1898 lượt xem

Chu Văn An và những sự tích về thầy giáo Chu Văn An

Chu Văn An và những sự tích về thầy giáo Chu Văn An

Chu Văn An và những sự tích về thầy giáo Chu Văn An – người Thầy của chuẩn mực Việt Nam muôn đời. Nguyên là đại quan đời Trần, khi Cụ mất, vua Trần đã dành cho Cụ niềm vinh dự lớn...

Chu Văn An và những sự tích về thầy giáo Chu Văn An – người Thầy của chuẩn mực Việt Nam muôn đời. Nguyên là đại quan đời Trần, khi Cụ mất, vua Trần đã dành cho Cụ niềm vinh dự lớn bậc nhất đối với một "nguyên khí quốc gia", một đại trí thức thời đó là được tôn thờ ở Văn Miếu. Vua còn ban tặng Cụ một tuyên danh, là Văn Trinh. Nhân dịp năm học mới 2015/2016, hãy cùng Mangtinmoi tìm hiểu về người Thầy vĩ đại được coi là “Vạn thế sư biểu”, cũng là dịp để chúng ta soi lại mình, tự vấn mình mà học lại những gương sáng của tiền nhân.

Chu Văn An và những sự tích về thầy giáo Chu Văn An 1

Chu Văn An sinh ngày 25/8 (có tài liệu nói 15/8) năm Nhâm Thìn, Niên hiệu Trùng Hưng thứ 8 (1282), tại thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội và mất ngày 26 tháng 11 năm Canh Tuất (1370), hưởng thọ 78 tuổi.

Thân phụ Thầy là cụ Chu Húy Thiệu người phương Bắc, một quan chức giỏi thiên văn địa lý. Thân mẫu thầy là cụ Lê Thị Chiêm, người thôn Văn.

Thầy tên thật là Chu An hay Chu Văn Trinh, hiệu là Tiều Ẩn, tên chữ là Linh Triệt, là một nhà giáo, thầy thuốc, đại quan nhà Trần trong lịch sử Việt Nam, được phong tước Văn Trinh Công nên đời sau quen gọi là Chu Văn An. Quê ông ở làng Văn Thôn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (Thanh Trì), nay thuộc xóm Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Dân ta khi nói về thầy Chu Văn An, ai cũng một lòng ngưỡng mộ, vì thầy là một bậc hiền nho, một tấm gương tiết tháo, suốt đời không màng lợi danh. Thầy có công lớn trong việc truyền bá, giáo dục tư tưởng đạo đức Khổng giáo. Nhận thấy tài năng và đức độ của thầy, vua Trần Minh Tông (1300-1357) mời ra làm Tư nghiệp trường Quốc Tử Giám, dạy học cho thái tử Trần Vượng, tức là vua Trần Hiến Tông tương lai.

Ông đã cùng với Mạc Đĩnh Chi, Phạm Sư Mạnh, Nguyễn Trung Ngạn tham gia vào công việc củng cố triều đình lúc đó đang đi dần vào con đường khủng hoảng, suy thoái.

Ngay từ nhỏ, tuy xuất thân trong một gia đình bình thường nhưng Chu Văn An đã được mẹ là bà Lê Thij Chiêm lo cho ăn học chu đáo. Vốn có lòng hiếu học, coi việc học làm đầu nhưng không cầu danh lợi, thú vui lớn nhất của Chu Văn An ngay từ nhỏ là ở nhà đọc sách.

Thầy giáo Chu Văn An ngay từ hồi còn trẻ đã nổi tiếng là một người cương trực, sửa mình trong sạch, giữ tiết tháo, không cầu danh lợi.

Chu Văn An có nghị lực chuyên cần học tập, nghiêm khắc sửa mình khi trưởng thành. Ông đạt đến mức thông minh, bac sử, tài năng đức độ hơn hẳn các nho sĩ đương thời.

Khi thi đỗ Thái học sinh, tức tiến sĩ dưới triều Trần, ông không ra làm quan, mà trở về mở trường dạy học ở quê nhà.

Tâm huyết với nghề dạy học, không màng danh lợi, Chu Văn An bắt đầu sự nghiệp với một mái tranh đơn sơ ở làng Huỳnh Cung, giáp với làng Quang quê mẹ. Tuy là trường ở làng quê, nhưng cũng có thư viện, thầy Chu dạy học trò từ hạng ấu học, mộng học, trung tập và đại tập (tương đương với vỡ lòng, tiểu học, trung học và đại học), tùy theo mỗi hạng mà thầy Chu có cách dạy khác nhau, nhưng tài liệu giảng dạy cơ bản vẫn là những sách kinh điển của Nho gia (Tứ thư, Ngũ kinh).

Học trò nhiều nơi tìm đến theo học rất đông, có tới 3.000 người. Có cả học trò từ Kinh Bắc, Sơn Nam, Châu Hồng, Châu Hoan đến học chật cửa.

