296 lượt xem

Bài thuyết minh tour 6 tỉnh miền tây ( Phần 1- An Giang )

KHÁI QUÁT TỈNH AN GIANG

Diện tích: 3.536,7 km²

Dân số:2.151.000 người.

Tỉnh lị là Thành Phố Long Xuyên.

Gồm có các huyện: Châu Đốc, huyện An Phú, Tân Châu, Phú Tân, Châu Phú, Tịnh Biên, Tri Tôn, Chợ Mới, Châu Thành, Thoại Sơn.

Dân tộc gồm có: Việt, Khmer, Chăm và Hoa.

An Giang là một tỉnh miền Tây Nam Bộ, bắt đầu từ chỗ sông Mê Kông chảy vào nước ta chia làm đôi.

Phía Đông giáp với Đồng Tháp Phía Nam giáp Cần Thơ

Phía Tây Nam giáp Kiên Giang

Phía Bắc và Tây Bắc giáp Campuchia.

Khác với các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long bên cạnh vùng đồng bằng phù sa An Giang còn có một miền núi nhỏ dài 30 km, rộng 13km, đó là đám bảy núi (Thất Sơn) ở các huyện Tịnh Biên, Chi Tôn. Phía Tây tỉnh chạy song song với biên giới là kênh Vĩnh Tế được đào năm 1823 nối từ Châu Đốc tới Hà Tiên. An Giang nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nhiệt độ trung bình hàng năm là 270C. Lượng mưa trung bình là 1400 – 1500mm.

Có hai mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Hàng năm An Giang vẫn đón nhận con nước lũ khoảng từ hai tháng rưỡi đến 5 tháng và hình thành nên vùng nước nổi.

An Giang là tỉnh đứng đầu cả nước về sản lượng lúa trên 2 triệu tấn. Ngoài cây lúa còn có trồng bắp, đậu nành và nuôi thủy sản nước ngọt như cá tôm …An Giang còn nổi tiếng với các nghề thủ công truyền thống như lụa Tân Châu, Mắm Châu Đốc… Đặc biệt là nghề dệt vải thủ công lâu đời của đồng bào Chăm và nghề nuôi cá bè đặc trưng của vùng sông nước. Thành Phố Long Xuyên nằm trên hữu ngạn sông Hậu, cách Thành Phố Hồ Chí Minh 189 km được hình thành từ đầu thế kỷ 19.

Là tỉnh có 17 dân tộc sinh sống, đông nhất là người Việt sau đó là người Khmer, người Chăm và người Hoa. Mỗi dân tộc đều có một nét sinh hoạt văn hóa các lễ hội của mình. Người Chăm sống chủ yếu ở hai huyện Tân Châu và Phú Tân có các lễ hội như lễ Rômađol và lễ Hat gi…Người Khmer sống tập trung ở miền núi thuộc hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn thường tổ chức lễ hội khá nhộn nhịp và vui tươi sau các vụ mùa như là đua bò, lễ cúng trăng, đua ghe ngo… Tại An Giang có các tôn giáo đạo Phật, Cao Đài, Công Giáo, Hồi Giáo và Đạo Hòa Hảo.

Lịch Sử Địa Giới Hành Chính Tỉnh An Giang

An Giang (hiện nay) là vùng đất được cấu tạo bởi một địa hình khá kỳ thú: vừa đất rộng, sông dài với nhiều cồn bãi, cù lao giữa hai sông Tiền và sông Hậu (chiếm 30 % diện tích); vừa là nơi có núi, có rừng, phía bờ tây sông Hậu là vùng bán sơn địa “cò bay mỏi cánh” (khu tứ giác Long Xuyên, chiếm 69,9% diện tích). Đất đai phì nhiêu, kênh rạch chằng chịt, khí hậu ôn hòa, cộng với cảnh quan đặc trưng; mặc nhiên An Giang có sức cuốn hút mạnh đối với những ai quyết chí tạo dựng cho mình và xã hội một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Chính vì lẽ đó mà hiện nay, diện tích đất tỉnh An Giang là 3.424 km2 thì có đến 92 % là nông thôn; và nếu dân số đã lên đến trên 2 triệu người thì 83% trong số ấy chuyên sống bằng nông nghiệp. Trong đó 97% là tộc người Việt, 3% là các dân tộc Hoa, Khmer, Chăm.

THỜI NHÀ NGUYỄN

Năm Nhâm Thìn (1832), tỉnh An Giang chính thức được thành lập. Diện địa buổi đầu của tỉnh An Giang tương ứng với huyện Vĩnh An thuộc phủ Tân Thành (lệ vào trấn Vĩnh Thanh – Vĩnh Long). Theo “Gia Định thành thông chí”, huyện Vĩnh An trước là tổng, sau đổi làm huyện, lãnh hai tổng Vĩnh Trung và Vĩnh Trinh, gồm 81 thôn, phường. Phía đông giáp huyện Vĩnh Bình (sau thuộc Vĩnh Long), lấy từ ngữ câu ngang với tiểu câu Đồ Bà; rồi đến cửa sông Cái Bồn làm giới hạn; phía tây giáp phủ Nam Vang (Cao Miên), lấy cửa sông Tiền ngang đến thượng khẩu sông Hậu xuống đến cửa sông Cái Bồn làm giới hạn; phía Bắc lấy thượng khẩu sông Tiền bao cả những cù lao Cái Dừng, Bãi Tê, Bãi Tân, Bãi Ngưu, Bãi Long Ẩn, Cai Nga, Tân Phụng, Vĩnh Tòng, đến bờ phía Nam cửa sông Cái làm giới hạn.

Là một trong 6 tỉnh của Nam kỳ lục tỉnh, An Giang nằm vắt ngang giữa Nam kỳ, cặp theo bờ Tây hai nhánh Tiền Giang và Hậu Giang suốt từ biên cương đến biển cả, bao gồm nhiều cù lao trên sông Tiền và sông hậu. Có 3 phủ, 8 huyện.”Đông Tây cách nhau 94 dặm. Nam Bắc cách nhau 150 dặm. Phía đông đến sông Tiền Giang giáp địa giới huyện Kiến phong, tỉnh Định Tường 48 dặm. Phía Tây đến địa giới 3 huyện Hà Châu, Long Xuyên, và Kiên Giang, tỉnh Hà Tiên 49 dặm. Phía Nam đến biển 108 dặm. Phía Đông Nam đến địa giới 2 huyện Vĩnh Bình, Tuân Nghĩa, tỉnh Vĩnh Long 196 dặm. Phía Tây Nam đến địa giới tỉnh Hà Tiên 75 dặm. Phía Đông Bắc đến địa giới tỉnh Định Tường 26 dặm. Phía tây Bắc đến địa giới Cao Miên 44 dặm. Từ tỉnh lỵ đến kinh 2.300 dặm”. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí mô tả như vậy, nhưng không nói rõ khoảng cách tính bằng dặm là đo theo đường thủy hay đường bộ.
Thời thuộc Pháp.

