362 lượt xem

Phan Bá Phiến

Nhà yêu nước Phan Bá Phiến, tự là Dương Nhân, và nhiều tên khác như: Hổ, Tuân, Tịnh, quê ở làng Tân Lược (hay Tân Lộc) huyện Hà Đông, tỉnh Quảng Nam nay thuộc xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.

Thuở nhỏ nhà nghèo, cha mẹ mất sớm nhưng ông thông minh, hiếu học, được bà nội nuôi cho ăn học đỗ cử nhân khoa Mậu Ngọ (1858), được bổ làm Tri huyện huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

Năm Quý Mùi (1883), quân Pháp gây hấn và chiếm Trung Kỳ, vua Hàm Nghi bỏ kinh thành ra lập chiến khu ở Tân Sở (Quảng Trị) xuống chiếu Cần vương, ông bỏ quan về quê cùng với Nguyễn Duy Hiệu, Trần Văn Dư thành lập nghĩa hội, đặt cơ sở ở Sơn Phòng Dương Yên (thuộc huyện Tam Kỳ) và “tân tỉnh” tại làng Trung Phước huyện Quế Sơn tỉnh Quảng Nam, lãnh đạo nhân dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi chống Pháp xâm lược.

Từ năm 1885-1887 lực lượng nghĩa quân đã làm tiêu hao rất nhiều binh lực địch. Sau khi bị Pháp và đội quân tay sai Nguyễn Thân đánh úp ở căn cứ Phước Sơn (thuộc Tiên Phước), ông và Nguyễn Duy Hiệu thoát được nhưng thế cùng, Nguyễn Duy Hiệu bàn với ông: “Việc đã không thể làm thì chỉ chết mà thôi. Nhưng chúng ta cùng chết một lúc là vô ích. Vậy ông nên chết trước, còn tôi sẽ giải tán đảng rồi đem thân cho Pháp bắt”.

Phan Bá Phiến khảng khái vâng theo, bèn mang đai, đội mũ hướng về kinh đô lạy 5 lạy tưởng nhớ các Vua có công dựng nước, rồi quay sang Nguyễn Duy Hiệu lạy 2 lạy nói: “Ông hãy gắng sức, tôi xin đi”. Rồi uống thuốc độc chết trước mặt nghĩa quân.

Ông mất ngày 21-9-1887 (5-8 âm lịch), rồi 10 ngày sau Nguyễn Duy Hiệu cũng tự đem thân cho Pháp bắt ở vùng Bắc Quảng Nam như đã hứa với ông.

Cảm về cái chết của Phan Bá Phiến, Phan Bội Châu có viết rõ hành trạng ông trong sách Việt Nam vong quốc sử.

Đề mộ ông, Phan Bội Châu viết: “Sống hiếu, chết trung. Vì nước sống tốt đẹp, vì dân chết oanh liệt. Ông quả đủ có hai đức sáng và trung kiên”
 
Nguồn : http://mobile.coviet.vn