328 lượt xem

Tín Ngưỡng Biên Hòa Xưa

TÍN NGƯỠNG BIÊN HÒA XƯA

Chọn Đồng Nai làm quê hương thứ 2, khi sinh sống nơi quê mới, những lưu dân ở Biên Hòa xưa vừa giữ gìn tín ngưỡng nơi bản quán, vừa có sự tích hợp về tín ngưỡng với các dân tộc khác cùng sinh sống trên địa bàn (Hoa, Chăm, Khmer…) tạo nên nét đặc sắc trong đời sống sinh hoạt tinh thần.
 

(Nguồn: Sưu Tập)

Trong đó, thờ cúng ông bà trong gia đình - một tín ngưỡng đồng thời là bản sắc văn hóa của người Việt, được cư dân Đồng Nai gìn giữ, lưu truyền từ thời mở cõi cho đến nay. Thờ cúng ông bà là cách  người Việt thể hiện tấm lòng kính trọng, biết ơn đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Phong tục này đã kết nối các lớp cư dân Đồng Nai từ bao đời nay, lớp trước lớp sau, vùng này vùng khác, làng này làng nọ, tôn giáo này tôn giáo kia… đều coi việc thờ cúng ông bà là phận sự hiển nhiên.

* Thờ cúng ông bà - nét đẹp truyền lưu

Nhà ở Đồng Nai dù nhỏ đến đâu vẫn dành nơi trang trọng nhất để thờ ông bà. Thông thường người địa phương thờ 3-4 đời (cha mẹ, ông bà, cố, sơ), đến đời thứ 5 trở lên thì chôn thần chủ (ngũ đại mai thần chủ). Ông bà từ đời thứ 4 trở lên được thờ chung, phối hưởng ở bàn thờ chính trong nhà hoặc bàn thờ họ ở từ đường.

Bàn thờ ông bà (thờ vọng hoặc thờ tượng trưng) nằm ở chính giữa nhà, bàn thờ cha mẹ ở bên trái, thờ ông bà nội/ ngoại bên phải. Những người khuất mặt khác (anh, chị, em, con) thờ ở một góc trong nhà. Người mới chết được thờ riêng cho đến khi xả tang mới thỉnh lư hương, di ảnh vào bàn thờ chung.

Người Đồng Nai xưa thường sử dụng tủ thờ, phía trên làm bàn thờ, phía dưới chứa đồ đạc, rất tiện lợi. Bàn thờ ngoài bài vị, thần chủ còn có bộ tam sự (chân đèn, lư hương, bình bông), hoặc bộ ngũ sự (thêm cặp hạc - rùa và hộp trầu), có thể có bộ thất sự (thêm 2 món khác tùy ý gia chủ). Nhà càng giàu có, phú quý, bàn thờ và các món bài trí càng tinh xảo, giá trị; tủ thờ bằng gỗ quý, cẩn xà cừ, đồ thờ bằng đồng đúc cầu kỳ, khéo léo.

Những nhà khá giả ở Biên Hòa xưa còn bài trí hoành phi, câu đối ở gian thờ, không chỉ là trang trí mà còn thể hiện “nghị quyết”, truyền thống, ý chí của gia đình, dòng tộc để định hướng cho con cháu đời sau tiếp nối như: Đức lưu phương (lưu Đức làm tiếng thơm), Thiện tối lạc (làm điều Thiện là vui nhất), Nghiệp quảng duy cần (sự nghiệp mở mang là nhờ cần cù)…

Vào ngày mất của ông bà, cha mẹ, con cháu trong nhà tổ chức cúng giỗ. Ngoài ý nghĩa tâm linh, cúng giỗ là dịp để tụ họp gia đình, nhớ đến người đã khuất, nối kết thâm tình, nhắc nhở nhau noi theo truyền thống tốt đẹp của tổ tiên, dòng họ, gia đình, trao đổi với nhau những vấn đề hệ trọng.

* Văn hóa tích hợp tín ngưỡng

Ở Đồng Nai, nhiều gia đình còn thờ thần độ mạng để được che chở, phù hộ. Ở đây có sự tích hợp rõ nét về tín ngưỡng giữa người Việt với người Hoa, người Chăm.
 

