293 lượt xem

Lê Lợi

Lê Thái Tổ - người Anh hùng giải phóng dân tộc

Lê Lợi sinh ngày 10-9-1385 (6-8 năm ất Sửu) tại Lam Sơn (Kẻ Cham), nay thuộc huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa, trong một gia đình "đời đời làm quân trưởng một phương". Năm Lê Lợi 21 tuổi cũng là năm nhà Minh đem 80 vạn quân sang xâm lược nước Việt. Cuộc kháng chiến chống Minh của vương triều Hồ thất bại, nước Đại Việt rơi vào ách thống trị tàn bạo của giặc Minh. Trước cảnh đất nước bị kẻ thù giày xéo, tàn phá, Lê Lợi đã nung nấu một quyết tâm đánh đuổi chúng ra khỏi bờ cõi.

Đầu năm 1416, tại núi rừng Lam Sơn trên đất Thanh Hóa, Lê Lợi cùng với 18 người bạn thân thiết, đồng tâm cứu nước đã làm lễ thề đánh giặc giữ yên quê hương. Đó là hội Thề Lũng Nhai đã đi vào sử sách.

Tin Lê Lợi dựng cờ nghĩa, chiêu mộ hiền tài bay xa, thu hút các anh hùng hào kiệt từ bốn phương kéo về. Đất Lam Sơn trở thành nơi tụ nghĩa. ở đó có đủ các tầng lớp xã hội và thành phần dân tộc khác nhau, với những đại biểu ưu tú như: Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Chích, Nguyễn Xí, Lê Lai, Cầm Quý, Xa Khả Tham... Sau một thời gian chuẩn bị chín muồi, đầu năm 1418, Lê Lợi xưng là Bình Định Vương, truyền hịch đi khắp nơi, kêu gọi nhân dân đứng lên đánh giặc cứu nước. Lê Lợi là linh hồn, là lãnh tụ tối cao của cuộc khởi nghĩa ấy.

Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn từ mở đầu tới kết thúc thắng lợi (tháng 12-1427), qua các giai đoạn phát triển và chiến lược, chiến thuật của nó đã chứng minh Lê Lợi là người có tầm vóc của một thiên tài, một nhân cách vĩ đại, chỉ thấy ở những lãnh tụ mở đường, khai sáng. Nếu Ngô Quyền với chiến thắng trên sông Bạch Đằng năm 938 đã chấm dứt thời kỳ 1.000 năm mất nước, mở đầu thời kỳ độc lập mới của dân tộc thì Lê Lợi với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn toàn thắng, kết thúc 20 năm thống trị của giặc Minh, khôi phục nền độc lập lâu dài cho Tổ quốc, bắt đầu một kỷ nguyên xây dựng mới. Không có Lê Lợi, không có phong trào khởi nghĩa Lam Sơn. Nhưng Lê Lợi không chỉ là người nhen nhóm, tạo lập ra tổ chức khởi nghĩa Lam Sơn mà ông còn là nhà chỉ đạo chiến lược kiệt xuất. Một nét đặc sắc, mới mẻ trong đường lối chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Minh mà Lê Lợi thực hiện là dựa vào nhân dân để tiến hành chiến tranh giải phóng dân tộc. Nhìn vào lực lượng nghĩa binh và bộ chỉ huy, tướng lĩnh của cuộc khởi nghĩa, có thể thấy rõ tính chất nhân dân rộng rãi của nó, một đặc điểm nổi bật không có ở các cuộc khởi nghĩa khác chống Minh trước đó. Dựa vào sức mạnh của nhân dân, đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng xã hội trong một tổ chức chiến đấu, rồi từ cuộc khởi nghĩa ở một địa phương, lấy núi rừng làm căn cứ địa, phát triển sâu rộng thành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc trên quy mô toàn quốc. Đây là một cống hiến sáng tạo to lớn về đường lối chiến tranh của Lê Lợi và bộ tham mưu của ông, để lại một kinh nghiệm lịch sử quý giá.

