497 lượt xem

VŨ MIÊN (VÕ MIÊN ) Danh Nhân

DANH NHÂN VŨ MIÊN (VÕ MIÊN )


 

(Sách về cuộc đời và sự nghiệp của ông). Nguồn: Sưu tập

Họ Vũ ở Ngọc Quan từ Mộ Trạch đến lập nghiệp ở Ngọc Quan, tên cũ là Xuân Lan (Lâm Thao - Lương Tài - Bắc Ninh) từ thời Lê Thánh Tông. Vốn cần cù làm ăn lại chăm chỉ học hành nên nghiệp học ngày một tấn tới. Đến thời Cảnh Hưng thì nghiệp học đã thành tựu với Vũ Miên đứng tên bảng vàng khoa thi Mậu Thìn (1748). Từ đây nghiệp học mỗi ngày mỗi sai quả ngọt.

Vũ Miên sinh năm 1718, đời thứ bảy ở đất Ngọc Quan. Khoa thi Mậu Thìn ông đỗ đầu kì thi hội nhưng vào thi đình chỉ được đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, dân gian gọi là ông nghè, hay ngắn gọn là tiến sĩ. Việc ông thi đỗ đáng là tấm gương sáng về tinh thần ham học, chí vươn lên bền bỉ.
 
Theo sách “Vũ trung tùy bút” của Phạm Đình Hổ thì hồi nhỏ ông không phải là người sáng dạ, học suốt ngày không hết trang sách nhưng không nản. Học đến năm 31 tuổi mới đi thi hội mà đỗ hội nguyên không khỏi để người đương thời phải ngạc nhiên mà dệt thành giai thoại tinh chuột giúp ông nộp quyển vì ông nộp nhầm quyển nháp. Nếu ta không tin có chuyện tinh chuột giúp thì chỉ bằng bản nháp mà ông vẫn đỗ hội nguyên chứng tỏ ông là người cẩn thận, hiểu bài nên ngay bản nháp cũng sạch sẽ, đủ ý khiến chính ông là người viết ra vẫn “nhầm”.
 
Sau khi thi đỗ Vũ Miên đảm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau, từng đi sứ Bắc. Trong chuyến đi sứ này ông có tác phẩm thơ nôm Bắc Sứ tự thuật viết bằng thể lục bát ghi lại cảm xúc trên đường đi qua các địa danh và cảnh đẹp Trung Quốc. Các sứ đoàn trước đó và cả sau này đều có người làm thơ nhưng đều là thơ chữ Hán thể đường luật chứ chưa có ai làm thơ nôm thể lục bát. Điều này chứng tỏ ông là người sành thơ quốc âm và là người có ý thức về quốc thể trên đất bắc.
 
Năm 1775 Vũ Miên giữ chức Binh bộ tả thị lang nhưng lại được kiêm hai chức vụ quan trọng là Quốc Tử Giám tế tửu và Quốc sử quán tổng tài, chức vụ thường do quan bộ Lễ đảm nhiệm. Ngoài ra ông còn được kiêm chức hành tham tụng (như chức thủ tướng) cùng các vị tham tụng ở phủ liêu giải quyết công việc của đất nước.
 
Với chức vụ đứng đầu Quốc sử quan, Vũ Miên được lệnh cùng Nguyễn Hoản, Lê Quý Đôn chủ trì nhóm biên soạn bộ sách “Đại Việt sử kí tục biên”. Tham gia biên soạn trực tiếp có các vị Ngô Thì Sĩ, Phạm Nguyễn Du, Ninh Tốn. Bộ sách ghi chép sử từ năm Vĩnh Trị (Lê Hi Tông, 1676) đến năm Vĩnh Hựu (Lê Ý Tông, 1739) gồm 6 quyển, nối tiếp và bộ sách “Đại Việt sử kí bản kỉ tục biên” (do nhóm biên soạn do tham tụng Yến quận công Phạm Công Trứ đứng đầu soạn năm 1665 từ năm 1533 đến năm 1675 và được khắc in năm 1697). Sách soạn xong được khắc in phổ biến rộng rãi.
 
