319 lượt xem

Ý nghĩa của các vật phẩm cúng dường Phật

Ý nghĩa của các vật phẩm cúng dường Phật

Bố thí là nhân, được giàu sang là quả. Gieo nhân nhất định phải thọ quả.
 

Nguồn: Sưu tập

Chúng ta cúng dường hoa lên Phật. Hoa là đại biểu cho nhân, ở định luật nhân quả, thế gian và xuất thế gian đều không lìa nó. Rải rác trong các kinh, Phật thường nói: “Vạn pháp đều không, nhân quả bất không”. Vì sao? Vì tất cả các pháp vốn chuyển biến, nhân sẽ biến thành quả, quả sẽ biến thành nhân. Nhân quả tương quan mật thiết, hằng biến chuyển không gián đoạn, cho nên nói nhân quả bất không. Trước ra hoa sau mới kết quả, vì hoa là nhân, sau đó là quả. Cho nên cúng hoa là đại biểu cho việc tu nhân, nếu cúng hoa đẹp chúng sẽ hái được quả ngon. Vì thế mỗi khi thấy hoa, chúng ta phải nhớ đến việc tu nhân thiện, tương lai sẽ được quả báo thiện. Ở đây, hoa có ý nghĩa là như vậy.

Cúng quả là đại biểu cho quả báo, là điều mà chúng ta mong cầu. Muốn có quả tốt chúng ta phải biết tu trồng hoa tốt. Trong Phật pháp Đại thừa, hoa được hiểu là đại biểu cho lục độ: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Tất cả những điều đó gọi là hoa lục độ, sau đó mới có thể đạt đến quả báo viên mãn. Cúng hoa có ý nghĩa là như thế. Cho nên, khi chúng ta cúng hoa cho Phật, hay lúc nhìn thấy các loài hoa, từng phút từng giây chúng ta đều luôn cân nhắc mình phải tu nhân thiện, tu nhân thiện sẽ được quả lành, đó là ý nghĩa cúng hoa quả lên Phật, Bồ tát.

Đến việc cúng dường thực phẩm, không có ý nghĩa quan trọng lắm. Thực phẩm là đại biểu cho tâm thành kính. Chúng ta muốn mình dùng những thức ăn ngon thì phải lấy những thứ mình ưa thích đó cúng dường đến Phật và Bồ tát. Đến việc thắp hương cũng vậy. Hương là đại biểu cho tín hiệu. Thời xưa tín hiệu được dùng rất rộng. Nếu ai có đi du lịch đến Vạn Lý Trường Thành sẽ thấy, cứ mỗi khoảng cách lại có một đài đốt lửa, đài này dùng để truyền tin tức, nó giống như một lư hương. Hồi đó, việc truyền tin không hiện đại như ngày nay, người ta dùng những đài này để làm việc truyền tin, nguyên liệu dùng để đốt các đài này là phân của con sói, nên độ khói lửa rất mạnh, không như lửa khói bình thường, gió không dễ thổi tắt được. Vì thế, khói có thể lan tỏa lâu dài, những nơi xa mỗi khi nhìn thấy khói sẽ biết được nơi đó có chuyện xảy ra. Hương hay nhang cũng là một biểu hiện của Phật pháp. Đốt nhang là phương pháp nhắc nhở chúng ta học tập, nghĩ đến việc tu giới, tu định, tu tuệ. Giới hương, Định hương, Tuệ hương là ba loại hương chân thật. Ba loại hương này thuộc năm phần pháp thân cùng hai loại nữa là giải thoát và giải thoát tri kiến hương. Cho nên dùng phương pháp cúng dường là để tự nhắc nhở mình tu học giới, định và tuệ.

Đến như việc cúng đèn cũng tương tự như thế. Đèn là ý tượng trưng cho ngọn đèn trí tuệ. Thời xưa thường dùng đèn dầu, đèn cầy, ý nghĩa của nó vô cùng thâm sâu. Nhất là đèn dầu, ngọn đèn ấy là ngọn đèn của chính mình, chiếu sáng cho tha nhân. Đó là phương pháp dạy chúng ta cầu trí tuệ, xả mình vì người, lấy trí tuệ, năng lực của chính mình mà phục vụ cho xã hội. Trợ giúp cho tất cả chúng sinh mà không cầu đền đáp, đó là phương pháp Phật dạy chúng ta. Cho nên hương đèn có ý nghĩa như vậy. Nếu chân chính theo đó mà làm, tự nhiên chúng ta sẽ được tráng kiện, sống lâu, cho đến như chuyện thăng quan, phát tài… chúng ta muốn đều có thể được, vì đó cũng là một phần của quy luật nhân quả. Chư Phật và Bồ tát có năng lực rất lớn, trí tuệ cao sâu vậy mà cũng không thể thay đổi được luật nhân quả, Phật và Bồ tát không thể giúp chúng ta thăng quan phát tài, chỉ có thể dạy chúng ta phương pháp tu học. Chúng ta nếu hiểu được rồi nương theo đó mà tu học, tự nhiên chẳng bao lâu sẽ đạt được. Cũng như muốn ăn dưa, chúng ta phải biết chọn giống dưa tốt để trồng, hàng ngày phải biết chăm sóc đúng kỹ thuật thì nhất định chúng ta sẽ có dưa ngon để ăn, không ai tự nhiên mang đến cho chúng ta.

