứ hổ ở đây có nghĩa là có 4 người tài học nổi tiếng khắp kinh kỳ – Toại là tên khác của ông Vũ Diệm). Tiếng đồn học giỏi của ông đã lan đến triều đình. Vua Lê chúa Trịnh đã ra sắc chỉ xá tội cho ông, nhờ đó ông mới được đi thi. Năm Bảo Thái thứ 10 (1729) ông dự kỳ thi hương đậu đầu (giải nguyên), năm Vĩnh Khánh thứ 4 (1732) triều đình mở khoa thi hoành từ, ông đã dự thi và đỗ đầu, được bổ vào chức Thị nội (tức là người giúp việc giấy tờ ở trong phủ chúa Trịnh). Năm Vĩnh Hựu thứ 5 (1739) đời vua Lê Ý Tông ông dự kỳ thi hội được xếp thứ nhì. Đến kỳ thi đình sau đó, quan chấm quyển tính điểm tâu xin lên vua ban cho ông vào loại Đệ nhất giáp Đệ nhị danh (tức Bảng Nhãn). Nhưng khi vua cầm bút ngự phê thì sơ ý ghi nhầm thành: Đệ nhị giáp, Đệ nhất danh (tức là Hoàng Giáp – tụt mất một bậc so với nhất giáp). Khi nghe tin, cả triều đình, bạn hữu đều tiếc cho ông. Về sau khi biết rõ sự nhầm lẫn trên, nhà vua đã sữa chữa lỗi lầm bằng hình thức tặng cho ông Vũ Diệm đôi câu đối sơn son thiếp vàng để an ủi ông như sau:
Tam khoa thủ cứ khai tiền tích
Nhị giáp cao đề khả hậu tri.
Nhị giáp cao đề khả hậu tri.
Nghĩa là:
Thi đậu cả 3 kỳ thi, người đã mở ra một con đường trước.
Tên tuổi của Hoàng Giáp được đề rõ ở chốn cao để cho hậu thế biết.
Sau khi thi đậu, Hoàng Giáp Vũ Diệm đã được triều đình nhà Lê giao nhiều trọng trách quan trọng từ Hàn Lâm viện biên tu đến Đông các Học sĩ, Đại lý tự khanh, Đốc đồng xứ kinh Bắc, Võ tướng công… Bất cứ cương vị nào và làm nhiệm vụ gì ông cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Khi làm thầy giáo ông được mệnh danh là Người Nhà Trời. Ông dạy học không biết mệt mỏi, học trò của ông có nhiều người thành đạt. Khi cầm quân đi đánh giặc, ông đã dùng tài năng, đức độ và chiến lược “tâm công” (đánh vào lòng người) để cảm hóa quân thù giành thắng lợi mà không phải tốn một mũi tên hòn đạn, không phải đổ máu xương, làm cho quân giặc cũng phải khâm phục. Ông mất vào ngày 12-10 âm lịch (không rõ năm) khi đang làm việc tại nhiệm sở. Cả triều đình và nhân dân đều thương tiếc ông. Nhà vua đã tổ chức tang lễ và chôn cất ông tử tế tại quê nhà và cấp ruộng nghĩa điền 10 mẫu để hàng năm phục vụ tế lễ ông. Gia tặng cho Hoàng Giáp Vũ Diệm chức Đặc tiến kim tử Vinh Lộc Đại phu, Đại lý tự khanh, tước Hồng Lĩnh Bá, được xếp vào loại công thần bậc nhất (trụ quốc thượng trật).
Có thể khẳng định rằng, Vũ Diệm là một nhân vật lịch sử sống vào thế kỷ XVIII không chỉ là một vị quan thanh liêm cần mẫn, từng trải nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy của chính quyền thời Lê, mà ông còn là một nhà giáo mẫu mực có uy tín.
Tổng Hợp: SGT Group
Có thể khẳng định rằng, Vũ Diệm là một nhân vật lịch sử sống vào thế kỷ XVIII không chỉ là một vị quan thanh liêm cần mẫn, từng trải nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy của chính quyền thời Lê, mà ông còn là một nhà giáo mẫu mực có uy tín.
Tổng Hợp: SGT Group