237 lượt xem

Bùi Hữu Nghĩa – bất khuất trước cường quyền

Bùi Hữu Nghĩa – bất khuất trước cường quyền

Bùi Hữu Nghĩa – bất khuất trước cường quyền, thanh liêm, chính trực lại thương người, không được lòng quan trên, nhưng được nhân dân đời đời ghi nhớ công lao và đức độ.


Tượng Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa. Nguồn: sưu tầm

Thành danh rồi mới kết hôn

Bùi Hữu Nghĩa (1807 – 1872), có tên là Bùi Quang Nghĩa, hiệu Nghi Chi, là quan nhà Nguyễn, là nhà thơ và là nhà soạn tuồng Việt Nam.

Bùi Hữu Nghĩa sinh tại làng Long Tuyền, tổng Định Thới, huyện Vĩnh Định, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh (phường An Thới, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ ngày nay); cha ông là Bùi Hữu Vị, làm nghề chài lưới.

Vì nhà quá nghèo nên Bùi Hữu Nghĩa chỉ theo học chữ Hán được mấy năm. Sau vì mến tài ông, một nhà giàu họ Ngô cùng xóm  giúp ông lên Biên Hòa ngụ nơi nhà Hộ trưởng Nguyễn Văn Lý, theo học thầy Đỗ Hoành.

Những năm đèn sách, Bùi Hữu Nghĩa vượt hẳn các bạn đồng học, được thầy khen bạn mến. Tháng 2 năm Ất Mùi 1835, năm Minh Mạng thứ 16, ông đỗ Giải nguyên (tức Thủ khoa) kỳ thi hương ở Gia Định khi 28 tuổi.

Từ đấy danh tiếng của ông vang khắp lục tỉnh, trong dân gian thường gọi là ông Thủ khoa Nghĩa thay vì gọi là Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa đất LongTuyền (Cần Thơ).

Khi Bùi Hữu Nghĩa đỗ đạt, gia đình ông Nguyễn Văn Lý, người cưu mang ông rất mừng, đã làm tiệc thết đãi vị tân khoa cùng ngỏ ý gả con gái đầu Nguyễn Thị Tồn, đẹp người, đẹp nết lại thấm nhuần tứ đức tam tòng cho ông.

Một năm sau, Bùi Hữu Nghĩa tham dự khoa thi Hội ở Huế, nhưng không đỗ; tuy vậy, ông vẫn được vua Minh Mạng ưu ái, cho vào triều tập sự tại bộ Lễ, rồi cử đi xứ Xiêm.

Trở về, ông được bổ nhiệm Tri huyện Phước Chánh, Phủ Phước Long (Biên Hòa); lúc này ông mới kết hôn cùng cô NguyễnThị Tồn.

Không được lòng quan trên

Bản tính thanh liêm, chính trực lại thông minh và thương người, nên nhiều lần xử kiện ông đã thẳng thắn từ chối hối lộ và nghiêm trị kẻ gian hoặc hống hách hà hiếp dân lành vì cậy quyền. Bởi vậy đã làm mất mặt bọn tham nhũng cấp đầu tỉnh, để rồi bị buộc đổi làm Tri huyện Trà Vang (Trà Vinh, tỉnh Vĩnh Long) dưới quyền Tổng đốc Trương Văn Uyển và Bố chánh Truyện.

Ở nơi mới, Bùi Hữu Nghĩa cũng không được lòng quan trên bởi có lần ông cho đánh đòn em vợ Bố chánh Truyện bởi thói xấc láo.

Mặt khác, với tấm lòng thương dân, yêu nước, căm ghét bọn quan lại tham nhũng, thối nát và bọn giàu có cậy quyền thế, ức hiếp dân lành, Bùi Hữu Nghĩa đã không ngần ngại đứng về phía kẻ yếu, bênh vực người nông dân nghèo Khmer, do vậy đã gây ra vụ án rạch Láng Thé và ông bị khép tội chết.

Vụ án rạch Láng Thé được ghi lại như sau:

Được biết, Trà Vang là địa bàn cộng cư của các tộc người Kinh, Hoa và Khmer, nhưng đông nhất là người Khmer. Nơi này, có con rạch Láng Thé rất nhiều tôm cá là nguồn lợi đáng kể cho dân chúng.

Trước đó, vào năm 1783, khi chúa Nguyễn Phúc Ánh bị Tây Sơn đánh đuổi phải về đây trú ẩn, chúa được người Khmer chia sẻ lương thực và tình nguyện theo phò giúp. Vì vậy, khi lên ngôi, Gia Long xuống chiếu vĩnh viễn miễn thuế thủy lợi cho tất cả người Khmer đến khai thác nguồn lợi thủy sản ở rạch này.

Tham lam trước nguồn lợi cá to lớn, bọn địa chủ người Hoa lo lót Tổng đốc Uyển và Bố chánh Truyện, độc quyền khai thác và cấm người Khmer không được khai thác tôm cá dù đã được Gia Long đồng ý ban cho trước kia.

Người Khmer bị áp bức, cuộc sống chật vật không thể chịu nổi. Tháng 10 năm Mậu Thân 1848, một số người Khmer do ông Nhêsrok – trưởng sóc cầm đầu kéo đến gặp Tri huyện Bùi Hữu Nghĩa xin xét xử.
(còn nữa)
   TS Nguyễn Thành Hữu