Thực dân Pháp xóa bỏ Nam Kỳ lục tỉnh và chia ra nhiều tỉnh (hạt) nhỏ. An Giang bị chia làm 3 hạt là Châu Đốc, Sa Đéc và Ba Xuyên. Đến khoảng trước năm 1955, An Giang chia làm 5 tỉnh nhỏ là Châu Đốc, Long Xuyên, Sa Đéc, Cần Thơ, và Sóc Trăng. Về vị trí, địa bàn của An Giang bao gồm các hạt hoặc tỉnh vừa kể, cơ bản là không có gì thay đổi, nhưng trên phương diện hành chính, lúc này địa danh An Giang không còn.

Thời Ngô Đình Diệm

Cho đến năm 1956, do sắc luật số 143/VN ngày 22/10/1956 về việc “Minh Định Địa Giới Toàn Quốc” (hiểu là từ vĩ tuyến 17 trở vào), Nam Việt chia làm bốn miền Trung nguyên Trung Phần, Cao nguyên Trung Phần, Đông Nam phần và Tây Nam phần (cũng gọi một phần Nam Việt cũ). Tỉnh An Giang thuộc “phần” này, và được nhập lại từ hai tỉnh Long Xuyên v Châu Đốc. Tỉnh lỵ đặt tại châu thành Long Xuyên (nay là thị xã Long Xuyên). Dân số: 806.337 người; có 9 quận (An Phú, Châu Phú, Châu Thành, Chợ Mới, Tân Châu, Thốt Nốt, Tịnh Biên, Tri Tôn, Núi Sập), 16 tổng và 92 xã, 503 ấp.

Sau năm 1964

Sau khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ 1963, tỉnh An Giang được chia làm hai tỉnh Châu Đốc và An Giang (phục hồi tỉnh Châu Đốc; tỉnh An Giang như tỉnh Long Xuyên cũ nhưng giữ tên An Giang). Như vậy tỉnh An Giang lúc bấy giờ nhỏ lại.

Diện tích chung: 174.394 mẫu 22 mẫu tây (sic). Có 4 quận (Châu Thành, Chợ Mới, Thốt Nốt và Huệ Đức), 6 tổng, 38 xã, 254 ấp (tại thời điểm 1967).

Sau năm 1975

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, do nghị quyết số 245-NQ/TW ngày 20/09/1975 của Bộ chính trị ngày 20/12/1975, tỉnh An Giang được lập lại trên cơ sở hợp nhất ”tây Long Châu Tiền và Long Châu Hậu (tỉnh An Giang cũ, bao gồm cả Long Xuyên, Châu Đốc, trừ huyện Thốt Nốt)”. Cụ thể gồm các huyện Châu Thành, Thoại Sơn, Chợ Mới, Phú Tân, Châu Phú, Phú Châu, Tịnh Biên, Tri Tôn và hai thị xã Long Xuyên, Châu Đốc. Lúc này tỉnh An Giang phình to lên gấp đôi so với trước đó.

Do quyết định số 300 ngày 23/08/1979 của Hội đồng Bộ trưởng về việc điều chỉnh một số huyện và thị xã thuộc tỉnh An Giang, huyện Bảy Núi được chia thành hai huyện lấy tên là huyện Tri Tôn và huyện Tịnh Biên, nghĩa là bỏ tên Bảy Núi (mới đặt) phục hồi lại hai tên gọi cũ như trước. Và ngày 13/11/1991 do quyết định số 373-HĐBT của Hội đồng Bộ Trưởng, huyện Phú Châu (mới đặt) cũng được chia lại thành 2 huyện là Tân Châu và An Phú như trước.

Sau năm 1975 An Giang giao phần đất mà ngày trước gọi là Phong Thạnh Thượng lại cho tỉnh Đồng Tháp. Các tên gọi tỉnh Long Châu Sa, Long Châu Hà, Long Châu Hậu, Long Châu Tiền…đều bỏ. Cấp tổng bị xoá hẳn; thực ra chính quyền chế độ cũ đã bỏ cấp này từ lâu, nhưng vẫn sử dụng vai trò của chánh tổng một cách không chính thức.

Vào thời kỳ quân quản, sau năm 1975, cấp ấp vẫn được thừa nhận là cấp thấp nhất trong hệ thống chính quyền (có con dấu tròn, mực đỏ), mãi đến sau này mới bỏ hẳn (nhưng vẫn xem là cấp ”nhân dân tự quản”).

SỰ TÍCH CÙ LAO ÔNG HỔ

Ngày xưa Cù Lao Ông Hổ (nay là xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang) chỉ là một cồn cát nhỏ hoang vu, chưa có người đến. Hổ, báo, rắn rết, chim muông ngang dọc trên cồn. Lần hồi phù sa đắp cồn cát dài rộng thêm ra. Cho đến nay đã thành cù lao rộng lớn, chu vi ngót mười cây số, phù sa vẫn tiếp tục đắp bồi. Dưới cuối cù lao bao giờ cũng có một bãi phù sa mới ùn lại, nhão quánh đỏ hồng. Dân làng này gọi là bãi lan bồi.

Rồi không biết từ lúc nào, có những người phương xa âm thầm kéo đến, họ đốn tre kết bè vượt sông và dừng chân trên cồn đất không tên. Ngày ngày họ đốn cây, phát hoang lau sậy tạo lập cuộc sống nơi đây. Cuộc đời và thời gian lưu lạc đã dạy họ không ở đâu làm ăn sinh sống, cấy trồng tốt hơn đất bãi, đất cồn. Một vuông đất cồn hơn trăm vuông đất núi.

Cồn đất âm u dần dần quạnh quẽ. Người đến càng đông, rắn rết không còn, thú rừng lần lượt tìm về Bảy Núi. Đầu cồn đến cuối bãi bấy giờ san sát ruộng lúa, nương dâu, đồng cói. Người ta đào mương dẫn nước vào cồn, xây cầu, lập vườn cây ăn quả. Nhà cửa mọc lên đông đúc, có trường dạy chữ Nho, có tiếng thoi dệt lụa và có tiếng ngâm thơ trong thôn xóm.

