263 lượt xem

Bước đầu tìm hiểu cụ Nguyễn Sinh Huy và gia đình vào Huế lần thứ hai

Đầu năm 1901, sau khi bà Hoàng Thị Loan mất cụ Nguyễn Sinh Huy và hai con trai rời Huế về quê để nhờ bên ngoại chăm sóc các con một thời gian. Sau đó cụ Huy trở lại Kinh Đô để dự thi hội khoa Tân Sửu tháng 4 - 1901. Lần thi này cụ Nguyễn Sinh Huy đậu Phó bảng.

Mùa hè 1901 cụ Nguyễn Sinh Huy từ Huế về lại quê hương.Tại quê cụ Huy đi dạy học và chăm sóc con cái từ năm 1901 - 1905.

Khác với những người sinh thời: Học hành thi cử mong ra làm quan cụ Huy  không muốn ra làm quan mặc dầu đã đậu Phó bảng. Cụ thấy rõ chế độ thực dân Pháp thống trị Việt nam và bọn quan lại Nam Triều làm nô lệ cho chúng. Thực tâm của Cụ không muốn hợp tác với thực dân Pháp và triều đình. Vì vậy, cụ Huy ở nhà đi dạy học giúp đời và đưa con đi tham quan quê hương đất nước Nghệ Tĩnh.

Thực dân Pháp thấy cụ Huy không muốn ra làm quan, chúng nó nghi kỵ. Vì lúc bấy giờ có cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh thi đậu mà không ra làm quan, hay bỏ quan về địa phương hoạt động yêu nước chống Pháp.

Thực dân Pháp và triều đình nhiều lần triệu cụ Huy vào Huế để bổ nhiệm làm quan, chúng sợ cụ Huy “không ra làm quan thì sẽ làm giặc” ngược lại cụ Huy tìm mọi cách để từ chối quan trường, cụ cứ khất lần khất hồi. Cụ Huy quan niệm “Quan trường thị nô lệ, trung chi nô lệ, hựu nô lệ”. Với tư tưởng như vậy nên cụ Huy kéo dài thời gian ở quê từ 1901 - 1905 không ra làm quan. Triều đình vẫn thúc ép cụ ra làm quan. Năm 1906 cụ Huy không thể từ chối lệnh triều đình phải ra làm quan. Cụ Huy nhậm chức thừa biện bộ lễ vào tháng 5- 1906 (tài liệu mật thám Trung Kỳ có ghi Nguyễn Sinh Huy nhậm chức thừa biện bộ lễ 5/1906) theo chúng tôi cụ Huy không muốn ra làm quan, khi bắt buộc phải ra làm quan không hứng thú vì vậy cụ Huy không vào Huế sớm trước năm 1906, mà cụ vào Huế đầu năm 1906.

Hành trình vào Huế lần thứ hai của cụ Huy và gia đình (1906).

 Vào Huế lần thứ hai cụ Huy vẫn gửi cô Thanh nhờ bên ngoại chăm sóc dạy dỗ, còn mình thì đem theo anh Cả Khiêm và cậu Cung để nuôi dạy.

Cụ Huy và hai con trai vào Huế lần thứ hai đi bộ theo đường quan lộ sau này Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhắc lại các địa danh trên đường đi vào Huế với các đồng chí cán bộ Bình Trị Thiên ra Hà nội được gặp Bác : Đèo Ngang, đèo Lý Hoà, Ba Dốc - Chợ Cầu... Vào Huế cụ Huy đến Bộ Lễ trình diện và được triều đình bổ nhiệm chức Thừa biện Bộ Lễ vào tháng 5/1906 (tài liệu mật thám Trung Kỳ, trích tờ số A37801 Toà Khâm Sứ Trung Kỳ). hai anh em cậu Cung, cụ Huy xin cho vào học trường tiểu học Pháp Việt Đông Ba.

Tư tưởng và sự nghiệp của cụ Huy trong khi đương chức ở Bộ Lễ

Cụ Huy là một nhà Nho yêu nước thương dân, sống trong đất nước nô lệ, cụ không muốn hợp tác với thực dân Pháp và triều đình, theo cụ đó là một điều nô lệ. Cụ làm quan vì thực dân Pháp và triều đình ép buộc. Mặc dầu vậy khi nhậm chức và làm việc thì cụ tỏ ra một viên quan có năng lực, hoàn tất các công việc được giao  không bị chê trách (Hồ sơ mật thám Trung Kỳ).

