313 lượt xem

Hồ Phi Tích

Hồ Phi Tích, Quỳnh Lưu tứ hổ

Hồ Phi Tích, Quỳnh Lưu tứ hổ – là vị quan thanh liêm, đức độ, tài cao, giỏi chính sự, hết lòng vì dân, vì nước, được giao nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình nhà Lê. Ông là một trong bốn Thượng thư có trí tuệ uyên thâm lúc bấy giờ.
 
Description: https://khds.1cdn.vn/2018/09/16/ghi-danh-bang-vang-300x178.jpg
Dòng họ Hồ nhiều người được ghi danh khoa bảng.
 (Nguồn: Sưu tập)

 

Vừa dạy học vừa học

Hồ Phi Tích húy là Kỳ, sinh ngày 15/05 năm Ất Tỵ (1665) tại Hoàn Hậu (nay là Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An). Ông là hậu duệ đời thứ 9 của Hồ Kha thuộc trung chi II dòng họ Hồ đại tộc, tức chi họ Hồ Phi, một chi họ đời nối đời khoa bảng, trung quân ái quốc.

Hồ Phi Tích là con trai thứ tư của cụ Hồ Thế Anh (còn gọi là Hồ Sĩ Anh), một người văn chương đức hạnh, thi đậu Giải nguyên hai lần, từng làm Tri huyện, huyện Kỳ Hoa, Hương Sơn, sau giữ chức Tham chính xứ Thái Nguyên, được tặng Thị lang bộ Hộ, phong tước Diễm Trạch hầu. Mẹ người họ Hồ tên là Từ Đức người làng Bèo Hậu nay là Quỳnh Hậu, Quỳnh Lưu.

Từ nhỏ Hồ Phi Tích đã là người thông minh mẫn tiệp, có chí khí; tuổi thơ đầy khó khăn vất vả, tuy cha làm quan nhưng thanh liêm nên gia cảnh bần hàn; đặc biệt, khi mẹ mất càng khó khăn hơn. Nhưng ông đã vượt qua khó khăn, vươn lên học hành đậu đạt, từng bước khẳng định tên tuổi trên con đường học vấn khoa danh.

Năm Giáp Tý (1684) Hồ Phi Tích tham gia kỳ thi Hương và đỗ đầu xứ… Để có tiền trang trải việc học, ông khăn gói ra Thăng Long tìm nơi dạy học và 12 năm vừa học để tiếp tục thi Hội, thi Đình, vừa dạy học kiếm tiền, học trò theo học có đến 500 người.

Ở Trường Quốc Tử Giám, Hồ Phi Tích là một trong bốn học trò đất Quỳnh Lưu thay nhau đứng đầu bảng và được suy tôn là “Quỳnh Lưu tứ hổ”.

Chính sự giản thanh

Năm Quý Dậu (1693) ông đỗ khoa Thiên Hạ Vọng Sĩ (khoa thi đặc biệt cho những người có danh vọng trong hàng sỹ phu để bổ dụng). Năm Đinh Sửu (1697), ông tham gia thi Hội, đậu Giải Nguyên, được bổ dụng làm quan Huấn đạo phủ Quốc Oai.

Vào thi Đình năm Canh Thìn (1700), ông đỗ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), được bổ nhiệm chức Hàn lâm viện Hiệu lý; sau 2 năm, được bổ làm quan ngoại nhiệm, giữ chức Đốc đồng Hải Dương, An Quảng.

Tại đây vì chính sự giản thanh (làm việc giản dị, không phiền nhiễu dân) mà trộm cắp yên, trước bắt bọn cầm đầu trộm cướp ở đất liền, sau bắt phá giặc bể, lập nhiều công tích được vua ban thưởng; xa gần đều khâm phục, một giải duyên hải bình yên.

Năm Mậu Tý (1708), ông được điều vào Nghệ An, giữ chức Phó Đốc thị, phụ trách tham mưu quân sự, cùng với Đốc trấn Nghệ An xử lý mọi việc quân, dân Nghệ An và châu Bố Chánh. Năm Kỷ Sửu (1709), ông được điều về Kinh đô, thăng chức Lại khoa Bộ cấp sự trung.