Cuộc sống yên vui bỗng dưng náo động bất ngờ. Không biết từ đâu một con hổ thỉnh thoảng mò về ngồi lặng phía đầu cồn. Khi người này, khi người khác bắt gặp đang trong đêm sáng. Dân cồn không sợ. Họ là dòng dõi những người từng trải hiểm nguy, tinh thông võ nghệ, một con hổ có đáng ngại gì đối với sức lực và tài năng của họ. Nhưng dù sao cũng phải đánh đuổi nó đi để ngăn ngừa hậu họa có thể xảy đến cho trẻ nhỏ trong làng. Dân làng qui tụ trai tráng giỏi võ, gan lỳ bàn mưu đánh hổ. Cả người đứng tuổi cũng đòi được vào đội săn đuổi hổ.

Họ đào sẵn những đường hào gần nơi con hổ thường ngồi. Tay gậy tay dao sẵn sàng. Một đêm trăng sáng. Ánh trăng trên cồn bao giờ cũng trong sáng dịu dàng. Đêm trăng trên cồn man mác hơi nước sương sương. Quá nửa đêm hôm ấy, dưới ánh trăng ngời sáng, từ dưới bãi con hổ ung dung từng bước lên cồn. Dáng đi khoan thai, uyển chuyển như thể con người nhàn nhã ngắm trăng. Chờ hổ đến gần, mọi người hét lớn xông ra khỏi đường huơ gậy, huơ dao đuổi hổ. Không chút hốt hoảng con hổ nhẹ nhàng nhảy một bước khá xa rồi biến mất sau những lùm cây.
Những lần sau, cũng vào tuần trăng, trai tráng trong làng lại ra đường hào rình đuổi hổ. Và cứ thế không biết bao nhiêu lần khi đoàn người xơng ra hổ lại biến mất trong bóng cây. Điều hết sức ngạc nhiên không một lần nào con hổ chống trả hoặc hại người. Có lần người ta thử ngồi im trong đường hào xem con hổ làm gì. Nó lặng lẽ đến bên hai mộ cũ, ngồi im hồi lâu rồi bước nhẹ xuống bãi, biến vào rặng lau dày sát bên mép nước.

Như vậy, con hổ đến đây không phải đi kiếm mồi, phá phách xóm làng. Từ lúc phát hiện con hổ về làng tới lúc này chưa nhà nào bị hổ cắp con chó, con heo. Vậy nó về làng này phải vì lý do nào khác. Một điều lạ nữa là sao nó không đến nơi nào trong xóm mà lần nào cũng ngồi bên hai ngôi mộ cũ? Có người ngỡ ngàng rằng nó muốn moi xác người dưới mộ. Không có lý. Người dưới mộ chết đã nhiều năm rồi da thịt còn đâu mà hổ định moi. Giống hổ tinh khôn, hầu như không bao giờ nó ăn mồi thúi. Hoặc là thần hổ? Giả thuyết này có người nghĩ đến, nhưng chưa có cơ sở đáng tin. Dân cồn này xem xét điều gì quen dựa vào sư thật, ít người nghĩ theo nếp nghĩ hoang đường. Gần tan cuộc họp, một vị bô lão râu dài cao tuổi nhất trong làng, lại là người thông hiểu chữ Nho, người thầy dạy chữ trên cồn từ tốn đứng lên xin nói. Giọng cụ già đĩnh đạc rõ ràng:

– Thưa các vị, tôi nhớ ra rồi, con hổ này không phải là hổ dữ, cũng không phải hổ thần. Có vẽ con hổ đã quen lắm với xóm làng này. Bởi nó về đây với phong thái ung dung, không có vẻ dữ tợn của hổ đói đi kiếm mồi. Lặng lẽ đến, lặng lẽ đi. Đến lần nào cũng chỉ im lìm ngồi bên hai ngôi mộ cũ. Người dưới mộ là ai? Tôi nhớ ra rồi – giọng cụ gi phấn chấn – đó là vợ chồng bác thuyền chài mất trong trận dịch tả mùa hè Ất Mão…

Ai nấy ngạc nhiên, tất cả chăm chăm nhìn ông lão, chờ nghe chuyện chỉ con hổ lại dính dáng qua cái chết của bác thuyền chài? Cuộc họp im phăng phắc. Cụ già nghiêm trang nói tiếp:

Bà con, các vị nghĩ tiếp với tôi xem có đúng thế này không. Cái nghĩ riêng của một người không phải lúc nào cũng đúng cả. Tôi nhớ bác Năm Vạn, thuyền chài không con. Hai ông bà sống với chiếc thuyền nhỏ và ngôi nhà phía trên bãi sậy. Từ lâu đất cồn này không còn hùm beo, rắn rết. Không hiểu sao, một sáng sớm hai vợ chồng bác Vạn đang chèo thuyền đánh cá ven cồn, chợt thấy con mèo hì hục dưới bờ lau. Hình như ai quẳng nó xuống nước – mèo mà xuống nước chỉ có chết đuối thôi – con mèo cố hết sức tìm cách vào bờ, nhưng rặng lau sạy dy qu dường như nó kiệt sức, trồi lên hụp xuống mấy lần rồi. Bác thuyền chài bảo vợ: « Thôi chèo vô vớt giùm nó lên đi bà. Vợ bác thuyền chài do dự: « một lát nó cũng lên được thôi, thăm cho xong lưới cái đã, để chậm cá lớn đến ăn cá trong lưới của mình ». Bác Năm Vạn ôn tồn: « Chẳng mất đi đâu. Dù có, cũng chỉ một hai con, mình nghèo nhiều chứ đâu phải nghèo đôi ba con cá. Vớt giùm con mèo lên đi. Lòng nào thấy nó lâm nguy đứng nhìn nó chết ». Bà vợ nghe phải, quay mũi thuyền vào chỗ con mèo sắp chết đuối. Bác Vạn nhanh tay vớt con vật vừa hụp xuống mặt nước – có lẽ nó vừa cố ngoi lên lần cuối – bác bỏ con vật ướt sũng vào thuyền. « Ô, hổ con! Nó bị con gì cắn cụt mất khúc đuôi ». Vợ bác thuyền chài hô hoảng. Bác Vạn mỉm cười: « Cũng chả sao, đem về nuôi cho vui cửa vui nhà ». Vợ bác thuyền chài trố mắt: « Thôi đi! Ai lại nuôi hổ trong nhà ». Bác Vạn cười to: « Ở rừng, theo bản năng nòi giống hoang sơ, nó sẽ hung hăng như hổ mẹ, hổ cha. Mình nuôi nó theo nếp của con người, nó sẽ lành như chó như mèo, bà coi ». Vợ bác Vạn tỏ vẻ không tin, bác nói thêm với vợ: « Mình xem kìa, nó lạnh run, tội nghiệp quá! Nó nhìn mình sợ sệt, có dám hầm hè đâu. Con thú nào cũng sợ người ngay khi nó ngang dọc trong rừng. Nó cắn người là khi nó đói hoặc tự vệ theo bản năng sợ sệt. Mình không nhớ ngoài quê, người ta nuôi gấu, nuôi voi. Nhà vua còn nuôi hổ lớn làm trò vui ». Bác thuyền chài lấy giẻ khô buộc chặt cái đuôi chảy máu và lau nước trên mình con hổ con. Bác vuốt ve con hổ, nó đau đáu nhìn bác. Bác nhìn vào đôi mắt ngây dại của nó « Đói hả con? Cho mày con cá ». Bác Vạn cầm con cá bóng mẫy đưa tận mồm con hổ: « Ăn đi. Mẹ mày đâu? Đã bị người ta giết đi hay đã lạc nơi nào? Tội nghiệp, mới bây lớn mà đã mồ côi. Thôi về ở với tao, tao nuôi. Lớn khôn đừng hung, đừng ác nghe con ».