Triều đình đánh giá cụ Nguyễn Sinh Huy: Tờ trình của bộ lại lên Vua Duy Tân ngày 11/4 năm Duy Tân thứ ba (ngày 29/5/1909) Nguyễn Sinh Huy đỗ Phó bảng năm Thành Thái thứ 18. Tháng tư nhuận năm đó được phong kiểm thảo làm Thừa Biện Bộ lễ, tháng 2 năm Duy Tân thứ hai được thăng tu tuyển trước tác, tháng ba năm nay (1909) được phong trước tác thực thụ... Thăng chức đồng tri phủ bổ nhiệm tri huyện.

Theo các cụ: Cao Xuân Tiếu, Lê Viết Triết, Lê Du, Nghè Hoàng, Phan Văn Dật, Tôn Thất Sâm... “cụ Huy làm việc cầm chừng chưa hết khả năng của mình, nếu đem hết năng lực ra làm việc thì cụ Huy còn tiến cao hơn xa hơn”. Nhưng điều đó cụ Huy tuyệt nhiên không làm và không cần tới, vì không muốn phục vụ đắc lực cho thực dân Pháp và triều đình.

Cụ Huy là một nhà nho yêu nước, muốn cho nước ta khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp. Cụ có tư tưởng chống Pháp ủng hộ những văn thân yêu nước. Nhưng từ yêu nước đến tìm ra con đường cứu nước đối với cụ Huy hai lĩnh vực đó chưa gặp nhau được con đường cứu nước cứu dân, cụ chỉ khuyến khích con cháu tìm đường cứu nước “Mày đến thăm tao tao cũng thế này, Mày không đến thăm tao tao cũng thế này, chúng mày đang tuổi thanh niên phải học hành và làm việc, đến thăm tao có ích gì”. (Lê Mạnh Trinh) hay việc anh Thành ra đi tìm đường cứu nước.

Trong thời gian ở Huế cụ Huy cũng có tiếp xúc với các văn thân yêu nước chống Pháp.Cụ Huy không tán thành con đường sang Nhật nhờ Nhật giúp Việt Nam đánh Tây cụ thể Cụ không khuyến khích con đi theo phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu, trái lại cụ cho con học Quốc ngữ và Pháp văn điều đó quả là thức thời so với quan lại và sĩ phu lúc bấy giờ. Cụ khuyến khích con tìm hiểu phương Tây và nước Pháp... Bác Hồ nói với nhà báo Liên Xô: “Vào trạc tuổi 13.......”

Quan hệ của cụ Huy đối với cấp trên, đồng nghiệp, bạn bè.

Theo hồi ký của các cụ Cao Xuân Tiếu con ông Cao Xuân Dục bạn học với cụ Huy nói: “cụ Huy sống với bạn bè và mọi người để lại ấn tượng tốt đẹp”.

 Cụ Lê Viết Triết con ông đội Nghiêm bạn cụ Huy và ở sát bên nhau tại dãy trại nói: “Tính tình cụ Huy: thích uống rượu, người nghiêm nghị, đứng đắn, hiền lành. Cụ Huy đối xử với bạn bè rất tốt không làm phật lòng ai”.

Cụ Lê Du con ông Lê Trinh - Thượng thư Bộ Lễ - cấp trên cụ Huy nói: “Cụ Huy người hiền lành, phúc hậu, thật thà nhưng cương trực, không nịnh bợ cấp trên... Thời bấy giờ quan lại cấp dưới hay mang quà biếu xén quan lại cấp trên để được che chở vinh thân, cụ Huy thì không làm thế. Cụ thường chống lại những ông quan lại Việt Nam hoặc người Pháp làm điều sai trái. Cho nên bọn Pháp và tay sai thường ghét ông (tư liệu Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Bình Trị Thiên, trang 14 thời kỳ Bác Hồ và gia đình ở Thành Nội Huế).

Tóm lại, quan hệ cụ Huy với đồng nghiệp và bạn bè đứng đắn chân thành được mọi người quý mến. Đối với cấp trên (thực dân Pháp và triều đình) cụ không tỏ ra khúm núm sợ sệt, luồn cúi để được che chở như đa số quan lại lúc bấy giờ, cụ thẳng thắn chỉ trích những điều sai trái của quan trên và thực dân Pháp.

*Chỗ ở cụ Huy và hai con trai trong thời gian cụ làm Thừa biện Bộ Lễ ở Huế

Cụ Huy và hai con trai ở tại dãy trại đường Đông Ba (Nay là 47 Mai Thúc Loan Huế ) căn nhà số 19 từ cửa Đông Ba đi vào phía tay trái.

