271 lượt xem

Bùi Cầm Hổ - vị ngôn quan nổi tiếng - kỳ 2: Cương quyết chống cường quyền

Qua vụ xử đại thần Lê Sát chứng tỏ Bùi Cầm Hổ rất cương quyết trong việc chống cường quyền, cường bạo. Phan Huy Chú đánh giá cao: “Bùi Cầm Hổ là người lấy thẳng để báo oán, như thế thật hiếm có trong thiên hạ”.

Cương quyết trong việc chống cường quyền

Dưới thời Lê Thái Tổ, Lê Sát là một đại thần có công lớn từ khi giúp Lê Lợi dấy nghiệp, nhưng do là võ quan ít học nên tỏ ra lộng quyền, xử oan sai nhiều vị quan; bao che cho người có mưu mô, xúc xiểm, dẫn đến cái chết của hai tả tướng Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo.

Sang thời Lê Thái Tông, Lê Sát lợi dụng uy quyền của một công thần, làm nhiều điều ngang trái, thao túng triều đình, nhiều vị quan có tài bị vu và giết hại như Lưu Nhân Chú, Trịnh Khả, Bùi Ư Đài…, các quan trong triều đều sợ. Song Bùi Cầm Hổ với tính “cứng cỏi, bạo nói, không sợ quyền thế”, đã chỉ trích gay gắt sự chuyên quyền của Lê Sát, nên bị điều đi làm An phủ sứ Lạng Sơn.

Khi Lê Thái Tông đã lớn, thấy được sự nguy hại của tính chuyên quyền, lộng quyền của Lê Sát, đã cùng các quan “chế ngự” Lê Sát, dẫn đến viên quan nắm quyền Tể tướng này bị bãi chức tước vào giữa năm Đinh Tỵ (năm 1437) và bị tội chết hơn một tháng sau đó. Bùi Cầm Hổ cùng Lê Ngân đã đồng thanh tâu: “Tội của Sát đáng xử tử”, điều đó chứng tỏ Cầm Hổ rất cương quyết trong việc chống cường quyền, cường bạo.

Tuy khẳng định Lê Sát đáng tội chết nhưng, Cầm Hổ vẫn cho rằng Sát có công lao từ khi giúp Bình Định vương Lê Lợi dựng nghiệp nên tâu vua: “Tội của Sát đáng xử tử, nhưng đã là đại thần mà lại đem xác đi rao làm nhục, sự rằng để tiếng chê cười cho đời sau”.

Vua Thái Tông nghe theo, cho Lê Sát được tự tử ở nhà. Vua khen Bùi Cầm Hổ là người trọng nghĩa, cương trực. Hành động cao cả này của ông được Phan Huy Chú đánh giá cao: “Bùi Cầm Hổ là người lấy thẳng để báo oán, như thế thật hiếm có trong thiên hạ”.

Xử trí sáng suốt

Đương thời, Bùi Cầm Hổ nhiều lần thẳng thắn can ngăn vua Lê Thái Tông khi định chọn bổ người, với trường hơp Lê Quốc Khí, Trịnh Quang Bá, Lê Đỗ, Lương Đăng vốn có nhiều lầm lỗi, với Bùi Ư Đài có lời khuyên dễ gây hiềm khích; can gián và sau đó trở thành lệnh nhà vua cấm các quan không được đưa người nhà vào làm trong Dinh; khuyên nhà vua không nên thay đổi những quy chế của Thái Tổ đặt ra, không nghe người xin chuyển kho lương về Kinh mà giữ ở các trấn để tiện phòng bị…

Dân gian còn lưu truyền nhiều chuyện về sự xử trí sáng suốt của Bùi Cầm Hổ. Một lần, ngôi chùa trong Đại nội bị mất khánh bạc chuông đồng, các pháp quan tra khảo không ra, triều đình giao cho Bùi Cầm Hổ minh xét. Ông cho lập đàn chay, để Phật Bụt chỉ kẻ gian manh.

Đàn định dựng ba ngày ba đêm, các sư sãi mỗi người cầm một dúm thóc trong tay đi quanh đàn, miệng đọc “Hữu gian giả, túc sinh nha” (nghĩa là người nào gian thì thóc trong tay sẽ nẩy mầm), quan Ngự sử ngồi trên cao giám đàn. Đàn tế chưa hết một buổi, đến gần trưa, Ngự sử giám đàn đã cho bắt kẻ nghi phạm là một bà vãi, và bà này phải “tâm phục khẩu phục”.

Một lần khác, giờ làm lễ ở Thái miếu đã định trước lúc nửa đêm. Bỗng nhiên trời nổi mưa to gió lớn, vua ngự giá đến mà trăm quan chưa mấy ai tới. Vua cho là việc lớn phải làm đúng giờ, không thể thay đổi, quan Ngự sử Bùi Cầm Hổ phải tiến hành mọi việc của lễ nghi.

Một thuộc viên bộ Lễ định chơi xỏ ông, liền đốt hương trong chiếc lư không lót tro ở dưới. Cầm Hổ phát hiện được, đã nhanh trí lấy khăn lót đỡ, rồi dâng đến trước vua và tâu rằng “Lư hương nóng xin lấy khăn đỡ”, và lui xuống vẻ mặt bình thản. Lúc đọc văn tế, bỗng dưng cây nến tắt, Cầm Hổ vẫn đọc trong tối mà không sai sót một chữ nào.

(còn nữa)
TS Nguyễn Thành Hữu