349 lượt xem

Chuông trống Bát Nhã và ý nghĩa của nó

Chuông trống Bát Nhã và ý nghĩa của nó

Trong đạo Phật, tiếng chuông và tiếng trống là hai trong các loại pháp khí đã trở nên quen thuộc, gần gũi với truyền thống, văn hóa, tín ngưỡng dân tộc của người Việt Nam. Còn từ Bát Nhã tiếng Sanscrit là Prajnà, tiếng Pali là Panna, chữ Hán dịch là Trí tuệ hay Tuệ minh, đó là một loại trí tuệ sáng suốt, thanh tịnh, rỗng lặng, không còn bị chi phối bởi phiền não, ô nhiễm và là trí tuệ đệ nhất.
 

Nguồn: Sưu tập

Tìm hiểu về chuông trống Bát Nhã

Chuông trống Bát Nhã là danh từ dùng để chỉ chuông to, trống lớn, thường chùa có thể xây lầu chuông, gác trống và treo “tả chung, hữu cổ”. Nghĩa là bên trái đặt chuông, bên phải đặt trống.
 
Hiểu về hai chữ Bát Nhã trong chuông trống Bát Nhã

Bát-nhã Ba-la-mật đó là mầm mống trí tuệ siêu việt, cao tột, thậm thâm vi diệu, vốn sẵn có trong mỗi chúng ta nhưng vì bị vô minh, ái dục che mờ nên chúng ta không tự biết, vì vậy tiếng chuông, tiếng trống là hai thứ tiếng có sức mạnh thúc giục giúp cho chúng ta khai sáng tiềm lực, mở thông trí tuệ, hiện hữu, không gián đoạn.

Tiếng chuông trống Bát-nhã kêu gọi chúng ta thức tỉnh, thôi thúc chúng ta thắp lên ngọn đuốc trí tuệ soi sáng con đường giải thoát.

Chuông là gì?

Nói về chuông thì đây là một loại pháp khí sử dụng riêng ở đạo Phật, được đúc bằng kim loại, phát ra âm thanh vang rền và thanh thoát, thường gọi là đại hồng chung, hình dáng của nó được làm theo các hình tháp hay hình chén rỗng.

Trong Phật giáo, chuông được coi là biểu trưng cho trí tuệ, mỗi khi âm thanh huyền diệu ngân vang thì đó chính là lời triệu gọi làm tỉnh giấc bao tâm hồn đang ngủ say trong  lầm mê và thanh lọc bao cõi lòng của người con Phật.

Tiếng chuông vang dứt trừ vọng hoặc nghiệp trần gian, thông suốt khắp mười phương cõi Niết-bàn, thấu đến cõi địa ngục, u đồ chúng sanh khi nghe thấy liền bớt đau khổ và được giải thoát. Tam đường địa ngục, ngã quỷ, súc sanh cùng bát nạn địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, sinh lên cõi trời trường thọ, sinh ở uất đan việt, đuôi diếc câm ngọng, thế trí biện thông, sinh trước Phật và sau Phật đặng tiêu tan. Lại nữa, tiếng chuông thanh thoát của chùa có thể giúp cho loài quỷ đói được nhẹ bớt lòng tham lam, sân, si mà giải thoát khỏi kiếp ngạ quỷ.

 Trống là gì?

Nói về trống (trống đại) thì đây là một trong những loại nhạc khí được sử dụng rộng rãi  thường làm bằng đá, cây, đồng,… Tùy thuộc vào mục đích của người sử dụng mà nó có công năng khác nhau nhưng riêng ở Phật giáo tiếng trống tượng trưng cho chánh pháp và là âm thanh truyền tải giai điệu thuần khiết cho đời sống tâm linh và đây cũng chính là một trong những phương tiện để nhắc nhở người con Phật luôn sống bằng lòng chân thật, không giả dối, cảm thông, chia sẽ,… Chúng sanh mỗi khi nghe tiếng trống chánh pháp ấy thì tội chướng được tiêu trừ và cũng nhờ đó mà được giải thoát vào cảnh giới an lạc.

 Ý nghĩa của chuông trống Bát Nhã

Tiếng chuông vang vọng, tiếng trống giục giã đã đánh động biết bao tâm hồn kẻ si mê và khai sáng trí tuệ.

 Một khi trí tuệ và chánh pháp hòa vào nhau thì sẽ tạo âm vang vào lòng người, đánh động lương tri, khơi dậy thiện căn và cũng là ngọn nến thắp sáng lên bóng tối vô minh. Đó cũng chính là lúc con đường giác ngộ được mở thông, sanh trí huệ chăm bón cho hạt giống bồ đề trong tâm thức được tăng trưởng.

 Chuông trống Bát Nhã thường được sử dụng vào dịp nào?

Chuông trống Bát Nhã thường được sử dụng vào những ngày lễ lớn trong năm, ngày sám hối, khóa tu, cung thỉnh các giảng sư, chư tôn Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức và mở đầu hoặc kết thúc một quyển kinh, riêng ở xã hội phong kiến, chuông trống bát nhã còn được đánh để cung đón vua đến viếng chùa.

Mang công dụng cung thỉnh chư Phật thượng đường chứng minh, cung nghinh chư Tôn thiền Đức quang lâm và đồng thời báo hiệu quý nam nữ Phật tử tập trung về chánh điện, giảng đường,… nhiếp tâm về với chánh niệm. Đây là một nghi thức hành lễ Phật giáo của Trung Hoa du nhập sang Việt Nam.

Cách đánh chuông trống Bát Nhã theo hai miền Nam Bắc

Chuông trống Bát nhã còn là cụm từ dùng để chỉ cách đánh chuông và trống theo bài kệ “Bát Nhã Hội” (theo miền bắc) hoặc “Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa” (theo miền nam), về cách đánh thì có sự phân biệt giữa các miền, tuy không thống nhất bằng một cách đánh nhưng nó vẫn cùng mang chung một ý nghĩa đó là cảnh tỉnh mọi người.

 Tiếng chuông hay tiếng trống đó đều là loại pháp khí mang ý nghĩa sâu sắc trong sự tồn tại và phát triển của Phật giáo và mang ý nghĩa tâm linh trong tâm hồn những ai là người con Phật. Hồi chuông, hồi trống vang lên còn ngầm có ý nghĩa là cảnh tỉnh mọi người nên thức tỉnh tu hành tìm về nẻo giác.

Vì thế chuông trống bát nhã rất quan trọng trong thiền môn mỗi khi ngân vang đó còn là lời nhắc nhở cho chúng ta trang bị hành trang trí huệ trên lộ trình giải thoát.



Nguồn: vuonhoaphatgiao.com