Lịch sử dãy trại. Qua nghiên cứu tài liệu về kinh thành Huế (tư liệu Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Bình Trị Thiên và hồi ký các nhân chứng). Kinh thành Huế được xây dựng từ thời Gia Long đến năm 1848 mới hoàn thành ổn định. Kinh thành Huế có 13 cửa ra vào, 10 cửa có vọng lâu: Cửa Thượng Tứ, của Nhà Đồ, An Hoà, Đông Ba...Hai cổng thuỷ quan và một cửa ra mang cá. Tất cả các cửa ra vào thành đều có trại lính của Nha hộ thành ở để tuần tra canh gác bảo vệ an ninh cho kinh thành. Trại lính ở phía trong mỗi cửa thành, nhà tranh vách đất. Cửa Đông Ba cũng nằm trong hệ thống nói trên, cũng có trại lính ở để bảo vệ từ thời Gia Long đến Thành Thái và sau này...

Khu nhà trại lính ở cửa Đông Ba kiến trúc đơn sơ, nhà tranh vách đất. Năm 1904 do cơn bão năm Thìn tàn phá Kinh thành, Khu trại lính cửa Đông Ba bị sụp đổ hoàn toàn. Bộ công làm tờ trình lên vua Thành Thái xin trích công quỹ để xây dựng hai dãy nhà bằng gạch ngói giành cấp cho các thuộc quan ở tập thể. Được vua phê chuẩn, năm 1905 Dãy Trại được khởi công xây dựng (theo bản vẽ mặt bằng và thiết kế kèm theo) và đến đầu năm 1906 thì hoàn thành với hai dãy nhà hai bên đường Đông Ba (nay là 47 Mai Thúc Loan Huế). Mỗi dãy có 20 gian tất cả là 40 gian. Giới hạn của hai dãy nhà: từ cửa Đông Ba đến đường ngang Ngô Đức Kế ngày nay. Trước hai dãy nhà hai bên có hai lối cây bàng to cao xanh mát, sau lưng mỗi dãy cách khoảng 15 mét đến 20 mét có nhà vệ sinh công cộng.

Đối tượng được phân phối ở hai Dãy Trại

Quan lại Nam triều gồm có ba bậc:

- 1 là Đường quan (Thượng Thư, Tham Tri, Thị Lang)
- 2 là Thuộc quan (Lang Trung, Tư Vụ, Chủ Sự)
- 3 là Tham phái.

Đường quan có công thự cấp cho cư trú ở Lục Bộ

Thuộc quan được cấp ở hai Dãy Trại từ năm 1906

Thừa thái không cấp nhà ở.

Như vậy xét đối tượng cấp nhà ở của triều đình phù hợp với chức vụ thời gian và hoàn cảnh khi cụ Huy vào triều nhận công tác tại bộ lễ. Cụ Huy thuộc bậc  Thuộc quan nên được cấp nhà ở Dãy Trại năm 1906 là hợp lý. Đầu năm 1951 bà Thanh nói với đồng chí Thanh Tịnh tại quê: “vào Huế lần thứ hai gia đình tôi ở nhà nhà nước gần chợ Xép và hồ cây Mưng” (đồng chí Thanh Tịnh kể).

Bác Hồ nói với đồng chí Lê Minh chiều ngày 30/9/1968 tại nhà sàn “từ cửa Đông Ba đi vào cách đó mười mấy gian bên tay trái là đến gian nhà trước đây Bác  đã ở... ở đó trước có cái chợ gọi là chợ Xép cũng đông người.” (tư liệu ban nghiên cứu lịch sử Đảng Nghệ Tĩnh).

Cụ Huy và hai con trái ở  gian thứ 19 từ cửa Đông Ba đi vào tay trái nay là số nhà 47 Mai Thúc Loan Huế. Từ năm 1906 đến tháng 7/1909 thì thôi ở vì cụ Huy được triều đình bổ nhiệm đi làm Tri huyện Bình Khê.

Năm 1940 thời Bảo Đại, lệnh cho bộ công sửa chữa và cải tạo hai Dãy trại vì hư hỏng nhiều. Bộ công đã cải tạo và sửa chữa: để hai gian song lập phá đi một gian để lấy đất trồng hoa và tạo không gian thoáng mát, các gian phá đi mang số: 3, 6, 9, 12, 15, 18, 23, 26, 29,32, 35, 38. Số gian còn lại mỗi bên là 14. Đến năm 1955 thời Ngô Đình Diệm các gian Dãy trại bán lại cho viên chức, tư nhân tự tu sửa cải tạo để ở. Ngày nay chỉ còn lại hình dáng một vài gian nhà và một số đòn tay, rui thời 1906.

Cấu trúc Dãy trại năm 1906 (một căn hộ). Nhà xây bằng gạch vồ, vôi cát có pha mật mía, nền nhà bằng đất, mái lợp bằng ngói liệt vồ, mỗi mái có 8 đòn tay tròn và một đòn tay nóc đường kính 0m10 dài 4m50, mỗi mái có 22 rui dài 6m50 rộng 0m12. Đòn tay và rui đều bằng gỗ lim. Nhà không có cột kèo và cũng không có trần.