Trường Huỳnh Cung đã đào tạo nên rất nhiều trò giỏi. Khoa thi năm 1314, dưới thời vua Trần Minh Tông, trường có hai học trò đỗ Thái học sinh là Lê Quát và Phạm Sư Mạnh, cả hai đều làm quan dưới triều Trần (Lê Quát được thăng đến chức Thượng thư).

Một trong những nguyên tắc cốt yếu để cảm hóa học trò của thầy Chu Văn An chính là: muốn dạy bảo trò tốt thì thầy phải nghiêm, phải luôn là tấm gương đạo đức cho học trò. Những môn sinh do thầy Chu Văn An đào tạo, dù làm quan to hay vinh hiển đến mức độ nào cũng luôn dành cho thầy một sự tôn kính và lễ độ. Sách Đại Việt sử ký toàn thư đã chép lại việc các đại quan trong triều là học trò của thầy vẫn giữ lễ, khi đến thăm thầy thì lạy, được tiếp chuyện với thầy thì lấy làm vui mừng.

Trong số môn đệ của Thầy có nhiều người thành đạt, thi đỗ ra làm quan to trong triều như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát khi về thăm thầy vẫn giữ lễ, được thầy nói chuyện ít lời thì rất lấy làm mừng. Có những học trò cũ không tốt, ông thẳng thắn quở trách, thậm chí quát mắng không cho gặp. Tính nghiêm nghị, tư cách thanh cao và học vấn sâu rộng làm cho tiếng tăm ông ngày càng lan xa. Đức độ và uy tín của ông như vậy, khiến cho học trò đến theo học càng nhiều và có đủ các loại.

Tư nghiệp Quốc Tử Giám

Tài đức và danh tiếng của thầy Chu Văn An vang đến kinh đô Thăng Long, vua Trần Minh Tông (lên ngôi năm 1314) mời ông ra kinh thành dạy học tại Quốc Tử Giám, ngôi trường lâu đời, chuyên đào tạo các hoàng tử, con các vị quan lại với mong muốn thầy Chu sẽ truyền đạt những giáo lý Nho giáo của mình cho họ, những người rất có thể sẽ trở thành những bậc đại quan trong triều đình sau này.

Vua Trần Minh Tông đã giao cho thầy Chu Văn An chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám (tương đương chức Phó Hiệu trưởng) và dạy học cho Thái tử Trần Vượng (sau này là vua Trần Hiến Tông), đào tạo một vị vua mới cho nước Đại Việt. Người đứng đầu Quốc Tử Giám lúc này là quan Tể tướng Trần Nguyên Đán (ông ngoại của danh nhân Nguyễn Trãi, cũng là ông nội của danh tướng Trần Nguyên Hãn), ông rất quý mến tài đức của Chu Văn An, hay tin thầy Chu đồng ý về kinh thành Thăng Long dạy học nên đã hết lòng giúp đỡ.

Đồng thời với nhiệm vụ dạy học cho vua, thầy Chu Văn An còn ra sức phát triển trường Quốc Tử Giám. Thành tựu lớn nhất của thầy Chu khi dạy học tại đất Thăng Long chính là bộ Tứ thư thuyết ước (bộ sách tóm lược nội dung của 4 cuốn sách của Nho gia là Đại học, Trung dung, Luận ngữ và Mạnh Tử), đây chính là giáo trình dạy học chính của thầy Chu Văn An tại Quốc Tử Giám.

Tiếc thay tập giáo trình này đã bị nhà Minh lấy mất. Nếu còn bộ sách, chúng ta sẽ hiểu cụ thể quan điểm của ông. Ơở miếu thờ Chu Văn An ở làng Huỳnh Cung còn ghi lời của Bùi Huy Bích (1744 - 1802) có đoạn, tạm dịch: Kính nghĩ phu tử, tinh thông về lý học, khi ra đời (xuất thế) cũng vì Lễ, khi ở ẩn (thoái ẩn) cũng vì nghĩa. Những học trò của ngài đã đem bày tỏ rõ ràng được đạo Nho, chống lại tà thuyết, gạt bỏ mê tín. Phong thái và ảnh hưởng của ngài dù đến trăm năm sau cũng cảm thấy như chính mình đang ở gần ngài. Trong Kinh thi, chẳng đã có câu: Núi cao, ngửa trông thấy càng cao, đường lớn càng đi càng thấy xa...

Chu Văn An là chủ xướng 4 quan điểm sau:

Cùng lý: bàn cãi cho biết lý lẽ của sự vật. Chính tâm: luôn luôn giữ lòng mình cho chính, không làm điều gì trái với lương tâm. Tịch tà: chống lại tà thuyết, những điều nhảm nhí. Cự bí: đấu tranh vượt mọi khó khăn, chống lại những sự việc làm hại đến nhân tâm. Ở bốn quan điểm này, chúng ta thấy Chu Văn An quan tâm đầy đủ cả hai mặt trí dục và đức dục, học và hành.

