372 lượt xem

Tiến trình văn hóa Việt Nam

TIẾN TRÌNH VĂN HÓA VIỆT NAM
 
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/sinh-vat-bi-an1-300x198.jpg
 

Tiến trình văn hóa Việt Nam có thể chia thành 6 giai đoạn: văn hóa tiền sử, văn hóa Văn Lang – Âu Lạc, văn hóa thời chống Bắc thuộc, văn hóa Đại Việt, văn hóa Đại Nam và văn hóa hiện đại. Sáu giai đoạn này tạo thành ba lớp: lớp văn hóa bản địa, lớp văn hóa giao lưu với Trung Hoa và khu vực, lớp văn hóa giao lưu với phương Tây.
 
  1. Lớp văn hóa bản địa Lớp văn hóa bản địa được hình thành qua hai giai đoạn: giai đoạn văn hóa tiền sử và giai đoạn văn hóa Văn Lang – Âu Lạc.

1.1. Thành tựu lớn nhất ở giai đoạn văn hóa tiền sử của cư dân Nam-Á là sự hình thành nghề nông nghiệp lúa nước.

Trong năm trung tâm xuất hiện cây trồng, Đông Nam Á chính là trung tâm nông nghiệp cổ xưa nhất. Còn theo các tài liệu cổ thực vật học thì việc cây lúa có nguồn gốc từ đây là điều không còn nghi ngờ gì: trung tâm thuần dưỡng lúa là vùng đông nam Himalaya và khu vực sông nước Đông Nam Á. Các tác giả Lịch sử Việt Nam khẳng định: “Trên cơ sở kinh tế hái lượm phát triển ở vùng rừng nhiệt đới, các bộ lạc Hòa Bình đã thực hiện một bước nhảy có ý nghĩa lớn lao trong đời sống nhân loại: phát minh nông nghiệp… Đông Nam Á là một trong những trung tâm phát sinh nông nghiệp sớm nhất”.

Tổ tiên người Hán khi định cư ở lưu vực sông Hoàng Hà mới chỉ trồng kê, mạch, đậu. Nghề trồng lúa là học từ các dân tộc phương Nam. Những kết quả khảo cổ ở bắc Trung Hoa cho phép kết luận rằng việc này diễn ra vào cuối thiên niên kỉ thứ III trước Công nguyên. Nhà Đông phương học Nga nổi tiếng D.V. Deopik đã viết: “Vào thiên niên kỷ thứ III trước Công nguyên, ở trung tâm vùng Đông Á ta chỉ thấy một chấm nhỏ của văn minh trồng kê Ngưỡng Thiều (Janshao), lạc hậu hơn so với văn hóa đồ gốm có hoa văn vùng trung tâm Đông Dương. Ở bắc Đông Á không có những nôi nông nghiệp lớn… Những nền văn hóa trồng lúa vùng sông Dương Tử thời kì Long Sơn (Lunshan) và muộn hơn thực chất đều là ngoại vi của nôi trồng lúa Đông Dương”.

Từ Đông Nam Á cổ đại, lúa và kĩ thuật trồng lúa đã lan tới bờ Địa Trung Hải vào nửa đầu của thiên niên kỉ I trước Công nguyên. Còn ở các hòn đảo Nhật Bản, nó mới chỉ được đưa tới qua con đường Hoa Bắc từ trước Công nguyên không lâu.

Ngoài cây lúa và kĩ thuật trồng lúa, còn phải kể đến một số thành tựu đặc biệt khác của Đông Nam Á cổ đại:

(a) Việc trồng dâu nuôi tằm để làm đồ mặc và tục uống chè;

(b) Việc thuần dưỡng một số gia súc đặc thù như trâu, gà (trong cuốn Nguồn gốc các loài, E. Darwin đã khẳng định rằng nguồn gốc của con gà nuôi là xuất phát từ con gà rừng Đông Nam Á);

(c) Việc làm nhà sàn để ở và dùng các cây thuốc để chữa bệnh. Truyền thuyết phương Nam đã đánh dấu giai đoạn văn hóa này bằng hình ảnh Thần Nông, nhân vật thần thoại này đã được bổ sung vào kho tàng văn hóa Trung Hoa.

