Danh tướng Phạm Tu là người con ưu việt của Thủ đô Hà Nội thân yêu và anh hùng của chúng ta, đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời mình ngay trên mảnh đất quê hương ngàn năm yêu dấu.
Ông sinh năm 476 ở xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì thành phố Hà Nội, mất năm 545 trong cuộc chiến chống quân Lương xâm lược tại cửa sông Tô, trên vùng đất Hà Nội ngày nay (phố Chợ Gạo, quận Hoàn Kiếm bây giờ). Ông là Khai quốc công thần nhà Tiền Lý, tên tuổi và sự nghiệp của ông gắn liền với sự ra đời của Nhà nước Vạn Xuân năm 544 về mặt thời gian và với Thủ đô Hà Nội về mặt không gian.
Sử sách cũ ghi chép về nhân vật lịch sử này quá ít ỏi, nên người nghiên cứu phải kết hợp chặt chẽ việc khai thác chính sử với thần phả mới có thể dựng lại cuộc đời và sự nghiệp của ông trên những nét lớn và tiêu biểu.
Từ nhỏ Phạm Tu đã chăm đọc sách, năng luyện tập võ nghệ, chắc hẳn rằng không ngoài việc nuôi chí lớn của một chàng trai lớn lên trong cảnh nước nhà đã bị ngoại bang đô hộ. Với công phu rèn luyện đó, ông đã thực sự trở thành một hào kiệt có uy tín lớn trong cả vùng. Rồng mây gặp hội, đến năm Tân Dậu (541), nhân việc Lý Nam Đế (Lý Bí) khởi binh đánh đuổi nhà Lương (Trung Quốc), Phạm Tu mặc dù lúc đó tuổi đã trên 60 vẫn hăng hái triệu tập binh mã ra ứng nghĩa và được hào kiệt các châu quận trong vùng nô nức hưởng ứng. Tại làng cổ Thanh Liệt đến nay vẫn còn lưu lại các tên đất như cửa Triệu (chắc là lấy tên Thái phó Triệu Túc đặt cho đồn binh), cổng Đồn, cửa Trại, lá Cờ, thanh Kiếm, cũng như các tượng voi, tượng ngựa thờ tại Đình Ngoài nằm trên cánh đồng phía Tây Bắc làng, là nơi thờ Phạm Tu làm Thành hoàng đều gợi nhớ lại thời kỳ hào hùng của võ tướng Phạm Tu huấn luyện quân sĩ tại quê nhà, hưởng ứng hành động đánh giặc cứu nước của Lý Bí.
Cuộc khởi nghĩa của Lý Bí thắng lợi, tên Thứ sử của nhà Lương là Tiêu Tư bị thua phải cùng quân binh tháo chạy về tận Quảng Châu bên kia biên giới. Đất nước ta đã được giải phóng, năm Giáp Tý (544), Lý Nam Đế vào thành Long Biên xưng vương nước Nam Việt, lấy niên hiệu là Thiên Đức, đặt tên nước là Vạn Xuân (ý mong đất nước được hưng thịnh muôn đời, mãi mãi là mùa xuân), dựng điện Vạn Thọ, cắt đặt trăm quan, lấy Triệu Túc làm Thái phó, Tinh Thiều đứng đầu ban văn và võ tướng Phạm Tu đứng đầu ban võ.
Về sự kiện đặc biệt quan trọng này, sử sách xưa nay đều nhận định rằng đó là: "Một triều đình có tổ chức" đã ra đời. Đây là chỉ triều đình của Nhà nước Vạn Xuân thời Lý Nam Đế, cách ngày nay đã ngoài 15 thế kỷ. Có thể khẳng định rằng trong lịch sử nước ta Nhà nước Vạn Xuân là quốc gia dân tộc thứ ba ra đời vào đầu Xuân năm 544, sau hai Nhà nước Văn Lang và Âu Lạc đã xuất hiện từ thời trước Công nguyên.
Nhưng rồi quân Lâm Ấp (Chiêm Thành) ở phía Nam kéo sang lấn chiếm quận Cửu Đức (vùng đất Hà Tĩnh ngày nay). Lý Nam Đế lại cử tướng Phạm Tu cầm quân vào đánh dẹp, đuổi được giặc ra khỏi bờ cõi phía Nam. Hết nạn lớn này đến nạn lớn khác, tháng 6 năm Ất Sửu (545), tướng nhà Lương là Trần Bá Tiêu lại đem quân sang đánh nước ta, Lý Nam Đế cùng các tướng đưa quân ra cản giặc. Tướng Phạm Tu trực tiếp cầm quân ra cầm cự được gần hai năm, chiến đấu vô cùng anh dũng, chặn từng bước tiến quân của giặc. Nhưng vì tuổi cao - lúc này ông đã ngoài 70 tuổi, thế giặc lại mạnh vì thế cánh quân do ông trực tiếp chỉ huy đã thất bại tại vùng Chu Diên (khu vực Hải Dương - Hưng Yên ngày nay) nên phải lui về giữ thành ở ngay cửa sông Tô Lịch (khu vực Chợ Gạo, gần chợ Đồng Xuân hiện nay). Quân Lương siết chặt vòng vây liên tiếp tấn công, cuối cùng ông đã anh dũng hy sinh tại chiến trường vào ngày 20 tháng 7 năm đó (545). Lý Nam Đế cùng các triều quan xét công trạng lão tướng Phạm Tu truy tặng phong tước Long Biên hầu, đặt tên thụy là Đô Hồ (nên có tên gọi là Đô Hồ tướng quân), phong là bản cảnh Thành hoàng, sắc phong cho bản hương là Thang mộc ấp, sưu sai tạp dịch đều được miễn trừ, ban 100 nén bạc lập miếu phụng sự lưu truyền mãi mãi...
