272 lượt xem

NGUYỄN BÁ LÂN

Thượng thư Nguyễn Bá Lân sinh năm 1700, mất năm 1785, quê làng Cổ Đô, phủ Tiên Phong, trấn Sơn Tây (nay là thôn Cổ Đô, xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, TP Hà Nội). Quê tổ 3 đời của ông ở làng Hoài Bão, Tiên Du, Bắc Ninh(1) giỏi phong thuỷ, thích phong thuỷ làng Cổ Đô nên dời đến đây. Ông là người văn võ kiêm toàn, có tài "đánh dẹp" và "vỗ yên", nhiều lần được chúa Trịnh cử đi trị loạn như: phá tan vụ trộm cướp ở Sơn Tây và Thái Nguyên (1737); đánh bọn Duy Mật (1740), đánh đạo Đà Giang... đặc biệt, ông có công lớn trong đợt trấn ải ở biên cương Cao Bằng.

Theo gia phả dòng họ Nguyễn Bá, năm Bính Dần (1746) bọn giặc Mạc Tam ở Trung Quốc đem quân sang chiếm đánh, cướp phá hầu hết các châu ở Cao Bằng. Thời bấy giờ Cao Bằng có 4 châu, thì quân giặc chiếm mất 3 châu, chỉ duy nhất ta còn giữ được châu Thạch Lâm. Tình thế bấy giờ rất nguy kịch, quân giặc đông và được trang bị đầy đủ vũ khí tràn sang đất ta tàn phá, nhân dân trong vùng đã bỏ nhà cửa, ruộng nương thi nhau chạy loạn, một số quan trấn trị ở các châu cũng theo dân tản cư về các vùng Lạng Sơn, Bắc Kạn, Bắc Ninh, một số người vì hoàn cảnh ép buộc nên phải theo giặc.

Đứng trước tình thế trên, triều đình đã cử Nguyễn Bá Lân là quan lưu thủ Hưng Hóa đang đóng dinh ở Tòng Bạt- Bất Bạt- Sơn Tây lên Cao Bằng để đánh dẹp bọn giặc từ bên kia biên giới tràn sang cướp phá... Ông đã vâng mệnh chúa lĩnh một đội tả tượng gồm 170 quân sĩ và ngựa tốt lên đường. Đội quân của Nguyễn Bá Lân đi qua các địa phương thấy có nhiều dân ở Cao Bằng đến lánh nạn. Việc đầu tiên Nguyễn Bá Lân làm là ban thư sắc dụ các huyện để dẹp yên đạo tặc, tiến hành tập hợp dân lại để vỗ về, khuyên bảo họ trở về quê hương để đuổi giặc và mưu sống ở nơi “chôn nhau cắt rốn”. Trong thời gian trấn ải biên cương ở Cao Bằng, Nguyễn Bá Lân đã có nhiều mưu lược, đánh bại đội quân của tên Lý Văn Tài người Tàu dấy binh ở Thông Nông đã hợp sức với các tên Quang Vũ, Thất Quý, Bát Cổ trong đội quân đạo tặc làm loạn ở Cao Bằng. Đối với dân, Ông hết lòng chăm lo việc nông tang, ruộng nương làm gốc, tuyển dụng người khoẻ mạnh trai tráng để sử dụng làm quân sĩ, những người có tinh thần tốt được trợ giúp gạo, muối để dẫn đường. Với tài dụng binh và kế sách đúng đắn, Nguyễn Bá Lân đi đến đâu cũng được nhân dân đồng tình giúp sức, đồng thời qua những thông tin của nhân dân cung cấp để phân biệt được người tốt, kẻ xấu, những kẻ phản nghịch chống lại nhân dân(2).

Khi tiến đánh các đồn luỹ của giặc, với tài thiên biến vạn hoá Nguyễn Bá Lân chỉ huy quân sĩ từ trong đánh ra, ngoài đánh vào, đặc biệt dùng tình họ hàng, anh em ruột thịt đối với những người đã trót theo giặc để vận động họ làm nội ứng cho ta. Chính vì tài thu phục người và cách đánh hiệu quả ở từng vùng, từng châu, quân ta đã lấy lại được toàn bộ đất Cao Bằng đã từng bị giặc chiếm đóng, giành thắng lợi mà không hề tổn hao xương máu của quân sĩ. Sau khi dẹp xong giặc, Nguyễn Bá Lân dùng tất cả thóc gạo, trâu, ngựa và vũ khí thu được ở các đồn lũy chia cho người dân.

