Là người nhạy cảm trong việc thương mại, nhìn xa thấy rộng, ông Bền biết rõ tiềm năng kinh tế Việt Nam còn bị lãng quên: Cây dừa. Từ năm 1918, ông Bền đã lập xưởng ép dầu dừa (dùng trong kỹ nghệ xà bông, mỹ phẩm) mỗi tháng sản xuất 1500 tấn.
Hiệu xà bông cô Ba
Nguồn: Sưu tập
Doanh nhân không bằng cấp
Ở Việt Nam đầu thế kỷ 20, nhất là ở miền Nam, ít có người nào không nghe nhắc tới Trương Văn Bền. Tên tuổi ông gắn liền với cục xà bông thơm: “Xà bông cô Ba”, hay cục xà bông đá: Xà bông Việt nam để giặt đồ, phổ thông khắp cả 3 miền đất nước, lên tận Campuchia, Lào. Xà bông thơm “Cô Ba” nổi danh trong mấy thập niên, đủ sức đánh bạt xà bông ngoại hoá, nhập cảng từ Pháp. Người miền Nam đã từng thán phục ông Trương Văn Bền, cũng như người ở miền Bắc khâm phục ông Bạch Thái Bưởi.
Cả hai ông đều thành công trên thương trường mà không qua một trường dạy nghề nào, không cần một bằng cấp kỹ sư nào. Điều đó chứng tỏ “kinh tế nhân” một con người có đầu óc kinh doanh, tháo vát, nhiều sáng kiến; còn hơn là người học hành tới nơi tới chốn, bằng cấp bề bề, nhưng không đóng góp những sự hiểu biết, kiến thức của mình vào công việc kiến thiết, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế nước nhà.
Trước khi làm một nhà doanh thương, kỹ nghệ, ông Bền còn là một viên Hội đồng quản hạt Nam Kỳ. Gia sản đồ sộ của ông Trương Văn Bền là do công sức sáng tạo của ông làm ra. Gia sản kếch xù đó không phải thừa hưởng của phụ ấm. Cũng không phải ông Bền làm giàu bằng cách nhờ ruộng đất. Ông có một lối đi riêng làm gương cho những người đi sau như Trần Thành, vua lúa gạo Chợ Lớn, ông Trương Văn Khôi, vua bột giặt Viso, ông Nguyễn Tấn Đòi, vua ngân hàng…
Nếu sắp hạng sự giàu có của ông Trương Văn Bền với những người đồng thời, thì gia sản của ông tương đương với ông Phủ Kiểng ở Bến Tre, ông Kho Gressier Remy ở Sóc Trăng, hay gia đình Lâm Quang ở Trà Vinh. Người giàu nhứt thời ấy là Hội đồng Trần Trinh Trạch, tục danh Hội đồng Tó (giàu gấp 4 lần ông Bền và ông Kiểng)
Là người Việt gốc Hoa, sinh năm 1883 tại Chợ Lớn, ông Trương Văn Bền thuộc một gia đình khá giả. Ông có đi Pháp nhiều lần, nhưng chưa học qua một trương chuyên nghiệp nào. Theo bảng lượng giá để đánh thuế của Phủ toàn quyền Đông Dương ở Hà Nội, thì năm 1941, ông Trương Văn Bền phải đóng cho chính phủ một số tiền lên tới 107.000 đồng (trong khi đó, giá vàng khoảng 60 đồng/lượng).
Là người nhạy cảm trong việc thương mại, nhìn xa thấy rộng, ông Bền biết rõ tiềm năng kinh tế Việt Nam còn bị lãng quên: Cây dừa. Từ năm 1918, ông Bền đã lập xưởng ép dầu dừa (dùng trong kỹ nghệ xà bông, mỹ phẩm) mỗi tháng sản xuất 1500 tấn. Cùng lúc đó, tại cù lao An Hoá, quận Bình Đại cũng mọc lên xưởng ép dầu dừa của ông Nguyễn Thành Liêm.
Ông Liêm là thân phụ ông Nguyễn Thành Lập, thành viên góp vốn cho một ngân hàng, và từng làm Bộ trưởng Tài Chánh chính phủ thời ấy. “Xà bông VN 72% dầu” nổi tiếng, phổ thông khắp mỗi làng mạc, thôn xóm.
Năm 1932, hãng xà bông Trương Văn Bền được thành lập tại địa chỉ “Quai de Cambodge” (trước chợ Kim Biên bây giờ), ban đầu sản xuất 600 tấn xà bông giặt mỗi tháng. “Xà bông cô Ba” tức xà bông thơm đầu tiên của Việt Nam, để tắm gội ra đời, có sức đánh bạt xà bông thơm của Pháp, nhập cảng từ Marseille nhờ phẩm chất tốt, giá thành thấp.
Từ năm 1918, ông Bền đã lập xưởng ép dầu dừa (dùng trong kỹ nghệ xà bông, mỹ phẩm) mỗi tháng sản xuất 1500 tấn.
Nguồn: Sưu tập
Trong thương trường, ông Bền có chủ trương riêng để tạo uy tín là phải giữ phẩm chất tốt, bền bỉ. Ông nhìn xa thấy rộng, không theo lối chụp giựt, ăn xổi ở thì. Mặc đầu có địa vị cao trong xã hội, nhưng ông Bền không tự mãn. Ông luôn luôn tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm mỗi lần có dịp qua Pháp.
