306 lượt xem

Kiến Phúc

Chỉ dụ trọng dụng người tài của Hoàng đế yểu mệnh triều Nguyễn

 Thực hiện hủy bỏ ấn nhà Thanh ban cho, ra lệnh chế tạo súng theo kiểu phương Tây và ban chỉ dụ buộc tất cả những người đỗ đạt ra làm việc cống hiến cho đất nước.... là những việc làm được sử sách lưu lại của Hoàng đế thứ 7 nhà Nguyễn, vua Kiến Phúc trong 8 tháng trị vì.

 
Lăng vua Kiến Phúc
(Nguồn: Sưu tập)
 

Triều đại chấm dứt phụ thuộc vào phương Bắc

Nguyễn Giản Tông (1883-1884) tên thật Nguyễn Phúc Ưng Đăng, là con trai thứ 26 của vua Thiệu Trị. Trong thời gian ở ngôi lấy niên hiệu Kiến Phúc, là hoàng đế thứ 7 của triều Nguyễn.

Lại kể tiếp chuyện hậu cung triều Nguyễn, vua Tự Đức không có con nên nhận ba người cháu làm con nuôi. Trong đó vua thương yêu Ưng Đăng nhất. Song vì Ưng Chân là con trưởng nên buộc phải nhường ngôi.

Sau đó liên tiếp những biến động chính trị xảy ra chốn cung cấm. Sử sách chép lại đây là giai đoạn “tứ nguyệt tam vương” (4 tháng 3 vua) khi Dục Đức ở ngôi 3 ngày, Hiệp Hòa gần 4 tháng đều lần lượt bị phế truất, giết hại.

Tiếp đó, ngày 1/12/1883, Nguyễn Giản Tông kế vị, trị vì đến ngày 31/7/1884. Đáng lẽ con nuôi thứ hai của Tự Đức là Ưng Kỷ lên kế vị nhưng các quyền thần sắp xếp đưa Ưng Đăng lên ngôi khi mới 14 tuổi để dễ bề thao túng.


 

Vua Kiến Phúc lên ngôi khi mới 14 tuổi 

(Nguồn: Sưu tập)
 

Vua Kiến Phúc lên ngôi trong bối cảnh lịch sử rối ren, thực dân Pháp đẩy mạnh đánh chiếm các tỉnh phía Bắc, triều đình buộc phải kí hòa ước công nhận sự bảo hộ của Pháp. Dưới thời vua Kiến Phúc có một sự kiện chấm dứt biểu tượng thần phục phương Bắc. Đó là việc hủy chiếc ấn mạ vàng khắc dòng chữ “Việt Nam quốc vương chi ấn” mà nhà Thanh ban cho triều Nguyễn.

Việc này được thực hiện do áp lực của thực dân Pháp, do các quyền thần định đoạt, vua Kiến Phúc chỉ làm theo. Nhưng dẫu sao cũng đánh dấu sự biến mất vết tích cuối cùng của quyền uy tối thượng của triều Thanh (Trung Quốc) với nước An Nam.

Ban chiếu dụ trọng dụng người tài

Mặc dù lên kế vị khi mới 14 tuổi, ngồi ngai vàng 8 tháng nhưng triều đình dưới thời vua Kiến Phúc đã có những việc làm đáng nhớ. Đó là việc triều đình vào tháng Giêng năm Giáp Thân (1884) đã cho chế tạo thử loại súng theo kiểu của Mỹ và Đức, đồng thời cho dệt thử các loại vải hoa, vải thô của phương Tây.

Có rất ít tài liệu ghi chép lại các sự kiện trên, cũng không có sử sách nào nói rõ mục đích của triều đình là gì. Chỉ biết rằng vua Kiến Phúc giao cho ông Nguyễn Xuân Phiếu phụ trách những việc trên cùng với 3 người thợ máy, 15 thợ dệt, 20 biền binh.

Những người này đều được phái đi học tập, thí nghiệm. Sau khi thành thục đều được phong thưởng: Nguyễn Xuân Phiếu từ chức Đô đốc công tòng cửu phẩm thừa phái, được hưởng chức Tư vụ. Những người khác đều được thăng trật hoặc được thưởng tiền bạc.

Một việc nữa mà vua Kiến Phúc lưu danh trong thiên hạ: Trước khi mất không lâu, vào tháng 2/1884, hoàng đến ra quyết định chưa từng có trong lịch sử. Vua ban chiếu lệnh buộc tất cả những người từng đỗ đạt đã đỗ tiến sĩ, phó bảng, cử nhân, tú tài đều phải ra làm việc tại các nha môn, công đường trên cả nước. Kể cả những người từng làm quan nhưng đã từ quan về quê, những người đỗ đạt viện cớ không chịu ra làm quan.

Để thi hành triệt để chủ trương, vua lệnh cho quan lại địa phương phải có trách nhiệm cấp ngựa cho những người đỗ đạt về kinh. Nếu ai ốm đau chưa về được, quan địa phương phải phái người đến tận nơi điều tra thực hư. Ai không tuân theo chỉ dụ sẽ bị tước bỏ văn bằng. Còn nếu quan địa phương không khai báo nghiêm túc sẽ bị nghiêm trị.

Ngoài ra, vua Kiến Phúc còn cho ngựa đi đón những người đã bị giáng chức, cách chức đưa về kinh chờ lệnh bổ dụng. Việc làm của hoàng đế Kiến Phúc được cho là hành động chiêu mộ nhân tài trên cả nước, hy vọng đưa nước nhà qua giai đoạn rối ren.