Khi giặc yên, những năm trấn trị ở Cao Bằng, Nguyễn Bá Lân đã cùng quân sĩ hết lòng chăm lo cho cuộc sống của nhân dân, khuyến khích mọi người dân hăng say làm ăn sản xuất, đoàn kết để chống lại bọn trộm, cướp. Nguyễn Bá Lân còn lấy các kho của bọn tham nhũng và các nhà giàu để giúp người nghèo, đồng thời tuyển dụng những quan cần mẫn giỏi chăn dân để trấn trị từng vùng, từng bản. Trong việc thực hành chính sự, Ông ra lệnh miễn giảm thuế 3 lần đối với dân nghèo; các cửa ải cũ cử người coi giữ nghiêm ngặt, nhưng cho giao thương buôn bán qua lại thuận lợi, từ đó các châu ở Cao bằng không hề bế tắc, nhân dân phấn khởi làm ăn, đời sống dần trở lại ấm no tốt đẹp hơn trước

Đến năm Quý Dậu (1753), Nguyễn Bá Lân vâng chỉ về triều, nhân dân trong vùng tỏ ra rất quyến luyến, kính trọng và khâm phục vị quan có tấm lòng hiểu dân, thương dân và giúp cho nhân dân có cuộc sống bình yên khi phải trải qua những năm tháng bị giặc quấy rầy, tàn phá. Qua thời gian gắn bó với nhân dân trong vùng ai ai cũng muốn Nguyễn Bá Lân ở lại Cao Bằng, chính vì vậy đại diện nhân dân cả 4 châu của Cao Bằng đã về tận phủ chúa để trình với Chúa nguyện vọng của đông đảo người dân trong vùng và xin cho lưu Nguyễn Bá Lân ở lại Cao Bằng để cứu trăm họ. Chúa nghe được vậy, vỗ về với dân: "Nguyễn Bá Lân không phải là viên quan của Cao Bằng, Chúa thấy địa phương các ngươi điêu tàn vì giặc nổi loạn, ta tạm cử Nguyễn Bá Lân lên trấn trị. Nay việc khó khăn đã xong, dân được yên ổn làm ăn, ta phải gọi về, các ngươi không được giữ lại".

Năm Canh Thìn (1760), cảm phục ân đức và ngưỡng mộ công lao của Nguyễn Bá Lân trong những năm trấn ải ở vùng biên cương, nhân dân Cao Bằng đã làm một bức trướng gấm vẽ hoa rồng để mừng Cụ và một bức trướng văn gửi lên chúa với tiêu đề: "Cao Bằng đất khách hạ trướng văn". trong bức trướng có đoạn: "Thị lang họ Nguyễn, trước khi lên trấn trị Cao bằng, giặc cỏ nổi lên khắp nơi, đói rét triền miên, ông không chút phiền lòng, không hề động binh, cũng không hề dùng một mũi tên, chỉ chiêu dụ vỗ về, vậy mà mọi thứ trở về như cũ, thu dẹp tàn dư binh đao, kẻ lưu vong trở lại, giảm bớt binh biến, nới lỏng thuế khoá, khôi phục nghề nghiệp, do vậy kẻ khốn được hồi sinh, người nạn được cứu giúp, khách buôn bám trụ lại nhờ đó mà an dân, cho nên một thời ca ngợi ông, hết thảy xa gần nhớ đức trị của ông mà không trái lệnh. Trăm năm ơn nhiều ông lúc trấn trị, ơn nhờ thi thư mà đưa ra phép trị nước tốt như vậy, âu cũng là bậc hào kiệt". Hiện nay bức trướng văn này được phục chế và lưu lại tại đền thờ Nguyễn Bá Lân(1).

