315 lượt xem

Lê Văn Huân

Năm 1885, hưởng ứng Chiếu Cần Vương, Phan Đình Phùng dựng cờ khởi nghĩa ngay tại quê nhà. Làng Đông Thái bị giặc đánh phá, mẹ con Lê Văn Huân phải chạy lên Hương Sơn, sang Thanh Chương, Nam Đàn lánh nạn nên việc học của ông bị gián đoạn. Năm 18 tuổi, ông bắt đầu làm quen với các bậc đàn anh như Phan Bội Châu, Đặng Thái Thân và chịu ảnh hưởng trực tiếp tư tưởng yêu nước của hai người này.

Năm 1906, Lê Văn Huân đậu Giải nguyên kỳ thi Hương ở trường Nghệ. Năm 1907, ông vào Huế thi Hội nhưng không đậu, sau đó ở lại Huế một thời gian làm quen với một số nhân vật yêu nước có tiếng ở miền Trung như Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng. Từ Huế về, ông tích cực hoạt động trong Hội Duy Tân, bắt đầu phổ biến những bài “Á tế á ca”, “Hải Ngoại huyết thư” của Phan Bội Châu, cổ vũ lòng yêu nước của sĩ tử và nhân dân. Ông cùng Đặng Nguyên Cẩn, Ngô Đức Kế mở Triều Dương thương điếm ở Vinh, vừa buôn bán, vừa cổ động cho hàng nội, vừa gây quỹ và làm liên lạc cho Hội.

Năm 1908, phong trào chống thuế nổ ra ở Nam – Ngãi và nhanh chóng lan ra Nghệ Tĩnh. Ở Hà Tĩnh, phong trào diễn ra mạnh mẽ, nhà cầm quyền Pháp ra lệnh khủng bố bắt bớ và giết hại những người cầm đầu. Chúng ra lệnh bắt hàng loạt các nhà yêu nước trong Hội Duy tân như Ngô Đức Kế, Đặng Nguyên Cẩn và Lê Văn Huân, đày ra Côn Đảo.

Qua 9 năm đày ải, tháng 8-1917, Lê Văn Huân được tha và bị quản thúc tại quê nhà. Ông làm nghề bốc thuốc, dạy học, ngấm ngầm tuyên truyền tinh thần yêu nước bằng thơ ca và bí mật bắt mối với một số người cùng chí hướng. Khoảng năm 1924-1925, ông ra Vinh bắt liên lạc với một số thanh niên trí thức yêu nước, rồi sau đó ra Hà Nội bắt liên lạc với Tôn Quang Phiệt, bàn việc lập tổ chức cách mạng mới.

Năm 1925, nhân ngày Quốc khánh Pháp (14-7), Lê Văn Huân, Tôn Quang Phiệt, Trần Đình Thanh, Ngô Đức Diễn cùng một số người khác đã họp ở núi Quyết (Nghệ An) quyết định thành lập Hội Phục Việt và Lê Văn Huân là một yếu nhân của Hội. Ở trong nước, nhất là ở Nghệ Tĩnh, Hội Phục Việt phát triển rộng rãi và hoạt động khá sôi nổi, các hội viên tích cực truyền bá tư tưởng “ hợp quần” “ái quốc” trong nhân dân, hội cho rải truyền đơn phản đối việc Pháp kết án Phan Bội Châu được nhiều nơi hưởng ứng. Pháp cho truy lùng ráo riết các nhà lãnh đạo Hội, theo gợi ý của Lê Văn Huân, Hội Phục Việt đổi tên thành Hội Hưng Nam.

Thực hiện chính sách mị dân, thực dân Pháp cho thành lập Viện dân biểu Trung Kỳ. Lợi dụng chủ trương này, các nhà ái quốc có uy tín ra tranh cử để có thể đấu tranh công khai hợp pháp. Cụ Huỳnh Thúc Kháng được cử làm Viện trưởng và Lê Văn Huân cũng trúng cử đại biểu, nhưng khi thấy Viện Dân biểu chỉ là tổ chức bù nhìn, Huỳnh Thúc Kháng từ chức Viện trưởng, Lê Văn Huân cùng nhiều người khác cũng rút khỏi Viện Dân biểu.

Để tạo điều kiện cho việc thống nhất lực lượng yêu nước, Hội Hưng Nam đổi tên thành Việt Nam cách mạng đảng, rồi Việt Nam cách mạng đồng chí hội và bàn bạc hợp nhất với Hội Việt Nam cách mạng thanh niên do Nguyễn Ái Quốc tổ chức, nhưng không thành.

Ngày 14-7-1928, Việt Nam cách mạng đồng chí hội họp ở Huế, quyết định cải tổ thành Tân Việt cách mạng Đảng. Trong thời gian này, Đảng Tân Việt được tổ chức rộng khắp, Lê văn Huân phụ trách Liên tỉnh bộ Nghệ Tĩnh. Mặc dù tuổi đã cao, ông vẫn luôn bám sát phong trào.

Tháng 9-1929, nhân vụ ám sát tên mộ phu đồn điền Ba – Danh, thực dân Pháp thẳng tay đàn áp các tổ chức cách mạng, cơ sở của Tân Việt cũng bị vỡ gần hết. Ngày 13-9-1929, Lê Văn Huân bị bắt đưa ra Vinh. Trong nhà lao, ông đã tuyệt thực và từ trần ngày 20-9-1929, khi mới 53 tuổi. Cái chết của ông làm chấn động dư luận trong nước, đồng thời cổ vũ cho tinh thần chống Pháp ngày càng mạnh mẽ của nhân dân ta.

Nguồn baohatinh.vn