212 lượt xem

Cao Xuân Dục

Cao Xuân Dục- một nhà văn hóa lớn

Cao Xuân Dục không chỉ là một quan đại thần của triều Nguyễn, đứng đầu bộ Học và Quốc sử quán, ông còn là một nhà văn hóa lớn, để lại cho đời sau hàng loạt các công trình đồ sộ, có giá trị lớn về học thuật.

https://khds.1cdn.vn/2018/09/16/cao-xuan-duc-300x223.jpg
Nhà văn hóa Cao Xuân Dục. 

33 tuổi mới đỗ cử nhân

Cao Xuân Dục, tự là Tử Phát, hiệu Long Cương, người làng Thịnh Mỹ, tổng Cao Xá, phủ Diễn Châu (nay là xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An). Ông sinh ngày mùng 5 tháng 11 năm Quý Mão (1843).
Xuất thân từ một gia tộc lớn có truyền thống khoa bảng ở Thịnh Mỹ, Cao Xuân Dục là học trò của Nguyễn Đức Đạt, đỗ Tiến sĩ cập đệ tam danh (Thám hoa thứ nhất) khoa Quý Sửu, niên hiệu Tự Đức 6 (1853).
Từ nhỏ, Cao Xuân Dục đã nổi tiếng thông minh, học giỏi, được thầy yêu mến và gả con gái cho. Tuy học giỏi, song cuộc đời thi cử hết sức lận đận, mãi đến tận khoa Bính Tý, Tự Đức 29 (1876), Cao Xuân Dục mới đỗ cử nhân.

Năm sau lại bị đánh hỏng ở khoa thi Hội năm Đinh Sửu (1877) nên buộc lòng phải nhận chức Hậu bổ ở Quảng Ngãi. Con đường sự nghiệp của Cao Xuân Dục bắt đầu từ đây.

Tháng 4 năm Tự Đức thứ 31 (1878), Cao Xuân Dục được bổ làm Kinh lịch ở Niết ty Quảng Ngãi, rồi đến tháng 9 năm đó nhận chức Tri huyện Bình Sơn. Năm Tự Đức thứ 32 (1879) lại được bổ làm tri huyện Mộ Đức. Đến tháng 4 năm Tự Đức thứ 33 (1880) ông được thăng làm Hàn lâm viện Biên tu.

Tháng 4 năm Tự Đức thứ 34 (1881) Cao Xuân Dục được điều về Kinh làm việc, giữ nguyên hàm tri huyện, làm việc ở bộ Hình, sau đó lại được lĩnh thêm chức Bắc điển ty chủ sự.

Năm Tự Đức thứ 35 (1882), ông tham gia phái bộ do Trần Đình Túc dẫn đầu ra Hà Nội thương thuyết. Cuối năm ấy, Cao Xuân Dục lại được cử làm Tri phủ Ứng Hòa tỉnh Hà Nội.

Xin khắc văn thề trường thi

Tháng 7 năm Kiến Phúc thứ nhất (1884), Cao Xuân Dục được thăng hàm Hồng lô tự Thiếu khanh, Biện lý bộ Hình và cuối năm được đổi ra làm Án sát Hà Nội.

Năm Hàm Nghi nguyên niên Ất Dậu (1885) khi làm Tuần phủ Thường Tín, Cao Xuân Dục đã đích thân chỉ huy quân giao chiến với “giặc Sậy” (bãi Sậy, giáp giới Bắc Ninh- Hưng Yên) thu được thắng lợi cùng nhiều vũ khí. Nhân việc này, Cao Xuân Dục được nghị thưởng kỷ lục quân công hai bậc và sau đó được gia thưởng một chiếc Kim khánh có chữ “Nhung Công”, có tua buông xuống.

Năm Đồng Khánh thứ 2 (1887), Cao Xuân Dục được phong Quang lộc Tự khanh, lĩnh Bố chánh Hà Nội, thăng thụ Thị lang, sang Hải Phòng sứ.

Năm Thành Thái nguyên niên (1889), Cao Xuân Dục nhận chức Tán lý quân vụ, theo Khâm sai Đại thần Hoàng Cao Khải đàn áp các nhóm nghĩa quân chống Pháp ở vùng Hải Dương.

Tuy vậy, ông không dùng hành động quân sự mà với thái độ mềm mỏng để thu phục nghĩa quân, đêm ngày 12/8/1889, Cao Xuân Dục đã dụ hàng được Đốc Tứ và Đốc Lạng cùng nhiều nghĩa quân. Sau đó, ông được vua Thành Thái thăng chức Tuần phủ Hưng Yên, ban thưởng một đồng Phi Long đại hạng kim tiền, một chiếc áo bát tỷ ống hẹp màu xanh, 1 chiếc quần sa tanh màu đỏ.

Năm Thành Thái thứ 2 (1890), Cao Xuân Dục lĩnh chức Tổng đốc Định- Ninh, xung hàm Thượng tá nha Kinh lược Bắc kỳ.