1.2. Giai đoạn văn hóa Văn Lang – Âu Lạc kế tục giai đoạn tiền sử cả về không gian văn hóa, thời gian văn hóa và thành tựu văn hóa. Nếu dựa vào thư tịch cổ và truyền thuyết thì có thể hình dung giai đoạn này khởi đầu từ khoảng giữa thiên niên kỉ III trước Công nguyên.

Truyền thuyết Hồng Bàng thị (Họ Hồng Bàng) kể rằng vua đầu tiên của họ Hồng Bàng tên là Lộc Tục, cháu bốn đời của Viêm Đế (= vua xứ nóng) họ Thần Nông, con một nàng tiên ở núi Ngũ Lĩnh. Lộc Tục lên làm vua phương Nam vào khoảng năm 2879 trước Công nguyên, lấy hiệu là Kinh Dương, đặt tên nước là Xích Quỷ (xích = đỏ – màu của phương Nam theo Ngũ hành; quỷ = thần; Xích Quỷ = Thần phương Nam). Bờ cõi nước Xích Quỷ phía bắc giáp hồ Động Đình, phía nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm Thành), phía tây giáp Ba Thục (Tứ Xuyên), phía đông giáp bể Nam Hải. Kinh Dương Vương Lộc Tục lấy con gái vua hồ

Động Đình là Long Nữ, sinh ra Sùng Lãm, nối ngôi làm vua xưng là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ, sinh ra bọc trăm trứng, nở thành trăm con trai. Một nửa theo cha xuống bể, nửa kia theo mẹ lên rừng. Đến đất Phong Châu (vùng Việt Trì ngày nay), cùng tôn người con trưởng làm vua nước Văn Lang, xưng là Vua Hùng.

Về mặt không gian, bờ cõi nước Xích Quỷ theo truyền thuyết trải dài từ Bắc Trung Bộ đến hồ Động Đình chính là địa bàn cư trú của người Nam-Á – Bách Việt, là khu vực tam giác không gian gốc của văn hóa Việt Nam. Bờ cõi nước Văn Lang của các vua Hùng sau này là một bộ phận của không gian gốc đó, cũng như người Lạc Việt là một bộ phận của khối cư dân Nam-Á – Bách Việt.

Về mặt thời gian, thiên niên kỉ thứ III trước Công nguyên ứng với giai đoạn đầu thời đại đồ đồng, cũng chính là thời điểm hình thành chủng Nam-Á (Bách Việt). Thành tựu văn hóa chủ yếu của giai đoạn Văn Lang – Âu Lạc, sau nghề nông nghiệp lúa nước, chính là nghề luyện kim đồng. Cả trên phương diện này, vai trò của vùng văn hóa Nam-Á đối với khu vực cũng hết sức to lớn; đồ đồng Đông Sơn và ảnh hưởng của nó đã tìm thấy khắp nơi – từ nam Trung Hoa, Thái Lan đến toàn bộ vùng Đông Nam Á hải đảo.

1.3. Giai đoạn từ 3-2 nghìn năm trước Công nguyên cho đến vài trăm năm trước Công nguyên đã tạo nên một đỉnh cao rực rỡ trong lịch sử văn hóa dân tộc và có ảnh hưởng lớn đến toàn khu vực.

