474 lượt xem

Bát cơm quả trứng đưa người khuất núi

 
Bát cơm quả trứng đưa người về bên kia núi

Quê tôi gọi bát cơm quả trứng cúng người vừa mất là: “cơm đặt đầu” nghĩa là bát cơm đặt phía trên đầu giường người vừa mất. Bát cơm đó có ý nghĩa vô cùng lớn lao, nên người Việt đã gìn giữ, duy trì qua nhiều ngàn năm không mất.
 

Nguồn: Sưu tập
 
1. Hứa hẹn mãi, hôm nay tôi mới có dịp viết về bát cơm quả trứng cúng người vừa mất.


Việc làm đầu tiên của người nhà khi có một người vừa qua đời là đơm ngay một bát cơm, đem đặt phía trên đầu giường người vừa mất nằm. Hai bát cơm, úp lại đầy đặn, để trên đầu giường của người vừa mất đó, trên bát cơm phải có một đôi đũa vót ngược lên phía trên đầu tua ra như bông. Và trên bát cơm có quả trứng gà.

Nhân đám tang của Mạ tôi, tôi viết dần đến 49 ngày và sẽ cho in thành một cuốn sách nói về các tục trong đám tang và việc cần làm cho đến 2 năm 3 tháng mãn tang.

Thứ nhất, bát cơm. Cơm được đơm đầy vào hai bát, đầy dư lên trên mặt bát, để khi úp 2 bát cơm đó vào với nhau, ta ấn mạnh tay, và xoay bát vài vòng, bát cơm sẽ chặt và chắc lại. Làm thế, ta nhìn bát cơm sẽ đầy đặn, tròn đều và đẹp.

Thứ hai là đôi đũa. Đôi đũa phải vót ngược lên phía tay cầm cho tua ra. Đũa cắm giữ hai bên quả trứng, để giữ cho quả trứng không rơi khi nằm trên bát cơm đầy.

Thứ ba là quả trứng. Trứng, nhất định là trứng gà. Trứng luộc chín, bóc vỏ và đặt lên bát cơm.

Bên cạnh bát cơm quả trứng, ở quê tôi (Hải Lăng – Quảng Trị) còn có đĩa muối vừng.


2. Điều đặc biệt là Bắc - Trung - Nam, mỗi vùng miền, qua quá trình dịch chuyển văn hóa, phát triển dần từ Bắc vào Nam, về phong tục, mỗi miền theo đó có khác nhau nhưng “bát cơm quả trứng” cúng người vừa mất thì đâu đâu khắp nước ta việc làm đó không khác nhau.

Vậy, bát cơm, đôi đũa, quả trứng, có ý nghĩa gì mà ai ai người Việt cũng làm điều đó khi nhà có người vừa qua đời?

Nói về bát cơm:

Bát cơm, hạt thóc đến từ cây lúa, là thức ăn chính của người dân xứ sở ta. Cây lúa, chính nó, mang trong mình nguồn gốc Tổ tiên Việt Tộc, về một nền văn minh xa xưa, thời đại Thần Nông đại đế.

Sử thần Ngô Sĩ Liên, khi viết Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, phần ngoại kỷ nói về thời đại các Vua Hùng, ghi: "Đế Minh, cháu 3 đời của Viêm Đế Thần Nông". Đế Minh chính là Thái tổ Đế Minh, vị Vua Hùng đầu tiên được thờ ở Đền Hùng, Phú Thọ với hiệu Đột Ngột Cao Sơn Thánh Vương.

Bát cơm, như thế, không chỉ đơn thuần biểu trưng cho thức ăn, thực phẩm chính của dân xứ sở ta, mà còn nói lên cái nguồn gốc, nơi dân Việt tạo ra một nền văn minh rực rỡ: Nền văn minh lúa nước.

Nguồn gốc 5000 năm của nền văn minh lúa nước dân tộc Bách Việt ở nơi Bát cơm đặt đầu ấy.

Cơm, thức ăn nuôi sống, rất nhanh, khi một người nhắm mắt, được đặt ở đó, có ý nghĩa:

- Thức ăn "bằng cơm", nhắc nhớ nguồn gốc thân phận - Người. Thức ăn của loài Người, khác thức ăn của các loài khác.

- Thức ăn "bằng cơm" ấy, nhắc nhớ nguồn gốc về dòng giống, cội nguồn dân tộc, về một nền văn minh, về Tổ tiên.

- Và, bát cơm ấy, chính là nơi thu hút hơi, âm khí từ người vừa mất vào bát cơm. (*)

Nói về đôi đũa:

Đôi đũa, nhắc nhớ cây tre, hình ảnh gắn liền với nếp sống văn hóa người Việt từ thuở lập quốc.

Tôi có dịp đến thăm ba vạn dân tộc Kinh ở Vạn Vĩ, Quảng Đông, Trung Quốc. Những người mẹ Việt ở đó, có câu truyền ngôn cho con qua nhiều ngàn đời, thế này: "ở đâu có cây tre gai, nơi đó là đất của người Việt".
Đúng vậy. Dấu ấn văn hóa dân tộc Việt chúng ta được đóng dấu bởi "lúa nước" và "cây tre" từ nhiều ngàn năm lịch sử.


Đôi đũa, đầu trên vót vuông, đầu phía dưới tròn.