Cuối năm đó, ông được bổ làm Tổng đốc Sơn- Hưng- Tuyên. Tháng 9 năm Tân Mão (1891), Tổng đốc Sơn- Hưng- Tuyên Cao Xuân Dục xin ban khắc văn thề trường thi để sĩ tử tuân hành.

Những đóng góp cho giáo dục

Với các chức vị khác nhau, dần dần từ thấp lên cao, Cao Xuân Dục đã thể hiện rõ vai trò của một vị quan cần mẫn, có trách nhiệm, có năng lực luôn được thăng chức.

https://khds.1cdn.vn/2018/09/16/cao-xuan-duc-va-con-chau-300x205.jpg
Cụ Cao Xuân Dục và con, cháu, chắt.

Tham gia chính quyền, tích lũy tri thức

Từ một chức quan nhỏ rất khiêm tốn- Hậu bổ Quảng Ngãi, với sự tận tụy, với năng lực và trách nhiệm, Cao Xuân Dục đã nhanh chóng thu được sự mến mộ của công chúng và sự tin tưởng của các quan trên, được thăng Tri huyện, Tri phủ, Án sát, Bố chánh rồi Tổng đốc.

Có thể nói trong giai đoạn này, Cao Xuân Dục dường như lo nhiều cho việc chính trị xã hội. Nhưng chính từ những hoạt động này trong quá trình trực tiếp tham gia chính quyền đã tạo nền móng cho Cao Xuân Dục tích lũy tri thức chuẩn bị hành trang cho các công trình chính quan trọng của mình ở giai đoạn tiếp theo.

Từ tháng 6 năm Thành Thái thứ 5 (1893), Cao Xuân Dục được tấn phong An Xuân Nam, cùng năm đó, ông cho in sách “Quốc triều Hương khoa lục” phần chính biên và Quốc triều khoa bảng lục.

Năm Giáp Ngọ (1894), Cao Xuân Dục làm chủ khảo trường thi Hà Nam. Tháng 4 năm sau (1895), ông được thăng Thự hiệp biện Đại học sĩ. Năm Mậu Tuất (1898), Cao Xuân Dục được chuyển về Kinh nhậm chức cho giữ nguyên hàm, sung làm Phó tổng tài Quốc sử quán.

Tháng 2 năm Thành Thái thứ 11 (1899), vua xa giá đi làm lễ Thanh minh, Cao Xuân Dục được sung làm Lưu kinh đại thần. Tháng 12 năm đó Hiệp biện Đại học sĩ sung Phó tổng tài Quốc sử quán chủ trì biên soạn sách Nhân thế tu tri.

Năm Canh Tí (1900), Phó tổng tài Quốc sử quán Cao Xuân Dục (tước An Xuân Nam) cùng một số sử quan khác vâng mệnh vua Thành Thái đã sửa chữa xong bộ Thực lục Đệ ngũ kỷ và đến tháng 7 năm Thành Thái thứ 14 (1902), hoàn thành việc san khắc, in thành sách gồm 9 quyển. Trong thời gian này, Cao Xuân Dục còn làm chủ khảo khoa thi Hội năm Tân Sửu (1901).

Tham dự hội nghị về cải cách giáo dục

Năm Thành Thái thứ 18 (1906) Cao Xuân Dục ra Hà Nội dự hội nghị bàn định việc sửa chữa học quy từ cấp tiểu học tới các kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình, đặc biệt còn có cả các quy định đối với trường thi Pháp- Việt. Cùng trong năm 1906, có kỳ thi Hương, do sĩ tử nhiều người khiếu kiện nên triều đình đã lập hội đồng xét các đơn tố cáo, Cao Xuân Dục được cử tham gia vào hội đồng này.

Đến năm sau (1907), nhân có kỳ thi Hội, Tổng tài Quốc sử quán Cao Xuân Dục dâng sớ xin đổi một số quy định trường thi. Ngày 14 tháng 4 (tức ngày 25 tháng 5 theo dương lịch) năm 1907, Cao Xuân Dục là một thành viên tham gia Hội đồng tu chỉnh học quy và đến tháng 9 năm đó, Cao Xuân Dục được cử làm Thượng thư bộ học.

Năm Duy Tân thứ 2 (1908), Cao Xuân Dục được gia phong Thượng thư bộ Học, tước An Xuân Nam, hàm Thái tử Thiếu bảo. Theo đề nghị của ông, trong năm 1908, các sách Quốc triều tiền biên toát yếu, Quốc triều chính biên toát yếu, Quốc triều luật lệ toát yếu và Địa dư chí ước biên đều được ấn hành phục vụ việc cải cách trong giáo dục.

Tháng 5 năm Duy Tân thứ 3 (1909) Tổng tài phụ chính đại thần, Thái tử Thiếu bảo, Hiệp biện Đại học sĩ, Học bộ Thương thư, kiêm quản Quốc Tử Giám đã hoàn thành bản mẫu tập Thực lục chính biên Đệ lục kỷ gồm 12 quyển.