Vừa là nhà tổ chức và chỉ đạo chiến lược về chính trị, quân sự, vừa là vị tướng cầm quân mưu trí, quả quyết, Lê Lợi đã vận dụng lối đánh "vây thành diệt viện" theo lý thuyết quân sự ông nghiền ngẫm: "Đánh thành là hạ sách. Ta đánh thành kiên cố hàng năm, hàng tháng không lấy được, quân ta sức mỏi, khí nhụt, nếu viện binh giặc lại đến thì ta đằng trước, đằng sau đều bị giặc đánh, đó là đường nguy. Chi bằng nuôi sức khỏe, chứa khí hăng để đợi quân cứu viện tới. Khi viện binh bị phá thì thành tất phải hàng". Chiến thuật "Vây thành diệt viện" của Lê Lợi kết hợp với chủ trương "mưu phạt nhị tâm công", uy hiếp, phân hóa, chiêu dụ địch của Nguyễn Trãi tạo nên một phương thức độc đáo trong nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Cuộc vây hãm Vương Thông ở Đông Quan và tiêu diệt viện binh giặc tại Chi Lăng, Xương Giang cuối năm 1427 là kết quả thắng lợi của tư tưởng quân sự của Lê Lợi - Nguyễn Trãi. Sau khi đuổi hết giặc Minh về nước, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế năm 1428, sáng lập ra vương triều Lê. Lê Lợi làm vua được 5 năm thì mất (1433), an táng tại Vĩnh Lăng, Lam Sơn, miếu hiệu là Thái Tổ.

Trong sự nghiệp xây dựng đất nước buổi đầu của vương triều Lê, Lê Lợi đã có những cố gắng không nhỏ về nội trị, ngoại giao, nhằm phục hồi, củng cố, phát triển đất nước trên mọi mặt, như tổ chức lại bộ máy chính quyền từ trung ương xuống địa phương; ban hành một số chính sách kèm theo những biện pháp có hiệu quả để khôi phục sản xuất nông nghiệp, ổn định đời sống xã hội. Lê Lợi cũng chú ý tới việc phát triển văn hóa, giáo dục, đào tạo nhân tài. Năm 1428, lên ngôi vua, năm sau (niên hiệu Thuận Thiên thứ 2, 1429), Lê Lợi đã cho mở khoa thi Minh Kinh. Năm 1431, thi  khoa Hoành từ. Năm 1433, Lê Lợi đích thân ra thi văn sách. Đấy là chưa kể năm 1426 trong khi đang vây đánh Đông Quan, Lê Lợi đã mở một khoa thi đặc cách lấy đỗ 32 người, trong đó có Đào Công Soạn, một nhà ngoại giao xuất sắc thời Lê Lợi. Nhưng, nhiệm vụ chính trị lớn nhất phải quan tâm giải quyết hàng đầu sau khi đất nước được giải phóng là việc tăng cường củng cố, giữ vững nền độc lập, thống nhất của Tổ quốc. Về phương diện này, Lê Lợi đã làm được hai việc có ý nghĩa lịch sử. Thứ nhất, ông đã thành công trong cuộc đấu tranh ngoại giao, thiết lập quan hệ bình thường giữa triều Lê và triều Minh. Thứ hai, Lê Lợi đã kiên quyết đập tan những âm mưu và hành động bạo loạn muốn cát cứ của một số ngụy quân trước, điển hình là vụ Đèo Cát Hãn ở Mường Lễ, Lai Châu. Trong bài thơ làm khắc vào vách đá núi Pú Huổi Chò (bên sông Đà, thuộc Lai Châu) năm 1431 khi đánh Đèo Cát Hãn, Lê Lợi đã nói rõ ý chí bảo vệ sự thống nhất giang sơn:

 
Đất hiểm trở từ nay không còn,
Núi sông đã vào chung một bản đồ.
Đề thơ khắc vào núi đá
Trấn giữ miền Tây của nước Việt ta.

Sau bài thơ trên, Lê Lợi còn viết bài thơ thứ hai khắc vào vách núi Hào Tráng bên Chợ Bờ, Hòa Bình.

Lê Lợi trong 5 năm làm vua, bên cạnh những công lao to lớn, có phạm một số sai lầm mà sử sách đương thời cũng thẳng thắn phê phán. Đại Việt sử ký toàn thư viết: "Vua hăng hái dấy nghĩa binh đánh dẹp giặc Minh, 20 năm mà thiên hạ đại định. Đến khi lên ngôi, định luật lệ, chế  lễ nhạc, mở khoa thi, đặt cấm vệ, lập quan chức, lập phủ huyện, thu góp sách vở, mở trường học, có thể gọi là có mưu lớn, sáng nghiệp. Song, đa nghi, hay giết, đó là chỗ kém".

