299 lượt xem

Triệu Quang Phục

Triệu Quang Phục
Thương tiếc và nhớ ơn ông, người anh hùng cứu nước, nhân dân nhiều nơi lập đền thờ. Hiện nay, bài vị Triệu Quang Phục được đặt ở đền Hóa, xã Dạ Trạch (huyện Khoái Châu).

Triệu Quang Phục (?- 571) là con thái phó Triệu Túc, quê ở huyện Chu Diên. Năm 541, ông theo cha tham gia khởi nghĩa Lý Bôn đánh đuổi giặc Lương. Do có nhiều công lao, ông được phong Tả tướng quân. Năm Giáp Tý (544), khởi nghĩa thành công, Lý Bôn lên ngôi, xưng là Nam Đế, đặt niên hiệu là Thiên Đức, tên nước là Vạn Xuân, đóng đô ở Long Biên. Năm sau (545), Lương Võ Đế sau lại sai Trần Bá Tiên đem quân sang xâm lược nước ta. Thế giặc mạnh, Lý Nam Đế không chống nổi, rút vào giữ động Khuất Lão (vùng Tam Nông – Phú Thọ ngày nay) điều chỉnh binh lính, mưu tính chiến đấu về sau, giao cho đại tướng là Triệu Quang Phục cầm quân chống Bá Tiên. Hai bên giao tranh nhiều trận, chiến đấu rất ác liệt nhưng không phân thắng bại. Triệu Quang Phục thực hiện đường lối đánh địch lâu dài ngay giữa vùng đồng bằng và đánh bằng chiến tranh du kích, vừa tiêu hao sinh lực địch mà vẫn bảo tồn được lực lượng. Ông cho quân lui về dựng căn cứ mới ở Dạ Trạch (huyện Khoái Châu). Dạ Trạch ngày ấy là một vùng đầm lầy ven sông Hồng rộng mênh mông, lau sậy um tùm, ở giữa là một bãi rộng có thể làm ăn sinh sống. Đường vào bãi, người, ngựa không đi được, chỉ dùng thuyền độc mộc lướt nhẹ trên cỏ nước theo mấy con lạch nhỏ thì mới tới được. Theo sử cũ, Triệu Quang Phục đem hơn hai vạn người vào đóng ở bãi đất nơi ấy, ngày ngày quân sĩ thay phiên nhau luyện tập, phát ruộng trồng lúa trồng khoai để tự túc lương thực, ban ngày tắt hết khói lửa, im hơi lặng tiếng như không có người, đêm đến dùng thuyền độc mộc đem quân ra đánh quân Bá Tiên, giết nhiều giặc, thu được nhiều lương thực. Người trong nước suy tôn là Dạ Trạch Vương.

          Lập căn cứ kháng chiến ở đồng bằng, đó là kế sách dụng binh hết sức mưu lược và sáng suốt của Triệu Quang Phục. Vùng đồng bằng tuy không có thế đất hiểm như miền đồi núi, nhưng có nhiều sông lạch chia cắt, nhiều đầm hồ lầy lội không lợi cho việc hành binh của những đạo quân lớn. Địa thế như vậy, buộc địch phải phân tán chia quân đánh nhỏ làm mất sở trường của chúng, đồng thời tạo điều kiện cho ta tiêu diệt gọn từng bộ phận nhỏ tiêu hao sinh lực địch. Kế sách “Trường kỳ kháng chiến, lấy ít đánh nhiều, lấy yếu đánh mạnh, đánh tiêu hao là chính” đã làm cho tình thế thay đổi ngày càng có lợi cho ta, bất lợi cho địch. Qua gần 4 năm chiến đấu (547- 550) quân ta càng đánh càng mạnh, quân giặc càng đánh càng suy yếu. Tháng 4 năm 548, Lý Nam Đế mất ở động Khuất Lão. Tướng sĩ tôn Triệu Quang Phục lên thay Lý Nam Đế nhưng ông chỉ xưng Vương, lấy hiệu là Triệu Việt Vương. Cũng trong năm ấy, triều Lương xảy ra loạn Hầu Cảnh, Trần Bá Tiên bị gọi về nước trao quyền cho tùy tướng là Dương Sàn ở lại tiếp tục cuộc chiến với Triệu Quang Phục. Lợi dụng thời cơ đó, Triệu Quang Phục từ căn cứ Dạ Trạch mở một loạt cuộc tấn công vào quân giặc. Dương Sàn chết trận, quân Lương tan vỡ. Đất nước sạch bóng quân xâm lược, Triệu Việt Vương vào đóng ở thành Long Biên, kế tự sự nghiệp của nhà Tiền Lý, kiến thiết đất nước. Đến năm 557, Lý Phật Tử, vốn là cháu của Lý Bôn, khi trước chạy vào động Dã Năng ở với thượng du Thanh Hóa, đem quân xuống để gây chiến với Triệu Việt Vương. Sau một thời gian đánh nhau bất phân thắng bại, hai phe Triệu – Lý tạm thời hòa hoãn và chia nhau địa giới ở bãi Quần Thần (vùng Thượng Cát, Hạ Cát nay thuộc Từ Liêm – Hà Nội), cùng kết nối thông gia. Con trai Lý Phật Tử ( Nhã Lang) lấy con gái Triệu Việt Vương (Cảo Nương). Họ Lý đóng quân ở Ô Diên, họ Triệu đóng ở Long Biên. Năm 571, do mất cảnh giác trước hành động của cha con Lý Phật Tử, Triệu Quang Phục thua trận, thất thế rút chạy về phía Nam, cùng đường ông gieo mình xuống cửa biển Đại An (nay thuộc Nam Định) tự vẫn.