Đến năm Giáp Thân (1764), do tuổi cao, sức yếu, Cụ đã trình với chúa xin được về dưỡng lão tại quê nhà và được chấp thuận, còn cho ăn lộc huệ dưỡng bằng dân hai xã và tặng 6 câu đối cùng với cờ màu, rồi giao cho tổ chức lễ tiễn Cụ về quê. Dân 4 tổng đi đón rước, Phủ tiết chế (Trịnh Sâm) sai mở tiệc tại nhà và tặng một bài thơ đường luật chép vào tấm lụa vàng, sau đó lại được chúa Trịnh Giang sai mở tiệc tiễn ở thuyền và cũng tặng bài thơ Nôm đường luật chép vào tấm lụa trắng

Năm 1770, theo Lịch Triều hiến chương loại chí, của Phan Huy Chú "khi triều đình bàn đến công dẹp giặc, công đứng đầu, được thăng lên Thượng thư Bộ Lễ, rồi đổi sang Thượng thư Bộ Hộ, hàm Thiếu bảo, bậc Ngũ lão hầu chúa(1)

Xét đến công trạng của Cụ Nguyễn Bá Lân Tiên Thánh Vương đã phong cho Cụ là Thành hoàng Ngũ xã (linh thần chi phù), quy định hàng năm tế lễ Cụ vào ngày 27 tháng Giêng và 3 năm tổ chức một lần đại lễ.

Để tưởng nhớ đến những bậc tiền nhân có công lớn trong việc dựng nước và giữ nước, ngày 23 tháng 12 năm 1995, Viện Sử học Việt Nam và Uỷ ban nhân dân huyện Ba Vì đã tổ chức Hội thảo khoa học “Danh nhân Nguyễn Bá Lân”. Tham dự hội thảo đã có các nhà sử học ở Viện sử học Việt Nam; Viện nghiên cứu Hán- Nôm; Viện Văn hoá dân gian. Hội thảo đã đánh giá và khẳng định một cách công bằng, khoa học về Nguyễn Bá Lân. Với gần 20 bài tham luận, hội thảo đã tập trung trình bày những nét cơ bản về quê hương của Nguyễn Bá Lân, về gia phả, tộc phả của dòng họ Nguyễn Bá và những di tích, di vật còn lưu giữ được có liên quan đến Nguyễn Bá Lân. Đặc biệt, nhiều bài tham luận đã tập trung về con người và sự nghiệp của Nguyễn Bá Lân, vào thời đại mà ông đã sống thể hiện trên một số mặt chính trị, xã hội, văn hoá, trong đó đã nêu bật được nhân cách cao thượng của ông và những giá trị thơ văn của ông còn lưu giữ được.

Ngày 25 tháng 02 năm 2000, tại Trung tâm hoạt động văn hoá khoa học Văn Miếu- Quốc Tử Giám Hà Nội: Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; Sở Văn hoá Thông tin tỉnh Hà Tây; Uỷ ban nhân dân huyện Ba Vì; Trung tâm UNESCO thông tin tư liệu lịch sử và văn hoá Việt Nam; Trung tâm Văn Miếu- Quốc Tử Giám Hà Nội đã đứng ra tổ chức Lễ kỉ niệm 300 năm ngày sinh của danh nhân nguyễn Bá Lân (1700- 2000). Đây là sự quan tâm của hậu thế đối với các danh nhân có công trong quá trình dựng nước và giữ nước.

Ngày 18 tháng 02 năm 2004, Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) đã có Quyết định số 04/2004 xếp hạng Bằng di tích quốc gia: “Mộ và đền thờ Nguyễn Bá Lân” ở thôn Cổ Đô, xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây.

Cuộc đời 86 tuổi và hơn 50 năm làm quan của Thượng thư Nguyễn Bá Lân đã trải qua nhiều chức vụ: đỗ Hội nguyên Tiến sĩ khoa Tân Hợi (1731), Đốc đồng trấn Sơn Nam, Lưu thủ Hưng Hóa, đốc trấn Cao Bằng, Bồi tụng, Thiêm đô ngự sử, Tế tửu Quốc Tử Giám, Thượng thư Bộ Công, Thượng thư Bộ Lễ, Thượng thư Bộ Hộ..., lúc mất được tặng hàm Thái tể, tước Quận công.