Con vật bé nhỏ nào cũng nể sợ con người – dù nó thuộc giống loài hung dữ – và sẽ bị chinh phục bởi trí khôn ngoan, lòng dũng cảm và đức độ con người. Hổ con ngoan ngoãn với vợ chồng bác thuyền chài. Bác cho nó ăn no, nhẹ nhàng dạy dỗ và kịp thời ngăn chặn thói tật bản năng của nó. Mỗi lần con hổ muốn giở trò đuổi chó rượt gà, bác Năm Vạn quắc mắt, hét to, lôi nó lại, giơ cao tay, nhưng vỗ nhẹ vào mõm nó. Hổ con biết sợ nằm im. Có lúc nó hằm hè, bác quất một roi mót thật đau và trừng phạt không cho ăn đúng buổi. Khi nó ngoan, bác dắt nó xuống sông tắm mát, cho nó con cá to, hoặc miếng đường mía người ta làm tại đất cồn. Mấy năm sau con hổ lớn lên, có người bảo xẻ thịt hổ đi, da bán lắm tiền, xương nấu cao quí lắm. Năm Vạn lắc đầu: « Biết vậy, nhưng nó ngoan ngoãn, giết sao đành. Vả lại không nên vô cớ giết hại sinh linh. Tôi thường niệm Phật, không nỡ làm điều này. Nếu có dữ không dạy được, không đợi bà con bảo, tôi cũng ra tay ».

Thình lình dịch tả lan đến đất cồn. Nhiều người được kịp thời cứu mạng. Chẳng may, vợ chồng bác Năm Vạn không thoát khỏi cái nạn hiểm ngèo. Bà con chôn cất hai bác trên gò đất cồn. Con hổ không còn người nuôi, nó vẫn ở trong ngôi nhà của bác Vạn. Nhớ lời bác Vạn còn sống, không ai làm gì con hổ. Tội nghiệp nó đói – và sợ nó đói có thể phá phách xóm làng – người này quẳng cho nó con cá, người nọ ném cho nó miếng xương heo. Con hổ vẫn sống qua ngày trong tình thường của người cứu mạng nó.

Đột nhiên một trận giông to xảy đến, mưa gió tầm tã mấy đêm ngày. Dòng sông cuồn cuộn sóng. Sóng ập cả lên cồn. Ngôi nhà hoang của bác thuyền chài từ lâu không ai chăm sóc cột kèo ru mục sập đổ ngay trong đêm tối mưa giông. Mấy ngày sau người ta không thấy con hổ ở đâu, không biết nó trôi dạt nơi nào. Và nhiều năm qua bà con không còn nhớ con hổ do bác Năm Vạn dưỡng nuôi. Bây giờ lại có hổ về đây… Cụ già, dừng lại, vẻ suy nghĩ, đắn đo, thận trọng:

– Tôi không thấy mặt con hổ này. Anh em, ai đã gặp nó thử xem có phải con hổ của bác Năm Vạn không? Tôi tin nếu không phải con hổ của bác thuyền chài thì không có con hổ nào có hành vi lạ lùng như vậy. Rình mồi sao lại ngồi chỗ trống và chỉ ngồi bên hai ngôi mộ của vợ chồng bác Vạn mà thôi. Giống hổ biết ơn người. Tôi từng nghe ở vùng Bảy Núi, có lần bà mụ trong xóm bị hổ cắp đi. Xóm làng xôn xao, dân làng ó la dậy xóm, ngỡ rằng bà mụ đã bị hổ thịt rồi. Nào ngờ hừng sáng hôm sau, thấy bà lót tót mò về.

Bà con mừng rỡ xúm lại thăm hỏi. Bà vui vẻ cười: « Chẳng có gì đâu, chẳng là con hổ cái chuyển bụng, hổ đực đến cõng tôi vào đỡ đẻ cho con kia. Đẻ xong, tôi nói: «Tôi về

». Hổ đực lại cõng tôi đưa tới đầu làng ». Vậy rồi tới hôm sau, con hổ ấy vác một con heo rừng đến ném ngay cửa nhà mụ, có lẽ tạ ơn. Đặc tính của hổ là đi kiếm ăn xa, dầu bao xa cũng về chốn cũ. Rủi có chết dọc đường, phút cuối cùng cũng quay đầu về núi. Con hổ này, tôi chắc là con mà bác thuyền chài đã cứu, đã nuôi. Trên đời này, ơn nào bằng ơn cứu mạng, dưỡng nuôi. Con hổ nó nhớ người cứu nó, nuôi dưỡng nó, nhớ hang ổ, nhớ rừng. Ổ hang của nó là mái nhà bác Vạn, rừng của nó là cồn cát này. Làm sao nó quên được người ơn và cái nơi nuôi nó sống. Nó về đây là phải. Thôi từ nay ai thấy nó về cứ để nó yên, đừng xua đuổi. Nó có phá phách, làm hại ai đâu. Nó biết nghĩa, đáng quí, đáng thương.

