270 lượt xem

Cao Triều Phát

Cao Triều Phát

Nguồn: sưu tầm.

Cao Triều Phát là giáo tông Cao Đài, quê tỉnh Bạc Liêu, thân phụ là Đốc phủ sứ Cao Minh Thạnh và bà Tào Thị Súc. Gia đình có 6 trai và hai gái. Người em gái thứ chín của ông là Cao Thoại Khiết tức Cửu Nương Diêu Trì Cung

Thuở nhỏ ông học Tiểu học tại Bạc Liêu, sau lên Sài Gòn theo học tại trường Chasseloup Laubat. Tốt nghiệp ông làm công chức tại Sài Gòn. Trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918) ông tham gia đánh phát xít Đức ở Châu Âu. Thế chiến kết thúc ông hồi hương, sau đó có sang Pháp một lần nữa.
Khoảng năm 1930, ông nhập môn đạo Cao Đài và hành đạo tại miền Hậu Giang, Cà Mau thuộc phái Minh Chơn Đạo, từng giữ chức Bảo Đạo, Bảo Pháp rồi Bảo Thế (chức sắc của Hiệp Thiên Đài sau chức Hộ Pháp). Ông Phát theo Đạo qua đàn Minh Thiện (Thủ Dầu Một) của bác sĩ Trương Kế An tức Bảo Y quân Toà Thánh Tây Ninh.

Năm 1934 ông cùng đại diện các tông giáo bạn tổ chức “Hội lý đạo công đồng giáo lý” tại Bạc Liêu. Năm 1937 tham gia công cuộc truyền giáo Cao Đài tại tỉnh Quảng Nam, năm 1941 giữ chức chủ tịch “Cao Đài 12 phái thống nhất” ở miền Hậu Giang. Năm 1945, ông được bầu làm chủ tịch Cao Đài Mười Một phái hiệp nhất tại chùa Minh Tân. Trong thời gian truyền đạo ở Hậu Giang từ năm 1941 ông bị Pháp bắt giam tại khám lớn Sài Gòn rồi bị quản thúc tại Bạc Liêu.

Ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946) ông tham gia kháng chiến trong cương vị một chức sắc đạo Cao Đài. Ông là người thành lập Thanh niên đạo đức đoàn qui tụ các thanh niên theo đạo Cao Đài làm công tác xã hội, văn hóa trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Năm 1947 ông được bầu làm Hội trưởng Cao Đài Cứu quốc mười một phái hiệp nhất, đến Hiệp định Genève (1954) ông tập kết ra Bắc.

Thời gian ở miền Bắc ông giữ chức Chưởng quản Cửu trùng đài (coi như giáo tông) của “Cao Đài cứu quốc mười hai phái hiệp nhất”.

Ông từng là Đại biểu Quốc hội, Cố vấn Ủy ban kháng chiến Nam Bộ, ủy viên thường trực Quốc hội, ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam... Ông được tặng thưởng các huân chương: Độc lập hạng nhì (1949); Kháng chiến hạng nhất (1957), sau khi mất, được truy tặng Huân chương kháng chiến hạng nhất (30-8-1961).

Nhà văn Thiếu Sơn trong báo Đuốc Nhà Nam ở Sài Gòn, khi viết về Bài học Cao Triều Phát cho rằng:
“Cụ đã tham gia kháng chiến ngay từ đầu và đã kháng chiến tới già, tới chết. Phần lớn sự nghiệp của cụ, cụ đã cống hiến cho cách mạng. Hiện tượng Cao Triều Phát là một hiện tượng đặc biệt, nói lên cái nghĩa khí của người dân Nam bộ, hơn nữa lại là một nhà giàu muôn hộ trọng nghĩa và khinh tài”.

Nguồn : http://mobile.coviet.vn