 Khi nói về sự nghiệp của Nguyễn Bá Lân, các bộ quốc sử đều khen Ông. Sách Cương mục ghi: "Ông là người có văn học, chất phác, thẳng thắn, mạnh dạn, dám nói. Trịnh Doanh thường hỏi về chính sách dẹp giặc yên dân, lời nói của Bá Lân phần nhiều hợp ý, bèn thăng làm Thiêm đô, vào chầu giữ làm Bồi tụng..."(2). Sách Lịch triều hiến chương loại trí ghi Ông là "bề tôi công lao, danh vọng", "giữ lòng trung thực"(3) Sách Đại Nam nhất thống chí cũng nhận xét Ông: "làm quan thanh liêm, cẩn thận; ra trấn Cao Bằng vỗ về nhân dân, dẹp yên giặc cướp, tỏ rõ công lao, vào triều tham dự chính sự thì giữ đúng pháp luật, không hề a dua"(4).

Cuộc đời và sự nghiệp Nguyễn Bá Lân thể hiện, Ông là một nhân cách lớn, một tấm gương sáng cho hậu thế noi theo.

Nguyễn Tuấn Phong - Bienphongvietnam.vn

Nguyễn Bá Lân-Danh nhân đất Việt

Nguyễn Bá Lân là nhà thơ và là đại quan nhà Lê trung hưng trong lịch sử Việt Nam. Ông cùng với Đoàn Trác Luân (anh trai nữ sĩ Đoàn Thị Điểm), Ngô Tuấn Cảnh và Nguyễn Tông Quai được người đời xưng tặng là Trường An Tứ hổ hay Trường An tứ tài.

Nguyễn Bá Lân sinh tại xã Cổ Đô, huyện Tiên Phong (cũ), trấn Sơn Tây; nay thuộc huyện Ba Vì, ngoại thành Hà Nội. Quê tổ ba đời của ông ở làng Hoài Bão, huyện Tiên Du, trấn Kinh Bắc; sau vì thích phong thủy làng Cổ Đô nên mới dời đến đây.

Cha ông là danh sĩ Nguyễn Công Hoàn, từng được xếp hàng thứ ba trong "tứ hổ" ở kinh thành Thăng Long xưa (nhất Quỳnh, nhị Nhan, tam Hoàn, tứ Tuấn). Tuy vậy, ông Hoàn lại lận đận về đường khoa cử, không đỗ đạt gì, chỉ chuyên nghề dạy học. Các chức tước mà ông có, đều là nhờ con (Nguyễn Bá Lân) làm chức lớn nên cha được phong tặng theo tục lệ ngày trước.

Vốn hiếu học, có tài văn chương, lại được cha dạy dỗ chu đáo; nên khoa Tân Hợi (1731) đời vua Lê Thuần Tông, Nguyễn Bá Lân thi đỗ Tiến sĩ.

Buổi đầu, ông được cử làm Giám khảo kỳ thi Hội, rồi Phiên tào ở phủ chúa Trịnh Giang. Đến 1740, tức đầu đời vua Lê Hiển Tông và chúa Trịnh Doanh, thì ông đã làm Tả chấp pháp ở bộ Hình.

Sau đó, ông cùng với Đốc lãnh Trần Đình Miên (còn có tên là Cẩm) đem quân đi đánh Sơn Tây trong cuộc nổi dậy của Hoàng Công Chất.

Năm 1744, bổ ông làm Lưu thủ trấn Hưng Hóa, sau làm Đốc trấn Cao Bằng.

Năm 1756, ông được triệu về kinh đô Thăng Long nhận chức Thiêm đô ngự sử, vào phủ chúa giữ chức Bồi tụng (chức thứ hai sau Tham tụng), tước Lễ Trạch hầu, kiêm giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám (Hiệu trưởng).

Đến năm Bính Tuất (1766), ông xin hưu. Nhưng chẳng lâu sau, ông lại được chúa Trịnh Doanh mời ra coi việc từ tụng.

Năm 1767, xảy ra nạn hạn hán, chúa Trịnh Sâm cầu lời nói thẳng. Nguyễn Bá Lân dâng sớ xin tha thuế cho dân và minh oan cho nhiều người, đều được chúa nghe theo.

Ít lâu sau, ông lại tâu với chúa việc quân sự ở Hưng Hóa và bày mưu kế đánh dẹp cuộc nổi dậy của Hoàng Công Chất, được chúa khen giỏi, cho cai quản cơ Tả Nhuệ và làm Tuyên phủ sứ đạo Hưng Hóa.