(Nguồn: Sưu Tập)

Cụ thể, đàn ông Việt thờ thần độ mạng là Quan công, hay còn gọi là Quan Thánh đế quân. Quan công có tên là Quan Vân Trường - một nhân vật lịch sử thời Tam Quốc (Trung Quốc). Có lẽ tục thờ Quan công đến Đồng Nai theo con đường nhập cư của lớp người Hoa ban đầu, nhanh chóng được Việt hóa và sau đó trở nên phổ biến, khó phân định nguồn gốc. Tục thờ Quan công độ mạng không phải là biểu hiện của sự sùng bái cá nhân, mà là biểu tượng của tinh thần trọng nhân nghĩa, trung tín, hoạn nạn có nhau, bần cùng không biến tâm, giàu sang không đổi chí, trong mọi hoàn cảnh vẫn một dạ chẳng hai lòng. Tuy nhiên, trong khi tín ngưỡng thờ Quan công ở Trung Quốc chỉ tôn vinh 4 đức tính: trung, nghĩa, tín, dũng thì ở Đồng Nai cũng như Nam bộ tôn vinh ông đến 5 đức tín (thêm đức tính trí). 

Tục xưa thường thờ Quan công bằng một bức dán giấy đỏ viết chữ Nho “Quan Thánh đế quân”; sau này thì phổ biến loại tranh thờ vẽ trên kính, gồm 2 loại: tranh 3 ông (Quan công mặc giáp phục ngồi giữa, tay vuốt râu hoặc cầm kinh Xuân Thu - một trong Ngũ kinh của Trung Quốc; phía sau bên trái có Quan Bình giữ ấn, bên phải có Châu Thương cầm thanh long đao đứng hầu); tranh 5 ông, tức tranh thờ Ngũ Công Vương Phật (có thêm Trương Tiên - tức Linh ứng Trương tôn Đại đế Thất khúc Dục thánh Thiên tôn chuyên phù trợ sản phụ và trẻ sơ sinh, cầm cung và Vương Thiên Quân, tức là Thiên lôi, cầm giản).

Phụ nữ ở Đồng Nai thờ mẫu, thường gọi là mẹ sanh, mẹ độ, phản ánh tín ngưỡng thờ nữ thần của Nam bộ. Đó là các nữ thần quen thuộc trong tín ngưỡng dân gian có nguồn gốc Việt, Hoa, Chăm như: Mẹ sanh (là 12 vị tiên nương phụ trách vấn đề sinh đẻ, còn gọi là 12 Bà Mụ); Chúa Xứ nương nương; Chúa Ngọc nương nương, Chúa Tiên nương nương (có nguồn gốc Chăm); Linh Sơn thánh mẫu, Thiên hậu thánh mẫu, Cửu Thiên huyền nữ (nguồn gốc Hoa), Địa mẫu, Quan Âm bồ tát… Tùy theo hằng tâm mà người thờ chọn nữ thần độ mạng phù hợp với mình.

Cũng giống như cư dân các miền, người Việt ở Đồng Nai còn thờ thần bản gia - được hiểu là các vị thần bảo hộ gia đình trong một phạm vi đất đai giới hạn và trách nhiệm rõ ràng.

Một trong những vị thần bản gia được thờ phổ biến, hầu như nhà nào cũng có là Táo quân, theo truyền thuyết gồm “2 ông 1 bà”. Đây là vị thần bảo trợ việc bếp núc nên bàn thờ đặt gần bếp, nhưng không có cốt tượng mà thờ bằng bức giấy dán hồng đơn viết chữ Nho. Ngày thường hoặc các dịp lễ tiết, rằm, 30 hoặc mùng một người dân cúng hoa trái, nước trong trên bàn thờ Táo quân, ngày giỗ trong nhà cũng được thỉnh phối hưởng. Riêng ngày 23 tháng Chạp hàng năm người dân long trọng làm lễ đưa Táo quân về trời.

