288 lượt xem

Phật giáo - Chất liệu làm nên ngành nghệ thuật Hát bội

Phật giáo - Chất liệu làm nên ngành nghệ thuật Hát bội

Nếu căn cứ vào thời điểm con hát Lý Nguyên Cát có mặt ở nước ta theo ghi nhận của Đại Việt sử ký toàn thư, thì nghệ thuật Hát bội đã có mặt tại Việt Nam gần bảy trăm năm.

Tuy nhiên, theo Lịch sử âm nhạc Việt Nam, những cơ sở nền tảng của nghệ thuật Hát bội đã xuất hiện khá lâu trước thời điểm đó. Trong cả hai trường hợp vừa nêu đồng thời xác tín rằng, nghệ thuật Hát bội đã có một lịch sử phát triển lâu dài tại Việt Nam.
 

Nguồn: Sưu tập

Tuy nhiên, mãi đến ngày nay, nguồn gốc của hai chữ Hát bội vẫn chưa đi đến một sự thống nhất, mặc dù đã có nhiều ý kiến đề xuất từ những công trình nghiên cứu của các học giả ở trong nước, cũng như ở nước ngoài4. Bàn về nguồn gốc của hai chữ Hát bội, chúng tôi chỉ mong góp thêm một hướng lý giải mang tính không chuyên, dựa trên các nguồn tư liệu Phật học.

Theo chúng tôi, Hát bội có nguồn gốc từ chữ Ca bối (
歌唄). 
 

Một tiết mục hát bội thời xưa

Nguồn: Sưu tập

Ca bối là một thuật ngữ Phật học, xuất hiện trong nhiều kinh điển Phật giáo như kinh Đại bát Niết-bàn, quyển trung, bản dịch của ngài Pháp Hiển5; kinh Phật thuyết ngọc da nữ6; kinh Đại thừa lý thú lục Ba-la-mật7; kinh Diệu pháp liên hoa, phẩm Phương tiện thứ hai8…

Căn cứ vào tác phẩm Nhất thiết kinh âm nghĩa, một trong những bộ tự điển Phạn-Hán đầu tiên trong lịch sử Phật giáo, thì thuật ngữ Ca bối (
歌唄), Phạn ngữ gọi là Bà-sư, Trung Hoa dịch là tán thán9. Bà-sư, được phiên âm từ chữ Bhāsa, Phạn ngữ ghi là: भास, vốn chỉ cho một thể kịch thơ (dramatic poet) trong văn chương Ấn Độ cổ đại, thường được gọi là Phạm-bối. 

Phạm-bối mặc dù có nguồn gốc từ thời Phật, nhưng được định hình và phát triển mạnh mẽ vào những thế kỷ đầu công nguyên. Người góp viên gạch đầu tiên được xem là ngài Mã Minh (~80 - ~150) với tác phẩm Phật sở hành tán. Mặc dù vậy, người xây dựng nghệ thuật Phạm-bối đạt đến đỉnh điểm chính là Tôn giả Ma-điệt-lý-chế-trá (Mātṛceṭa). Theo ngài Nghĩa Tịnh trong Nam hải ký quy nội pháp truyện, quyển thứ tư cho thấy, chùa chiền ở Ấn Độ rất thịnh hành lễ tán, mỗi khi lễ tụng đều dùng cao thanh tán thán trong hai thời khóa sớm chiều. Hai bài tán phổ dụng nhất trong chùa chiền ở Ấn Độ là Nhất bách ngũ thập tán và Tứ bách tán. Cả hai bài này đều do ngài Ma-điệt-lý-chế-trá tạo nên.

Phạm-bối là hình thái nghệ thuật đặc thù của Phật giáo Ấn Độ cổ đại. Các bậc thi nhân hoặc thi tăng người Ấn am tường về Phạn ngữ thì gặp nhiều thuận lợi khi sáng tác thể loại này. Tuy nhiên, với người Trung Hoa thì không hoàn toàn như vậy. Vì lẽ, đặc thù của Phạn ngữ là đa âm, trong khi đó ngôn ngữ của Trung Hoa là đơn âm, nên khi chế tác Phạm-bối theo ngôn ngữ Trung Hoa, thì đòi hỏi phải có một trình độ nhất định về thẩm âm cũng như một khả năng trác việt về dụng ngữ.