Năm Canh Dần (1770), ông lại xin về hưu vì tuổi đã cao, nhưng chúa Trịnh Sâm chưa cho nghỉ hẳn, vì vẫn muốn lưu ông ở kinh để phòng khi hỏi đến. Xét công lao đánh dẹp, ông được thăng làm Thượng thư bộ Lễ, rồi Thượng thư bộ Hộ, hàm Thiếu bảo, được liệt vào bậc Ngũ lão hầu chúa.

Năm Ất Tỵ (1785), Nguyễn Bá Lân mất, thọ trên 80 tuổi, được đưa về an táng tại quê nhà. Khi mất, ông được truy tặng chức Thái tể, tước Quận công.

Nguyễn Bá Lân trọn đời mang hết tài năng và đức hạnh của mình ra giúp dân, giúp nước trên mọi cương vị, văn võ song toàn, văn hóa - giáo dục uyên bác. Cho nên không lấy gì làm lạ khi thấy những danh nhân đương thời đều nói về ông với những lời trân trọng nhất. Phan Huy Chú nhận xét: "Khi bàn việc, ông giữ lòng trung thực, không che chở bênh vực ai, chúa khen là ngay thẳng dám nói". Sử sách của Quốc sử quán triều Nguyễn về sau cũng viết: "Nguyễn Bá Lân... làm quan thanh liêm, cẩn thận, ra trấn Cao Bằng vỗ về nhân dân, dẹp yên giặc cướp, tỏ rõ công lao, vào triều tham dự chính sự thì giữ đúng pháp luật, không hề a dua..." (Đại Nam nhất thống chí). "Bá Lân là người có văn học, chất phác, thẳng thắn, mạnh dạn dám nói" (Cương mục).

Đóng góp của ông về mặt văn học cũng đáng kể. Riêng với bài phú Nôm Ngã Ba Hạc, bằng những hình ảnh mạnh mẽ, có phần tinh nghịch. Về phú còn có nhiều bài chữ Hán, như Giai cảnh hứng tình, Dịch đình dương xa, Trương Hàn tư thuần lư... Nguyễn Bá Lân còn có một số bài thơ vịnh sử, được tuyển vào cuốn Vịnh sử thi quyển, Quốc âm thi và Mao thi ngâm vịnh thực lục.

Khcn.cinet.vn

Đánh trượt bài thi của cha mình

Đọc xong bài thi xếp loại một, Nguyễn Bá Lân biết ngay bài đó là của thầy dạy, của cha mình. Đó là một áng văn hay, có khí phách, niêm luật chặt chẽ, tuy hơi ngông một chút và có một chữ chiết tự ra thì phạm húy. Ông thao thức trăn trở mãi. Rốt cuộc, ông quyết định đánh trượt.

Nguyễn Bá Lân, sinh ngày 27 tháng Giêng năm Canh Thìn (1700) tại làng Cổ Đô, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây ngày nay. Thân phụ ông là cụ Nguyễn Công Hoàn, một văn tài kiệt xuất, một tài tử nổi tiếng.

Đương thời coi cụ là một trong bốn con hổ đất kinh kỳ, ai ai cũng kính phục. Nhưng đường hoạn lộ của cụ Hoàn rất long đong. Cụ đi thi lần nào cũng trượt. Cụ đi dạy học ở khắp nơi

Mãi năm Nguyễn Bá Lân 15 tuổi cụ mới về nhà, chuyên tâm dạy con đèn sách. Năm đó cụ đã 45 tuổi. Nguyễn Bá Lân, tự thuật, cha ông chỉ dạy ông bằng "Một cuốn Xuân Thu" trong bộ Ngũ Kinh gồm: Kinh Thư, Kinh Thi, Kinh Dịch, Kinh Lễ và Kinh Xuân Thu. Và học thêm 20 thiên sách lễ ký, dày không quá một trăm trang nữa thôi.

Nguyễn Bá Lân thông minh, dĩnh ngộ, học đâu nhớ đó lại ham đọc sách, do vậy sự học của ông càng mau tiến tới. Khoa thi Đình năm Tân Hợi, niên hiệu Vĩnh Khánh thứ 3 (1731) Nguyễn Bá Lân đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân.