Chúng ta nghĩ Phật sẽ mang sự thăng quan phát tài đến cho ta, nghĩ vậy chúng ta mê tín mất. Nhất định chúng ta phải hiểu biết ý nghĩa cho thấu đáo. Đến như việc cầu an, cầu tráng kiện hay trường thọ, Phật dạy chúng ta nếu muốn được, chúng ta nhất định phải thuận theo lẽ tự nhiên, cho nên Phật dạy luôn biết tự tại tùy duyên, chúng ta mới có thể đạt được hy vọng. Hai chữ “tùy duyên” có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Ví như người hiện đại thường nói là do hoàn cảnh môi trường sinh thái chi phối. Mọi người đã biết hoàn cảnh sinh thái trên trái đất này, không luận là thực vật hay động vật đều có mối tương quan hỗ trợ mật thiết với nhau. Nếu một mặt bị phá hoại, mặt còn lại nhất định sẽ bị ảnh hưởng. Đó là đạo lý mà ai cũng biết, vì hiện tại môi trường sinh thái của chúng ta bị phá hoại đến mức báo động, cho nên có nhiều loài thực vật và động vật không còn môi trường sinh tồn, thậm chí bị tuyệt chủng, nguyên nhân phát sinh đều do môi trường sinh thái không cân bằng.

Tinh thần, thể xác chúng ta, những yếu tố sinh lý bên trong và tinh thần nếu thuận theo đại tự nhiên tất nhiên sẽ được tráng kiện và trường thọ, đời sống chúng ta sẽ được an lạc tươi vui. Ngược lại chúng ta không thuận với tự nhiên, phá hoại môi trường sinh thái, nhất định chúng ta sẽ bị nhiều bệnh tật, những tai nạn thiên tai cũng không tránh khỏi. Phật dạy tâm chúng ta vốn thanh tịnh, bình đẳng, như Lục Tổ nói là “bản lai không một vật”. Song hiện tại, chúng ta do vô minh nên có vọng tưởng, chấp trước và phân biệt. Chính nguyên nhân này mà hàng ngày chúng ta có thương, yêu, giận, ghét… Tâm đã động thì bệnh tật làm sao tránh khỏi? Một nguyên nhân nữa là do chúng ta lười lao động, không hoạt động, đây cũng là lý do dễ sinh ra bệnh tật. Nhà Phật có phương pháp lạy Phật, đây cũng là phương pháp luyện thân. Trừ lạy Phật ra, lao động cũng là phương pháp dưỡng thân. Như vậy, tâm không có phân biệt, vọng tưởng và chấp trước, thương ghét, giận hờn thì thân tự nhiên tráng kiện, trường thọ.

Vì vậy, Phật pháp dạy cho chúng ta phương pháp nuôi dưỡng thân tâm. Đến như phước báo cũng vậy, người giàu sang có thể đạt được hạnh phúc mỹ mãn, người nghèo hèn cũng có thể đạt được hạnh phúc tương đồng, và người người cũng đều có thể đạt được hạnh phúc như vậy. Điều đó có nghĩa, giàu hay nghèo không quan trọng. Giàu nghèo không liên quan gì đến hạnh phúc. Phú quý hay bần tiện là do có tu phước tu đức hay không. Ví như người giàu có là do đâu? Do từ bố thí tài mà có. Bố thí là nhân, được giàu sang là quả. Gieo nhân nhất định phải thọ quả.

Chúng ta gieo nhân gì nhất định sẽ thọ quả ấy, đạo lý này tuyệt đối không sai. Nếu đời quá khứ và trong hiện tại, chúng ta không chịu tu nhân, lại muốn phát tài thì tài đâu mà có! Điều này nếu xem “Liễu Phàm Tứ Huấn” chúng ta sẽ hiểu rõ hơn. Thật vậy, “mỗi một miếng ăn miếng uống, chẳng phải do tiền định, tất cả đều có nhân duyên”. Phật, Bồ tát, thiên thần cũng không thể giúp được, dù chúng ta đã gieo nhân bố thí, khi nhân duyên đến giai đoạn chín mùi, tự nhiên chúng ta có thể phát tài mà chẳng phải do Phật, Bồ tát hay thiên thần linh hiển. Nếu quả thật những vị ấy linh hiển, thì trăm người cầu ắt trăm người phát tài, hoặc một trăm người cầu mà hết chín mươi chín người phát tài, nếu còn lại một người chưa phát tài cũng chưa thật sự gọi là linh. Chúng ta cần phải tỉnh táo, không bị người khác lừa, phải có lý trí phân biệt mới thật đạt được lợi ích. Cho nên phẩm vật cúng dường Phật và Bồ tát chỉ là một pháp tượng trưng, không phải là nhu cầu.

Chúng ta dùng những vật phẩm cúng dường là từng giây từng phút nhắc nhở chúng ta, ngày ngày tiếp xúc ngoại cảnh lục trần phải luôn luôn niệm niệm tỉnh giác, không bị mê hoặc, chính mà không tà, tịnh mà không nhiễm. Do đó có thể biết, vật phẩm cúng dường là tất yếu phải có. Nếu gia đình nào không có khả năng cúng dường các vật phẩm khác, tốt hơn hết là nên cúng dường một ly nước trong. Chúng ta có thể đứng trước Phật mà thành tâm cúng dường một ly nước. Đây là vật phẩm cúng dường quan trọng nhất, vì nước là biểu hiện cho tâm linh. Nước trong là tượng trưng cho tâm thanh tịnh, bình đẳng. Cho nên, mỗi khi nhìn ly nước, chúng ta sẽ nhớ đến tâm thanh tịnh, bình đẳng, vì vậy mới nói nước là vật phẩm cúng dường quan trọng. Chúng ta có thể thiếu những vật cúng như nhang, đèn, hoa quả… nhưng tuyệt đối không thể thiếu được nước. Nhìn thấy nước là luôn nhớ đến chính mình, luôn nhớ đến việc phải tu tâm thanh tịnh và bình đẳng. Tâm đó là tâm Phật, là chân tâm.
 

Nguồn: vuonhoaphatgiao.com