Ngày 31/7/1884 Nguyễn Giản Tông qua đời khi mới 15 tuổi. Có thuyết nói rằng vua mắc bệnh mà chết, cũng có thuyết nói vua bị đầu độc. Đến nay cái chết của nhà vua này vẫn là bí ẩn lịch sử. Sau khi mất, thi hài vua được an táng tại làng Dương Xuân Thượng, gọi là Bồi lăng.


Thực hư chuyện vua Kiến Phúc bị người tình của mẹ nuôi đầu độc

Cái chết của vua Kiến Phúc  (1869 – 1884), vị hoàng đế thứ 7 của nhà Nguyễn, để lại rất nhiều nghi vấn trong giới sử học.

Vua Kiến Phúc (1869 – 1884) có tên húy là Nguyễn Phúc Ưng Đăng, là vị hoàng đế thứ 7 của nhà Nguyễn. Ông lên ngôi ngày 2/12/1883, khi 14 tuổi, tại vị được 8 tháng thì qua đời. Cái chết của ông để lại rất nhiều nghi vấn trong giới sử học.

Ngay trong đêm 29/10/1883, sau khi phế bỏ Hiệp Hòa, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đã cho người đến nhà Dưỡng Thiện ở Khiêm Lăng (lăng Tự Đức) đón hoàng tử thứ ba (Ưng Đăng) về lập làm vua. Sách Đại Nam thực lục chép, khi được được lên làm vua, Ưng Đăng nói: “Ta còn bé sợ không làm nổi”, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết tâu: “Tiên đế đã có ý ấy, nhưng chưa lập làm, nay là mệnh trời vậy, xin nghĩ đến tôn miếu xã tắc là trọng”. Ngày 3/11/1883, Ưng Đăng chính thức được đưa lên ngôi, lấy niên hiệu Kiến Phúc. Khi ấy, ông mới 14 tuổi, nhưng 8 tháng sau thì đột ngột băng hà, khiến người đương thời rất hoài nghi, đặt nhiều nghi vấn.

 

Vua Kiến Phúc

(Nguồn: Sưu tập)
 

Sử sách chép rằng, thuở trước khi Ưng Đăng làm con nuôi của vua Tự Đức, ông được giao cho bà Học Phi Nguyễn Thị Hương nuôi dưỡng, nên lúc lên ngôi thì bà hoàng này càng trở nên có thế lực, ảnh hưởng lớn trong triều. Bà được quan đại thần Nguyễn Văn Tường tỏ ra thân thiện nhằm chiếm cảm tình.

Một dịp, vua Kiến Phúc bị bệnh đậu mùa. Sách Kể chuyện các vua Nguyễn viết: "Kiến Phúc bị bệnh đậu mùa, bà Học Phi lúc nào cũng ở bên cạnh đức vua còn bé bỏng của mình từ mờ sáng đến nửa đêm. Thế là quan phụ chính Nguyễn Văn Tường đêm nào cũng vào chầu hoàng đế và hoàng mẫu có khi đến nửa đêm mới về. Kiến Phúc đã nhiều lần chú ý thái độ lả lơi của Nguyễn Văn Tường mỗi khi trao cho bà Học phi điếu thuốc đã châm lửa của mình. Một đêm, Kiến Phúc giả vờ ngủ say, nghe được câu chuyện thì thầm to nhỏ giữa hai người, nhưng cuối cùng không nén được, bỗng kêu lên: "Lành bệnh rồi, ta sẽ chặt đầu cả ba họ nhà mi”.

Quan Tường bẽn lẽn rút lui xuống Thái y viện, lấy thuốc pha chế sẵn cho nhà vua, nhưng y lại chê thuốc xấu, rồi tự tay mình pha chế một thang thuốc khác đưa lên. Sau khi uống xong chén thuốc, vua Kiến Phúc ngủ luôn giấc nghìn thu. Do vậy, nếu đây là sự thật thì lời nói chứa đựng phẫn nộ của nhà vua đã phải trả giá bằng cả mạng sống...

Sử nhà Nguyễn chép vua Kiến Phúc mất vì bệnh. Viên Khâm sứ Pháp Rheinart cũng cho rằng nhà vua mất vì bệnh. Ông kể: “Cái chết của vua là một cái chết tự, nhưng nó đã đến một cách quá bất ngờ làm cho mọi người kinh ngạc... Trong một thời gian khá lâu nó không dậy nổi, tôi không biết nó có thể đứng lên mà không cần người đỡ không, từ lúc bị bệnh, nghĩa là từ ba tháng nay...".

Tuy nhiên, có lời đồn rằng nhà vua chết là do Nguyễn Văn Tường đầu độc. Theo đó, bà Học Phi (vợ vua Tự Đức) là mẹ nuôi của Kiến Phúc, tư tình với Nguyễn Văn Tường. Nhân một hôm vua bệnh, ông Tường vào thăm có trò chuyện riêng với bà, bị vua nghe thấy. Ông Tường thấy có thể nguy hiểm liền xuống Thái y viện bốc một thang thuốc dâng vua uống, ngày hôm sau thì vua mất...

Ngoài ra, còn có giả thuyết hai vị Phụ chính Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường giết vua Kiến Phúc, tôn một vị vua nhỏ tuổi hơn (Hàm Nghi) để dễ việc nắm trọn quyền bính.

Nguồn: Doisongphapluat.com