417 lượt xem

Vũ Khâm Lân

 

Vũ Khâm Lân

(
Nhà thờ ông nghè Vũ Khâm Lân ở khu 13, phường Hải Tân (TP Hải Dương)

 

Tiểu sử

Vũ Khâm Lân là người làng Ngọc Lặc, huyện Tứ Kỳ (nay thuộc xã Ngọc Sơn, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương.)

Vốn là con nhà nghèo, nên ông phải sớm làm lụng mưu sinh, và cố công học tập để mau chóng thành đạt. Năm Đinh Mùi (1727), triều Lê Dụ Tông, ông thi đỗ Đồng tiến sĩ xuất thân lúc 25 tuổi.

Kể từ đó, Vũ Khâm Lân bước vào chốn quan trường, từng được cử đi sứ Trung Quốc, lần lượt trải các chức: Đô ngự sử, Thượng thư, Tham tụng...

Ở triều, ông dự bàn chính sự, ra ngoài ông giữ việc binh cơ, lập không ít công lao, nên được ban tước Ôn Đình hầu rồi Ông Quận công.

Đương thời, ông có tiếng là người hào hiệp, khẳng khái, gặp việc dám nói, dám làm. Bên cạnh đó, ông còn có tiếng về tài văn chương. Theo tài liệu, thì ông là người đã góp thêm nhiều truyện mới vào quyển Lĩnh Nam chích quái, soạn và cho khắc bia bài Bạch Vân am cư sĩ Nguyễn Công Văn Đạt phổ ký nói về cuộc đời Nguyễn Bỉnh Khiêm (để dựng ở đền thờ vị danh sĩ này), viết bài khen Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ là một "thiên cổ kỳ bút"...

Vũ Khâm Lân mất năm nào không rõ, chỉ biết ông có để lại tập Phủ sát ký mật. Triều đình truy tặng ông hàm Thượng thư.

Ông là người giản dị, hào hiệp và khảng khái. Khi làm quan, ông nổi tiếng thanh liêm và dám nói, dám làm. Ông còn có tài văn thơ và thao lược. Vì thế, năm Cảnh Hưng thứ 14, đời Hiến Tông (1753, Càn Long thứ 18 nhà Thanh), ông được cử làm chánh sứ sang Trung Quốc. Ông làm đến tham tụng rồi được phong chức đô ngự sử. Trong triều ông giỏi giang chính sự, ngoài triều ông thông thạo binh cơ, có nhiều công trạng, nên về sau được phong chức Thượng thư, tước Ôn như hầu.

Ông để lại nhiều tác phẩm như “Phủ Sát bí mật” nhưng bị thất truyền. Trong bài ký “Bạch Vân Am cư sĩ  Nguyễn Công Văn Đạt phổ ký” viết về thân thế và sự nghiệp Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Ôn như hầu Vũ Khâm Lân có lời bình nổi tiếng: “Tiên sinh có cái đức của thánh hiền, đáng dùng cho vương đạo, lại rơi vào thời bá đạo, nên không được dùng. Tiếc thay!”.

Theo gương ông, con ông là Vũ Cơ cũng đỗ tiến sĩ.

Hiện nay, tại nơi ông ra đời còn lưu giữ 2 ngôi nhà được hậu duệ đời thứ 8 của ông là ông Vũ Văn Thản, một cựu sĩ quan quân đội trông coi. Ngôi nhà ngang còn giữ chiếc giường mà gia đình còn gọi bằng tên cổ là “sàng”. Đây là một bằng chứng về tính liêm khiết của ông. Làm quan đầu triều nhưng của cải để lại chỉ là chiếc “sàng” bằng gỗ tầm thường, đóng kiểu dân dã. Ngôi nhà chính đã được trùng tu thành nhà thờ ông, còn giữ nguyên cột và vì kèo cũ. Trên bàn thờ là bức đại tự gồm 4 chữ “Nho Trung Lương Tướng” (nghĩa là vị tướng giỏi trong làng nho) do vua ban tặng. 2 hàng cột hai bên là 2 câu đối khắc trên gỗ vàng tâm bình thường nhưng nét chữ rất đẹp:

Câu đối trong của ông có nội dung:
Cách thiên sự nghiệp quang tiền cổ
Quán thế văn chương dụ hậu nhân.
Tạm dịch:  Sự nghiệp lớn lao làm sáng tỏ đời trước
Văn chương lẫy lừng làm rạng rỡ đời sau.
Câu đối ngoài của vua phong tặng có nội dung:
Kim khuyết nô ban ưu đỉnh nại.
Ngọc đường lân chỉ diệu khuê chương.
Tạm dịch: Cửa vàng làm nổi bật nơi quyền quý.
Nhà ngọc làm sáng tỏ nét văn chương.


Ở tường bên phải có treo khung kính giữ sắc phong ghi nhận công lao và tước vị của ông do vua ban tặng năm 1734.

Trong lịch sử khoa cử xưa, xét trên địa bàn TP Hải Dương chỉ có 3 ông nghè. Tiến sĩ Nguyễn Trác Luân quê ở Bình Lâu đã được đặt tên cho một phố nhỏ. Tiến sĩ Ôn như hầu Vũ Khâm Lân và con trai ông, tiến sĩ Vũ Cơ. Riêng tên ông dù rất xứng đáng đứng tên cho một đường phố to rộng trong thành phố quê hương nhưng đến nay vẫn chưa được vinh dự ấy.

Con ông là Vũ Khâm Cơ, hay Vũ Cơ, đỗ tiến sĩ khoa Quý Mùi, năm Cảnh Hưng thứ 24 (1763), làm quan đến chức Hàn lâm Hiệu lý, Trấn thủ Lạng Sơn.
 

Giai thoại

Chuyện kể rằng, Vũ Khâm Lân vốn là con nhà nghèo, lại gặp cảnh mẹ kế con chồng, nên ông phải bỏ nhà ra đi...Vừa làm thuê, vừa học ở làng Dịch Vọng (huyện Từ Liêm) một thời gian thì gặp kỳ đình khai hội. Thấy quần áo của mình xuềnh xoàng quá, nên đến đêm ông mới đi dự và cũng chỉ đứng nép bên cột đình xem hát mà thôi.

Trong phường hát có một đào nương trẻ đẹp, hát hay múa giỏi, bỗng chú ý đến ông. Sáng hôm sau, người con gái ấy tìm đến chỗ ông trọ học. Biết được hoàn cảnh của ông đang gặp khó, nàng tình nguyện mỗi tháng sẽ chu cấp tiền bạc, để cho ông theo đuổi việc bút nghiên.

Quen lâu, đôi lần ông định cùng cô sống như chồng vợ, nhưng lần nào cũng đều bị cô khéo lựa lời từ chối...


(
Người theo nghiệp xướng ca ngày trước (ảnh mang tính minh họa cho bài viết. Nguồn: Internet).

Năm 1727, Vũ Khâm Lân thi đỗ Tiến sĩ. Vinh quy xong, cha ông bắt phải lấy vợ. Nhớ tới người từng cưu mang mình, nên ông cứ trù trừ mãi. Sau mấy lần cố công tìm mà không gặp, ông đành phải vâng lời cha. Nghe đâu sau đó cô gái có tìm đến, nhưng thấy ông đã lập gia đình, tự cho là duyên số không may rồi bỏ đi.

Khoảng hai mươi năm sau, khi này Vũ Khâm Lân đã là một Quận công, tình cờ ông gặp lại người xưa, trong một tiệc hát ở nhà bạn đồng liêu họ Đặng.

Người đào nương năm nào bây giờ đã già đi nhiều, đang ở chung với mẹ và chưa gắn bó với ai. Thấy cảnh sống của nàng sa sút và hẩm hiu quá, Vũ Khâm Lân ngỏ lời xin được nuôi dưỡng cả hai. Nàng nghe theo, nhưng đến khi bà mẹ mất, thì nàng cũng bỏ đi mất dạng. Người ta không biết cô đào ấy tên gì, chỉ biết nàng họ Nguyễn.

Theo Wikipidia.
Danviet.