          Thương tiếc và nhớ ơn ông, người anh hùng cứu nước, nhân dân nhiều nơi lập đền thờ. Hiện nay, bài vị Triệu Quang Phục được đặt ở đền Hóa, xã Dạ Trạch (huyện Khoái Châu).

 Việt Vương Triệu Quang Phục - bậc thầy của chiến tranh du kích Việt Nam    

Hưng Yên vinh dự là quê hương và có địa danh lịch sử nổi tiếng Dạ Trạch, vùng đất lưu dấu nghệ thuật quân sự tài tình, sáng tạo của Triệu Quang Phục, vị vua anh hùng đã trị vì đất nước 23 năm (548- 571). Đại Việt sử ký toàn thư nhận định về Việt Vương Triệu Quang Phục như sau:“Vua giữ đất hiểm dùng kỳ binh để dẹp giặc lớn”.

Việt vương Triệu Quang Phục - vị vua dũng mãnh trong sử Việt.
Ảnh: Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội.

Theo sử sách, vùng “đất hiểm” đó chính là đầm Dạ Trạch (thuộc Khoái Châu, Hưng Yên ngày nay). Còn “kỳ binh” chính là kế sách dụng binh hết sức mưu lược và sáng tạo của Triệu Quang Phục, bằng chiến thuật đánh lâu dài, đánh du kích đã dẹp tan quân Lương xâm lược.   

Trong cuốn sách Tìm hiểu tổ tiên ta đánh giặc, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo viết: “Dạ Trạch là căn cứ địa kháng chiến đầu tiên của người Việt Nam, không phải trên rừng, hay ở đồng bằng mà lập ngay trên đầm lầy. Triệu Quang Phục cũng là người Việt Nam đầu tiên mà qua ghi chép của sử sách đã áp dụng chiến tranh du kích "lại vô ảnh, khứ vô hình" tiêu hao sinh lực địch, tiến tới giành chiến thắng hoàn toàn.”.

Bấy giờ là đầu năm 545, dưới triều vua Lý Nam Đế (Lý Bôn), nước ta có tên là Vạn Xuân, nhà Lương tiếp tục huy động đại binh, cử tướng tài Trần Bá Tiên dồn sức mở cuộc tấn công xâm lược Vạn Xuân. 

Sử sách ghi chép, cuộc kháng chiến chống quân Lương xâm lược dưới thời Lý Bôn - Triệu Quang Phục là một cuộc chiến tranh kéo dài 5 năm (545 - 550) và chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn đầu (545 - 546) do Lý Nam Đế chỉ huy; giai đoạn sau (547 - 550) do Triệu Quang Phục chỉ huy. 

Giai đoạn đầu, qua những trận ác chiến diễn ra cho thấy tư tưởng phòng ngự đã hoàn toàn chi phối tư duy quân sự của Lý Nam Đế, giặc nắm được nhược điểm này, quân ta liên tiếp bại trận phải rút lui. 

Giai đoạn sau, Lý Nam Đế bị bệnh, tin tưởng phó thác việc nước, trao hết binh quyền cho Triệu Quang Phục. Nhưng cũng kể từ đó, lực lượng của Lý Nam Đế đã bị phân chia làm 2 bộ phận khác nhau. Bộ phận thứ nhất do Lý Thiên Bảo (anh vua) và một số tướng lĩnh khác chỉ huy rút chạy xuống phía nam. Bộ phận thứ hai do Triệu Quang Phục chỉ huy thì tiếp tục bám trụ, tận dụng địa hình hiểm trở để chiến đấu chống giặc ngoại xâm.

Xét thấy đây là cuộc chiến không cân sức, quân ta bị động, lại tập trung lực lượng công khai dàn trận quyết đấu với kẻ địch vừa đông, vừa mạnh thì thất bại là điều khó tránh, Triệu Quang Phục nhanh chóng quyết định chuyển hướng chiến lược. 