Năm Tân Mão (1711), ông dâng lên Vua bản điều trần nói về đường lối trị dân gồm 8 chương với lý lẽ rành mạch, kế sách ích nước, lợi dân, được vua Lê Dụ Tông khen ngợi và ban thưởng. Sau đó, ông được thăng chức Hộ khoa Cấp sự trung…

Năm Quý Tỵ (1713), “Trời hạn hán kéo dài, mất mùa, dân phải ăn vỏ cây, rễ cỏ, người chết đói đầy đường”. Đặc biệt các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình dân đói nghiêm trọng, ông được cử đi phát chẩn vùng này.

Ngoài kho gạo của quốc gia, ông kêu gọi sự tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, mở các cuộc quyên góp thóc gạo của nhà giàu cùng với quỹ “nghĩa thương”, phát hết cho dân; ông khuyến khích dân trồng cây ngắn ngày để có cái ăn qua nạn đói.

Nạn đói được đẩy lùi, dân viết sớ tâu lên Triều đình ân thưởng cho ông xứng đáng là vị “Nhân quan”. Năm Giáp Ngọ thăng quan chính thanh hoa rồi thăng tiếp Đại lý tự khanh và phụng sai làm giám đốc sứ Sơn Tây.

 
Hồ Phi Tích, Quỳnh Lưu tứ hổ- Kỳ 2: Nhà ngoại giao sắc sảo

Nhà ngoại giao sắc sảo Hồ Phi Tích đã thắt chặt thêm tình nghĩa bang giao giữa nhà Lê và nhà Thanh, là một trong hai sứ thần của dòng họ Hồ ở Quỳnh Đôi được vua Khang Hy ca ngợi.

 
Description: https://khds.1cdn.vn/2018/09/16/nha-tho-ho-ho(1).jpg
Nhà thờ họ Hồ Phi Tích tại Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An.
 (Nguồn: Sưu tập)

 

Được vua Khang Hy ca ngợi

Năm Đinh Dậu (1717), Hồ Phi Tích được thăng chức Ngự sử Đài Thiêm Đô Ngự sử, lúc nhận chức thì lấy liêm mà răn mình, lấy công mà xử sự, khi xét xử một việc gì cũng lấy lẽ công bằng tránh điều oan khuất, nên được nhiều người tin yêu.

Năm Canh Tý (1720) vua khảo 10 năm khóa tích, Hồ Phi Tích được liệt vào bậc thứ 2, được thăng Lại bộ Thị lang, tước Hầu.

Năm Tân Sửu (1721), ông được cử làm Chánh sứ sang Trung Quốc. Với tài ngoại giao sắc sảo và trí tuệ uyên bác, Hồ Phi Tích đã chứng minh cho vua Khang Hy thấy được nước Nam: Trong thì yên ổn, lễ nhạc thì rõ ràng, đầy đủ, ông được Vua nhà Thanh khen ngợi và trọng thưởng.

Về nước, được thăng chức Lại bộ Tả thị lang, tước Quận công. Bằng trí tuệ, đạo đức của một nhà ngoại giao kiệt xuất, Hồ Phi Tích đã thắt chặt thêm tình nghĩa bang giao giữa nhà Lê và nhà Thanh; là một trong hai sứ thần là người con xuất sắc của dòng họ Hồ ở Quỳnh Đôi được vua Khang Hy ca ngợi.

Năm Ất Tỵ (1725), Hồ Phi Tích lại được cử lên Tuyên Quang, Hưng Hoá gặp viên quan Phái ủy nhà Thanh là Phan Doãn Mẫn, điều tra, khảo sát địa giới.

Trước đó hai châu Vị Xuyên và Thủy Long bị Tổng trấn Vân Nam xâm chiếm, ta trình với Vua nhà Thanh và được nhà Thanh cho quan Ủy sai đến hội khám.

Chuyến đi này, ông kiên trì chứng minh cho quan Ủy sai nhà Thanh thấy được thực chất đây là vùng đất của nước Nam. Nhà Thanh phải chấp nhận trả lại mỏ đồng Tụ Long và cắm lại các mốc biên giới, chấm dứt sự tranh chấp giữa đôi bên.