GS Đinh Xuân Lâm
Ông sinh năm 476 ở xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì thành phố Hà Nội, mất năm 545 trong cuộc chiến chống quân Lương xâm lược tại cửa sông Tô, trên vùng đất Hà Nội ngày nay (phố Chợ Gạo, quận Hoàn Kiếm bây giờ). Ông là Khai quốc công thần nhà Tiền Lý, tên tuổi và sự nghiệp của ông gắn liền với sự ra đời của Nhà nước Vạn Xuân năm 544 về mặt thời gian và với Thủ đô Hà Nội về mặt không gian.
Sử sách cũ ghi chép về nhân vật lịch sử này quá ít ỏi, nên người nghiên cứu phải kết hợp chặt chẽ việc khai thác chính sử với thần phả mới có thể dựng lại cuộc đời và sự nghiệp của ông trên những nét lớn và tiêu biểu.
Từ nhỏ Phạm Tu đã chăm đọc sách, năng luyện tập võ nghệ, chắc hẳn rằng không ngoài việc nuôi chí lớn của một chàng trai lớn lên trong cảnh nước nhà đã bị ngoại bang đô hộ. Với công phu rèn luyện đó, ông đã thực sự trở thành một hào kiệt có uy tín lớn trong cả vùng. Rồng mây gặp hội, đến năm Tân Dậu (541), nhân việc Lý Nam Đế (Lý Bí) khởi binh đánh đuổi nhà Lương (Trung Quốc), Phạm Tu mặc dù lúc đó tuổi đã trên 60 vẫn hăng hái triệu tập binh mã ra ứng nghĩa và được hào kiệt các châu quận trong vùng nô nức hưởng ứng. Tại làng cổ Thanh Liệt đến nay vẫn còn lưu lại các tên đất như cửa Triệu (chắc là lấy tên Thái phó Triệu Túc đặt cho đồn binh), cổng Đồn, cửa Trại, lá Cờ, thanh Kiếm, cũng như các tượng voi, tượng ngựa thờ tại Đình Ngoài nằm trên cánh đồng phía Tây Bắc làng, là nơi thờ Phạm Tu làm Thành hoàng đều gợi nhớ lại thời kỳ hào hùng của võ tướng Phạm Tu huấn luyện quân sĩ tại quê nhà, hưởng ứng hành động đánh giặc cứu nước của Lý Bí.
Cuộc khởi nghĩa của Lý Bí thắng lợi, tên Thứ sử của nhà Lương là Tiêu Tư bị thua phải cùng quân binh tháo chạy về tận Quảng Châu bên kia biên giới. Đất nước ta đã được giải phóng, năm Giáp Tý (544), Lý Nam Đế vào thành Long Biên xưng vương nước Nam Việt, lấy niên hiệu là Thiên Đức, đặt tên nước là Vạn Xuân (ý mong đất nước được hưng thịnh muôn đời, mãi mãi là mùa xuân), dựng điện Vạn Thọ, cắt đặt trăm quan, lấy Triệu Túc làm Thái phó, Tinh Thiều đứng đầu ban văn và võ tướng Phạm Tu đứng đầu ban võ.
Về sự kiện đặc biệt quan trọng này, sử sách xưa nay đều nhận định rằng đó là: "Một triều đình có tổ chức" đã ra đời. Đây là chỉ triều đình của Nhà nước Vạn Xuân thời Lý Nam Đế, cách ngày nay đã ngoài 15 thế kỷ. Có thể khẳng định rằng trong lịch sử nước ta Nhà nước Vạn Xuân là quốc gia dân tộc thứ ba ra đời vào đầu Xuân năm 544, sau hai Nhà nước Văn Lang và Âu Lạc đã xuất hiện từ thời trước Công nguyên.
Nhưng rồi quân Lâm Ấp (Chiêm Thành) ở phía Nam kéo sang lấn chiếm quận Cửu Đức (vùng đất Hà Tĩnh ngày nay). Lý Nam Đế lại cử tướng Phạm Tu cầm quân vào đánh dẹp, đuổi được giặc ra khỏi bờ cõi phía Nam. Hết nạn lớn này đến nạn lớn khác, tháng 6 năm Ất Sửu (545), tướng nhà Lương là Trần Bá Tiêu lại đem quân sang đánh nước ta, Lý Nam Đế cùng các tướng đưa quân ra cản giặc. Tướng Phạm Tu trực tiếp cầm quân ra cầm cự được gần hai năm, chiến đấu vô cùng anh dũng, chặn từng bước tiến quân của giặc. Nhưng vì tuổi cao - lúc này ông đã ngoài 70 tuổi, thế giặc lại mạnh vì thế cánh quân do ông trực tiếp chỉ huy đã thất bại tại vùng Chu Diên (khu vực Hải Dương - Hưng Yên ngày nay) nên phải lui về giữ thành ở ngay cửa sông Tô Lịch (khu vực Chợ Gạo, gần chợ Đồng Xuân hiện nay). Quân Lương siết chặt vòng vây liên tiếp tấn công, cuối cùng ông đã anh dũng hy sinh tại chiến trường vào ngày 20 tháng 7 năm đó (545). Lý Nam Đế cùng các triều quan xét công trạng lão tướng Phạm Tu truy tặng phong tước Long Biên hầu, đặt tên thụy là Đô Hồ (nên có tên gọi là Đô Hồ tướng quân), phong là bản cảnh Thành hoàng, sắc phong cho bản hương là Thang mộc ấp, sưu sai tạp dịch đều được miễn trừ, ban 100 nén bạc lập miếu phụng sự lưu truyền mãi mãi...
GS Đinh Xuân Lâm