Những ngày tháng gian khổ

Tháng 11 năm Đinh Hợi (1407), cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược của vương triều Hồ thất bại, ngay sau đó rất nhiều cuộc khởi nghĩa đã bùng lên, điển hình là cuộc kháng chiến của nhà Hậu Trần do hai vua Giản Định đế và Trùng Quang đế lãnh đạo nhưng tất cả đều bị đàn áp tàn khốc. Đánh giá ngắn gọn về tình cảnh dân chúng nước ta trong thời nội thuộc, sách Việt giám thông khảo tổng luận viết rằng: “Nhà Nhuận Hồ đã bị bắt mà nhà Hậu Trần cũng mất theo, đất nước chia xé từng mảnh, nát hơn cuối buổi nhà Chu. Quan lại chính lệnh bạo ngược, hình phạt tàn khốc, thảm hơn nhà Tần khi mất. Từ đấy người Minh thả sức bạo ngược, nhân dân lầm than, chưa có lúc nào như lúc này”.
Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn (Tranh minh họa)

Trong bối cảnh đầy khó khăn như vậy, Lê Lợi đã đứng lên dựng khởi nghĩa ở Lam Sơn vào mùa xuân năm Mậu Tuất (1418). Từ một cuộc khởi nghĩa nhỏ, lực lượng ít, khu vực hoạt động hẹp, trải bao gian khó, dần dần Lê Lợi và bộ chỉ huy nghĩa quân đã từng bước phát triển lực lượng, mở rộng quy mô hoạt động, giành nhiều thắng lợi quan trọng để xoay chuyển dần cục diện để đi đến giành thắng lợi cuối cùng. Tuy nhiên, khó khăn nhất là giai đoạn đầu khi nghĩa quân hoạt động ở vùng rừng núi Thanh Hóa (1418-1423) với thắng ít, thua nhiều; có lúc lâm vào tình cảnh khốn quẫn:
Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần,
Lúc Khôi Huyện, quân không một đội.
(Bình Ngô đại cáo)

Tuy gặp vô vàn khó khăn, nhưng với ý chí vững trãi không gì xoay chuyển nổi, lại được nhân dân đùm bọc, giúp đỡ, nhờ thế mà:
 
Bên trong lo rèn chiến cụ, bên ngoài giả thác hòa thân,
Quyên tiền mộ lính, giết voi khao quân.
Mọi người đều mến vua mà liều chết,
Ai nấy đều gắng sức để đền ơn.
(Chí Linh sơn phú)

Giai thoại dưới đây chính là minh chứng tiêu biểu cho sự ủng hộ của nhân dân đối với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đối với người anh hùng Lê Lợi.

Anh hùng “núp váy đàn bà”

Ở trong tình thế vô cùng nguy hiểm đến tính mạng và thậm chí có ảnh hưởng đến thời cuộc của đất nước trong một giai đoạn lịch sử, nên người cả người cứu và người được cứu đều không tị hiềm bởi những quan niệm phong kiến nặng nề.

Chuyện rằng khi còn lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, có lần bị thua trận, binh tướng tan tác hết, chỉ còn một mình, Lê Lợi bị giặc Minh đuổi theo ráo riết. Chạy đến bờ đê ven một ngôi làng bên bờ sông Mã, ông thấy có một quán nước liền vào hỏi thăm đường và nói rõ tình cảnh của mình, cụ bà bán nước biết tình thế rất nguy mới nói rõ mọi ngả đường quanh đó đều bị quân giặc án ngữ cả, không còn lối thoát. Bà nói, nếu không tị hiềm gì thì chỉ còn cách để ông ngồi núp sau lưng mình rồi trùm váy lên che kín, nhờ vậy mà giặc Minh đi qua không nghi ngờ gì, bà cụ còn chỉ hướng sai cho chúng đuổi bắt trong vô vọng về hướng núi Vàng (nay thuộc xã Hoằng Khánh, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa).

Đợi giặc đi khuất, Lê Lợi lạy tạ cảm ơn bà lão rồi vội cáo biệt đi ngay, thoát được sự truy bắt của giặc. Sau này, khi sự nghiệp đã thành, nhớ ơn bà cụ bán nước, vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) đích thân trở lại chốn cũ đón bà cụ về Thăng Long phụng dưỡng, tôn làm Quốc mẫu.