Cứ theo như sử chép thì ở nước Đại Việt ta chỉ duy nhất có Nguyễn Bá Lân là từng làm thượng thư ở 6 bộ. Bởi bộ nào yếu kém nhà vua lại cử ông sang vực bộ đó lên. Sách "Lịch triều hiến chương loại chí" của Phan Huy Chú đã hết lời ca ngợi cốt cách thanh cao, phẩm chất trong sạch, liêm khiết của ông.

Ở làng Cổ Đô quê ông vẫn còn lưu truyền nhiều chuyện hay về ông. Xin được dẫn một chuyện ông được vua cử làm Chánh chủ khảo một kỳ thi Đình. Kỳ thi đó, thân phụ ông, cụ Nguyễn Công Hoàn, cũng lều chõng đến trường thi.

Coi thi nghiêm ngặt, bài được rọc phách rồi mới chấm. Các quan giám khảo đều nhất trí chọn xếp một bài loại một. Tức là đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh (Trạng Nguyên). Chấm bài xong các quan chủ khảo niêm phong bài, trình quan Chánh chủ khảo duyệt lần cuối cùng.

Đọc xong bài thi xếp loại một, Nguyễn Bá Lân biết ngay bài đó là của thầy dạy, của cha mình. Đó là một áng văn hay, có khí phách, niêm luật chặt chẽ, tuy hơi ngông một chút và có một chữ chiết tự ra thì phạm húy. Ông thao thức trăn trở mãi. Rốt cuộc, ông quyết định đánh trượt.

Bài vở ông duyệt xong, được trình lên nhà vua. Trong lúc chờ vua duyệt lần cuối, ông được tranh thủ về thăm nhà. Thân phụ ông, cụ Nguyễn Công Hoàn đã làm một bữa tiệc nhỏ để đãi con, đãi quan Chánh chủ khảo. Hai cha con vừa uống rượu vừa thưởng trăng. Trong lúc vui chuyện, cha ông gợi ý khéo:

- Anh chấm thi kỳ này có chọn được bài nào hay không.
- Thưa cha có một bài rất hay. Niêm luật chặt chẽ, văn chương bay bổng, có cốt cách lắm. Nhưng buộc lòng con phải đánh trượt rồi.

Linh cảm bài thi đó là của mình, cụ Nguyễn Công Hoàn, xô hẳn người về phía con:
- Anh nói thế nào. Anh khen hay sao còn đánh trượt?
- Thưa cha, tuy khẩu khí có hơi ngông. Nhưng ngông vẫn còn có thể chấp nhận được.

Cụ Nguyễn Công Hoàn tỏ ra rất sốt ruột, hỏi dồn:
- Còn tại sao? Tại sao nữa?
- Thưa cha bài đó chiết tự ra thì có một chữ phạm húy.
- Anh có còn nhớ bài thi đó không?
- Thưa cha, văn hay, đọc một lần là con nhập tâm ngay.
- Anh đọc cho tôi nghe xem nào!

Ông Nguyễn Bá Lân thong thả đọc từng câu từng chữ theo âm điệu để cha nghe. Đọc xong, thân phụ ông giơ thẳng tay tát ông một cái, mạnh tới mức ông bị đổ cả máu mũi ra. Cụ Nguyễn Công Hoàn chỉ mặt ông quát:
- Anh là đồ bất nghĩa, bất hiếu. Bài của bố anh, thầy dạy anh mà anh còn đánh trượt.

Nhưng chỉ một lúc sau, cụ Nguyễn Công Hoàn đã nói:
- Bố đánh oan anh. Anh đúng. Bố sai.

Chuyện đến tai vua. Nhà vua vô cùng cảm kích nói với quần thần:
- Nếu các quan chủ khảo đều được như Nguyễn Bá Lân thì nước Đại Việt ta lo gì không kén được hiền tài.

Viết lại chuyện này, tôi cứ ước, các giám thị, giám khảo được lấy một phần của Thượng thư lục bộ Nguyễn Bá Lân thì thật hạnh phúc cho dân, cho nước biết chừng nào! Thiết nghĩ, hiện nay chúng ta đang nói không với tiêu cực trong thi cử thì bài học Nguyễn Bá Lân còn nóng bỏng tính thời sự

Dương Duy Ngữ - Cand.com.vn