301 lượt xem

Ý nghĩa tên làng các tộc người bản địa tại Kon Tum

Cũng như các dân tộc thiểu số sinh sống trên đất nước Việt Nam, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Kon Tum sống quần cư một nhóm hộ đồng tộc lập ra làng gọi là Plei (Pơlây).

Mỗi Plei đều có một tên riêng. Tên của Plei thường gắn liền với đặc điểm địa danh nơi ở hoặc theo tên núi, sông, hồ và nguồn nước uống của họ; đôi khi được gọi theo tên của người có uy tín nhất trong làng.

Một ngôi làng của người Ba Na sống vùng ven hồ đặt tên là Kon Tum (làng Hồ). Kon Tum chia thành làm 2 làng Kon Tum Kơpâng (Làng Hồ Trên) và Kon Tum Kơnâm (Làng Hồ Dưới). Ở đầu nguồn nước của làng uống có cây Sung thì làng ấy gọi là Kon Hra ( Làng Sung ), có cây Cầy thì gọi là Plei tơ ngia, có cây Gòn gọi là Kon Blang….Gọi làng Plei Don vì nó nằm trên đất gò cao (Don: đất gò, trên cao), làng nằm trên lưng đồi đặt tên là Plei Groi ( Groi là lưng đồi ).

Xã Đak Rơ Wa lẽ ra phải viết chính xác là Đak Rơ bua nghĩa là Nước Môn (Rơ bua là môn), làng có nhiều bông gạo, người Ba Na Rơ Ngao đặt tên làng là Kon Klor (Klor: cây gạo), nơi có cây thông mọc nhiều gọi là làng Kon Hơ nao (Làng Thông).

Có những làng lúc ban đầu chỉ là một, về sau tách ra thành 2 hoặc nhiều làng khác, ví dụ như làng Kon HraKon Hơ ngo, Kon Mơ nay…Mỗi làng chia thành Kon Hra Kơ tu, Kon Hơ ngo Kơ tu, Kon Hơ ngo Klah và Kon Nơ nay Kơ tu, Kon Mơ nay Klah. Vậy từ Kơ tu ta hiểu là “ Nguyên thủy” và Klah có nghĩa là “ tách ra”. Một ngôi làng lập ra ở gần một con suối đang chảy, bỗng nhiên mất hút trong lòng đất, người ta đặt tên làng Đak Mot (Nước Vào); làng lập ra ở giữa 2 dòng sông Kroong Bơ Lah (Đăk Bla) và sông Kroong Pô Kô (Đăk Pơ Kô) tên là làng Plei Kroong (Làng Sông). Plei Kroong cũng chia thành 2 làng Plei Kroong kơ tu (Là làng gốc ) và Plei Kroong klah (là làng mới tách ra).

Dân tộc Xơ Đăng Tơ Đră cũng có các làng như Plei Kân (Làng Lớn), Đak Tô hay là Tea To (Nước Nóng) Kon Jri (Làng Cây Đa),Tea Mot (Làng Nước Vào) Kon Brah (Làng Cát), Đăk Phía (Làng có cây nứa ở đầu nguồn). Riêng làng Plei Yang roong có nghĩa là làng Trời Nuôi. Làng này có một sự tích khá hẫp dẫn.

Vì sao gọi là Plei Yang roong hay là làng Thần Nuôi? Sự tích có như sau:

Ngày xửa, ngày xưa, có một làng dân số dân số phát triển rất nhanh, bởi người ta sinh ra không bao giờ chết , cho nên họ đặt tên làng là Yang Roong.

Về sau, có một người dân làng Yang Roong vô tình phạm luật của thần làm thần tức giận nên thần đã tước bỏ đặc quyền “ hữu sinh bất tử” và buộc phải tuân thủ theo quy luật chung của tạo hóa.
Cách đặt tên của một làng người Gia Rai Arap thường được mang tên của người có uy tín nhất trong làng. Ví dụ như làng Plei Mor, Plei Sar, Plei Klêng, Plei Chôt, Plei Chôt, Plei Reh, Plei Tang…

Như vậy, xét về từ, tên của làng có ít nhất là 2 từ. Một từ đứng trước có thể là PleiKon hoặc Đăk… , từ thứ 2, chính là cái tên của làng. Ví dụ như: Plei Don, KonJRi, Đăk Mot,…Những làng có 3 từ như là Plei Tơ Ngia, Plei Rơ Wak, Plei Tơ WânKon đứng trước như Kon Rơ Bang, Kon Bơ Băn…Đứng trước cái tên làng là từ Đăk như Đăk Rơ Bua..
Đối với tộc người Gia Rai thường dùng từ Plei đứng trước tên của làng; ví dụ: Plei Sả, Plei Kenh, Plei Lung Leng, Plei Hơ Mrong,…Nhìn chung, các từ Plei, Kon, hay Đăk được hiểu là làng. Tuy nhiên, các từ trên nếu đứng riêng rẽ thì chúng lại mang ý nghĩa khác: Từ Plei có nghĩa là trái cây, Kon là con, và Đăk là nước.

Mỗi Plei là một đơn vị tự quản riêng biệt, đứng đầu có chủ làng (Bok Kơ Dă Ple) hoặc già làng (Bok Kră Plei) giữ vai trò quan trọng trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày của dân làng.Mọi việc điều hành trong lễ hội, hòa giải các mâu thuẫn trong làng đều do Bok Rră Plei hoặc Bok Kơ Dă Ple điều hành và giải quyết. Bok Kră Plei hoặc Bok Kơ Dă Ple thường là người có tuổi, giàu kinh nghiệm sống, am hiểu phong tục tập quán của làng, có nhiều uy tín và thậm chí còn được đặt tên cho làng.

Vì vậy, khi nghe đến tên gọi của một làng nào đó, người ta có thể biết được cội nguồn của tên làng ấy.

 
A Jar
baochinhphu.vn