232 lượt xem

Thân thế và sự nghiệp - HUYỀN THOẠI ANH HÙNG DÂN TỘC NGUYỄN TRUNG TRỰC

Nguyễn Trung Trực có tên là Nguyễn Văn Lịch, những năm đầu tham gia chống Pháp còn gọi là “Quản Lịch”, “Quản Chơn”. Ông sinh năm 1838, gia đình sống bằng nghề chài lưới, ở Xóm Nghề, ven sông Bến Lức, tỉnh Long An. Nguyễn Văn Lịch là một thiếu niên hiếu động, ham thích võ nghệ, cương trực, giàu lòng nghĩa hiệp...

Xóm Nghề là nơi sinh của Nguyễn Trung Trực và là nơi họ tộc của ông sinh sống nhiều đời. Cư dân Xóm Nghề vốn là hậu duệ của lưu dân từ miền Trung đã vượt biển vào Nam xây dựng cuộc sống mới cách nay hơn 3 thế kỷ. Nội tổ của Nguyễn Trung Trực là ông Nguyễn Văn Đạo, một ngư dân ở huyện Phù Cát, phủ Quy Nhơn, di cư vào Xóm Nghề trong cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Ông là một trong những người đầu tiên có công khai phá, lập nên Xóm Nghề.

Đến đời thân sinh Nguyễn Trung Trực, gia đình ông đã khá giả, có đất đai hiến cho làng làm công điền, có uy tín trong vùng. Năm 1838, Nguyễn Trung Trực chào đời tại ngôi nhà của mình, nằm sát bờ sông Vàm Cỏ Đông. Nền nhà hiện vẫn còn dấu vết tại ấp 1, xã Thạnh Đức. Năm 1988, Sở Văn hóa – Thông tin Long An đã xây dựng bia lưu niệm tại Xóm Nghề; Ủy ban nhân dân tỉnh Long An ra quyết định công nhận địa điểm này là di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 1994.

Nguyễn Trung Trực được học cả văn lẫn võ. Ông nổi tiếng giỏi võ từ nhở, 16 tuổi đã thượng đài. Năm 18 tuổi thủ đài dài ngày ở chợ huyện. Từ đó danh tiếng ông lẫy lừng, chẳng những về võ nghệ mà cả về đức độ, sự thông minh, khẳng khái… Khi Pháp chiếm thành Gia Định, Nguyễn Trung Trực đứng lên lập đội dân dũng, tuy nhỏ tuổi nhưng được nhiều người hưởng ứng, kéo về Gia Định ứng cứu.

Trấn Hà Tiên được thành lập năm 1708, dưới triều Nguyễn là một tỉnh thuộc “Nam kỳ lục tỉnh”. Tháng 2-1859, quân Pháp tiến đánh Gia Định, mở màn xâm chiếm Nam kỳ. Năm Tân Dậu (1861), Trương Định lúc đó giữ chức Phó Quản cơ Gia Định đã chiêu mộ nghĩa quân, tổ chức đánh Pháp nhiều trận. Vua Tự Đức phong cho Trương Định chức Quản cơ, rồi thăng chức Phó Lãnh binh Gia Định. Khi Đại Đồn (ở phía tây Sài Gòn) bị thất thủ, quân của triều đình theo lệnh rút về Biên Hòa. Trương Định đã đưa quân về đóng ở xứ Gò Thượng, thuộc huyện Tân Hòa (tỉnh Tiền Giang) để củng cố đội ngũ. Tại đây, Nguyễn Trung Trực đã gia nhập nghĩa quân do Trương Định lãnh đạo. Ông đã sớm bộc lộ tài năng, đức độ của một thủ lĩnh xuất sắc trong hàng ngũ nghĩa quân, nên được Trương Định trọng dụng, cho làm Quyền sung Quản binh đạo.

Thời gian này, Nguyễn Trung Trực được giao chỉ huy một bộ phận nghĩa quân hoạt động ở vùng Tân An, đã lập được nhiều công trạng, tiêu biểu nhất là trận “Hỏa Nhựt Tảo thuyền” – trận đánh chiếm và đốt cháy tàu Pháp tại vàm Nhựt Tảo, sông Vàm Cỏ, đoạn qua thôn Nhựt Tảo (thuộc tỉnh Long An) ngày 10-12-1861. Tiếp đó, Nguyễn Trung Trực lại chỉ huy nghĩa quân tấn công một tiểu hạm khác của quân Pháp trên rạch Tra, Gò Công (tỉnh Tiền Giang).

Năm 1867, Nguyễn Trung Trực được phong chức Lãnh binh tỉnh Gia Định, rồi Thành thủ úy Hà Tiên. Nhưng ông chưa về kịp Hà Tiên thì Hà Tiên đã lọt vào tay quân Pháp (24-6-1867). Nguyễn Trung Trực rút quân về Hòn Chông, mở rộng hoạt động về vùng U Minh (huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang ngày nay).

Sau một thời gian, Nguyễn Trung Trực kết nối với một số nghĩa sĩ ở vùng Tà Niên như: Lâm Quang Ky, Trịnh Văn Tư, Ngô Văn Búp, Hông Văn Ngàn, Nguyễn Văn Miên… nhanh chóng mở rộng địa bàn hoạt động ra hướng Rạch Giá. Dưới con mắt của Nguyễn Trung Trực thì vùng Tà Niên rất thuận lợi làm địa điểm tập kết để có thể tấn công đồn Kiên Giang, một bản doanh của quân Pháp đóng giữ Rạch Giá, ngay vàm cửa sông. Đêm 16-6-1868, Nguyễn Trung Trực cùng nghĩa quân lợi dụng lúc trời còn tối, đã tổ chức đánh úp, diệt và thiêu rụi đồn Kiên Giang, làm chủ tình hình nơi đây một tuần lễ.

Quân Pháp phải điều quân từ Vĩnh Long qua Kiên Giang để chiếm lại tỉnh lỵ Rạch Giá. Nghĩa quân Nguyễn Trung Trực quân ít, thế yếu phải rút khỏi Rạch Giá để bảo toàn lực lượng và lui về Hòn Chông. Quân Pháp tiếp tục đưa quân truy theo, quyết tiêu diệt nghĩa quân. Nguyễn Trung Trực quyết định rút ra Phú Quốc. Quân Pháp tiếp tục tăng thêm viện binh ra Phú Quốc. Sau một thời gian cầm cự, do lực lượng quá chênh lệch, điều kiện hoạt động khó khăn, nghĩa quân ngày càng suy kiệt dần; trong khi quân Pháp được sự bày mưu, hiến kế, tiếp tay đắc lực của một số Việt gian. Chúng dùng thủ đoạn đê hèn bắt mẹ của Nguyễn Trung Trực và một số người dân làm con tin. Chúng công khai khủng bố người dân để trấn áp tinh thần của ông và nghĩa quân. Lực lượng của nghĩa quân ngày càng yếu thế, Nguyễn Trung Trực quyết định hy sinh bản thân mình, ra đương đầu với quân Pháp mà không hề nao núng.

Ngày 19-9-1868, Nguyễn Trung Trực đã sa vào tay giặc. Thực dân Pháp đưa ông về Sài Gòn, dùng nhiều cách tra khảo và chiêu dụ ông đầu hàng, quy thuận nhưng đều thất bại. Biết không thể mua chuộc được ông, Pháp đưa ông về Rạch Giá xử chém, vào ngày 27-10-1868.

(còn tiếp)

(Lược trích theo quyển sách “Huyền thoại Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực”)


Hoàng Giám