“Thất trảm sớ”

Ngày nay khi nhắc đến thầy Chu Văn An, chúng ta thường liên tưởng tới “Thất trảm sớ” với nội dung xin chém 7 nịnh thần.

Trong những năm Vua Trần Minh Tông và Trần Hiến Tông trị vì, đất nước thanh bình, chính sự tốt đẹp. Đến khi Vua Hiến Tông ở ngôi được 12 năm thì mất (1329 – 1341), người em là Trần Hạo (Trần Dụ Tông) nối ngôi. Qua những năm đầu chính sự tương đối yên ổn; nhưng sau khi thượng hoàng Trần Minh Tông mất (1357) thì tình hình đất nước bắt đầu có những dấu hiệu đi xuống. Trong triều, bọn gian thần bắt đầu lộng hành, kéo bè kết đảng. Vua Trần Dụ Tông lơ là, bỏ bê việc triều chính, Việt Nam sử lược có chép về vua Dụ Tông “suốt ngày lo rượu chè, chơi bời, xây cung điện, đào hồ, đắp núi, rồi lại cho người giàu vào cung đánh bạc”.

Cảm xót trước vận mệnh nước nhà, thầy đã nhiều lần can ngăn và dâng sớ chém 7 nịnh thần nhưng đều bất thành nên cáo quan về dạy học, viết sách cho tới khi mất.

Đây là một tờ sớ mang dấu ấn lịch sử rất quan trọng , người xưa chỉ nghe tiếng “Thất trảm sớ” thôi là đã ca ngợi rồi, nhà sử học Lê Tung (thế kỷ XV) viết, “Thất trảm chi sớ nghĩa động quỷ thần”, danh sĩ Nguyễn Văn Lý (thế kỷ XX) có thơ “Thất trảm vô vi tồn quốc luận/ Cô vân tuy viễn tự thân tâm”, nghĩa : sớ Thất trảm không được thi hành, cả nước bàn luận/Đám mây lẻ loi tuy xa vẫn tự có tinh thần trong lòng.

Rất tiếc cho đến nay nội dung tờ sớ đó không ai biết, có thể lúc đó bọn gian thần đã hủy đi để bịt miệng dư luận hoặc ai đó hủy đi để bảo vệ ông cũng nên. Còn vua Dụ Tông thì hoảng sợ, không đủ quyền lực để ra tay.

Theo sử sách ghi lại, nhà Trần trải qua 12 đời vua, từ vua đầu tiên Trần Thái Tông năm 1225, đến vua cuối cùng là Trần Thiếu Đế năm 1400. Như vậy nhà Trần kéo dài được 175 năm. Sau đó vào năm 1400 bị Hồ Quý Ly cướp ngôi. Cụ Chu Văn An sinh ra vào thời vua thứ 6 của nhà Trần, tức vua Trần Minh Tông, trải qua đời vua Trần Dụ Tông, và mất vào đời vua thứ 8 của nhà Trần, tức vua Trần Nghệ Tông, năm 1370.

Thời vua Trần Dụ Tông là thời kỳ bắt đầu suy sụp của nhà Trần, và cũng chính lúc này thầy Chu Văn An dâng Sớ xin vua Trần Dụ Tông chém 7 tên gian thần, để mong cứu vãn nhà Trần. Như đã nói, chính sử không nêu nhưng trong dân gian vẫn truyền tụng nhiều.

Theo cuốn "Vương triều sụp đổ", tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Hoàng Quốc Hải, NXB Phụ nữ - 2006, thì bảy tên gian thần bị Chu Văn An xin nhà vua xử trảm, như sau:

1. Hoạn quan chi hậu cục Mai Thọ Đức, kẻ cai quản phi tần và tuyển chọn mỹ nữ, đã lạm dụng chức quyền bắt về vô số con gái nhà lương dân. Để nhiều người chết trẻ, chết già vì mòn mỏi trong cung thất; lại bày ra các trò dâm ô trác táng dẫn Hoàng thượng vào con đường vô đạo.

2. Trâu Canh, viên ngự y phạm tội làm cho Hoàng thượng liệt dương từ năm 3 tuổi, lại bày trò phục dương cho bề trên khi 15 tuổi. Y đã bắt cóc 21 đứa trẻ khỏe mạnh con nhà lương dân, giết đi lấy mật làm thang cho bài thuốc hồi dương của quan gia. Rồi y bày trò cho quan gia thông dâm với chị ruột mình, nói là phương thuốc chữa trị.

Trong khi chữa trị cho quan gia, y lại thông dâm với cung nhân của chính quan gia. Trâu Canh là người Hán, cháu nội Trâu Tôn đi theo quân nhà Nguyên vào xâm lược Đại Việt, năm Ất Dậu (1285) thất trận bị quân Đại Việt bắt, y đã xin hàng, lại xin được cư trú. Nay Trâu Canh lộng hành, dẫn dắt đức vua vào con đường thương luân bại lý.