GS Hà Văn Tấn nhận định: “ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn lên phía Bắc, theo lưu vực sông Nguyên, sông Tương, đến đất Sở là đã rõ ràng”. Vào đầu giai đoạn này, đỉnh cao đó là thành tựu chung của các dân tộc Đông Nam Á cổ đại. Không phải vô cớ mà D.V. Deopik gọi thế kỉ V trước Công nguyên là “thế kỉ của phương Nam”. Đúng như Ja.V. Chesnov nhận xét: “Về hàng loạt phương diện của văn hóa – từ sản xuất nông nghiệp cho đến lĩnh vực thần thoại – Đông Nam Á đã có những ảnh hưởng lớn, vượt rất xa ra ngoài ranh giới những láng giềng trực tiếp của nó… Việc tạo nên những thứ như cây lúa trồng, nghề luyện kim đồng, hoặc những thành tựu văn hóa khác… là kết quả sáng tạo của rất nhiều dân tộc lớn nhỏ đã tạo nên trong suốt chiều dài lịch sử nhiều nghìn năm của mình cái thế giới độc đáo được gọi là Đông Nam Á”. Chính những thành tựu của thế giới Đông Nam Á cổ đại mà trong đó có phần đóng góp của tổ tiên các dân tộc Việt Nam ấy đã làm nên cái nền vững chắc cho sự phát triển của văn hóa Việt Nam sau này.

Chữ viết của lớp văn hóa bản địa là vấn đề trước đây hầu như chưa được đặt ra. Đơn giản là vì, trong một thời gian dài, dưới áp lực của định kiến “lấy Trung Hoa làm trung tâm”, người ta không thể hình dung được rằng phương Nam có thể có một nền văn hóa riêng chứ đừng nói gì đến chữ viết. Đến nay, dưới ánh sáng của: (a) Những nhận định mới về quy mô, tầm cỡ và vai trò của văn hóa phương Nam trong lịch sử văn hóa khu vực; (b) Những ghi chép của sử sách Trung Hoa về một thứ chữ “khoa đẩu” (hình con nòng nọc bơi) của người phương Nam. (c) Những cứ liệu về dấu vết chữ viết đã phát hiện được trên những phiến đá ở thung lũng Sapa, trên qua đồng Thanh Hóa, trên lưỡi cày Đông Sơn, trên trống đồng Lũng Cú, ở vùng Mường Thanh Hóa (hình nòng nọc!); ta hoàn toàn có thể nghĩ đến giả thuyết về sự tồn tại của một nền văn tự phương Nam “trước Hán và khác Hán” (chữ dùng của GS. Hà Văn Tấn).
 
  1. Lớp văn hóa giao lưu với Trung Hoa và khu vực

Lớp văn hóa giao lưu với Trung Hoa và khu vực còn lại được hình thành qua 2 giai đoạn: giai đoạn văn hóa chống Bắc thuộc và giai đoạn văn hóa Đại Việt. Đặc trưng chung của lớp văn hóa này là sự song song tồn tại của hai xu hướng trái ngược nhau: Một bên là xu hướng Hán hóa về mặt văn hóa và bên kia là xu hướng chống Hán hóa và Việt Nam hóa các ảnh hưởng Trung Hoa.

2.1. Giai đoạn văn hóa thời chống Bắc thuộc khởi đầu từ trước công nguyên và kéo dài đến khi Ngô Quyền giành lại được đất nước. Những đặc điểm chủ yếu của giai đoạn văn hóa này là:
 
  1. Ý thức đối kháng bất khuất và thường trực trước nguy cơ xâm lăng từ phía phong kiến phương Bắc. Sự ra đời của quốc hiệu “Nam Việt” từ trước Công nguyên, trong đó yếu tố chỉ phương hướng “nam” lần đầu tiên xuất hiện (và sẽ tồn tại trong hầu hết các quốc hiệu về sau) đánh dấu một bước ngoặt trong nhận thức của dân tộc về hiểm họa xâm lăng thường trực từ phía phong kiến phương Bắc mà từ đời Tần-Hán trở đi đã trở thành một đế quốc hùng mạnh bậc nhất khu vực.

