Mỗi vùng đất, mỗi tên làng của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Kon Tum đều có những ý nghĩa đặc biệt, gắn liền với lịch sử hình thành, địa thế, đặc điểm nơi cư trú và cũng có khi gắn với những truyền thuyết, huyền thoại về vùng đất ấy...
Ý nghĩa tên làng
Đối với đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, tên làng không đơn thuần chỉ là từ để phân biệt cộng đồng dân cư này với cộng đồng dân cư khác, mà còn có nhiều ý nghĩa rất đặc biệt.
Tên làng đồng bào DTTS thường được bắt đầu bằng những chữ Kon, Đăk hay Plei… tuỳ thuộc vào từng dân tộc, họ có cách gọi tên làng khác nhau.
Tuy nhiên, tất cả lại giống nhau ở chỗ mỗi tên làng đều phải gắn liền với đặc điểm hình thành hay địa thế, địa hình và cả những truyền thuyết, huyền thoại, đôi khi nó còn được đặt theo tên của một vị anh hùng hoặc người có uy tín nhất trong làng.
Ông A Jar ở làng Plei Đôn (phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) cho biết: Khi lập làng, việc chọn tên làng là hết sức quan trọng, nó phải được sự đồng thuận của cả dân làng và phải tạo được nét riêng biệt của mỗi làng, vì thế tên làng là niềm tự hào, hãnh diện của mỗi người trong cộng đồng dân cư đó mỗi khi có người nhắc đến. Đa phần tên của các làng đồng bào DTTS thường gắn chặt với đặc điểm về nguồn nước sinh hoạt của mỗi làng, bởi yếu tố đầu tiên khi chọn một vùng đất để lập làng là phải có nguồn nước tốt; sau đó mới tính đến những yếu tố khác như đất đai rộng lớn, thuận lợi cho việc canh tác và đấu tranh phòng thủ để bảo vệ làng.
Ông A Ja dẫn chứng: Làng Plei Tơ Nghia (làng cây Kơ nia) - tức là khi làng này được lập, dân làng thấy giọt nước chính của làng ở dưới bóng cây Kơ nia nên đặt tên Tơ Nghia theo tiếng Xê Đăng; làng Kon Hra (tức làng này có nguồn nước dưới cây sung); hay như làng Đăk Phía (xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà) do nguồn nước của làng có rất nhiều nứa nên đặt luôn cho tên làng…
Tuy nhiên, ông A Ja cho hay, cũng có những tên làng gắn với một yếu tố thiên nhiên nào đó mang tính đặc trưng của vùng đất ấy, như làng Kon Klor (phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) có nghĩa là làng Cây bông vì ngày xưa ở vùng đất này có rất nhiều cây bông gòn, mùa trái chín bông bay kín cả một vùng; hay như làng Kon Hngor, có nghĩa là làng Cây thông vì vùng đất này trước đây có rất nhiều thông…
Theo quan niệm của đồng bào DTTS, tên làng không được đặt trùng nhau, đây là điều cấm kỵ, tuy nhiên, cùng với thời gian, cộng đồng làng ngày càng phát triển, không gian sống của nhiều làng ngày càng chật hẹp nên đến một lúc nào đó, nhiều làng phải tách ra để thành lập làng mới. Song họ luôn giữ cái gốc của tên làng, thế nên mới có những tên làng gốc và làng tách theo tiếng Ba Na là Kon Ktu (nghĩa là làng nguyên thuỷ) và làng Kon Klả (tức là làng tách ra). Chẳng hạn như làng Kroong Ktu (làng Sông) và làng Kroong Klả (làng sông tách ra), do đó ở vùng đất nào mà có làng Klả thì nhất thiết phải có một làng Ktu…
Những câu chuyện huyền thoại
Chúng tôi được ông A Jar kể cho nghe rất nhiều câu chuyện huyền thoại và thú vị về những vùng đất gắn với những làng đồng bào DTTS. Trong số đó, chúng tôi ấn tượng nhất về truyền thuyết của làng Yang Roong (xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum) - làng do Thần nuôi dưỡng.
Chuyện kể rằng, ban đầu trong làng, chỉ có một vài người được thần linh phái xuống để cai quản vùng đất đó và Yàng đã cho làng này đặc ân là con người sinh ra ở làng không bao giờ phải chết.
Thế nên, cộng đồng làng phát triển nhanh chóng, trong làng có những người sống cả vài trăm tuổi, người già, người trẻ không biết hết tên nhau, không phân biệt nổi giữa các thế hệ.
Tuy nhiên, có một sự cố xảy ra đã dẫn tới hậu quả nghiêm trọng khiến làng này thiếu chút nữa bị diệt vong.
Đó là, vào một ngày, có một thanh niên trong làng, trên đường đi săn về, anh ta đi qua một làng khác thấy người ta tụ tập rất nhiều, nhiều người thì khóc lóc vật vã, người thì đánh chiêng, nhảy múa rồi mổ bò, heo ăn uống…
Anh tò mò hỏi thì được biết đó là một đám chết, nhưng trong đầu anh ta lúc đó chưa có khái niệm “chết” nên anh quyết định ở lại để tìm hiểu.
