306 lượt xem

Cao Văn Khánh

Cao Văn Khánh


Nguồn: sưu tầm.

Trung tướng QĐNDVN Cao Văn Khánh sinh năm Đinh Tỵ 1917 tại Thừa Thiên- Huế. Sau khi đỗ cử nhân luật, ông không đi tiếp con đường sẽ dẫn đến một chức quan, mà dạy học ở trường tư. Cuộc đời và sự nghiệp của ông được nhắc đến trong Từ điển bách khoa Quân sự.

Ông gặp Phan Anh và Tạ Quang Bửu tham gia trường Quân sự, sau đó tham gia cách mạng và nhập ngũ từ năm 1945 tại Huế, từng giữ các chức vụ từ trung đội trưởng Giải phóng quân ở Huế, Ủy viên quân sự tỉnh Bình Định, Khu trưởng khu 5 chỉ huy các mặt trận ở các tỉnh từ Phú Yên trở vào đến Bình Thuận.

Năm 1949, thành lập Đại đoàn 308, Bộ Tổng Tư lệnh điều Cao Văn Khánh ra Bắc giao nhiệm vụ làm phó Đại đoàn quân chủ lực, chim đầu đàn Quân đội Nhân dân Việt Nam. Cao Văn Khánh gắn bó dài lâu với đơn vị anh hùng này. Ông cùng đơn vị có mặt ở nhiều chiến dịch lớn đánh thực dân Pháp: Sông Thao 1949, Biên Giới 1950... Đến chiến dịch Điện Biên Phủ, khi quân đội ta chuyển từ chiến lược đánh nhanh, giải quyết nhanh sang đánh chắc, tiến chắc, Đại đoàn 308 dưới sự chỉ huy của Đại đoàn phó Cao Văn Khánh được giao nhiệm vụ đặc biệt: Mở đường hành quân sang đất Lào tiến công địch trên tuyến sông Nậm Hu, đánh phủ đầu để làm mất sức những lực lượng địch rồi đây sẽ tiếp viện cho binh đoàn Pháp bị vây hãm ở Điện Biên và bịt trước con đường mà ta dự kiến địch sẽ đồn trú ở lòng chảo Điện Biên thua trận sẽ tháo chạy.

Sau năm 1954 ông tập kết ra Bắc giữ chức cục trưởng cục Nhà trường thuộc Tổng cục Quân huấn, đến năm 1960 là hiệu trưởng Trường sĩ quan lục quân, năm 1964 Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân khu 3.

Từ năm 1966-1969 Phó tư lệnh Quân khu Trị Thiên (Quảng Trị, Thừa Thiên), năm 1970 tư lệnh mặt trận Hạ Lào, Phó tư lệnh Mặt trận đường 9... đến tháng 12-1972 tư lệnh Quân khu Trị Thiên. Năm 1974 giữ chức Phó tổng tham mưu trưởng QĐNDVN cho đến ngày mất (1980).

Từng được Đảng và Nhà nước Việt Nam tặng nhiều huân chương, trong đó có Huân chương Quân công hạng nhất.

Trong kháng chiến chống Mỹ, từ năm 1964, Cao Văn Khánh đã sớm có mặt tại Quân khu 4, tuyến đầu của miền Bắc chi viện tiền tuyến lớn. Ông vào chiến trường miền Nam cũng rất sớm. Năm 1966, đã cùng bộ đội đóng tại Đắc Tô (Tây nguyên). Từ năm 1966 đến năm 1974, thời kỳ chiến tranh chống Mỹ ác liệt nhất, Cao Văn Khánh là thành viên Ban Chỉ huy nhiều chiến trường: Khe Sanh (1968), Đường số 9 (1971), Quảng Trị (1972), Tây Nguyên (1974).

Tài thao lược của Cao Văn Khánh không chỉ bộc lộ ở trận tiền, nơi ông trực tiếp cầm quân. Với căn bản tri thức rộng và vững vàng, phương pháp tư duy sắc sảo, Cao Văn Khánh sớm bộc lộ rõ năng lực tham mưu chiến lược. Ngay từ năm 1953, Trung ương và Bộ Quốc phòng đã nhìn thấy trước yêu cầu, bộ đội ta rồi đây sẽ phải tiến công tiêu diệt những tập đoàn cứ điểm mạnh của địch. Chính đôi bạn từ năm nào ở Chiến dịch Sông Thao và Chiến dịch Biên Giới, hai nhà tham mưu chiến lược Lê Trọng Tấn và Cao Văn Khánh được giao phó trách nhiệm nghiên cứu chuyên đề Tiến công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm.

Sau gần 30 năm trực tiếp chỉ huy quân đội tại các chiến trường, năm 1974, Cao Văn Khánh được điều về làm việc tại cơ quan Bộ Tổng Tham mưu. Đây là thời gian quân đội ta khẩn trương chuẩn bị cuộc tổng tiến công và nổi dậy lịch sử năm 1975. Trong mùa xuân đại thắng, cùng với Đại tướng Phó Tổng Tham mưu trưởng thứ nhất Hoàng Văn Thái, Trung tướng Phó Tổng Tham mưu trưởng Cao Văn Khánh là một trong những trợ thủ đắc lực của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Ngoài các nhiệm vụ khác, Cao Văn Khánh đảm trách phần việc từng ngày, từng giờ nắm chắc tình hình chiến sự, kịp thời báo cáo các đồng chí trong Bộ Chính trị và đích thân tổng tư lệnh. Chính ông là người truyền đạt chính xác, kịp thời mệnh lệnh của tổng tư lệnh đến các cánh quân, các lực lượng trên chiến trường. Đủ thấy công việc không chỉ vô cùng khẩn trương mà còn đòi hỏi ý thức trách nhiệm cao và một trí tuệ sắc sảo. Trung tướng Cao Văn Khánh mất năm 1980 thọ 63 tuổi.

Nguồn: http://mobile.coviet.vn