3. Bùi Khoan, Chính chưởng phụng ngự. Y bày trò cờ bạc rượu chè dơ dáy ngay trong cung thất, dẫn đức vua vào mê lộ, bê tha như đám dân đen ngu muội.

4. Văn Hiến hầu can tội gây bè đảng khiến các đại thần chia rẽ, ngờ vực lẫn nhau, làm cho đức vua khó phân biệt người ngay kẻ nịnh.

5. Hành khiển tả ty lang trung Nguyễn Thanh Lương, xảo trá, dẫn vua vào con đường ăn chơi xa xỉ, tới cạn kiệt quốc khố.

6. Hành khiển hữu ty, hữu bộc xạ Tâm Đức Ngưu đồng lõa với Nguyễn Thanh Lương tìm đủ mọi cách tăng thu thuế khóa, tăng các sắc thuế từ thượng cổ chưa từng có, để bòn rút của dân, lấy tiền chi vào các cuộc ăn chơi trác táng của hoàng thượng. Kể cả những năm mất mùa đói kém, dân chết đói đầy đường, chúng cũng không tha giảm.

7. Đoàn Nhữ Cẩu, Đồng binh chương sự, bòn rút khẩu phần của lính, các đồ binh khí đã cũ hỏng vẫn không chịu thay thế, để lấy tiền công bỏ túi. Y sao nhãng việc luyện tập canh phòng biên cương phía Bắc, phía Nam gần như bỏ ngỏ. Hiện thời Chiêm Thành đang ráo riết nhòm ngó miền châu Hóa.

Lũ gian thần này mượn danh Hoàng thượng để làm các việc, mà nhìn bề ngoài thiên hạ cứ ngỡ là chúng làm vì Hoàng thượng. Nhưng kỳ thực, các khoản chi tiêu cho Hoàng thượng chỉ một phần, còn vào túi chúng tới chín phần.

Vì vậy thầy giáo Chu Văn An sau khi vạch tôi đã viết, “Để giữ nghiêm phép nước, nối dòng đại thống từ Thái tông cao hoàng đế tới nay, xin bệ hạ cho chém đầu bảy tên gian thần trên, và tịch thu sản nghiệp của chúng, sung quốc khố, để làm gương răn đe kẻ khác".

Dù chỉ là huyền sử nhưng với những tên người cụ thể, với những cáo trạng như vậy cũng là một “giải mả thú vị”, thoả mãn lòng dân.

Điều quý hơn hết là dân ta đã một lòng ca ngợi và xem thầy như sao Đấu, sao Khuê, Cao Bá Quát cũng từng viết:

"Thất trảm yêu ma phải rợn lòng Trời đất soi chung vầng hào khí Nước non còn mãi nếp cao phong"

Nhà vua không nghe, ông bèn "treo mũ ở cửa Huyền Vũ" rồi bỏ quan về ở ẩn tại núi Phương Sơn thuộc làng Kiệt Đắc, huyện Chí Linh (Hải Hưng) lấy hiệu là Tiều ẩn (người đi ẩn hái củi), làm nhà ở giữa hai ngọn núi Kỳ Lân – Phượng Hoàng và mở trường dạy học.

Ít năm sau khi lên ngôi, Vua Trần Dụ Tông có chỉ triệu Chu Văn An hồi triều nhưng ông từ chối nên Vua tỏ ý giận dữ. Thân mẫu Vua là Hoàng Thái hậu Bảo Từ khuyên: “Người ấy là bậc cao hiền, Thiên tử không có quyền bắt người ta làm tôi được”. Khi Trần Nghệ Tông lên ngôi, có mời nhưng ông chỉ về Kinh chúc mừng, rồi trở lại núi cũ, không nhận chức tước. Sau khi Chu Văn An mất, ông được triều đình truy tặng tước Văn Trinh Công (tên gọi Chu Văn Trinh là do sự ân tặng này). Ông được ban tên thụy là Khanh Tiết và thờ ở Văn Miếu.

Những năm tháng sống ở Chí Linh, thầy Chu Văn An tiếp tục nghề dạy học, nghiên cứu y học và làm thơ… Tuy vui thú sống ẩn dật, nhưng thầy Chu vẫn chất chứa trong lòng một nỗi buồn vì niềm tin tan vỡ, một nỗi dằn vặt luôn làm ông phải suy nghĩ. Sống trong cảnh triều chính vỡ nát, vương triều mà ngày nào ông từng tôn thờ với “hào khí Đông A” bất diệt, Chu Văn An biết mình phải làm gì nhưng đành bất lực vì không đủ sức. Chán ngán cảnh quan trường, Chu Văn An đành gửi nỗi niềm của mình vào chốn thiên nhiên.