Anh được dân làng giải thích chết nghĩa là người sống và người ra đi không bao giờ gặp nhau nữa nên họ thương xót, khóc lóc; còn đánh chiêng, ăn uống là để dân làng chia buồn, cầu mong Yàng đón nhận người chết, cho linh hồn họ được siêu thoát…
Khi về, anh mang câu chuyện kể cho dân làng nghe và mọi người ai cũng tò mò muốn thử xem chết là thế nào.
Vậy là mọi người lên rừng, tìm một con vượn vì nó có ngoại hình khá giống người và giết chết rồi mang về cũng bắt chước làm đám ma, khóc lóc rồi nhảy múa, ăn uống…
Nhưng họ không ngờ, việc làm của họ đã khiến cho thần linh nổi giận và trừng phạt bằng cách cho người chết thật để họ biết thế nào là đau xót.
Ban đầu là một vài người, sau đó cứ liên tiếp, trong làng vừa đưa người này đi chôn về lại có người khác chết, chết hàng loạt đến lúc dân làng sợ hãi, lo lắng về việc làng Yang Roong có thể bị xoá sổ khi không còn ai nữa.
Quá hoảng sợ, họ tìm đến một thầy cúng, vì theo quan niệm của họ đây là người có khả năng kết nối với thần linh để chỉ bảo cho họ cách chuộc tội.
Và thần linh đã giao cho họ một thử thách là phải tìm được lễ vật tất cả đều phải có màu trắng như: bò trắng, trâu trắng, dê trắng… cho đến khi dân làng tìm đủ lễ vật cúng thần thì mới thôi, tuy nhiên thần linh đã thu lại đặc ân không cho người dân được sống mãi mà đã sinh ra thì phải chết đi.
Hay như câu chuyện, ngày xưa vùng đất xã Ia Chim (thành phố Kon Tum) rất trù phú, cây trái mọc lên rất nhiều, hoa quả trĩu cành và ở đây lại có hồ nước trong lành, vì vậy chim chóc thường kéo xuống ăn hoa trái và uống nước kín cả bờ hồ. Sau này khi người ta đến ở, bắt đầu lập làng đã lấy câu chuyện để đặt tên làng nghĩa là làng Chim…
Giữ tên cho làng
Với đồng bào DTTS, tên làng có một ý nghĩa thiêng liêng và họ luôn rất tự hào về tên làng của mình. Chẳng thế mà, khi cộng đồng làng phát triển hoặc có một biến cố nào buộc phải dời làng đi nơi ở khác, dù đi họ cũng luôn cố gắng để giữ tên của làng mình.
Chẳng hạn như làng Đăk Wớt (xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy), trước đây làng Đăk Wớt vốn thuộc xã Hà Mòn (huyện Đăk Hà), nhưng khi thi công công trình thuỷ điện Plei Krông, làng đã di dời lên địa bàn huyện Sa Thầy. Mặc dù đến vùng đất mới, nhưng khi lập lại làng, dân làng vẫn giữ tên cũ vốn gắn bó bao đời, gắn liền với cội nguồn, tổ tiên của họ.
Không riêng gì làng Đăk Wớt, rất nhiều làng cũng vậy, dù di chuyển hay phải tách ra, họ cũng luôn giữ cái tên từ buổi đầu lập làng.
Tuy nhiên, có một thời gian, để tiện lợi trong cách gọi và quản lý hành chính, ở một số địa phương, tên các làng đồng bào DTTS bị đổi hoặc nhập 2 – 3 làng thành các thôn mang số đếm như: thôn 1, thôn 2, thôn 3. Tuy nhiên, với hầu hết người dân các DTTS họ đều không ưng cái bụng.
Bà Y Chiết (làng Kon Klor, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) chia sẻ: Tên làng truyền thống được đặt từ đời ông cha mình, nó gắn bó với vận mệnh, sự phát triển của dân làng từ bao đời nay và trong tâm thức mỗi người trong cộng đồng ấy, tên làng là niềm hãnh diện. Chính vì vậy, thay đổi hoặc đánh mất tên làng là đụng chạm đến tình cảm thiêng liêng của cộng đồng và từng con người của hiện tại và cả quá khứ.
Theo bà Y Chiết, nếu tên làng bị mất, lũ trẻ lớn lên sẽ không biết đến gốc gác của làng mình, ở đó có tổ tiên, có cội nguồn và như vậy nó cũng quên mất trách nhiệm bảo vệ, xây dựng làng mình.
Những tên làng đã có và được các cộng đồng dân cư gìn giữ cả hàng trăm năm nay, vì vậy, nó cũng là một phần của hồn làng. Vì thế, bảo tồn tên làng cũng là việc làm góp phần bảo tồn sự đa dạng về văn hoá của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh.
Thùy Hương
baokontum.com.vn