296 lượt xem

Cuộc đời trầm luân của Tỳ kheo ni Liên Hoa Sắc

Cuộc đời trầm luân của Tỳ kheo ni Liên Hoa Sắc

Trong Luật Di-sa-tắc, có câu chuyện nói về một kỳ nữ rất xinh đẹp, trải qua bao đau thương và tội lỗi, rồi sau đó xuất gia tu hành chứng được quả A-la-hán. Đó là nàng Liên Hoa Sắc, người được tôn xưng là thần thông đệ nhất của chúng Tỳ-kheo ni.

Nghiệp chướng lần thứ nhất

Thời Ðức Phật đang lưu trú tại thành Xá-vệ, bấy giờ trong ấp Ưu-thiện-na có một Cư sĩ ở tuổi thiếu niên, trên đường du lịch vui chơi gặp một người con gái tên là Liên Hoa Sắc, sắc đẹp mơn mỡn như hoa đào, dáng vẻ cực kỳ xinh đẹp. Hợp tình hợp tánh, yêu nhau thắm thiết, trở thành vợ chồng xứng đôi vừa lứa nhất thiên hạ. Sau thời gian ngắn, người vợ mang thai. Gần ngày sanh, cô ta về lại nhà cha mẹ mình. Ở đây, cô sanh một bé gái.

Vì người vợ mới sinh nở nên người chồng không thể gần gũi được. Anh ta lại vụng trộm tư thông với mẹ vợ của mình...

Liên Hoa Sắc biết được, muốn vất bỏ tất cả, cắt đứt đạo vợ chồng, nhưng lại sợ liên lụy đến cha mẹ; hơn nữa, vì thương con nên phải ôm sầu, nuốt hận, chịu tủi nhục để nuôi con, nhằm che mờ cái điều khốn nạn kia...

Về lại nhà chồng, cúi đầu nuôi con được một thời gian 8 năm rồi cô bỏ nhà ra đi để lại đứa con lên 8.
 

Sắc dục mạnh mẽ đến nỗi đôi khi làm người ta đánh mất cả lý trí, không còn biết đâu là luân thường, đạo đức, dù là với đứa con gái yêu thương nhất của mình.
Nguồn: Sưu tập

Nghiệp chướng lần thứ 2

Ðến được thành Ba-la-nại trong sự đói khát lã người, Liên Hoa Sắc ngồi nghỉ bên mé nước. Trong lúc ấy, có ông Trưởng giả nọ du ngoạn qua đây, trông thấy Liên Hoa, ông ta say đắm, đem lòng sủng ái và ngỏ lời hỏi thăm:

- Cô ở đâu, dòng họ cha mẹ cô thế nào? Hiện nay cô có bị ai ràng buộc không? Hay còn độc thân?

Liên Hoa Sắc đáp:

- Tôi là đứa con gái thuộc dòng họ... nay tôi không thuộc sở hữu của ai.

Ông Trưởng giả lại hỏi:

- Nếu không thuộc sở hữu của ai thì có thể vì tôi làm chánh thất được không?

Liên Hoa Sắc nói:

- Người con gái lấy chồng, tại sao không được?!

Ông Trưởng giả liền đưa cô ta lên xe trở về nhà, rồi tấn phong làm vợ cả. Liên Hoa Sắc sắp đặt chu toàn mọi việc trong nhà. Từ lớn đến nhỏ hòa thuận, sung túc, vợ chồng tương kính, nặng nghĩa lẫn nhau. Sau 8 năm, bấy giờ ông Trưởng giả nói với vợ rằng:

Tôi có đầu tư vốn tại ấp Ưu-thiện-na, theo sổ sách, kiểm tra số nợ lãi 8 năm qua, thống kê cho đến nay lãi sanh từ vốn ấy lên đến con số cả ức. Hôm nay tôi muốn đến đó thu lãi về, chúng ta tạm thời xa nhau, chắc em đồng ý chứ?

Người vợ nói:

- Phong tục tại ấp đó người nữ thích phóng dật, anh đến đó coi chừng bị mất tiết tháo của người trượng phu. Của cải như phân, như đất, sao lại bận lòng tính toán làm chi?!

Người chồng trả lời:

- Tôi tuy biết rõ nhược điểm của mình, nhưng không đến nỗi bị cám dỗ, mê loạn.

Người vợ lại nói:

- Nếu anh quyết định cần phải đi thì nên suy nghĩ kỹ và cho em nghe một lời thề.

Người chồng nói:

- Tốt lắm, anh thề rằng: “Nếu anh có mống tâm yêu thương nhăn nhít, thì khi trở về, anh sẽ chết với tà tâm đó ngay tại cửa ngõ”.

Với lời thề như thế, người chồng đến ấp Ưu-thiện-na. Vì phải thu lãi nhiều nơi, nên thời gian kéo dài đến cả năm. Xa nhà càng lâu ngày, nhớ nhà càng gấp bội, cái thiếu tình lại sanh nọ, kia, nên muốn tìm của lạ, nhất là tiền bạc dư giả mua tiên cũng được. Trưởng giả nảy ra ý nghĩ: “Ta nên giải quyết thế nào để không đi ngược lời thề với vợ, mà vẫn thỏa tình hiện nay?”. Trưởng giả lại tính: “Nếu ta tà dâm thì trái lời thề với vợ, thôi thì tạo một nhà riêng là êm chuyện, khỏi kẹt vào lời thề”.