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép:

An (người Thanh Đàm), tính cương nghị, thẳng thắn, sửa mình trong sạch, bền giữ tiết tháo, không cầu lợi lộc. Ông ở nhà đọc sách, học vấn tinh thông, nổi tiếng gần xa, học trò đầy cửa, thường có kẻ đỗ đại khoa, vào chính phủ. Như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát đã làm hành khiển mà vẫn giữ lễ học trò, khi đến thăm thầy thì lạy hỏi ở dưới giường, được nói chuyện với thầy vài câu rồi đi xa thì lấy làm mừng lắm. Kẻ nào xấu thì ông nghiêm khắc trách mắng, thậm chí la hét không cho vào. Ông là người trong sạch, thẳng thắn, nghiêm nghị, lẫm liệt đáng sợ đến như vậy đấy. Minh Tông mời ông là Quốc Tử giám tư nghiệp, dạy thái tử học.

Dụ Tông ham chơi bời lười chính sự, quyền thần nhiều kẻ làm trái phép nước, An khuyên can, [Dụ Tông] không nghe, bèn dâng sớ xin chém bảy tên nịnh thần, đều là những kẻ quyền thế được vua yêu. Người bấy giờ gọi là "Thất trảm sớ". Sớ dâng lên nhưng không được trả lời, ông liền treo mũ về quê.

Ông thích núi Chí Linh, bèn đến ở đấy. Khi nào có triều hội lớn thì đến kinh sư. Dụ Tông đem chính sự trao cho ông, ông từ chối không nhận. Hiến Từ thái hoàng thái hậu bảo: "Ông ta là người không thể nào bắt làm tôi được, ta sai bảo thế nào được ông ta?". Vua sai nội thần đem quần áo ban cho ông. Ông lạy tạ xong, liền đem cho người khác hết. Thiên hạ đều cho là bậc cao thượng.

Đến khi Dụ Tông băng, quốc thống suýt mất, nghe tin các quan đến lập vua, ông mừng lắm. Chống gậy đến xin bái yết, xong lại xin trở về quê, từ chối không nhận chức gì. Khi ông mất Vua sai quân đến tế, ban tặng tên thụy, ít lâu sau có lệnh cho tòng tự ở Văn Miếu.

“Vạn thế sư biểu” vinh danh người thầy chuẩn mực của Việt Nam muôn đời

Cuộc đời thanh bạch và tiết tháo của ông là tấm gương sáng của thời phong kiến Việt Nam. Ông là một trong số rất ít bậc hiền nho được thờ ở Văn Miếu. Sự nghiệp của ông được ghi lại trong văn bia ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám.

Hiện nay còn lăng mộ và đền thờ của ông nằm trên núi Phượng Hoàng, thuộc xã Văn An; cách khu di tích Côn Sơn khoảng 4 km. Đây là một điểm di tích văn hoá và danh thắng, với cảnh rừng thông đẹp trùng điệp, có đền thờ cũ và mới xây xong năm 2007. Lăng mộ Chu Văn An nằm trong khu di tích này. Lễ hội vào tháng tám và tháng một, trọng hội vào ngày 25-8 và 26-11. Khu di tích được xếp hạng năm 1998.

Tên ông được đặt cho nhiều đường phố trên khắp Việt Nam như: thị xã Quảng Yên (từ đường Vận Tải Bạch Đằng đến phố 12 Tháng 9), thành phố Uông Bí (từ đường Bạch Đằng đến giáp đường sắt Hà Lạng),...

Đền thờ ông trên núi Phượng Hoàng Câu đối thờ Chu An: Trần vãn thử hà thời, dục vịnh đại phi hiền giả lạc Phượng sơn tồn ẩn xứ, trĩ lưu trường ngưỡng triết nhân phong Dịch: Cuối đời Trần là thời nào, ngâm vịnh rong chơi há chẳng phải là cái thú vui của bậc hiền giả? Núi Phượng vẫn còn dấu vết ở ẩn, đỉnh non vẫn mãi mãi ngưỡng mộ phong thái của kẻ triết nhân!

Đó là đôi câu đối mà người đời mãi mãi còn truyền tụng để tỏ lòng mến phục đối với Chu Văn An - nhà Nho, nhà hiền triết, nhà sư phạm mẫu mực cuối thời Trần.

Nét nổi bật hơn cả ở con người Chu Văn An đó là một người thầy mẫu mực trong lịch sử đất nước ta. Từ trước đời Trần, có biết bao nhiêu người thầy với những cống hiến lớn lao, và các triều đại về sau lại càng nhiều những bậc tôn sư đạo cao đức trọng, thế nhưng không ai có thể so sánh được với Chu Văn An. Người thầy này có nhiều điều đáng quý:

Ông đã dạy các lứa học trò từ bậc cao nhất cho đến lớp học trò bình thường ở nông thôn. Ông là thầy (Tư phó) ở Trường Quốc Tử Giám dạy con em các vua quan. Ông đã mở một trường tư nhỏ tại huyện Thanh Đàm, lấy tên là trường Huỳnh Cung (làng Cung Huỳnh, cạnh làng Văn, huyện trên, nơi Chu Văn An làm nhà đọc sách). Tuy trường nhỏ nhưng đã thu nạp hàng ngàn môn sinh đến chật cửa.