Tinh thần đối kháng thường trực và bất khuất ấy đã bộc lộ mạnh mẽ qua các cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (40-43), Triệu Thị Trinh (246), Lí Bôn với nước Vạn Xuân (544-548), Triệu Quang Phục (548-571), Mai Thúc Loan (722), Phùng Hưng (791), cha con họ Khúc (906- 923), Dương Diên Nghệ (931- 937) và đạt đến đỉnh cao ở cuộc khởi nghĩa thắng lợi của Ngô Quyền (938).
 
  1. Đặc điểm thứ hai của giai đoạn văn hóa chống Bắc thuộc là sự suy tàn của nền văn minh Văn Lang – Âu Lạc, sự suy tàn này bắt nguồn từ:

(1) sự suy thoái tự nhiên có tính quy luật của một nền văn hóa sau khi đạt đến đỉnh cao;

(2) sự tàn phá cố tình của kẻ xâm lược phương Bắc với âm mưu đồng hóa thâm độc.

Sử gia Tư Mã Thiên chép rằng từ đời Tần, Trung Hoa “đã chiếm cả thiên hạ, cướp lấy đất Dương Việt… đưa những người bị đày đến ở lẫn với người Việt”. Thời Hán, Mã Viện đưa dân Trung Quốc sang ở lẫn để đồng hóa người Việt, sử cũ gọi họ là dân Mã lưu (do Mã Viện lưu lại). Năm 231, Tiết Tông dâng sớ lên vua Ngô Hoàng Võ kể rằng “Vua Hán Võ Đế giết Lữ Gia (thừa tường Nam Việt – TNT), chia nước Việt thành 9 quận, đặt ra quan thứ sử quận Giao Chỉ. Từ đó những tội nhân Trung Quốc chạy sang, ở lẫn với dân, dạy học sử sách (Trung Hoa – TNT) và phổ cập phong tục lễ hóa của Trung Quốc”.
 
  1. Đặc điểm thứ ba là giai đoạn văn hóa chống Bắc thuộc đã mở đầu cho quá trình giao lưu – tiếp nhận văn hóa Trung Hoa và khu vực, cũng tức là mở đầu cho quá trình văn hóa Việt Nam hội nhập vào văn hóa khu vực. Điều thú vị ở đây là, tuy tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên với Trung Hoa, nhưng trong giai đoạn này, Việt Nam tiếp nhận văn hóa Trung Hoa chưa nhiều, Nho giáo hầu như chưa có chỗ đứng trong xã hội Việt Nam. Lí do của sự kiện này rất đơn giản: đó là văn hóa đến theo vó ngựa xâm lăng, do kẻ xâm lược tìm cách áp đặt vào. Trong khi đó thì Phật giáo đến Việt Nam (ban đầu trực tiếp từ Ấn Độ, sau đó qua ngả đường Trung Hoa) một cách hòa bình, nên được người Việt Nam tự giác tiếp nhận. Cho nên, cùng với sự chống Bắc thuộc quyết liệt về mặt chính trị, nét chủ đạo của giai đoạn này là xu hướng chống Hán hóa về mặt văn hóa và Việt Nam hóa các ảnh hưởng Trung Hoa.

Chính do có xu hướng chống Hán hóa mạnh mẽ như vậy cho nên, mặc dù ngay từ đầu Công nguyên, các thái thú Tích Quang, Nhâm Diên ra sức truyền bá điển lễ hôn nhân và gia đình theo lối Trung Hoa; Sĩ Nhiếp vào thế kỉ II ra sức mở trường dạy học để truyền bá văn hóa Trung Hoa và thủ tiêu văn tự ngôn ngữ Việt; Tô Định, Mã Viện ra sức thiết lập nền pháp chế hà khắc bằng gươm giáo, suốt các thế kỷ này văn hóa Trung Hoa nói chung và Nho giáo nói riêng vẫn không thể nào bắt rễ sâu được vào làng xã Việt Nam. Trong sử sách Trung Hoa thời kì này, những đoạn viết về Phật giáo Giao Châu thì nhiều mà nói về Nho giáo thì rất ít. Dân Mã lưu do Mã Viện đưa sang không những không thực hiện được nhiệm vụ đồng hóa người Việt và làm chỗ dựa cho chính quyền mà, trái lại, còn bị Việt hóa hoàn toàn.