Năm Đinh Mùi (1727), ông được cử vào Nam phân giải cương giới bờ cõi, sau chuyến đi, được thăng chức Thượng thư Tả Tào. Năm Kỷ Dậu (1729), ông được giao trực tiếp trông coi công việc của Hữu Ty, thu đơn kiện, xét hỏi…

Năm Canh Tuất (1730), được thăng làm Thượng thư bộ Công và ban ân cho một trăm quan tiền.

Năm Quý Sửu (1733), đã 69 tuổi, sức khỏe yếu, ông khẩn khoản xin về hưu, được thăng Binh bộ Thượng thư và tặng lá cờ có đôi câu đối: Chính sự tham gia lo việc nước – Sử kinh giảng giải dạy con vua – Giáp rập ba triều tay trọng lão – Vào ra một buổi bậc danh nho.

Thày đồ xứ Nghệ nổi tiếng Kinh kỳ

Năm Giáp Dần (1734), ông được thăng Thượng thư bộ Hình, cùng năm ông mất, được vua truy tặng Lại bộ Thượng thư – Thiếu bảo và Vua tặng cho thụy hiệu lúc mất là Đoan Cẩn.

Mộ ông an táng tại huyệt cát địa trên đỉnh Hòn Thè (Quỳnh Diễn, Quỳnh Lưu, Nghệ An), năm 1950 con cháu cải táng và đưa hài cốt  ông về xây mộ phía sau nhà thờ.

Hồ Phi Tích – danh nhân lịch sử tiêu biểu, làm quan hơn 30 năm, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Ông là vị quan thanh liêm, đức độ, tài cao, giỏi chính sự, sống hết lòng vì dân, vì nước, được giao nhiều chức vụ quan trọng trong triều, làm quan ở nhiều nơi, đến đâu cũng được dân yêu quý.

Ông là một trong bốn Thượng thư có trí tuệ uyên thâm lúc bấy giờ, một trong những thầy đồ xứ Nghệ nổi tiếng kinh kỳ có đông học trò theo học. Con cháu ông đời nối đời khoa bảng, góp phần làm rạng danh dòng tộc họ Hồ Phi làng Quỳnh Đôi.

Sau khi ông mất được rước vào tế ở nhà thánh huyện và rước bài vị vào tòng tự tại Tư Vũ Văn hội bản huyện và bản thôn, nơi tưởng nhớ công ơn những người học hành đậu đạt, có công với dân với nước.

Nhà thờ họ Hồ Phi Tích tọa lạc ở xóm 3, Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An, là một công trình giữ được khá nguyên vẹn kiến trúc cổ kính thời Nguyễn, nơi tôn thờ và tưởng niệm chính Quỳnh Quận công Hồ Phi Tích, phối thờ các phu nhân và hậu duệ Hồ Phi Tự, Hồ Phi Huyền.

 
Hồ Phi Tích, Quỳnh Lưu tứ hổ – Kỳ 3: Hai người vợ nổi tiếng

Hai người vợ nổi tiếng của Hồ Phi Tích đã đi vào sử sách là chính thất Đàm Thị Quỳnh và trắc thất Châu Thị Phát, đều là những người phụ nữ giỏi giang, trung hậu, tiết hạnh

Xem chữ kén chồng

Hồ Phi Tích có 5 người vợ: Chính thất là Đàm Thị Quỳnh người Hà Đông, các bà trắc thất Châu Thị Phát, Hồ Thị Tăng, Trần Thị Nhâm, Hồ Thị Quy và hai tiểu thiếp…

Hai người vợ nổi tiếng đất Quỳnh Lưu đã đi vào sử sách là chính thất họ Đàm và trắc thất họ Châu. Bà Đàm Thị Quỳnh người Thanh Oai, Hà Đông, là con gái của giám sinh Đàm Lâm, được cha cho ăn học nên có học thức và tinh nghề đoán dạng chữ. Qua nét chữ viết có thể đoán được tương lai, hậu vận của con người.

Nghe ở kinh kỳ có các thầy đồ xứ Nghệ rất nổi tiếng, cô Quỳnh xin cha ra Kinh đô mở quán bán hàng cơm để giao lưu với tầng lớp nho sĩ, nhất là các thầy đồ Nghệ. Là người xinh đẹp lại văn hay chữ tốt nên các Nho sinh thường qua lại.