Ở kinh đô được ít lâu, bà cụ xin về sống tại quê gốc ở làng Quan Nội (nay thuộc xã Hoằng Anh, huyện Hoằng Hoá) và mất ở đó, thọ hơn 80 tuổi. Khi bà mất, vua cho làm lễ tang rất trọng thể. Tương truyền hôm đưa đám, trời mưa to như trút nước, người ta đành tạm quàn linh cữu ở giữa cánh đồng, đến sáng hôm sau dân làng ra đồng để tiếp tục đưa đám thì thấy linh cữu đã được mối đùn lên thành một gò đất. Chỗ này, về sau vua Lê Thái Tổ cho lập đền thờ bà cụ, hàng năm cúng tế theo nghi thức, làm lễ lớn vào giỗ bà ngày 12 tháng Chạp. Ngôi đền thờ bà được gọi là đền Quốc mẫu (nay ở xã Hoằng Xuân, huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá); nhà vua còn sắc phong cho bà là Hộ quốc đại vương, mỹ tự là “Hổ y hoằng hữu”.

Theo dã sử địa phương và các tài liệu như bản “Thánh tổ phổ tích”, gia phả họ Hà,… bà cụ tên thật là Hà Thị Diệu Cai (còn gọi là Hà Thị Cai). Bến sông xưa, nơi có quán nước mà bà cụ cứu Lê Lợi thoát hiểm sau gọi là “bến Tử” (bến chết) nhưng lại là nơi người anh hùng dân tộc được cứu sống.

Bà cụ Hà Thị Cai còn có công chiêu dân xiêu tán, lập ra làng Sở (sau gọi là Nghĩa Hương, nay cũng thuộc xã Hoằng Xuân, huyện Hoằng Hoá) nên dân làng đã dựng ngôi đình thờ và tôn bà làm Bản cảnh thành hoàng.



Chuyện lạ về vua Lê Thái Tổ và hai người ăn xin

Trong lịch sử Việt Nam có câu chuyện kỳ lạ giữa Lê Thái Tổ - vị vua khai sáng triều Hậu Lê với hai người ăn mày.

Lập con nhà ăn xin làm vua

Bấy giờ vào giai đoạn cuối thời thuộc Minh, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn liên tiếp giành được nhiều chiến thắng quan trọng trên các chiến trường, thành lũy của giặc Minh bị thất thủ khắp nơi, về cơ bản, toàn bộ lãnh thổ nước Việt đã được giải phóng, quân Minh chỉ còn sức co cụm ở một số tòa thành lớn mà thôi. Trước tình thế này, tên Tổng binh Vương Thông tìm cách kéo dài thời gian để chờ viện binh sang cứu bèn vờ cách giảng hòa, đề nghị lập con cháu nhà Trần làm vua và xin bãi binh. Vương Thông dựa vào tờ chiếu của vua Minh ban ra năm Đinh Hợi (1407) khi đem quân xâm lược nước ta với danh nghĩa “phù Trần diệt họ Hồ”, đề nghị tướng lĩnh Lam Sơn tìm lập con cháu họ Trần. Với chủ trương giải phóng đất nước ít tốn xương máu nhất, Lê Lợi đã lập Trần Cảo lên làm vua vào tháng 11 năm Bính Ngọ (1426): “Mùa đông, tháng 11, vua tìm được Trần Cảo lập lên. Trước đó, có người tên là Hồ Ông, là con một người ăn xin, trốn theo Cầm Quý, giả xưng con cháu họ Trần. Bấy giờ người trong nước khổ về chính lệnh hà khắc của giặc, mong có người làm chủ, mà vua thì gấp việc diệt giặc cứu dân, nên sai người đón lập Cảo cho xong việc, việc quyền nghi nhất thời, mà cũng muốn mượn cớ trả lời nhà Minh để họ tin. Đặt niên hiệu là Thiên Khánh, sai Tả bộc xạ Lê Quốc Hưng dạy cho, nhưng thực ra là để coi giữ. Cảo trước đóng dinh ở núi Không Lộ (nay thuộc huyện Thạch Thất, Hà Nội).

Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép tên vị “vua” này là Trần Cao chứ không phải Trần Cảo. Thân thế Trần Cao, không rõ quê quán ở đâu, sinh năm bao nhiêu, chỉ biết rằng khi Lê Lợi sai người tìm con cháu nhà Trần, gặp lúc Hồ Ông lánh nạn ở châu Ngọc Ma, tự xưng là Trần Du cháu ba đời của vua Trần Nghệ Tông và được tù trưởng châu này là Cầm Quý tiến cử bèn đón về lập làm vua.

Sau khi đánh bại 20 vạn viện binh do Mộc Thạch, Liễu Thăng chỉ huy vào cuối năm Đinh Mùi (1427), để vớt vát thể diện cho nhà Minh, vừa tránh thêm đổ máu nên đứng danh nghĩa của Trần Cảo, Lê Lợi đã sai mang lễ vật và biểu cầu phong đến đô thành Yên Kinh. Vua Minh Tuyên Tông xem biểu biết rằng giả dối, nhưng cũng muốn nhân đó để thôi việc binh, quần thần cũng đều xin nên hòa vì thế vua Minh sai Công bộ Thượng thư La Nhữ Kính và Từ Vĩnh Đạt mang chiếu sang phong cho Trần Cảo làm An Nam quốc vương và lệnh rút quân về nước. Cũng kể từ đây, vai trò của ông vua Trần Cảo coi như kết thúc và số phận của nhân vật này đã được định đoạt nhưng sách sử ghi chép rất khác nhau. Trong bộ Đại Việt sử ký toàn thư cho biết nhiều giả thuyết: “Ngày mồng 10 tháng giêng năm Mậu Thân (1428) Trần Cảo uống thuốc độc chết. Bấy giờ các quan đều dâng sớ nói Trần Cảo không có công gì với dân, sao lại ở trên mọi người, nên sớm trừ đi. Vua cũng biết là như vậy, nhưng trong lòng không nỡ, đối xử càng hậu. Cảo biết người trong nước không phục mình, bèn ngầm đi thuyền vượt biển trốn vào châu Ngọc Ma. Đến Ma Cảng (đất Nghệ An) quan quân đuổi bắt được, đem về Đông Quan, bắt uống thuốc độc chết. Có thuyết nói rằng: Trước đây, sau khi lập Cảo, vua cho Cảo đóng dinh ở núi Không Lộ, sau dời sang Ninh Giang. Đến năm này, chuyển về thành Cổ Lộng. Cảo tự nghĩ là không thể có hai mặt trời, nước không thể có hai vua, mình không có công gì với thiên hạ mà ở ngôi tôn, nếu không sớm liệu, sợ nỗi hối hận sau này, rồi ngầm đi thuyền ra biển mà chết.

Sau khi Trần Cảo chết, Lê Lợi cho làm tang lễ rất hậu theo nghi thức của một vị vua. Theo ghi chép của sử nhà Minh, Lê Lợi báo với triều Minh rằng Trần Cảo bị bệnh mà chết vào ngày 10 tháng giêng năm Mậu Thân (1428).

 

Nhà vua và quần thần. (Tranh minh họa).
 
Phong chức quan to cho một người ăn xin

Đó là Phạm Ngũ Thư, quê ở làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, lộ Hải Đông (nay thuộc xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên), ông là cháu ba đời của danh tướng Phạm Ngũ Lão, bậc đại công thần tài kiêm văn võ nổi tiếng triều Trần.

Xuất thân trong gia đình gia thế nhưng Phạm Ngũ Thư sớm mồ côi, trước khi mất, thân phụ của ông đã gửi gắm người bạn đồng liêu là quan Thái bảo Trần Nguyên Hãng chăm sóc, dạy bảo, nâng đỡ con mình. Được sự ủy thác của bạn, quan Thái bảo đã dành nhiều quan tâm đến Phạm Ngũ Thư, nhờ vậy khi mới vừa tròn hai mươi tuổi ông đã đỗ kỳ thi hội rồi được bổ giữ chức Lĩnh úy huyện Mỹ Đức (nay là huyện Mỹ Đức, Hà Nội). Làm quan tận tụy, chăm lo giúp dân an cư lạc nghiệp nên mấy năm sau Phạm Ngũ Thư được thăng chức chánh An phủ sứ trấn Thiên Hưng (nay là địa phận một số tỉnh Tây Bắc như: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La…).