Từ ấy, không ai xua đuổi khi con hổ về làng. Họ coi nó như đứa con hiếu thảo. Và như thế, mỗi năm đôi lần nó về cồn, ngồi bên mộ của bác thuyền chài.

Bỗng một hôm dân cồn trông thấy xác con hổ cụt đuôi trôi dạt vào bờ lau phía dưới cồn. Đúng là con hổ của bác thuyền chài. Hẳn nó vượt sông về thăm chốn cũ gặp sóng to, đuối sức, không kịp đến bờ. Thương con vật có nghĩa, biết nhớ ơn người, dân cồn vớt xác nó lên chôn gần ngôi mộ vợ chồng bác Năm Vạn. Họ dựng lên ngôi miếu nhỏ để thờ, để nhớ bác thuyền chài nhân hậu và con hổ biết nghĩa biết ơn.

TIỂU SỬ BÁC TÔN ĐỨC THẮNG

Ông được sinh ra tại cù lao Ông Hổ, thuộc tỉnh An Giang. Là con trai đầu lòng của ông bà Tôn Văn Đề. Năm 1906 ông rời bỏ quê hương lên Sài Gòn làm nhiều nghề để sống như: sửa máy tàu, xe hơi,… Ông thường đến thực tập và làm việc tại công xưởng Ba Son một cơ sở sửa chữa tàu bè của Pháp. Sau đó ông làm việc trên chiến hạm Frăngxơ.

Tháng 12-1918 chính phủ Pháp đưa quân đánh vào vùng biển Đen của Liên Xô. Trong số lính đó có cả chiến hạm Frăng-xơ nơi bác Tôn làm việc. Và chính bác cùng với các đồng chí trên tàu đã kéo cờ đỏ lên đỉnh cột cờ của chiến hạm tuyên bố phản chiến và tỏ thái độ thân thiện với chiến hạm của Hồng quân Liên Xô. Chính vì thế mà bác bị đuổi về nước.

Sau khi về nước bác làm việc tại Sài Gòn và được kết nạp vào Việt Nam Thanh Niên cách mạng đồng chí hội.
Năm 1929 bác bị địch bắt tại chân cầu Kiệu và bị giam gần một năm tại khám lớn Sài Gòn. Sau đó chúng tuyên án bác 20 năm tù đày đi Côn Đảo.

Mãi đến cách mạng tháng tám thành công bác và các tù chính trị khác được quân cách mạng đón về. Năm 1946 ông ra Hà Nội họp quốc hội và gặp được Hồ Chí Minh. Sau nhiều năm hoạt động cách mạng, đến năm 1969 Hồ Chí Minh qua đời và ông đã lên làm chủ tịch nước từ năm 1969-1980.

Ngày 30-08-1980 ông qua đời tại Hà Nội, thọ 92 tuổi.

Về đời tư, ông có duyên tình đặc biệt với bà Đoàn Thị Giàu là em của Đoàn Công Sứ, người bạn thân của ông tại Pháp. Bác Tôn luôn thích cuộc sống giản dị, ăn những món ăn quê nhà. Tóm lại Bác mãi mãi là tấm gương sáng cho mọi thế hệ.

HUYỆN CHÂU THÀNH: có thị trấn An Châu (tại đây người Chăm sinh sống rất nhiều)

DÂN TỘC CHĂM )

Hầu như toàn bộ dân cư người Chăm An Giang là tín đồ Hồi Giáo khác với người Chăm ở miền Trung số đông theo Bà La Môn giáo hay đạo Ba Ni (tức Hồi Giáo cũ). Thế kỷ 18 người Chăm ở Thuận Hải di cư lên Cam-pu-chia, Thái Lan để chống lại sự đàn áp của triều đình nhà Nguyễn. Ở Thái Lan, Cam-pu-chia họ lại bị chính quyền phong kiến đàn áp nặng nề hơn nên phải tìm đến vùng Đồng Bằng sông Cửu Long sinh sống. Thực hiện chính sách “phên dậu” dùng người dân tộc ít người để che chở cho các đồn cũ biên phòng. Chính quyền nhà Nguyễn đã định cư người Chăm ở vùng đất cù lao đối diện với khu đồn trú Châu Đốc (thị xã Châu Đốc) để bảo vệ vùng nội địa.

Cấu trúc gia đình và dòng họ người Chăm được thành lập theo phía bên cha. Khác với người Chăm ở Thuận Hải, người Chăm ở Đồng Bằng sông Cửu Long đặt tên cho con kèm theo tên cha của đứa bé và đặt tên cho đứa bé gái kèm theo tên mẹ.

Nội hôn theo dòng cha là đặc điểm cấu trúc hôn nhân của người Chăm ở đồng bằng sông Cửu Long và khác với cấu trúc ngoại hôn ở người Chăm Thuận Hải. Chế độ đa thê được luật Hồi Giáo cho phép (tối đa 4 vợ) song thực tế chỉ có người giàu mới lấy được nhiều vợ. Gia đình một vợ một chồng là cấu trúc gia đình thực tế ở đồng bằng sông Cửu Long. Tuổi hôn nhân thường từ 18-20 đối với nam và 17-18 đối với nữ. Hiện tượng hôn nhân hỗn hợp Chăm Việt diễn ra tương đối phổ biến thường là chồng Chăm vợ Việt người vợ phải cư trú bên chồng và chấp nhận phong tục luật lệ Hồi giáo. Ở thành phố Hồ Chí Minh có trường hợp chồng Việt vợ Chăm v sau khi cưới người vợ Chăm về cư trú trong khu người Việt theo phong tục người Việt. Con trai Chăm (Châu Đốc) đi cưới vợ chứ không phải như ở Thuận Hải con gái Chăm đi cưới chồng. Tục ở rể còn duy trì người con trai phải về bên nhà vợ 3 năm liền ở thành phố Hồ Chí Minh tục lệ này được rút xuống 3 ngày đêm sau đó vợ chồng có thể tự do ở bên chồng hoặc bên vợ hoặc ra ở riêng. Trong gia đình người chồng giữ vai trò chính trong các hoạt động kinh tế, họ làm chài lưới, làm ruộng, lo nguyên liệu dệt, người đàn bà lo việc bếp núc nhà cửa, trông nom con cái và dệt vải. Đó là một nghề thiêng liêng của họ hầu như nhà nào cũng có khung dệt vải. Theo luật Hồi Giáo người con gái không được thừa kế tài sản cha mẹ nhưng thực tế ở Đồng Bằng sông Cửu Long người con gái vẫn được quyền thừa kế nhưng phần chia ít hơn của người con trai trong gia đình.