2.2. Nhờ đã có được nền móng vững vàng tạo nên từ đỉnh cao rực rỡ trong lớp văn hóa bản địa, tinh thần Văn Lang – Âu Lạc vẫn tồn tại như một mạch ngầm trong suốt thời kì chống Bắc thuộc, để khi bước sang giai đoạn văn hóa Đại Việt, chỉ sau ba triều đại (Ngô – Đinh – Tiền Lê) lo việc gây dựng lại, văn hóa Việt Nam đã khôi phục và thăng hoa nhanh chóng. Giai đoạn Đại Việt trở thành đỉnh cao thứ hai trong lịch sử văn hóa Việt Nam với hai cột mốc: Lí-Trần và Lê (Đại Việt là quốc hiệu chủ yếu của nước ta trong thời kì này).Truyền thống tổng hợp bao dung của văn hóa dân tộc (lớp văn hóa bản địa), được tiếp sức bởi văn hóa Phật giáo giàu lòng bác ái (giai đoạn chống Bắc thuộc), đã làm nên linh hồn của thời đại Lí-Trần. Văn hóa Lí-Trần chứng kiến thời kì hưng thịnh nhất của Phật giáo và, cùng với nhu cầu xây dựng và củng cố nhà nước trung ương tập quyền, đánh dấu thời điểm Việt Nam chính thức tiếp nhận Nho giáo. Đồng thời, với tinh thần tổng hợp bao dung, nó cũng mở rộng cửa cho việc tiếp thu cả Đạo giáo. “Tam giáo đồng quy ” trên cơ sở truyền thống dân tộc đã khiến cho văn hóa Việt Nam thời Lí-Trần phát triển mạnh mẽ về mọi phương diện.

Thế là, Nho giáo (và cùng với nó là văn hóa Trung Hoa) mà trong suốt thời Bắc thuộc đã không thể thâm nhập sâu rộng được, thì giờ đây, từ khi được nhà Lí mở cửa và đặt nền móng (xây Văn Miếu thờ Khổng Tử năm 1070, lập trường Quốc Tử Giám năm 1076,…), đã thâm nhập mỗi ngày một mạnh. Đến giữa thời Trần, Nho giáo Việt Nam đã trở thành một lực lượng đáng kể trong triều đình, các Nho sĩ tự khẳng định bằng cách quay lại công kích Phật giáo và các triều vua trước. Đến thời Lê, Nho giáo đạt đến độ thịnh vượng nhất và nắm trong tay toàn bộ guồng máy xã hội. Xu hướng tiếp nhận văn hóa Trung Hoa (Hán hóa) trở thành chủ đạo. Tính cách trọng động (cứng rắn, độc tôn…) đã thâm nhập dần vào xã hội Việt Nam; nhà nước tuyên bố lấy Nho giáo làm quốc giáo; pháp luật phỏng theo Trung Hoa; phụ nữ, con hát ngày một bị khinh rẻ… Văn hóa Việt Nam thời kì này chuyển sang một đỉnh cao kiểu khác: văn hóa Nho giáo.

2.3. Việc giao lưu với Trung Hoa dẫn đến việc dùng chữ Hán làm văn tự. Chữ Nôm – chữ của người Nam (chữ “nôm” gồm bộ khẩu và chữ “nam”), một trong những sản phẩm của cuộc giao lưu này – manh nha từ cuối giai đoạn chống Bắc thuộc và hình thành vào đầu giai đoạn Đại Việt, được dùng trong sáng tác văn chương và đặc biệt được đề cao dưới triều đại nhà Hồ và Tây Sơn. Vua Quang Trung đã sử dụng chữ Nôm làm văn tự chính thức trong các chiếu chỉ của mình và từng có kế hoạch giao cho La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp tổ chức dịch các sách vở kinh điển từ Hán sang Nôm.
 