Tháng 3-1780 Liên Khê hầu Vũ Miên cùng Tả Xuyên hầu Phan Lê Phiên tham gia đọc và chấm bài thi kỳ thi đình và được chúa Trịnh phê chuẩn, lấy đỗ hoàng giáp 2 người, đỗ tiến sĩ 16 người. Trong số này có nhiều danh sĩ đương thời như Phạm Quý Thích, Phạm Nguyễn Du, Phạm Huy Ôn…
 
Sau đó Vũ Miên lại đứng ra tổ chức biên soạn bộ sách “Đại Việt lịch triều đăng khoa lục” chép tên những người thi đỗ từ khoa thi 1075 đến thời điểm đó (và được nhóm biên soạn bổ sung đến khoa thi cuối cùng nhà Lê năm 1787 sau khi Vũ Miên đã qua đời). Lời “Tựa” sách viết: “Nay quốc sử đã làm xong tôi lấy bản chép cũ hiệu đính lại để đưa ra khắc in công bố trong nước, truyền lại sau này để nêu rõ việc chấn hưng văn học, tác thành nhân tài của nhà nước là rất thịnh”. Bộ sách “Đăng khoa lục” này là một bổ khuyết quan trọng cho các bia Văn Miếu thời bấy giờ và cả sau này.
 
Trải hơn 30 năm làm quan, tiến sĩ Vũ Miên đã đóng góp được nhiều việc quan trọng cho đất nước. Đối với quê hương Ngọc Quan và gia đình ông cũng có nhiều việc làm đáng nhớ. Ông bỏ nhiều tiền của xây dựng đình, chùa, đường làng, cầu quán, được dân làng thờ là hậu thần. Năm 1782 ông đã ốm nặng ở quê nhà, chúa Trịnh cho người đến thăm hỏi sức khỏe và hỏi về việc nước. Ông gắng thảo tờ khải khuyên can chúa không nên phế trưởng lập thứ kẻo gây mầm họa từ trong nhà. Chúa Trịnh dù rất yêu quý vị lão thần Vũ Miên nhưng vẫn không nghe theo lời khuyên đúng đắn này. Sau đó không lâu chúa Tĩnh Vương qua đời đã xảy ra loạn kiêu binh, mở đường cho nhà Trịnh bị diệt đúng như lời sấm “trong nhà dấy vạ” đã lưu truyền từ nhiều năm trước.
 
Nối tiếp truyền thống hiếu học và khoa bảng do tiến sĩ Vũ Miên mở đường, con cháu họ Vũ ở Ngọc Quan sau này còn nhiều người đỗ đạt và giữ nhiều trọng trách trọng yếu của đất nước. Con trai trưởng Vũ Chiêu đỗ hương cống, làm quan chức tham đồng và là một yếu nhân phò vua Lê Chiêu Thống. Cháu trưởng Vũ Trinh đỗ hương cống, làm quan nhà Lê, nhà Nguyễn, soạn bộ Hình luật thời Gia Long và là tác giả bộ sách “Lan Trì kiến văn lục”, một cột mốc quan trọng của văn xuôi nước ta. Cử nhân Vũ Quyền làm quan đốc học Hải Dương, hàm Thị giảng học sĩ, học trò thành đạt có tiến sĩ Nguyễn Quý Tân. Cử nhân Vũ Đĩnh làm quan Bố chính Khánh Hòa, học trò thành đạt có tiến sĩ Trần Tiễn Thành. Cử nhân Vũ Cầu làm quan đến chức Án sát, học trò thành đạt có tiến sĩ Trần Huy Sách. Phó bảng Vũ Dũng (có tên khác là Giác) là thông gia với tiến sĩ Nguyễn Thiện Thuật, thủ lĩnh phong trào Cần Vương ở Hải Hưng.
 
Thời nay họ Vũ ở Ngọc Quan vẫn có nhiều người thành danh. Tiêu biểu là nhà văn Vũ Ngọc Phan , giáo sư Vũ Tuyên Hoàng , họa sĩ Vũ Giáng Hương , nguyên thứ trưởng Vũ An, Vũ Trọng… Hiện nay ở Văn chỉ thôn Ngọc Quan còn giữ được đầy đủ hệ thống bia khoa bảng ghi danh nhiều người họ Vũ. Họ Vũ ở đây thực sự đã làm sáng danh đất quê Ngọc Quan với đất nước.
 
Nguồn: Báo Bắc Ninh Online