Rất nhiều dân tộc có nền văn minh lâu đời, nhưng họ vẫn là giống dân ăn bốc bằng tay. Đi liền với nền văn minh lúa nước, là cây tre và cách ăn bằng đũa của nòi giống Việt, khác biệt. Về sau, đôi đũa có thể được làm thêm bằng nhiều chất liệu. Nhưng tre, vẫn là có cái cội gốc sâu xa gắn chặt với nền văn hóa Việt.

Nói về quả trứng:

Thứ nhất, "quả trứng" gợi cho chúng ta, nhắc nhớ về nguồn gốc trăm trứng, một minh chứng lịch sử dòng giống rồng tiên Bách Việt.

Trứng gà, loài gà được xếp vào loài "tri thần hôn chi thiên địa", biết sự sáng tối của trời đất. Là loài "biết" mặt trời mọc và "gọi" mặt trời lên "thắp sáng" sự sống nhân gian. Con người nương tiếng gà thức dậy, mở đầu một ngày mới...

Tháng mới hay năm mới bắt đầu từ mỗi ngày mới, từ lúc tiếng gà điểm canh đầu tiên đến lúc mặt trời mọc.

Mặt trời, như vậy, thứ liên quan con người, xuyên qua loài gà, vật nuôi gần gũi con người nhất. "Nhờ" loài gà gọi mặt trời lên với sự sống.

Sự sống sinh sôi nẩy nở, nhờ có mặt trời. Quả trứng, như vậy, là một biểu tượng sự sống sinh sôi, vừa trong chính tự thân quả trứng, vừa trong liên quan với mặt trời, với thế giới loài người.

Gà là giống loài vật hấp thụ, cảm nhận được rất nhanh những gì diễn ra trong đất nơi ở của chủ nhà để lưu giữ. Vì vậy tục bói chân gà, đã có tuổi trên 2000 năm được ghi vào văn bản.

Khi sống, con người nghe tiếng gà gáy, thức dậy mở đầu ngày mới đi làm ăn. Khi qua đời, trong vòng 3 ngày kể từ lúc táng, nhờ tiếng gà kêu, gọi hồn thức giấc, trở về nhà theo người thân.

Ở xứ tôi có tục cúng 3 ngày, gọi cúng mở cửa mả, phải có con gà sống dẫn đi 3 vòng quanh mộ. Và phải làm sao cho gà kêu mới được.

Gà trong chuyện Bạch Kê tinh và chuyện Vua Ân, sau khi chết làm Vua Địa phủ. Nên, người mất, đi về bên kia cõi Âm, của Địa phủ nhất định không thể thiếu thứ "chứng thực" là Gà, Kê tinh, hiện thân vua Địa phủ.

Ý nghĩa của dịch học từ bát cơm quả trứng:

Bát cơm - quả trứng - đôi đũa, biểu tượng cho quẻ Khảm.

Hai bát cơm ở dưới, là hai vạch đứt - Âm. Hai chiếc đũa phía trên là hai vạch đứt, Âm. Quả trứng ở giữa biểu tượng vạch liền, Dương. Hai vạch đứt Âm trên dưới, vạch liền Dương ở giữa là Quẻ Khảm.

Một người vừa mất, thuộc Âm. Họ đi vào "cõi Âm", ta đừng tưởng là "tắc", là chấm dứt, là hết, là cùng đường. Mà chỉ là Âm lộ ra bên ngoài (hai vạch Âm), để "dấu", ẩn Dương bên trong, cho một vận hội mới, một chu kì mới, một sự bùng vỡ mới...

Chết, như vậy, chỉ là Dương (sự sống) ẩn vào trong, ẩn giữa hai vạch đứt, Âm. Và Dương (sự sống), không gì khác hơn và biểu tượng đúng nghĩa, đúng giá trị vận hành hơn là quả trứng.

Nên quả trứng, không để sống, mà phải luộc chín. Chín là chết, là về chín suối, nhưng cũng là để mở ra chu kì khác, sinh hóa....

Người Việt, tộc Việt, khi nhắm mẳt, nhìn vào bát cơm đôi đữa quả trứng, người thân đặt trên đầu giường, là nhìn vào quẻ Khảm để nghiệm thấy lễ sinh hóa mà ra đi.

Đi và tin là mình không rơi vào thăm thẳm của u tối, của khốn khó, của kìm kẹp (biểu tượng khó khăn bế tắt bằng hai vạch đứt - Âm), mà cần nhẫn nại, tỉnh táo sẽ vượt qua, vượt lên... để tái sinh, để Dương trở lại, nẩy nở, sinh sôi.

3. Ngày ấy, Thầy tôi ngồi nói cặn kẽ, điều mà giờ, lúc mất Mạ, tôi mới có dịp ghi lại.

Bát cơm quả trứng đặt đầu giường người vừa lâm chung có ý nghĩa vô cùng lớn lao, nên người Việt đã gìn giữ, duy trì qua nhiều ngàn năm không mất.

*(Quê tôi, ai đến dự đám tang, người thân tộc, gần gũi kề bên thi thể người mất, họ nhất định xin được ít hạt cơm nơi bát cơm đó chia nhau đem về. Cơm đấy được bỏ vào nồi nước, nấu cho sôi lên, đem xông. Trừ âm khí người mất).

Nguồn: Baophapluat.vn