Theo ngài Huệ Hạo trong Cao tăng truyện, người Trung Hoa muốn chế tác Phạm-bối thì phải am tường kinh điển, nắm vững âm luật, và biết phối hợp sử dụng Tam vị, Thất thanh cùng các thể thơ như Ngũ ngôn, Tứ cú. Ở đây, Tam vị, Thất thanh là những điệu thức cơ bản trong thang âm của nhạc lý Ấn Độ thời cổ. Tam vị bao gồm Cao thanh điệu (
高聲調. Phạn ngữ: Udātta); Đê thanh điệu (低聲調. Phạn ngữ: Anudātta) và Trung thanh điệu (中聲調. Phạn ngữ: Svarita). Thất thanh bao gồm: 1.निषाद; (Niṣāda) 2. ऋषभ (Ṛsabha); 3.गान्धार (Gāndhāra); 4. षड्ज (Ṣaḍja); 5.मध्यम (Madhayama); 6.धैवत (Dhaivata); 7.पञ्चम (Pañcama). Nhà nghiên cứu âm nhạc Ấn Độ Sārnagadeva (1210-1247) cũng đề cập đến Thất thanh này và xem đó là bảy nốt nhạc mà ta có thể ký hiệu ra như: Sa, Ri, Ga, Ma, Pa, Dha và Ni. Nhạc lý Trung Quốc cũng có Thất thanh, gồm: cung, thương, giác, thanh giác, chủy, vũ và biến cung (, , , 清角, , , 變宮). Am tường và tinh thông những yêu cầu nghiêm ngặt này, mới có thể làm nên những khúc Phạm-bối lưu danh thiên cổ.

Trong Đại tạng kinh Đại chính tân tu (ĐTK/ĐCTT) hiện còn bảo lưu nhiều tác phẩm Phạm-bối gần như nguyên bản. Theo khảo sát, hiện có hai dạng Phạm-bối. Thứ nhất, là dạng Phạm-bối được phiên âm từ Phạn ngữ, và dạng thứ hai được phiên dịch hoặc sáng tác bằng ngôn ngữ Trung Hoa.

Dạng Phạm-bối thứ nhất hiện còn những tác phẩm như: Tam thân Phạm-tán, Thất Phật tán-bối già-tha, Kiền-trĩ Phạm-tán, Bát đại linh tháp Phạm-tán… Dạng thứ hai bao gồm: Long-thọ Bồ-tát vị Thiền-đà-ca-vương thuyết pháp yếu kệ, Nhất bách ngũ thập tán Phật tụng, Phật nhất bách bát danh tán, Phật cát-tường đức tán… Từ những bài tán này, có thể phần nào hình dung về thanh âm, cấu trúc, cách dùng từ của một tác phẩm Phạm-bối.

Phạm-bối là điệu ca có khi được kết hợp với các loại nhạc khí, có khi chỉ là độc diễn. Theo, Pháp uyển châu lâm, quyển thứ 36, thì yếu tố âm nhạc trong nghệ thuật Phạm-bối hội tụ nhiếu tính chất rất đặc thù, thanh nhã nhưng không yếu đuối, hùng tráng nhưng không hung bạo, trôi chảy mà lại khoan thai, tịch lặng nhưng không ứ trệ. Do vậy có thể nói, đây là một nghệ thuật diễn xướng gắn kết với những giá trị tâm linh, đòi hỏi phải có sự phối kết chặt chẽ, về giai điệu cũng như về phương diện ngôn từ.

Xét riêng về phương diện biểu diễn nghệ thuật Phạm-bối, có lẽ Phật giáo Mật tông là đại diện điển hình, vì có những hoạt động có liên quan, hoặc tương tự như nghệ thuật Hát bội. Vì lẽ, trong một số nghi lễ đặc biệt, pháp sư mang y phục nhiều màu sắc, đôi khi mang cả mặt nạ, miệng thì xướng Phạm-bối, tay và chân đồng thời kết hợp các điệu múa đặc thù, gọi là Kim cang vũ (
金剛舞). Các dạng thức Kim cang vũ có thể được tìm thấy trong những bản kinh như: Phật thuyết tối thượng căn bản đại nhạc Kim cang bất không tam muội đại giáo vương, quyển 1, quyển 4, quyển 6, do ngài Pháp Hiền phụng chiếu dịch vào thời Bắc Tống (960-1127); kinh Đại thừa lý thú lục ba-la-mật, quyển 2; Kim cang đảnh kinh Du-già Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát pháp... Mãi đến ngày hôm nay, hình thức trình diễn nghi lễ tôn giáo này vẫn còn được duy trì trong một số bộ phái Mật giáo.

Từ những khảo chứng trên đã cho thấy rằng, Phạm-bối (
梵唄) là một cách gọi khác của từ Ca bối (歌唄). Ca bối lúc ban đầu được dịch là Hát bối. Theo thời gian và ảnh hưởng bởi ngữ âm địa phương, cũng như sự chuyển nghĩa của từ, Hát bối đã được đọc trệch thành Hát bội. Từ cơ sở này đã cho thấy, Phật giáo nói chung và nghệ thuật Phạm bối của Phật giáo nói riêng, là một trong những chất liệu làm nền tảng để hình thành nên ngành nghệ thuật đặc thù này. 
 

Nguồn: vuonhoaphatgiao.com