Lễ vật đưa Táo quân khác với người miền Bắc, ngoài xôi chè, trái cây người Đồng Nai còn có món không thể thiếu là mứt thèo lèo - được xem là sự giao thoa với văn hóa Trung Hoa bởi người Hoa quan niệm đậu phọng và mè mang lại may mắn và sung túc cho năm mới. Bên cạnh đó, “lễ phục chầu trời” của Táo quân không có quần dài vì người Đồng Nai quan niệm Táo quân mặc quần lửng theo kiểu người Nam bộ; không cúng cá chép mà cúng “cò bay, ngựa chạy” (sau này người Đồng Nai mới cúng cá chép như người miền Bắc). Ngày 30 tháng Chạp Táo quân được rước về ăn Tết cùng với ông bà.

Nhiều người Đồng Nai cũng thờ Ông Địa (còn gọi là Thổ công, bảo hộ về đất đai), bàn thờ đặt dưới đất. Cốt tượng Ông Địa có nét mặt vui vẻ, bụng phệ, vú to thể hiện sự sung mãn và tính nữ - biểu tượng của sự thịnh vượng và sinh sản. Theo quan niệm dân gian, Ông Địa là người mau mắn, sẵn lòng giúp đỡ mọi người không nề hà việc gì nên người dân “đụng chuyện” thường khấn vái cầu Ông Địa, đặc biệt là cầu giúp đỡ tìm đồ vật. Ông Địa hòa nhập với mọi tầng lớp, một số người dân đạo Thiên chúa ở Đồng Nai cũng thờ Ông Địa.

Thần Tài là vị thần coi việc ban bố tiền bạc cho nhân gian, thường được thờ chung với Ông Địa. Người Hoa gọi Thần Tài là Tài Bạch tinh quân, có hình dạng vị quan mặc quan phục một tay cầm phất trần, tay kia cầm thỏi vàng hoặc nén bạc, còn Thần Tài của người Việt tay cầm xâu tiền điếu hay bó lúa.

Ngoài ra, người dân Biên Hòa xưa còn thờ Ngũ phương ngũ thổ long thần. Trước nhà thường có bàn thiên - là một kiểu thờ cân đối hài hòa trời - đất, trong - ngoài, trên - dưới của người địa phương. Nói chung, đối với người Đồng Nai xưa mái nhà không chỉ để ở mà còn là nơi con người giao hòa, tri ân trời đất, thánh thần, tổ tiên; nơi được bảo vệ, chở che và truyền thừa sức mạnh, ân đức của lớp người trước cho thế hệ sau. Đây là nét văn hóa rất đặc sắc của người Việt nói chung và người Đồng Nai nói riêng.

Vì sao người Biên Hòa không ăn tân gia?

Người Biên Hòa xưa có một tập quán, đó là dù xây dựng nhà to lớn, đẹp đẽ đến đâu cũng không tổ chức tiệc tân gia. Có một truyền thuyết là nếu ai đó ở Biên Hòa tổ chức tiệc mừng tân gia thì sau đó sẽ gặp đủ thứ xui xẻo cho đến khi phá sản, lụi tàn đến… bán nhà mới thôi. Vì sao có tập quán lạ đến vậy?

Theo PGS-TS.Huỳnh Văn Tới, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Đồng Nai, có thể tập quán này xuất phát từ 2 nguyên nhân. Thứ nhất, lớp lưu dân Việt ngày xưa đến Biên Hòa - Đồng Nai sinh sống vẫn khiêm tốn cho rằng mình là người “ở nhờ” trên vùng đất của những lớp người trước đó. Cụ thể, người Biên Hòa xưa có tục thờ Ông Tà (Neak Ta, vị thần bảo hộ cho cộng đồng dân cư theo tín ngưỡng dân tộc Khmer), khi cúng giỗ cũng cúng Ông Tà như hình thức tri ân lớp người đi trước. Vì vậy, người Biên Hòa không ăn tân gia như một cách thể hiện sự ứng xử “tế nhị” với lớp chủ nhân xa xưa của vùng đất này.

Nguyên nhân thứ hai có thể xuất phát từ lớp người Hoa theo Trần Thượng Xuyên đến Biên Hòa vào cuối thế kỷ 17. Lớp người này mang tư tưởng “Phản Thanh phục Minh” nên quyết không ăn tân gia với ý nghĩa nhắc nhở con cháu đừng quên quê hương bản quán, đồng thời bày tỏ ước vọng trở về cố quốc.
 
PGS-TS. Huỳnh Văn Tới

Nguồn: baodongnai.com.vn