Số đo mỗi gian nhà: Chiều ngang 4m50, chiều dài12m (không kể nhà bếp). Mỗi gian chia làm hai phòng ngoài và trong có cửa thông đi lại, phòng sau có cửa ra bếp và một cửa sổ hai cánh bằng gỗ cao 1m50 rộng 1m20, phía sau mỗi gian nhà có một nhà bếp chiều dài 3m rộng 2m.

Mặt trước mỗi gian có tam cấp, hàng hiên rộng 1m, có 8 cửa bản khoa cao 1m80 rộng 0m40 (một cánh) trên song dưới bản bằng gỗ (có bản vẽ kèm theo).

Trên đây là những điều biết được về Dãy trại năm 1906 mà cụ Huy và hai người con trai đã ở từ năm 1906 - 1909.

Sinh hoạt của gia đình cụ Huy ở Dãy Trại.

Có thể khẳng định cụ Huy là một người quan thanh liêm, nguồn thu nhập chính là lương bổng hàng tháng để nuôi sống ba cha con. Cụ không có nguồn thu nhập nào khác. Theo lịch sử triều Nguyễn thì lương bổng quan lại hàng tháng đủ nuôi sống bản thân, ai có cuộc sống khá giả hơn là do có nguồn thu nhập khác. Cụ Huy phải nuôi hai con trai ăn học nên cuộc sống có phần chật vật. Mọi sinh hoạt trong gia đình từ việc lớn đến việc nhỏ đều do cụ Huy và hai con trai đảm nhận không thuê mướn ai cả (chợ búa, nấu nướng, giặt giũ...) Anh Cung thường đi chợ Xép mua thực phẩm cho gia đình, bữa ăn có cá kho khô mặn và canh rau, dưa.

Anh Cả Khiêm và anh Cung được cụ Huy xin cho vào học trường tiểu học Pháp Việt Đông Ba. Có thể nói đây là một cuộc cách mạng trong tưởng nho sĩ của cụ Huy lúc bấy giờ. Cho con học Quốc Ngữ, tiếng Pháp để biết nền văn minh của Pháp và phương Tây. Thời bấy giờ có nhiều quan lại không muốn cho con học Quốc ngữ và tiếng Pháp...

Sinh hoạt của cụ Huy có tác động ảnh hưởng đến con cái.

Như chúng ta đã biết cụ Huy là một nhà nho yêu nước thương dân, cụ muốn nước nhà thoát khỏi ách nô lệ của thực dân Pháp, song cụ không có lối thoát trong việc cứu nước cứu dân. Cụ Huy chỉ dừng lại mức độ yêu nước trong lòng. Cụ Huy có cuộc sống thanh bạch, giản dị nhưng kiên nghị lại có lòng nhân hậu thiết tha. Những đức tính nói trên cụ Huy thể hiện trong thời gian ở Huế, khi làm tri huyện Bình Khê và khi sống ở Sài Gòn...

Như vậy điều đầu tiên ảnh hưởng đến các con, đặc biệt là anh Cung đó là tư tưởng yêu nước thương dân. Sau này Nguyễn Ái Quốc với tấm lòng yêu nước thương dân bao la mà quên cả gian lao khổ cực có thể hy sinh cả cuộc đời mình để tìm cho ra con đường cứu nước yêu dân.

Cụ Huy đã sống một cuộc đời thanh bạch và giản dị khi còn là nho sinh cũng như khi làm quan, từ ăn uống, quần áo, giày dép rất giản dị không phô trương hình thức (gia tài không có gì, ngoài vài bộ quần áo) cụ Huy có lòng thương người thiết tha, cụ thường giúp đỡ những người nghèo khổ trong điều kiện cho phép mà không hề tính toán thiệt hơn (khi ở Sài Gòn và nam Bộ), mặt khác cụ là một người cương trực (chỉ trích bọn quan lại và thực dân Pháp làm điều sai trái).

Tất cả những đức tính trên của cụ Huy, anh Cung đã tiếp thu và phát huy nó cao hơn toàn diện hơn đạo đức của con người Việt Nam và sau này Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành mẫu mực đạo đức cách mạng của dân tộc và của giai cấp.

                                                                                                                     Huế, ngày 30 tháng 12 năm 1986
                                                                                                                                     Lê Thanh Hiến
Nguồn: Hội thảo Bác Hồ  với Bình Trị Thiên, Bình Trị Thiên với Bác Hồ. 1987