263 lượt xem

Bác sĩ Alexandre Yersin (1863 - 1943) - Kỳ Cuối

”Ông Năm” Yersin, kỳ cuối: Bình dị nhà bác học, nhà nhân văn

-Đã có nhiều tác phẩm điện ảnh, báo chí, văn học...đề cập cuộc đời và sự nghiệp của Alexandre John Emeli Yersin gắn liền những công trình nghiên cứu khoa học nổi bật cùng với cuộc sống bình dị, tấm lòng nhân ái sâu sắc của ông.  Trong đó, Yersin không chỉ được gọi là bác sĩ mà còn trân trọng vinh danh nhà bác học, nhà vi trùng học, nhà thám hiểm, nhà nhân văn lớn của nhân loại và là “ông Năm” kính mến của người dân Nha Trang.
 


(Yersin thời trẻ). Nguồn: Sưu tập

Trong cuộc đời và sự nghiệp của mình, Alexandre Yersin đã nhận Huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh – Huân chương cao quý nhất nước Pháp - cùng với các giải thưởng Francois Audiffred của Viện hàn lâm khoa học, giải thưởng Lasserre của Bộ giáo dục Pháp. 

Nếp sống bình dị

Trong hồi ký của kỹ sư Đặng Văn Vinh - nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục cao su Việt Nam - kể rằng, lần đầu ông gặp Yersin vào năm 1941 khi Trường Cao đẳng canh nông Hà Nội phân công thực tập 4 tháng ở Viện Pasteur Nha Trang.

Yersin mặc áo sơ mi hay bộ ka-ki bạc màu, đi giày vải bố, đeo đồng hồ qủa quýt “độc nhất vô nhị” vì chỉ có một sợi dây đỏ. Yersin lý giải: “Cái đồng hồ cho tôi giờ chính xác, đó là điều quan trọng, còn đeo bằng cách nào thì không quan trọng”.

Sau này nhiều người mới biết đồng hồ là vật dụng không thể thiếu đối với Yersin. Trong tủ của ông có nhiều đồng hồ, phần lớn bằng vàng, dây đeo cũng bằng vàng, tất cả do Thụy Sĩ sản xuất, phía sau mỗi đồng hồ có dòng chữ “Fabriqué specialement pour le Dr.A.Yersin” - nghĩa là “Chế tạo riêng cho Dr.A.Yersin”. 

Trong hồi ký của ông Phạm Văn Phê - một người dân Nha Trang đã phục vụ Yersin từ năm 1926 và đã qua đời năm 1998, có viết : “Trong suốt 18 năm phục vụ ở Viện Pasteur tôi chưa thấy lần nào ông phiền trách nặng lời, cau có, giận dỗi, mà luôn tỏ lòng vị tha với tất cả mọi người”.

 


(Bì thư và những con tem chân dung Yersin). Nguồn: Sưu tập
 

Tấm lòng và tình yêu thương nhân loại là chiếc chìa khóa để Yersin mở cửa trái tim người Việt ở những nơi ông đến. Trong hồi ký của mình, bác sĩ Kiều Xuân Cư - sinh năm 1919, người con của vùng quê Diên An, huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) đã tham gia hoạt động bí mật trong hai cuộc kháng chiến rồi trở thành cán bộ tình báo nội thị Nha Trang, sau này là một nhà từ thiện lớn có kể rằng, trước năm 1942 ông cùng những người bạn học ở Trường tiểu học Phủ Diên Khánh thường xuống Nha Trang tắm biển ngày hè.

Khi họ vào khu nhà của Yersin nghỉ mát, con nhồng réo gọi “Ông Năm ơi, ông Năm có khách”, Yersin bước ra với nụ cười thân thiện. Rồi ông dẫn cả nhóm đến Tủ sách hồng (Livre rose) để đọc những trang sách bổ ích. Có lần Yersin dẫn cả nhóm lên sân thượng, ngắm mặt trời qua viễn vọng kính.

Nhờ kính thiên văn và một số thiết bị khác, giữa tháng 11/1939 Yersin dự báo và vận động người dân xóm Cồn đến “lô cốt” hai tầng tránh cơn bão dữ cuốn đổ hàng chục căn nhà. Sau sự kiện đó, người dân xóm Cồn gọi ông Năm là “nhà tiên tri”, “vị cứu tinh dân chài”.

Ngoài kính thiên văn, trong nhà Yersin còn có máy phát tín hiệu Morse đầu tiên ở Đông Nam Á, thế nhưng ông vẫn ước mong xây dựng sân bay Nha Trang và mua máy bay vận hành hàng không Viễn Đông.

Dấu ấn lưu mãi

Tại TP Đà Lạt từ năm 1927 người Pháp xây dựng Trường trung học Đà Lạt, đến năm 1935, Công sứ Thị trưởng Đà Lạt tổ chức lễ công bố Trường trung học Đà Lạt vinh dự mang tên Trường trung học Yersin (Lycée Yersin).