Ngày thứ sáu hàng tuần mọi người đàn ông và con trai tắm rửa ăn mặc sạch sẽ để đến giáo đường làm lễ. Sau buổi lễ họ hội họp lại tại một nhà rạp lớn gọi là Palây để bàn tính công việc chung của cộng đồng. Hiện khu vực An Giang có khoảng 11.000 người, khu vực Thuận Hải có khoảng 42.000 người. Về cơ bản tiếng nói người Chăm ở hai vùng này giống nhau chỉ khác nhau ở những từ có liên quan đến tôn giáo, chữ viết. Người Chăm An Giang dùng hệ thống chữ Ả Rập còn người Chăm Thuận Hải thì dùng hệ thống chữ Chăm cổ (một biến thể của chữ Phạn Cổ). Người Chăm Châu Đốc rất thích nghệ thuật, kể chuyện cổ tích mang tính chất dân gian lãng mạn, trữ tình của tình yêu trai gái hoặc mang tính chất đạo Islam. Những bài vè, bài hát với làn điệu độc đáo…

LỄ ROYA IDIL ADHA

Cùng với cộng đồng người Chăm theo đạo Bà La Môn, người Chăm ở An Giang theo đạo hồi cũng có một hệ thống lễ hội riêng. Lễ Roya Idil Adha tổ chức từ ngày 7-10 tháng 12 hồi lịch, tương đương với các ngày thượng tuần tháng 6 dương lịch được coi như lễ tết truyền thống, gắn liền với việc hành hương đến thánh địa Mecca. Đây là dịp để mọi người trở về sum họp với gia đình, thăm hỏi vui chơi cùng bà con trong làng hay khu vực cùng nhau tiễn năm cũ đón năm mới, trong gia đình phụ nữ trổ tài nội trợ, nam giới ăn mặc tươm tất đến thánh đường. Vào ngày 10-12 hồi lịch, các gia đình người Chăm khá giả tổ chức lễ hiến sinh một con bò thay vì làm lễ một con cừu theo tục lệ. Tục “hiến sinh” vào mùa hành hương để biểu lộ đức tin tuyệt đối vào thượng đế Allah, khuyên nhủ mọi người thực hiện tốt đức tin và làm trọn vẹn 5 bổn phận căn bản của mình để được Allah cứu giúp, thịt của con vật hiến sinh được chia đều cho các gia đình để biểu thị tình tương thân tương ái. Sau phần hành lễ, các cộng đồng người Chăm tổ chức vui chơi sinh hoạt văn hóa, thể thao như ca hát, đua ghe, thi đấu bóng đá.

LỄ HỘI CHUYỂN MÙA

Rica Nưkar (Rija Nưgar – đọc là Richà Nưn Cằn) là một trong những lễ hội truyền thống của người Chăm và được tổ chức vào đầu năm. Lễ hội Rica Nưkar còn là một trong những lễ hội chung cho người Chăm (cả Chăm Bàlamôn và Chăm Bàni) và mang tính khu vực, toàn vùng. Ngay cái tên của lễ hội đã phần nào nói lên tính chất rộng và chung của lễ hội: Nưkar có nghĩa là xứ sở, là đất nước… Không chỉ rộng và chung, cái tên Nưkar, qua nghĩa mang tính địa lý, chừng nào cũng cho thấy đây là một lễ hội truyền thống xưa mang tính toàn cộng đồng của người Chăm chứ không thể là một lễ hội mới được nhập vào từ bên ngoài cách đây vài thế kỷ.

Đúng là chữ Rica có thể là Chà Và hay Java như không ít người Chăm tin và không ít những nhà nghiên cứu cho là như vậy. Còn những tác giả từ điển Chàm – Việt – Pháp thì giải thích thuật ngữ Rica (đọc là Rijà) hay Raca (đọc là Raja) là lễ múa, giải thích thuật ngữ ghép Rica Nưkar hay Rica Nưkar là lễ múa tống ôn đầu tháng giêng Chăm.

Đúng là Rica Nưkar là lễ hội đầu năm, là lễ tống ôn, là lễ hội chung cho người Chăm thuộc cả hai đạo Bà La Môn và Bà Ni, là lễ hội có múa. Thế nhưng thực chất cũng như nguồn gốc của lễ hội này là gì và như thế nào thì cho đến nay chưa một nhà khoa học nào đặt thành vấn đề và phân tích vấn đề cho thật sự khoa học. Các tác giả cuốn “Người Chăm ở Thuận Hải” và cuốn “văn hóa Chăm” đều chỉ dành vẻn vẹn đúng có một trang để giới thiệu qua lễ hội Rica Nưkar của người Chăm. Các tác giả của các công trình kể trên đều cho rằng Rica Nưkar là lễ cầu xin Thần Mẹ xứ sở và các vị thần linh giúp cho người Chăm tránh được những điều xấu xa, xui xẻo trong năm cũ như ốm đau, hạn hán, sâu bệnh, chuột bọ phá hoại mùa màng… cầu xin những điều tốt lành như sức khỏe và sự bình yên cho xóm làng và mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi… Đúng, chức năng của Rica Nưkar có là như vậy, nhưng khái quát như vậy thì quá chung, và chính vì vậy nên cũng chưa thật đúng. Rica Nưcar trước hết là nghi lễ chuyển mùa và có ý nghĩa đối với công việc canh tác khá đặc trưng của người Chăm ở một vùng đất cũng rất đặc biệt trên đất nước ta. Rica Nưcar là sản phẩm của vùng đất Ninh Thuận-Bình Thuận và của những người Chăm sống và làm nông nghiệp ở đây.

Mặc dù cũng như nhiều vùng khác trên đất Việt Nam là cùng nằm trong vùng khí hậu Á Châu gió mùa, nhưng một số đặc điểm của địa thế đã khiến cho vùng Ninh Thuận-Bình Thuận trở thành vùng khô hạn nhất nước ta. Nhìn chung, theo các nhà khoa học, chính hệ thống gió mùa này đã ấn định 2 mùa rõ rệt tại Việt Nam. Từ tháng 10 đến tháng 4 (mỗi mùa chỉ kéo dài 2 tháng): mùa xuân (vasanta), mùa hạ (giusma), mùa mưa (varsa), mùa thu (sharat), mùa đông (hemanta) và mùa lạnh (sisira).