Chính từ trường Huỳnh Cung này mà Chu Văn An nức tiếng, được Vua mời về Quốc Tử Giám.

Nội dung dạy học của ông ngày nay không còn được biết đến một cách đầy đủ, nhưng chắc chắn ông đã nỗ lực giảng giải học thuyết kinh điển của Nho gia, tạo điều kiện cho lý thuyết Khổng – Mạnh dần dần chiếm thế độc tôn. Ta biết rằng, dưới thời Lý cũng như thời Trần, đạo Phật là Quốc giáo. Nhiều vị vua đi sâu vào Phật học và có những lý thuyết riêng cho Phật giáo Việt Nam, dân chúng cũng rất mộ Phật. Để làm cho Nho học có một vị trí lớn trong giáo dục thời bấy giờ không phải là điều đơn giản, nhưng Chu Văn An đã làm được điều này, khiến cho mọi tầng lớp Vua quan sùng Nho về sau đều biết ơn ông. Ta không thấy ông trực tiếp bài bác Phật giáo, nhưng các học trò được ông dạy dỗ, khi ra làm quan lại phê phán đạo Phật. Bởi vì bài Phật để tôn Nho là theo đúng phương hướng, ý chí người thầy của họ.

Về phương pháp dạy học, Chu Văn An có một phong cách đặc biệt hấp dẫn, khiến cho mọi người đều phải kính nể, tôn phục. Tài liệu xưa còn ghi lại, ông rất nghiêm nghị và gương mẫu. Những học trò cũ đã làm quan to như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát lúc về thăm ông vẫn phải khép nép giữ gìn, và sau khi có điều gì chưa đúng phép, ông vẫn nghiêm khắc dạy bảo. Sự nghiêm minh này càng khiến ông được học trò kính mến hơn.

Có giai thoại kể rằng, ông có người học trò vốn là Thủy thần, đã biến hình để xin được vào trường học. Câu chuyện khó tin, nhưng lại khẳng định: Cái đức và cái tài của Chu Văn An khiến quỷ thần cũng phải tìm đến để xin thụ giáo. Hơn ai hết, chỉ riêng Chu Văn An mới có được câu chuyện về đạo đức siêu trần này. Phải như thế mới hiểu được vì sao mà chung quanh thầy giáo Chu Văn An người đời đã thêu dệt nhiều truyện hoang đường kỳ dị.

Còn một số tài liệu cho biết thêm rằng, Chu Văn An cũng là một nhà nghiên cứu Đông y, đã biên soạn cuốn “Y học yếu giải tập chu di biên”, sách “Thanh Trì Quang Liệt Chu thị di thư” cũng nói như vậy. Vấn để này còn phải được thẩm định thêm.

Sinh thời, Chu Văn An luôn luôn được dân chúng ca ngợi về phẩm chất thanh cao tuyệt vời của ông. Ông được tôn là Vạn thế sư biểu, nghĩa là người thầy chuẩn mực của Việt Nam muôn đời. Sau khi ông qua đời, triều đình đã đưa ông vào thờ ở Văn Miếu, xem ông ngang hàng với những bậc Thánh hiền ngày xưa. Trần Nguyên Đán đánh giá về những đóng góp của ông: Nhờ có ông mà “bể học xoay làn sóng, phong tục trở lại thuần hậu”. Nhà sử học Ngô Sỹ Liên đời Lê Thánh Tông đã phải khen: “… Những nhà Nho ở nước Việt ta được dùng ở đời không phải không nhiều, có kẻ chỉ nghĩ đến công danh, kẻ thì chuyên lo về phú quý, kẻ lại a dua với đời, có kẻ chỉ biết ăn lộc giữ thân. Người chịu để tâm đến đại đức, suy nghĩ đến việc giúp Vua nêu đức tốt cho dân được nhờ ơn, Chu Văn An ở đời Trần có lẽ gần được như thế…”. Người dân vùng quê Thanh Đàm thờ ông làm Thành hoàng và gọi là đức Thánh Chu. Việt Nam có những thánh võ như Thánh Dóng, Thánh Trần, thì cũng phải có cả Thánh văn. Thánh văn là nhà giáo, là thầy Chu Văn An. Những di tích trong nước có liên quan đến ông đều gắn với uy danh người thầy giáo: Đền Thanh Liệt, Đền Huỳnh Cung, Đền Văn Điển, Đền Phượng Sơn, Mả Thuồng Luồng, Đầm Mực, Linh Đàm, v.v… Vị trí của ông trong lịch sử giáo dục Việt Nam hoàn toàn được khẳng định.