  1. Lớp văn hóa giao lưu với văn hóa phương Tây

Sau cùng là lớp văn hóa giao lưu với phương Tây. Cho đến nay, lớp này gồm hai giai đoạn: văn hóa Đại Nam và văn hóa hiện đại Tại đây cũng có hai xu hướng trái ngược: Một bên là xu hướng âu hóa, bên kia là xu hướng chống âu hóa và Việt Nam hóa các ảnh hưởng phương Tây. Song biểu hiện của chúng không phân rõ theo từng giai đoạn mà đan cài trong không gian và thời gian.

3.1. Giai đoạn văn hóa Đại Nam được chuẩn bị từ thời các chúa Nguyên và kéo dài hết thời Pháp thuộc và chống Pháp thuộc. Tên gọi Đại Nam xuất hiện từ thời Minh Mạng, đó là quốc hiệu chủ yêu của nước ta trong giai đoạn này (thời Gia Long, quát hiệu nước ta là Việt Nam). Văn hóa tại Nam có các đặc điểm:
 
  1. a) Từ những tiền đề mà triều đại Tây Sơn đã chuẩn bị, với sự hoàn tất của nhà Nguyễn, lần đầu tiên nước ta có được sự thống nhất về lãnh thổ và tổ chức hành chính từ Đồng Văn đến Cà Mau.
 
  1. b) Sau thời kì hỗn độn Lê-Mạc, Trịnh-Nguyễn, đến nhà Nguyên. Nho giáo lại được phục hồi làm quốc giáo, nhưng nó ngày một suy tàn.

  1. c) Khởi đầu quá trình thâm nhập của văn hoá phương Tây, cũng là khởi đầu thời kì văn hóa Việt Nam hội nhập vào nền văn hoá nhân loại. Sự giao lưu đó đã làm văn hóa Việt Nam biến đổi về mọi phương diện: Lối tư duy phân tích phương Tây đã hổ sung khá nhuần nhuyễn cho lối tư duy tổng hợp truyền thống; ý thức về vai trò cá nhân được nâng cao dần bổ sung cho ý thức cộng đồng truyền thống; đô thị ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, quá trình đô thị hóa diễn ra ngày một nhanh hơn. Tất cả đã khiến cho lịch sử văn hoá Việt Nam lật sang trang mới.

3.2. Giai đoạn văn hóa hiện đại được chuẩn bị từ trong lòng văn hóa Đại Nam: Sự giao lưu với phương Tây mở đầu bằng giai đoạn Đại Nam đã thổi vào Việt Nam luồng gió mới với những tư tưởng của K. Marx, V.I. Lênin. Từ những năm 30-40 trở lại đây, rõ ràng là văn hóa Việt Nam đã bước sang một giai đoạn mới. Tuy nhiên, vì văn hóa là tiếp nối, thời gian văn hóa là khái niệm mờ, một giai đoạn văn hóa ngắn nhất (như Đại Nam) cũng phải tính bằng vài thế kỉ cho nên may chục năm tồn tại của giai đoạn văn hóa hiện đại chưa cho phép tổng kết đầy đủ những đặc điểm của nó: Đây là giai đoạn văn hóa đang định hình. Tuy nhiên, có thể dự đoán một cách chắc chắn rằng đây là giai đoạn mà, sau một thời kì suy thoái kéo dài, không những văn hóa Việt Nam sẽ phục hưng mà còn phát triển mạnh mẽ về mọi phương diện, đạt tới một đỉnh cao mới.

Lớp văn hóa giao lưu với phương Tây đem đến một sản phẩm của cuộc giao lưu mới: chữ Quốc ngữ.

Nguồn: ditichlichsu-vanhoahanoi.com