Đầu tiên là thay đổi địa bàn chiến đấu. Ông đưa quân từ miền núi về đồng bằng, lập căn cứ mới ở Dạ Trạch. Đồng thời, dựa vào căn cứ này thực hiện kế sách đánh lâu dài với quân giặc. Kế sách của Triệu Quang Phục diễn đạt theo ngôn ngữ quân sự hiện đại là sử dụng chiến tranh du kích, đánh tiêu hao sinh lực địch là chính. Nhờ sự chuyển hướng này, cuộc kháng chiến chống quân Lương xâm lược có bước ngoặt lớn, phát huy được lợi thế của quân ta, hạn chế sở trường của giặc.  


Đường Triệu Quang Phục ở thành phố Hưng Yên (Hưng Yên)

Sự kiện này trong Đại Việt sử ký toàn thư có ghi, Triệu Quang Phục cầm cự với Trần Bá Tiên, chưa phân thắng bại. Nhưng quân của Trần Bá Tiên rất đông, Triệu Quang Phục liệu thế không chống nổi bèn lui về giữ đầm Dạ Trạch. Đầm này chu vi không biết bao nhiêu dặm, cỏ cây um tùm, bụi rậm che kín, ở giữa có bãi đất cao có thể ở được, bốn mặt bùn lầy, người ngựa khó đi, chỉ có dùng thuyền độc mộc nhỏ chống sào đi... Nhưng nếu không quen biết đường lối thì lạc, không biết là đâu, lỡ rơi xuống nước liền bị rắn độc cắn chết. Triệu Quang Phục thuộc rõ đường lối, đem hơn 2 vạn người vào đóng ở bãi đất, ban ngày thì không để lộ khói lửa dấu người, ban đêm thì dùng thuyền độc mộc đem quân ra đánh giặc, cướp lương thực...  

Quân Lương cố sức đánh vào vùng Dạ Trạch, nhằm tiêu diệt hoàn toàn sự kháng cự của quân dân Vạn Xuân nhưng đều thất bại. Tên tướng giặc Trần Bá Tiên tài giỏi trận mạc cũng hoàn toàn bất lực trước chiến thuật "lai vô ảnh, khứ vô hình”, thoắt ẩn, thoắt hiện của lực lượng quân sĩ Triệu Việt Vương. Nên thời bấy giờ, nhân dân yêu mến gọi Triệu Quang Phục là Dạ Trạch Vương (vua Đầm Đêm). 

Sau gần 4 năm dựa vào đầm Dạ Trạch (giữ đất hiểm) cùng chiến thuật đánh du kích (dùng kỳ binh) và được nhân dân hết lòng đùm bọc, che chở thì kế sách đánh địch lâu dài mà Triệu Quang Phục vạch ra đã dần làm thay đổi tương quan lực lượng giữa ta và địch, chúng ngày thêm suy yếu, mệt mỏi mà quân ta càng đánh càng mạnh dần lên. 

Năm 550, khi Trần Bá Tiên sa lầy ở đầm Dạ Trạch thì nội bộ triều đình nhà Lương có loạn, gọi Trần Bá Tiên về dẹp loạn, ủy quyền cho tì tướng là Dương Sàn ở lại. Chớp thời cơ đó, Triệu Việt Vương tung quân ra đánh, giết được tướng giặc, giành thắng lợi hoàn toàn, quân Lương thua to rút chạy về nước. Đất nước sạch bóng quân xâm lược. Nhờ công lao của Triệu Quang Phục, nước Vạn Xuân trải qua những năm tháng gian nan nhất, tưởng như bị tiêu diệt hoàn toàn, đã giành được quyền tự chủ.

Đầm Dạ Trạch xưa được sử sách miêu tả là nơi lau sậy mọc như rừng nay đã trở thành miền quê trù phú, bờ xôi ruộng mật. Vùng đất “địa linh” ấy từng in dấu bước chân quả cảm của quân sĩ Triệu Quang Phục, vinh hạnh chứng kiến khí phách của những người con đất Việt kiên cường, bất khuất. Dạ Trạch còn nổi danh trong lịch sử chống giặc ngoại xâm là vùng đất lưu dấu nghệ thuật quân sự tài tình và sáng tạo của Triệu Quang Phục. Nếu thế kỉ thứ 6, vùng đầm lầy Dạ Trạch được Triệu Quang Phục chọn làm căn cứ ẩn quân, đêm đêm bất ngờ, chớp nhoáng tấn công giặc Lương xâm lược, thì hơn 1300 năm sau, địa danh lịch sử nổi tiếng này là căn cứ của cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy chống thực dân Pháp xâm lược...

Ở một chừng mực nào đó, như Thượng tướng Hoàng Minh Thảo - nhà lý luận quân sự hàng đầu của nước ta đã nhận định, có thể nói rằng Triệu Quang Phục là một trong những bậc thầy thuộc hàng cổ nhất của lịch sử chiến tranh du kích Việt Nam… 

Nguồn: baohungyen