Một huyền thoại vẫn được lưu truyền nói về ngôi trường và nhân cách, đạo đức của ông như sau: "Tương truyền khi Chu Văn An mở trường dạy học ở quê nhà, có nhiều học trò tìm đến theo học. Trong số này có một người sáng nào cũng đến thật sớm nghe giảng. Thầy dạy khen là chăm chỉ nhưng không rõ tông tích ở đâu. ông bèn cho người dò xem thì cứ đến khu đầm Đại (khu đầm lớn hình vành khuyên, nằm giữa các làng Đại Từ , Tứ Kỳ, Huỳnh Cung) thì biến mất. Ông biết là thần nước. Gặp lúc đại hạn kéo dài, giảng bài xong ông tụ tập các trò lại hỏi xem ai có tài thì làm mưa giúp dân, giúp thầy. Người học trò kỳ lạ trước có vẻ ngần ngại, sau đứng ra xin nhận và nói với thầy: "Con vâng lời thầy là trái lệnh Thiên đình, nhưng con cứ làm để giúp dân. Mai kia nếu có chuyện gì không hay, mong thầy chu toàn cho". Sau đó người này ra giữa sân lấy nghiên mài mực, ngửa mặt lên trời khấn và lấy bút thấm mực vẩy ra khắp nơi. Vẩy gần hết mực, lại tung cả nghiên lẫn bút lên trời. Lập tức mây đen kéo đến, trời đổ mưa một trận rất lớn. Đêm hôm ấy có tiếng sét và đến sáng thấy có thây thuồng luồng nổi lên ở đầm. Chu Văn An được tin khóc thương luyến tiếc rồi sai học trò làm lễ an táng, nhân dân các làng lân cận cũng đến giúp sức và sau nhớ công ơn bèn lập đền thờ. Nay vẫn còn dấu vết mộ thần. Theo truyền thuyết, chỗ nghiên mực bị ném rơi xuống đã biến thành đầm nước lúc nào cũng đen, nên thành tên là Đầm Mực. Quản bút rơi xuống làng Tả Thanh Oai biến làng này thành một làng văn học quê hương của Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm, v.v... Trong đền thờ thần còn đôi câu đối khá tiêu biểu ghi lại sự tích này.

Mặc nghiễn khởi tường vân, nhất bút lực hồi thiên tự thuận. Chu đình lưu hóa vũ, thiên trù vọng thiếp địa phồn khô. ( Mây lành từ nghiên mực bay lên, một ngọn bút ra công trời thuận theo lẽ phải. Mưa tốt giữa sân son đổ xuống, nghìn cánh đồng đội nước, đất nẻ trổ mùa hoa). (Chu đình có hai nghĩa: sân son và sân họ Chu, chỉ Chu Văn An).

Câu chuyện trên đây chỉ là một giai thoại về Chu Văn An để nói rằng tài đức của họ Chu có sức mạnh cảm hóa được cả quỷ thần. Tuy nhiên, qua đó cũng thấy được đức độ của Chu Văn An lúc đương thời là rất lớn.

Câu chuyện tương tự như trên nhưng được kể theo phiên bản khác.

Đức tài của thầy Chu vang động cả trời đất đến nỗi con trai thủy thần cũng phải đến học. Truyện rằng: Trong lớp học của thầy Chu có một cậu bé thông minh dĩ ngộ nhưng không biết từ đâu đến học. Chỉ thấy cậu đi từ đầm Mặc lại. Tan học cũng đi về phía ấy rồi mất hút. Năm ấy trời làm hạn hán, lúa ngoài đồng héo khô, dân tình ta xóm làng đói khổ thê lương. Thầy Chu rất đau lòng, bèn bàn với học trò có cách gì cứu dân không. Cậu học trò đầm Mặc bèn xin thầy cho mình được làm việc cầu mưa giúp dân.

Cậu về đầm Mặc, niệm thần chú rồi vung cái bút lên trời. Thế là mây đen ùn ùn kéo đến, cùng với sấm chớp và mưa ào ào đổ xuống. Cánh đồng đầy tràn nước, xóm làng bừng lên sức sống. Nhưng cậu đã làm lộ thiên cơ, vì là con thủy thần nên đã bị trời đánh chết, hiện nguyên hình bên đầm Mặc một con thuồng luồng.

Nơi người con trai thủy thần hy sinh thân mình để cứu dân giờ đây là miếu thờ. Nhiều làng quanh đầm Mặc ngày nay vẫn còn tục thờ thủy thần cũng là từ cái sự tích này.

Theo thư tịch cũ thì Chu Văn An viết nhiều sách, ông đã để lại cho đời sau những tác phẩm: hai tập thơ Quốc ngữ thi tập bằng chữ Nôm và Tiều ẩn thi tập bằng chữ Hán. Ông còn viết một cuốn sách biện luận giản ước về Tứ thư nhan đề Tứ thư thuyết ước.