Khi máy giặt được phát minh và nhập cảng vào Việt Nam, ông Bền cũng liền sản xuất loại bột giặt để thích ứng ngay. Loại bột giặt Viso của ông Trương Văn Khôi, và bột giặt “Việt Nam” của hãng xà bông Trương Văn Bền (lúc đó đổi thành hãng xà bông Việt Nam), có đủ sức cạnh tranh với bột giặt của Mỹ nhập cảng. Ông Trương Văn Bền chưa bao giờ là một quan lại đúng nghĩa, mặc dầu ông thường giao du với giai cấp thượng lưu xã hội. Chức vụ Hội đồng quản hạt từ năm 1918-1943 chỉ tượng trưng mà thôi.
“Người đẹp huyền thoại” trong dân gian
Những người lớn tuổi, không ai không biết đến xà bông “Cô Ba”, có in hình nổi trên cục xà bông thơm, trong một hình oval. Ngoài hộp xà bông bằng giấy carton cũng có in hình người đàn bà đẹp đó. Nhiều giai thoại kể lại rằng người đàn bà in hình trong cục xà bông thơm và nhãn hiệu đó chính là người vợ thứ của ông Bền.
Một nguồn tin đồn khác kể lại “Cô Ba” chính là con gái Thầy Thông Chánh ở Trà Vinh, người đàn bà đẹp nhứt Nam Kỳ hồi đầu thế kỷ này. Dầu sao đó cũng là giai thoại và tin đồn không được kiểm chứng. Cái hay của ông Trương Văn Bền là biết áp dụng tâm lý, đưa hình ảnh “Cô Ba”, người đẹp huyền thoại trong dân gian làm nhãn hiệu cho sản phẩm hàng hoá của mình bán chạy.
Với sự ra đời của hãng xà bông Trương Văn Bền ở Nam Kỳ năm 1932, Việt Nam hãnh diện được một xưởng công nghệ quy mô, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế trong thời kỳ phôi thai. Các xưởng ép dầu, xưởng làm xà bông, thâu nhận và tạo công ăn việc làm cho trên 200 công nhân. Khi công việc làm ăn phát đạt thêm, ông Bền còn xuất tiền cất một dãy phố 50 căn, gần Ngã Sáu Chợ Lớn, nằm góc đường Armans Rousseau và Général Lizé (trước năm 1975 đổi thành Minh Mạng -Hùng Vương).
Ngoài việc sản xuất xà bông, ông Bền còn lập nhà máy sản xuất một thứ phó sản, một thứ chất nhờn gọi là glycérine, công suất mỗi tháng 10 tấn. Ngoài công việc kỹ nghệ, ông Bền còn chứng tỏ khả năng trong lâm nghiệp và canh nông. Ông hợp tác với Viện nghiên cứu Nông Nghiệp Đông Dương, để ươm cây con gây rừng thông, hàng tháng tới 30 tấn, tại Đồng Nai Thượng, tức tỉnh Lâm Đồng ngày nay.
Trong lãnh vực nông nghiệp, Trương Văn Bền còn làm chủ tịch Tổng giám đốc Công ty Canh nông Tháp Mười, có một đồn điền rộng 10.000 mẫu, để khai thác từ năm 1925 tới 1932. Ngoài các công việc chuyên môn như đã kể ở trên, Trương Văn Bền còn là:
- Phó chủ tịch Phòng thương mại Nam Kỳ 1932-41.
- Hội viên Hội đồng Canh nông từ 1922.
- Hội viên Hội đồng Kinh tế lý tài Đông Dương từ 1929.
- Hội viên Hội đồng Quản trị Thương cảng Sài gòn từ 1924.
- Hội viên Hội đồng Quản trị lúa gạo Đông Dương.
- Chủ tịch kiêm thủ quỹ nghiệp đoàn Canh nông Chợ Lớn từ 1932
- Hội viên Hội đồng sản xuất kỹ nghệ từ năm 1941.
Hồi đó, tại Nam Kỳ có 3 cơ quan tư vấn tối cao, phụ tá cho Thống đốc là: Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ, Hội đồng Canh nông, và Phòng thương mại, thì ông Bền đều là hội viên của cả ba. Ông Bền có nhiều con trai lẫn gái. Một người con, chúng tôi được nghe nhắc tới là ông Trương Khắc Trí, từng là chủ tịch ban quản trị Việt Nam Công Thương Ngân Hàng (lập năm 1953) tại Sài gòn. Người con trai út, ông Trương Khắc Cần, thay cha quản lý “Hãng xà bông Việt Nam”.
Trong ký sự “Một tháng ở Nam Kỳ”, nhà văn Phạm Quỳnh có nhắc đến ông Trương Văn Bền: “Ông Trương Văn Bền là một nhà công nghiệp to ở Chợ Lớn, năm trước cũng có ra xem hội chợ ở Hà Nội, đem xe hơi ra đón các phái viên Bắc Kỳ về xem nhà máy dầu và nhà máy gạo của ông Chợ Lớn.
Xem qua cái công cuộc ông gây dựng lên, đã to tát như thế mà chúng tôi thấy hứng khởi trong lòng, mong mỏi cho đồng bào ta ngày một nhiều người như ông, ngõ hầu chiếm được phần to trong trường kinh tế nước nhà và thoát ly được cái ách người nước ngoài về đường công nghệ thương nghiệp”. (lúc đó khoảng năm 1918, ông Bền chưa lập hãng xà bông).
Nguồn: Theo báo pháp luật