Trong khi đó lịch của Chăm chỉ có 3 mùa: Păl Kabo (mùa có tiếng sấm đầu tiên rền buổi đầu năm), từ tháng 1 đến tháng 4 Chăm (tức từ tháng 4 và 5 đến tháng 7 và 8 dương lịch) và là mùa gieo hạt.

Păl Halim Hacan (mùa mưa gió) từ tháng 5 đến tháng 9 Chăm (từ tháng 8 và 9 đến tháng 12 và 1 dương lịch) và là mùa nước lớn vì lúc này nước lũ từ trên vùng núi chảy xuống nhiều.

Păl Pinh-Piang (mùa nóng nực, mùa trơ trụi) từ tháng 10 đến tháng 12 (tức từ tháng 1 và 2 đến tháng 3 và 4 dương lịch) và là mùa gặt hái đã xong, ruộng đất còn trơ gốc rạ; trời nóng cây cỏ không mọc nổi thậm chí bị cháy xém đi; vì thế mùa này còn được gọi là mùa nắng.

Như vậy là, Rica Nưkar của người Chăm là lễ hội của tháng đầu năm, của những ngày đầu của tháng đầu năm. Rica Nưkar xét về thực chất cũng như nguồn gốc là lễ hội của cư dân làm nông nghiệp, nghĩa là lễ hội để chuẩn bị đón và bước vào một năm mới. Ngay tên gọi của mùa đầu tiên trong năm: « Mùa có tiếng sấm đầu năm » đã phần nào nói lên tính chất nông lịch của lễ Rica Nưkar. Và sau lễ đầu năm này người Chăm bắt đầu bắt tay vào gieo trồng.

Theo điều tra của các nhà khoa học, ở những nơi có ruộng 2 vụ, vụ đầu thường gieo cấy vào khoảng tháng 2, tháng 3 Chăm lịch (tháng 5 và 6 dương lịch), nghĩa là sau khi sao Rua xuất hiện vào dịp đầu năm của người Chăm và người Chăm dựa vào sự xuất hiện của sao Rua để điều chỉnh lịch của mình. Sau lễ hội Rica Nưkar, khắp nơi, khắp chốn trong vùng cư trú của người Chăm, đất trời, thiên nhiên và con người như sôi động lên để vào vụ làm ăn, như những câu ca dao của người Chăm mô tả:
 
‘Mùa này rắn rết đầy đàn
Đến khi gặt lúa, họ hàng rất đông’

Hoặc:
Tạo xe lập chuồng nuôi trâu
Vóc to, sức mạnh để sau cậy nhờ
Vét mương, ngăn đập, đắp bờ

Xuyên rừng băng núi cho nhờ đồng tâm
Hay:
‘Chờ cho nước lũ, mưa dầm
Ruộng cày gieo lúa, đất bần trồng khoai
Trồng cà, trồng mướp, bí ngô

Tạm lòng vững dạ, đợi chờ lúa khoai’.
 
Và, điều lý thú nữa là, trước lễ Rica Nưkar ít ngày, vào ngày thứ ba tuần đầu tiên của lịch Chăm (lễ Rica Nưkar thường vào ngày thứ năm thứ sáu đầu tuần) hàng năm, người Chăm làm lễ Pơh băng yang (lễ khai mương đắp đập) để xin thần linh chứng giám cho công việc đồng áng trong năm mới. Lễ này được cúng ở các tháp hoặc các đền thờ.

Mục đích của Pơh băng yang là xin thần linh cho phép dân làng được phép khai kênh đắp đập, chuẩn bị cho vụ sản xuất mới và cầu xin cho mưa gió thuận hoà cây cối mùa màng tươi tốt. Tính chất nông nghiệp của Pơh băng yang có thể được minh họa bằng một chi tiết của nghi lễ này tại đền thờ nữ thần Pô Nưkar (Pô Nưgar) thôn Hữu Đức, xã Phước Hiếu, huỵên Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Nghi lễ do ông Hamua ia (người chuyên làm lễ nghi gắn với nông nghiệp) tiến hành. Lễ vật dâng các thần linh gồm có một con dê, 5 mm cơm, 1 khay trầu rượu và vật thiêng hay đồ thờ của đền- cây nõ nường làm bằng gỗ trầm. Trong khi làm lễ, ông thầy Hamua ia nhảy múa, nhún nhảy với cây nỏ nường thể hiện hệ tính giao-hành động mang tính phồn thực với ý nghĩa tạo ra mọi sự sống.

Sau lễ Rica Nưkar (Rija Nưgar), thời tiết bắt đầu chuyển: đã bắt đầu vọng lên tiếng sấm đầu năm và đã bắt đầu lác đác cĩ những trận mua nhỏ. Những trận mưa đầu năm ở vùng Ninh-Bình Thụân có ý nghĩa gần giống như những trận « mưa tháng ba là hoa đất » của ngườii Việt ở các tỉnh miền Bắc. Thế nhưng mọi điều của sự chuyển mùa với cái mốc cuối cùng là sao Rua hay Tua Rua xuất hiện còn kéo dài cho đến khi ngôi sao này nở xong. Và khi sao Rua nở xong thì mùa mưa thật sự đến chứ còn trong khi sao này nở thì cũng gần như câu tục ngữ của người Việt « Tua Rua mọc: vàng cây, héo lá; Tua Rua lăn: chết cá, chết tôm ». Thông thường, sao Rua xuất hiện vào trong tháng tư lịch Chăm. Và để đón mùa mưa vào thượng tuần tháng tư (lịch Chăm), người Chăm tổ chức một nghi lễ nông nghiệp lớn: Yôr Yang nghĩa là lễ cầu đảo.