Theo một tài liệu nghiên cứu gần đây thì Chu Văn An còn là một nhà đông y đã biên soạn quyển Y học yếu giải tập chu di biên gồm những lý luận cơ bản về chữa trị bệnh bằng Đông y. Khi ông mất, vua Trần đã dành cho ông một vinh dự lớn bậc nhất đối với một trí thức là được thờ ở Văn Miếu. Vua còn ban tặng tên thụy cho ông là Văn Trinh.

Ngô Thế Vinh, nhà văn học nổi tiếng thế kỷ 19 trong bài văn bia ở đền Phương Sơn đã thích nghĩa hai chữ "Văn Trinh" như sau: (Văn, đức chi biểu dã; Trinh, đức chỉ chính cổ dã. Văn là sự bên ngoài (thuần nhất )của đức; Trinh là tính chính trực, kiên địch của đức). Tên thụy như vậy nhằm biểu dương một người đã kết hợp được hai mặt của đạo đức: bên ngoài thuần nhã, hiền hòa với bên trong chính trực, kiên định.

Danh xưng như vậy nhằm tôn vinh một nhân cách đã kết hợp được hai mặt của tài đức: nhất quán từ văn phong (thuần nhã, hiền hòa,...) ở bên ngoài với bên trong (chính trực, kiên định, thanh khiết). Lịch sử giáo dục nước nhà cũng đặc biệt tôn xưng Cụ ở địa vị cao quý khả kính nhất, xứng đáng đứng đầu các bậc Nhà giáo Danh nhân đất Việt từ xưa tới nay.

Trong lịch sử giáo dục nước nhà, ông cũng đã giành được địa vị cao quí bậc nhất, xứng đáng đứng đầu các nhà giáo từ xưa tới nay. Ông đã vượt qua ngưỡng cửa: làm thầy giáo giỏi của một đời để đạt tới làm thầy giáo giỏi của muôn đời như Phan Huy Chú đã ngợi ca ông: "học nghiệp thuần túy, tiết tháo cao thượng, làng Nho nước Việt trước sau chỉ có mình ông, các ông khác không thể so sánh được".

Trường Bưởi thời xưa

Ngày nay, để tưởng nhớ tới đạo đức và sự nghiệp của ông, nhân dân Hà Nội đã lấy tên ông để đặt tên cho một đường phố và một trường trung học lớn của Hà Nội. Đó là phố Chu Văn An và Trường phổ thông Trung học Chu Văn An. Phố Chu Văn An, nguyên là đại lộ Van Vôlenhôven thời Pháp thuộc, đi từ đường Điện Biên Phủ đến phố Nguyễn Thái Học.

Còn Trường trung học Chu Văn An nằm trên đường Thụy Khuê ngay ven Hồ Tây, nơi lưu truyền những giai thoại và truyền thuyết cổ xưa. Trường này nguyên trước là Trường cao đẳng tiểu học Bảo hộ (collège du protectorat) do thực dân Pháp lập từ năm 1907 để chống lại phong trào Đông kinh Nghĩa thục, nhưng dân ta thường vẫn quen gọi là Trường Bưởi. Năm 1945, khi cách mạng thành công, các nhà giáo và dân Hà Nội đã nhất trí chọn tên nhà giáo dục mẫu mực Chu Văn An đặt tên cho trường.

Ở quê Thanh Liệt có hai nơi thờ thầy là miếu Chu Công Từ và đền Nội.

Trên bức hoành phi ở đền có bốn chữ: Đức Thủy Linh Trường. Hàm ý: Tài đức của Tiên Triết Chu Văn An như nước tưới mát muôn đời sau.

Mộ thầy Chu hiện ở lưng chừng dãy núi Phượng Hoàng thuộc xã Văn An, Chí Linh. Ở đây còn nhiều bia đá, trong đó có tấm bia lớn khắc: “Chu Văn tiên sinh ẩn cư xứ” dựng năm 1784. Nơi đây cũng là một di tích nằm trong quần thể Côn Sơn Kiếp Bạc – Phượng Hoàng đang được tôn tạo nâng cấp.

Sử thần Ngô Sĩ Liên, trong “Đại việt sử ký toàn thư” viết:

“Bao nho giả nước ta… những kẻ chỉ ưa công danh phú quý, ăn lộc giữ mình. Hèn cúi trước cửa quyền, cấm chưa thấy người nào chỉ vì dân lo đức để dân được nhờ như Chu Văn Trinh ở đời Trần. Văn Trinh công thờ vua thì nói thẳng trước mặt, việc xuất hay xử đều có lý lẽ, rèn đúc nhân tài thành công khanh cao thượng tiết tháo khiến thiên tử không bắt nổi làm tôi. Nét mặt nghiêm nghị mà đạo làm thầy được tôn, lời nói nghiêm nghị mà kẻ nịnh phải sợ. Đáng là bậc tôn sư của nhà nho nước Nam ta, mà được tòng tự tại Văn Miếu là xứng đáng”.

SGT tổng hợp.