263 lượt xem

Cao Lỗ - Cha đẻ nỏ thần

Cao Lỗ

Cao Lỗ (? - 179 trước Công nguyên) (còn gọi là Cao NỗCao ThôngĐô LỗThạch Thần, hay Đại Than Đô Lỗ Thạch Thần) là một tướng tài của Thục Phán An Dương Vương, quê quán tại xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh ngày nay.


Nguồn: sưu tầm.

Tương truyền, ông là người chế ra nỏ liên châu (bắn được nhiều mũi tên một phát) mà còn được gọi là nỏ thần. Ông là người khuyên Thục An Dương Vương dời đô xuống đồng bằng, tìm đất đóng đô và là người được An Dương Vương giao nhiệm vụ thiết kế chỉ huy công trình xây thành Cổ Loa.

Tại kì họp ngày 5 tháng 8 năm 2005, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội đã quyết định lấy tên ông để đặt tên cho một con đường ở trung tâm huyện Đông Anh.

Cha đẻ nỏ Thần

Cao Lỗ là người sáng chế ra nỏ liên châu (nỏ thần): bắn một lần được nhiều phát mà các mũi tên đều bịt đồng sắc nhọn. Sử sách cũ đã thần thánh hóa gọi là: "Linh Quang Thần Cơ". Sách Lĩnh Nam chích quái chép rằng: Cứ đem nỏ ra chĩa vào quân giặc là chúng không dám đến gần.

Cao Lỗ huấn luyện cho hàng vạn binh sĩ ngày đêm tập bắn nỏ. Vua An Dương Vương thường xem tập bắn trên "Ngự xa đài", dấu vết này nay vẫn còn (góc đông bắc ngoài thành nội).

Là người phát minh ra nỏ thần, lại có tài bắn nỏ nên dân gian thường gọi ông là Ông Nỏ.

Khi Triệu Đà cho quân xâm lược Âu Lạc, quân Triệu đã bị các tay nỏ liên châu bắn tên ra như mưa, thây chết đầy nội và phải lui binh. Đương thời, nỏ liên châu trở thành thứ vũ khí thần dũng vô địch của nước Âu Lạc.

Qua đời

Triệu Đà bèn lập xảo kế thông gia cho con trai là Trọng Thủy lấy con gái An Dương Vương là Mỵ Châu. Cao Lỗ phản đối, khuyên vua không nên nhận, nhưng An Dương Vương không nghe còn nghe lời dèm pha của Lạc hầu. Cao Lỗ dần dần bị vua xa lánh, ông bỏ đi tìm nơi ở ẩn.

Sau khi Trọng Thủy biết được bí mật phòng thủ của An Dương Vương và về mách cho vua cha, Triệu Đà mang quân sang đánh Âu Lạc. An Dương Vương thua chạy. Quân Triệu đuổi theo. Cao Lỗ biết tin, ra đón đường chặn đánh quân Triệu cho vua chạy thoát nhưng do Mỵ Châu tin lời của Trọng Thủy, rải lông ngỗng theo sau để Trọng Thủy lần theo nên cả hai đã tử trận.

Các thuyết liên quan tới nguồn gốc, phả hệ Cao Lỗ

Có thuyết cho rằng cái tên Cao Lỗ không phải là họ Cao, mà do gắn với đá thạch, núi đá, rằng Cao Lỗ là một vị thần địa phương - thần Đá - đã được thu phục trong quá trình tiến xuống miền đồng bằng của An Dương Vương, và trở thành một vị tướng của nhà vua. Khi chết, ông trở thành thần bảo hộ cho vùng Việt Trì, Bạch Hạc.

Nhà Trần đã sắc phong cho ông là "Quả nghị Cương chính Uy huệ Chính thần Đại vương".

Theo GS. Cao Thế Dung
"họ Cao ở Nghệ An, theo thể phả, thủy tổ là ông Cao Lỗ, gốc Ngòi Sảo, Bắc Ninh, người đã chế tạo ra nỏ liễn mà Triệu Đà gọi là nỏ thần. Họ Cao di ra Thăng Long rồi từ Thăng Long vào Nghệ An, sau một hệ trở ra Sơn Nam (Nam Định) định cư tại đây.

"Thám Hoa Cao Quýnh đậu Tiến sĩ (cập đệ, đệ tam danh) triều Lê Thánh Tông là hậu duệ của Thủy tổ Cao Lỗ"


Đền thờ Cao Lỗ


Theo dân gian, khi bị thương nặng ở cổ, tướng quân Cao Lỗ đã buộc lại và thúc ngựa chạy tới Ái Mộ (xã Bồ Đề, huyện Gia Lâm) nghỉ một lát rồi lại chạy tiếp về vùng Bình Than, Lục Đầu được ít lâu sau thì mất.
Tại Ái Mộ (xã Bồ Đề, huyện Gia Lâm, tại xã Quảng An (huyện Từ Liêm, Hà Nội), Bắc Ninh, Bình Than, Nghệ An và nhiều vùng khác đều có đền thờ tướng quân Cao Lỗ. Tại thành phố Hồ Chí Minh cũng có đền thờ Cao Lỗ ở trong chùa Giác Hạnh tại địa chỉ số nhà 51 đường Ông Ích Khiêm Thuộc quận 11.

(Nguồn: Wikipedia)