Đến ngày 3/9/1976, cơ sở đào tạo đó trở thành Trường Cao đẳng sư phạm Đà Lạt. Kiến trúc ngôi trường này được Hội kiến trúc thế giới (UIA) công nhận là một trong số 1.000 công trình xây dựng độc đáo của thế giới trong thế kỷ 20.

Tại thành phố ngàn hoa trên cao nguyên Langbiang còn có Công viên Yersin và Trường Đại học dân lập Yersin Đà Lạt hình thành theo quyết định số 175/2004/QĐ-TTg ngày 1/10/2004 của Thủ tướng Chính phủ. 

Ở Khánh Hòa - nơi bác sĩ Yersin đã gắn bó sâu sắc hơn nửa thế kỷ - không chỉ có hai cơ sở nghiên cứu khoa học do chính ông sáng lập là Trại chăn nuôi Suối Dầu và Viện Pasteur Nha Trang, mà còn có ngôi chùa Linh Sơn – Khu mộ Yersin ở Suối Dầu - Thư viện và Bảo tàng Yersin.

Quần thể này được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia theo quyết định số 993/QĐ-BVHTT ngày 28/9/1990, cũng là trường hợp duy nhất ở Việt Nam đối với di tích của người nước ngoài. Cách đó không xa là ngôi trường trung học cơ sở ở xã Suối Cát, huyện Cam Lâm vinh dự mang tên Yersin.

Năm 1992, Hội ái mộ Yersin ra đời với hơn 700 hội viên là giới trí thức, văn nghệ sĩ, nhà khoa học…cùng nhau hướng thiện, hỗ trợ người nghèo bằng nhiều hoạt động xã hội - từ thiện, tham gia biên soạn tập sách “Yersin nửa thế kỷ ở Việt Nam” bằng hai thứ tiếng Việt - Pháp, phối hợp Đài truyền hình Pháp xây dựng phim tài liệu “Sentier de la Guérison celui du Dr Yersin” của đạo diễn Alain Bornet đã trình chiếu trên truyền hình Pháp.

Và cho đến nay, Hội ái mộ Yersin là tổ chức phi chính phủ duy nhất ở Việt Nam đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động.
 

(Phần mộ Yersin trên ngọn đồi lộng gió ở Suối Dầu, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa). Nguồn: Sưu tập
 

Trong Hội thảo quốc tế về Yersin ngày 1/3/1991, ngài Claude Blanche Maison - Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam - xúc động bày tỏ: “Cùng với các bạn, tôi đến đây để tưởng nhớ một người thầy thuốc, một nhà bác học, một nhà khoa học, nhưng trước hết là một nhà nhân văn.

Tất nhiên và trước hết tôi muốn chào người thầy thuốc luôn gần gũi với nhân dân, người đã sống hết sức giản dị và quan tâm chăm sóc cho nhân dân địa phương. Ông đã quan tâm đến môi sinh của con người. Đó là một nhà nhân văn chân thực”.

Trong khi đó, ngài J Dgesen F.B - Đại diện Tổ chức y tế thế giới OMS tại Việt Nam - khẳng định: “Yersin dành trọn đời mình phục vụ cho khoa học, nhân loại và Tổ chức y tế thế giới đã có sự phối hợp rất tốt với Viện Pasteur Nha Trang. Tôi tin chắc rằng nếu bác sĩ A. Yersin còn sống ông cũng sẽ rất vui lòng vì những hoạt động đó”. 

Còn GS, bác sĩ Phạm Song - Bộ trưởng Bộ Y tế lúc bấy giờ - chia sẻ: “…Bác sĩ Yersin là người đầu tiên tìm ra vi khuẩn dịch hạch, một căn bệnh đã làm chết hàng chục triệu người trên các châu lục từ những thế kỷ đầu sau công nguyên đến thế kỷ 18…

Yersin còn nhiều cống hiến khoa học khác góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân lúc đương thời, nêu gương một nhà khoa học đầy lòng nhân đạo, nếp sống giản dị, gần gũi với nhân dân lao động”. 

Đứng trước Khu mộ Yersin trên ngọn đồi bên đường xuyên Việt qua địa phận xã Suối Tân, huyện Cam Lâm và tượng Yersin trong công viên mang tên ông bên bờ biển Nha Trang, ai cũng bồi hồi xúc động và thành kính đặt những cành hoa huệ trắng tưởng niệm bác sĩ Yersin.

Bằng nếp sống giản dị, giàu tình cảm với người dân kết hợp với những công trình nghiên cứu khoa học đã thực hiện được, ông đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong lòng người dân Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Yersin thật sự là nhà bác học, nhà nhân văn lớn của nhân loại…/.

Tổng Hợp: SGT Group