Khi Hồ Quý Ly thao túng triều chính, càng ngày càng lộng quyền, đến năm Kỷ Mão (1399) thì bức tử vua Trần Thuận Tông, bộc lộ rõ hơn ý đồ chiếm đoạt ngôi báu khiến quần thần nhiều người tức giận. Lúc đó quan Thái bảo Trần Nguyên Hãng hợp mưu với tướng Trần Khát Chân và một số vương hầu nhà Trần mưu sát Hồ Quý Ly trong hội thề ở núi Đốn Sơn (nay thuộc xã Cao Mật, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) nhưng sự việc bị bại lộ, hơn 370 người có liên quan bị Hồ Quý Ly giết, vợ con bị đày đọa, gia sản bị tịch thu sung công. Tuy không dự mưu vào vụ này nhưng vì có quan hệ gần gũi với Trần Nguyên Hãng nên Phạm Ngũ Thư biết không thể tránh khỏi sự nghi ngờ của Hồ Quý Ly, phần vì tránh họa phần vì chán ngán chốn quan trường với cảnh tranh giành quyền lực, danh lợi; sau nhiều đêm suy nghĩ ông đã quyết định từ quan với lý do bị bệnh. Sau khi được chấp thuận, Phạm Ngũ Thư giấu hẳn tung tích, bí mật tìm lên Yên Tử, đến chùa Vân Yên xin yết kiến Vô Trước quốc sư thuật rõ chuyện mình, thỉnh cầu xuất gia tu  Phật và được đặt pháp danh là Trí Lâm.

Dù sống nơi cửa Thiền nhưng tình hình xã hội khi đó đã tác động nhiều đến tâm trí Phạm Ngũ Thư. Bấy giờ Hồ Quý Ly đã cướp ngôi nhà Trần làm vua được một năm thì nhường ngôi cho con là Hồ Hán Thương, nhà Minh âm mưu chiếm nước ta bèn mượn cớ “phù Trần diệt Hồ” kéo sang xâm lược. Nhà Hồ bị lật đổ, dân chúng rơi vào ách đô hộ tàn bạo của ngoại bang phương Bắc; một lần nữa Phạm Ngũ Thư lại trăn trở nghĩ suy, cuối cùng ông xuống núi hoàn tục để tìm cách cứu đời mong muốn làm tròn nghĩa vụ của người trai thời loạn. Trở về quê hương, do thúc ép của người thân, Phạm Ngũ Thư cưới vợ sinh được 3 người con; trong thời gian đó ông tích cực tham gia lực lượng kháng chiến chống quân Minh của nhà Hậu Trần do Giản Định đế (Trần Ngỗi) rồi Trùng Quang đế (Trần Quý Khoáng) lãnh đạo. Mấy năm sau, nhà Hậu Trần bị diệt khi cả hai vua đều tuẫn tiết vì nước do không kháng cự nổi sự đàn áp của giặc Minh; Phạm Ngũ Thư nghe tin Lê Lợi ở đất Lam Sơn dấy nghĩa bèn tìm vào Thanh Hóa xin đầu quân, cùng nếm trải gian lao khó nhọc với nghĩa binh hơn 10 năm trời.

Để thăm dò sự điều động binh lực cũng như nắm tình hình của giặc, Phạm Ngũ Thư đề nghị và được Bình Định Vương Lê Lợi chấp thuận cho thiết lập “hệ thống tình báo” với nhiều đối tượng cài vào hàng ngũ ngụy quan, ngụy quân cũng như trong xã hội dưới các vai nhà buôn, học trò….

Trực tiếp điều hành mạng lưới thu thập thông tin, Phạm Ngũ Thư còn giả trang thành người ăn xin để đi lại khắp nơi mà giặc chẳng nghi ngờ, cũng nhờ đó mà ông nhận thấy lợi thế của những người hành khất vì càng dơ dáy, cùi hủi ghẻ lở thì lại càng được việc, họ có thể “một gậy, một bị khắp nơi tung hoành”, “liều mạng cùi” xông bừa vào chỗ đóng quân, kho lương của địch để quan sát và la cà khắp nơi để chuyển tin nhanh chóng mà an toàn, từ  đó Phạm Ngũ Thư tạo dựng thêm nhiều tai mắt trong giới cái bang. “Hệ thống tình báo” này hoạt động đắc lực, góp phần quan trọng vào thắng lợi của nghĩa quân Lam Sơn, quét sạch giặc Minh ra khỏi bờ cõi, giành lại nền độc lập.

Nguồn: quehuongonline.vn