Sở dĩ người Chăm làm lễ Yôr Yang vào đầu tháng 4 vì họ tin rằng vào quãng thời gian này các sao Tua Rua, sao Cày, và sao Thần nông đã « nở » hết và từ thời điểm này trở đi có thể cày cấy được rồi. Và nghi lễ cầu mưa này được tổ chức ở 4 địa điểm là tháp Pô Ramê, đền thờ Pô Inư Nưkar, tháp Pô Klong Kirai và tháp Pô Dầm vào 2 ngày gần cuối của thượng tuần trăng tháng 4, kéo dài từ khoảng 7giờ tối hôm trước đến khoảng 2 giờ chiều ngày hôm sau. Chủ lễ một địa điểm trên là 1 vị sư cả (Pô sah) cùng với sự tham gia của thầy Coke (ôn kadhar), ông từ (Chamnưmey), ông bóng (Ông Ing), và bóng (Muk Pajau)…

Như nhiều nghi lễ được tổ chức tại các đền tháp, lễ Yôr Yang bao giờ cũng bắt đầu bằng nghi lễ mở cửa các đền tháp rồi đến lễ tẩy uế khu vực đền tháp và sau đấy là dâng đồ cúng gồm hương, hoa, cam, rượu, chè, xôi, trái cây… Chỉ sau khi làm xong ba lễ thức ít nhiều mang tính chung mới đến nghi lễ đặc trưng cũng là nghi lễ quan trọng nhất của Yôr Yang: lễ Pô Yang Apui (tế thần lửa) tại Thang Chuh Yang Apui (nhà của thần lửa). Chủ trì lễ này cũng vẫn là ông cả sư (Pô Sah). Ông đọc những lời kinh mang tính chất phù chú từ cuốn sách bằng lá buôn rồi múa bằng các đạo cụ cầm tay như chiếc vòng, cái ấm đồng và thanh gỗ chạm khắc thành hình chiếc thuyền rồng. Những lễ vật dâng lên thần lửa, ngoài các đồ ăn thức uống, còn có một bó củi và một bó cỏ tranh. Trong khi thầy cả sư khấn tế, múa thì thầy Kadhor tấu hát thánh ca, còn mọi người thì dâng lễ vật khấn vái cầu xin. Để tiến hành nghi lễ, người ta đốt lửa tại tháp lửa (nơi có kiến trúc này) hay ở khu đông bắc của đền hoặc tháp (nơi không có tháp lửa). Người Chăm quan niệm rằng, đốt lửa để khói bay lên tạo thành mây thành mưa.

Sau lễ cúng tế thần lửa, ở một số nơi, như tại đền thờ Pô Inư Nưkar ở Hữu Đức, ông thầy Hmu Ia (thầy cúng ở các lễ thức nông nghiệp) làm lễ hạ điền. Ông thầy Hamua Ia (thầy cúng ở các lễ thức nông nghiệp) làm lễ hạ điền. Ông thầy cúng Nuk Doa Olăk (bà dâng rượu) đưa một đôi trâu ra ruộng. Tại ruộng, ông Hamua ia cày ba đường tượng trưng, sau đó bà Muk Doa Olăk đưa cho ông một ít hạt giống để ông gieo tượng trưng.

Như vậy là qua phân tích lịch pháp, lịch cây trồng cũng như tính chất của lễ hội trong bức tranh lễ hội chung của các dân tộc Việt Nam và Đông Nam Á, lễ hội Rica Nưkar 1 (Rija Nưgar) của người Chăm là lễ tết đầu năm đánh dấu sự chuyển mùa. Cũng như lễ tết của người Việt Nam và năm mới của người Thái, người Lào, người Khơmer, người Mianma, ở Đông nam Á, Rica Nưkar của người Chăm không phải chỉ là lễ hội đầu năm thông thường mà là lễ hội đầu năm nông lịch gắn với quá trình sản xuất nông nghiệp. Rica Nưkar vừa là tiễn năm cũ đi, đón năm mới tới và chủ yếu vừa là tống tiễn mùa khô nóng đi đón mùa mưa tới để bắt tay vào công việc làm ăn mới hay để bước vào một năm làm ăn mới. Tính chất nông nghiệp thật rõ trong lễ hội Rica Nưkar của người Chăm. Thế nhưng, cách tống tiễn mùa mưa nóng và đón mùa mưa tới của người Chăm ở Rica nưkar vừa có những yếu tố chung cho lễ hội năm mới của nhiều dân tộc ở Việt Nam và Đông Nam Á có những sắc thái rất riêng của người Chăm. Nếu như người Lào, người Khơmer, người Thái, người Mianma khao khát mong đợi mưa tới bằng lễ té nước vào những ngày đầu năm mới, thì người Chăm lại có kiểu đón mưa bằng nghi thức mà các nhà khoa học gọi là hình thức ma thuật ngược nghiã là làm ngược với điều mình đang chờ đợi. Thay vì phải té nước vào nhau để cầu mưa như ở nhiều lễ hội của nhiều dân tộc khác của Đông Nam Á, người Chăm lại làm những lễ thức tống tiễn mọi sự không tốt dập tắt đi những cơn nóng khô của mùa khô đi để dọn đường cho những cơn mưa tới. Cũng là đón mùa mưa tới để làm ăn, người Chăm đón theo kiểu khá riêng biệt và ít nhiều hơi lạ.Thế nhưng, ai đã từng sống hay đã từng đến vùng đất Bình Thuận-Ninh Thuận vùng khô hạn nhất nước ta, thì mới thấy người Chăm khát khao mưa như thế nào. Vì thế mà cái mong, cái đợi mùa mưa của người Chăm chừng nào đó là mãnh liệt hơn so với các dân tộc ở Đông N am Á. Và để thấy điều này, đó là điệu múa đập lửa trong lễ Rica Nưkar của người Chăm.

NGHỀ NUÔI CÁ BÈ


Chiếc cá bè đầu tiên xuất hiện ở An Giang năm 1930, nay đã được phát triển thành nghề nuôi cá bè. Nghề này được du nhập từ Biển Hồ (Campuchia).

Bè cá hình hộp đóng bằng gỗ, nổi trên mặt nước nhờ những chiếc phao bằng thùng phuy cỡ lớn hay nhỏ tùy theo người nuôi thường có kích thước 12x5x3m, bên trong bè chia thành từng khoang nuôi các loại cá khác nhau như cá tra, cá ba sa, cá trắm cỏ, cá phi, cá bông… trên mặt bè là nhà ở của người nuôi cá. Cá được cho ăn bằng ngũ cốc như cám, tấm, bột bắp, bã đậu và đạm động vật như bột cá. Sau 8 tháng hoặc 10 tháng nuôi, người ta thu hoạch bằng cách nâng bè lên rồi dùng vợt hay lưới để bắt cá. Trước 1975 đồng bằng sông Cửu Long có 7.000 – 8.000 bè cá, tỉnh An Giang có 1.500 bè cá tập trung trên sông Hậu vùng Châu Đốc, Châu Phú.

Tới thị xã Châu Đốc, quốc lộ 91 đi bến đá Núi Sam.

Đến ngã ba: nếu rẽ trái đi Núi Thất Sơn, Núi Cấm. Đi theo quốc lộ 91 tới thị xã Châu Đốc và đến bến đá Núi Sam.

SGT tổng hợp.