Nhân dịp 70 tuổi, vào tháng 9 năm Nhâm Tý (1912) ông được nhà vua ban tặng Kim khánh hạng lớn có khắc chữ “Kiêm đạt tôn tam” và tám tấm thẻ Nam, trước khi nghỉ hưu ông được in tiếp Quốc triều Hương khoa lục và Quốc triều đăng khoa lục.

Cao Xuân Dục và quan điểm chiến lược về giáo dục

Trong thời gian từ năm 1891 đến khi nghỉ hưu năm 1913, nhà văn hóa Cao Xuân Dục đã sáng và tham gia biên soạn khối lượng trước tác lớn để lại cho chúng ta ngày này trên 40 tác phẩm có giá trị lớn về các lĩnh vực địa lý, lịch sử, văn hóa, giáo dục, luật pháp…

https://khds.1cdn.vn/2018/09/16/cao-xuan-duc-va-cong-su-lenormand-300x180.jpg
Cụ Cao Xuân Dục và công sứ Lenormand.

Khơi mở dân trí bằng học thuật

Trong số lượng trước tác khổng lồ mà nhà văn hóa Cao Xuân Dục đã để lại cho chúng ta có thể kể đến những tác phẩm tiêu biểu như Quốc triều toát yếu, Đại Nam thực lục chính biên, Đại Nam chính biên liệt truyện nhị tập, Quốc triều khoa bảng lục, Quốc triều Hương khoa lục, Quốc triều chính biên toát yếu, Đại Nam dư địa chí ước biên… Trong những công trình đó, vấn đề văn hóa giáo dục, đào tạo là nơi trăn trở lớn nhất của vị học quan này.

Cao Xuân Dục luôn có ý thức và tầm nhìn trong việc duy trì và phát triển nền giáo dục nước nhà giữa buổi giao thời. Ông cũng rất ý thức về vai trò của giáo dục trong sự phát triển nền văn hóa văn minh, “muốn khơi mở dân trí trước hết phải bằng con đường học thuật thì anh tài từ đó mới trở thành tốt đẹp”.

Theo ông “giáo dục là phương châm cho tự đạo” là cái không thể có được bằng tạm thời, ăn xổi mà phải trông chờ to tát lâu xa” cho nên muốn phát triển giáo dục cần chú trọng các vấn đề chủ yếu:

1- Chỉnh đốn học thuật không chỉ chuộng ý nghĩa văn chương mà còn phải hiểu biết về cách vật, không chỉ dạy chữ Nho và chữ Tây mà còn phải dạy tăng thêm chữ quốc ngữ.

2- Dự trù kinh phí cho giáo dục, tăng thêm kinh phí cho việc xây dựng trường học, lập thư viện, tăng thêm học bổng cho sinh viên, mua thêm sách mới, cấp lương cho giáo viên.

3- Tuyển chọn thầy giáo, giáo viên phải qua trường sư phạm, phải am hiểu tiếng Pháp và tiếng quốc ngữ. Thầy giáo có tốt, có giỏi thì mới đào tạo ra người tốt người giỏi được.

4- Việc dạy và học phải quy định rõ chương trình, có kiểm tra sát hạch, có khen thưởng để khuyến khích, kỷ luật để răn đe.

Người đưa ra phương châm giáo dục tiên tiến

Phương châm giáo dục của Cao Xuân Dục là “Mưu lợi ích mười năm không gì bằng trồng cây, vì lợi ích trăm năm không gì bằng trồng người” (Cao Xuân Dục- Long cương văn tập).

Những triết lý quan điểm trên “thể hiện trình độ Nho học sâu sắc uyên thâm, năng lực sử dụng kho tàng kiến thức của đạo Khổng  thông qua những tư tưởng và điển cố lấy từ cổ tịch Thi, Thư được trích dẫn dày đặc nhưng rất chuẩn xác, đúng chỗ” của Cao Xuân Dục.

Chính vì lẽ đó mà vua Duy Tân đã sắc phong ông làm Tổng tài Quốc sử quán kiêm quản Quốc Tử Giám (năm 1907) rồi Thượng thư bộ Học tương đương chức Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo thời nay.
Con đường sự nghiệp của Cao Xuân Dục bắt đầu từ chức quan nhỏ, nhưng với những cố gắng, tận tâm với tinh thần trách nhiệm Cao Xuân Dục đã đạt tới đỉnh cao của người làm quan- Đông các Đại học sĩ (một trong tứ trụ địa thần).

Cùng với sự nghiệp quan trường, Cao Xuân Dục cũng để lại cho đời sau hàng loạt các công trình đồ sộ, có giá trị lớn về học thuật. Chỉ riêng những kế sách, chủ trương mang tầm nhìn chiến lược của ông liên quan tới lĩnh vực giáo dục đào tạo đáng để cho chúng ta suy ngẫm về nền giáo dục- đào tạo hiện nay của nước nhà “Muốn khơi dân trí trước

Dương Tuấn
Khoahocdoisong.vn