245 lượt xem

Bảng nhãn Đỗ Uông và những giai thoại - Kì 1

Bảng nhãn Đỗ Uông và những giai thoại

Bảng nhãn Đỗ Uông và những giai thoại xung quanh cuộc đời và việc thi cử cho thấy ông là người tài hoa, sức học hơn người, nhưng lại chết vì bị nghi ngờ.

https://khds.1cdn.vn/2018/09/16/dinh-dong-300x200.jpg

Đình Đông, nơi thờ Đỗ Uông. Nguồn: sưu tầm.

Làm quan hai triều

Đỗ Uông người xã Đoàn Lâm, tục gọi là xã Miếu Thông, huyện Gia Phúc, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương (nay là thôn Đoàn Lâm, xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương).

Ông đỗ đệ nhất giáp đồng tiến sĩ cập đệ đệ nhị danh (bảng nhãn), khoa Bính Thìn, niên hiệu Quang Bảo thứ 3 (1556) đời Mạc Tuyên Tông (Mạc Phúc Nguyên) lúc 23 tuổi (nhiều sách chép 34 tuổi) và lần lượt làm quan cho nhà Mạc và nhà Lê Trung hưng.

Năm Giáp Tuất 1574, đời Mạc Mậu Hợp, ông làm Hữu thị lang bộ Binh, kiêm vương phó là thầy của các bậc vương công. Sau đổi làm Tả thị lang Bộ Công. Năm Mậu Dần (1578), ông làm chánh sứ qua nhà Minh dâng lễ cống. Khi trở về thăng Thượng thư bộ Lại, kiêm Đông các đại học sĩ, tước Phúc quận công.

Cuối năm 1592, khi nhà Mạc mất, ông cùng một nhóm quan lại nhà Mạc ra phò tá nhà Hậu Lê, được giữ nguyên chức cũ.

Tháng giêng năm Quang Hưng thứ 19 (1596) đời Lê Thế Tông, ông là Thượng thư bộ Hộ, tước phong Thông quận công, được cử cùng Ngự sử đài đô ngự sử Nguyễn Văn Giai làm quan hầu mệnh đến cửa Trấn Nam Giao, trao đổi điệp văn thư từ với viên Tả giang binh tuần đạo nhà Minh là Trần Đôn Lâm, hẹn đến cửa quan hội khám xem có thực có là con cháu nhà Lê hay không?

Tháng 12 âm lịch năm đó, ông làm quan hầu mệnh, cùng với Quảng quận công Trịnh Vĩnh Lộc mang hai người vàng, người bạc và các vật cống tới thành Lạng Sơn đợi nhà Minh hội khám. Bấy giờ viên thổ quan Long Châu của nhà Minh nhận nhiều của đút lót của họ Mạc, vì thế tìm cách thoái thác, việc không xong, lại vừa gặp Tết Nguyên Đán nên trở về kinh.

Ngày 19 tháng 2 âm lịch năm sau, ông lại cùng Nguyễn Văn Giai đi Lạng Sơn, gặp nạn nhưng thoát được. Tháng 11 âm lịch năm 1598, ông được phong hàm Thiếu bảo.

Ngày 6 tháng 12 âm lịch, Tiết chế Trịnh Tùng sai ông chuẩn bị nghi chú, lễ vật đến cửa Trấn Nam Giao đón tiếp Bắc sứ của nhà Minh…

Chết vì bị nghi ngờ?

Nhà Lê Trung hưng tuy đánh đuổi họ Mạc, chiếm lại được Thăng Long nhưng giai đoạn đầu vẫn chưa giữ yên được tình hình bởi thế lực ủng hộ họ Mạc vẫn còn mạnh.

Vào năm Canh Tý (1600), một số tướng cũ của nhà Mạc lại nổi quân làm phản nhà Lê Trung hưng. Vương (chúa Trịnh Tùng) bèn hộ vệ Hoàng thượng trở về (Tây Đô, tức Thanh Hóa) để giữ vững căn bản.

Thấy vậy, Đỗ Uông ra sức can ngăn, khuyên ở lại Kinh đô cố thủ chờ quân ở trấn về cứu viện. Chúa Trịnh nghĩ Đỗ Uông vốn là bề tôi cũ của nhà Mạc nên rất nghi ngờ, cho là có mưu đồ xấu, giận quá tự tay cầm giáo vàng đâm chết ông ngay tại sân triều, khi đó ông 67 tuổi.

Sách “Vũ Trung tùy bút” cho biết chuyện ông bị chúa Trịnh đâm chết, tuy nhiên theo “Lịch triều hiến chương loại chí” thì Đỗ Uông bị quân phản loạn giết chết.

Sau khi ông mất, hiểu rõ lòng trung thành của ông, vua rất thương tiếc truy tặng hàng “Thái Bảo”, phong làm phúc thần, ban sắc và cho dân làng lập miếu thờ. Thi hài ông được đem về an táng tại đống Mả Lái, ông được phong làm Thành hoàng làng Đoàn Lâm, nơi thờ ông gọi là đình Đông, nay vẫn còn ở thôn Đông, xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương…

(còn nữa)

Nguyễn Thành Hữu