Một hôm hai thầy đồ vào quán, cô Quỳnh hỏi chuyện: “Tôi biết hai cậu đây là học trò xứ Nghệ, tiếng đồn chữ tốt văn hay, tôi cũng biết đoán chữ, xem hậu vận. Hai cậu viết vào bàn tay mình một chữ xem đường công danh sau này ra sao?”

Hồ Phi Tích viết chữ Sử, còn Hồ Sĩ Tôn viết chữ Dụng. Cô Quỳnh xem chữ xong nói: “Hai cậu đều văn hay chữ tốt, tiền vận gian nan, hậu vận thanh nhàn, sau này tất làm nên nghiệp lớn”.

Về nhà cô bàn với cha mời Hồ Phi Tích làm gia sư kèm cho em trai học, đồng thời tạo điều kiện giúp Hồ Phi Tích ổn định chỗ ở để theo học Trường Quốc Tử Giám.

Cô Quỳnh biết người viết chữ Sử hậu vận sáng sủa hơn, người viết chữ Dụng tuy tài nhưng khoa danh lận đận. Vài năm sau cô kết hôn với Hồ Phi Tích, hành trang về nhà chồng có thêm khung dệt.

Quỳnh Đôi là một vùng thuần nông, quanh năm chỉ trông vào mấy sào ruộng nên cuộc sống vô cùng vất vả, để giúp dân vùng này, Quỳnh phu nhân đã đưa nghề dệt lụa Hà Đông truyền dạy cho dân làng. Bên cạnh đó bà còn cho những người nghèo không có tiền mua khung cửi được mượn khung cửi của gia đình bà về dệt.

Nghề dệt lụa Quỳnh Đôi được hình thành và phát triển từ đây. Lụa Quỳnh Đôi nổi tiếng cả vùng nhưng nổi tiếng hơn là từ nghề phụ mà các chị, các mẹ đã nuôi chồng, nuôi con ăn học thành tài, dân Quỳnh Đôi lưu truyền câu: “Làng Quỳnh tơ lụa thủ khoa ba đời” hay câu “Ông cử, ông tú cũng từ khung cửi mà ra”. Nhờ khung cửi mà các chị, các mẹ nuôi chồng, nuôi con ăn học, thấp thì Tú tài, cao thì Hoàng giáp, Tiến sĩ.

Sau khi bà mất, nhớ công ơn người đem nghề dệt về cho làng, dân Quỳnh Đôi đã rước bà vào tế tại đình làng như một vị Tổ sư nghề dệt lụa làng Quỳnh. Năm 1732, bà được ban tặng sắc phong là Quận phu nhân…

Người vợ tiết hạnh

Bà trắc thất Châu Thị Phát là con gái út của ngài Kiệt Tiết tướng quân Quế Lộc hầu ở làng Đông Liệt, huyện Đông Thành (nay là Yên Thành).

Châu Thị Phát nức tiếng xinh đẹp, tính tình hiền hậu đoan trang. Quận Quỳnh hỏi làm vợ, sinh được hai trai. Ông Quận mất, bà còn trẻ tuổi đã thủ tiết thờ chồng.

Chuyện kể rằng, trong thời gian Nguyễn Hữu Cầu (Quận He) đóng quân ở Nghệ An, khi đi qua vùng Quỳnh Đôi thấy Châu Thị Phát nhan sắc còn đậm đà muốn lấy bà làm vợ. Không thể khước từ, trước lúc bị bắt đi, bà xin phép được đến nhà thờ để thắp hương vái lạy chồng.

Nguyễn Hữu Cầu cho thủ hạ đưa bà đến nhà thờ. Bà đã khéo giấu kín con dao ở trong người, sau khi lạy khóc chồng liền rút dao tự vẫn.

Đời Vua Tự Đức bà được sắc phong “Tiết phụ khả phong” và được rước vào tế ở đình làng Quỳnh Đôi, là người phụ nữ tiết hạnh thờ chồng.

Nguồn: Khoahocdoisong.vn