Thế rồi, ông ta lân la dò tìm cái của riêng ấy. Gặp một người con gái dung nhan tao nhã, dịu dàng, nét người đoan chánh toát ra một sức hấp dẫn lạ kỳ. Ông ta đem lòng yêu thương cô bé này một cách say đắm. Ông thẳng tiến tìm đến nhà cầu hôn.

 

Cuộc hôn nhân lần thứ hai này tạm ổn trong nhiều năm trước khi sóng gió lại tiếp tục nổi lên.
Nguồn: Sưu tập

Cha người con gái thấy ông Trưởng giả tiền tài loang loáng, lại rất hào phóng. Vớ được người giàu sụ như thế, người cha hoan hỷ nhận lời cầu hôn của Trưởng giả. Cô gái bây giờ trở thành người vợ trẻ của kẻ trọc phú. Thu nợ xong, ông Trưởng giả cùng với người vợ trẻ quay về cố quốc. Ông đưa người vợ đến an nhàn ở trong một tổ ấm riêng biệt.

Êm ấm đâu đấy, ông mới về nhà cũ. Coi như chẳng có việc gì xảy ra. Từ đó, sáng đi, chiều về, khác hẳn với ngày trước. Liên Hoa Sắc cảm nhận được sự bất thường, âm thầm, cô ta theo dõi rồi hỏi người tùy tùng của chồng. Người ấy bảo rằng: “Ngoài ấy có một thiếu phụ nên mới đi - về như vậy”.

Chiều hôm đó, người chồng về, Liên Hoa Sắc hỏi thẳng vấn đề:

- Anh đã có người hầu sao lại giấu em, không cho em thấy?!

Ông Trưởng giả thú nhận:

- Sợ em biết sự thật lại hận anh, nên phải giấu ngoài ấy.

Người vợ nói:

- Em không ghen ghét hiềm hận đâu! Thần minh chứng giám cho em điều này, anh nên gọi cô ấy về để cùng em lo liệu việc nhà.

Nghe lời vợ, Trưởng giả đưa cô thiếp về nhà...

Tuổi người tiểu thiếp nhỏ hơn Liên Hoa sắc tới mười tám tuổi, nhưng vẻ đẹp hai người chẳng khác nhau, đặc biệt là hai người giống nhau từ ánh mắt cho tới nụ cười. Họ sống hòa thuận trong gia đình được một thời gian. Một hôm tình cờ khi người vợ lẽ đang gội đầu, Liên Hoa Sắc nhận ra được một vết son giống hệt như trên người của con gái mình khi xưa. Sau khi nghe cô tiểu thiếp kể về thân thế, biết đây chính là con gái của mình đã bỏ lại quê nhà ở thành Đức-xoa-thi-la khi xưa. Liên Hoa Sắc cảm thấy đất trời như đảo lộn.

Liên Hoa Sắc kinh hoàng nghĩ: Xưa kia mẹ và ta đồng một chồng! Nay ta với con cùng một chàng rể! Sanh tử mê loạn đến nổi này ư?! Nếu không đoạn ái dục, xuất gia học đạo thì sự điên đảo, mê hoặc này làm sao chấm dứt được?!
 

Cuộc hôn nhân lần thứ hai này tạm ổn trong nhiều năm trước khi sóng gió lại tiếp tục nổi lên.
Nguồn: Sưu tập

Nghiệp chướng một lần nữa lại đến. Đau đớn tột cùng, nàng như người điên dại, lần thứ hai nàng lại bỏ nhà ra đi. Liên Hoa Sắc liền vất bỏ tất cả ra đi và lần lữa đến cửa Kỳ-hoàn trong sự đói khát, mệt lã. Bà ngồi tựa vào gốc cây.

Xuất gia - chứng đắc A La Hán

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn giữa một rừng người vây quanh. Liên Hoa Sắc thấy hàng hàng, lớp lớp người vào ra tấp nập, nghĩ bụng: “Tiết hội chắc có thức ăn”, bèn đi lần vào tịnh xá.

Thì ra Thế Tôn đang thuyết pháp trước số đông người đang lắng nghe. Liên Hoa Sắc lắng nghe pháp, lãnh hội được vấn đề, và sự đói khát ngay lúc ấy cũng xua tan đâu mất. Bấy giờ, Thế Tôn quan sát khắp hội chúng xem ai có thể độ được. Ngài thấy rõ chỉ có Liên Hoa Sắc là người sẽ đắc đạo quả, nên liền nói pháp bốn chân đế: Khổ, Tập, Tận, Ðạo.
Từ nơi chỗ ngồi Liên Hoa Sắc rũ bỏ được mọi trần cấu, sở đắc con mắt pháp thanh tịnh. Khi đắc quả rồi, Liên Hoa Sắc một lòng chấp tay đứng hướng về đức Phật.

Ðức Phật nói pháp xong, hội chúng ra về. Liên Hoa Sắc đến trước đức Phật, kính lễ sát chân Ngài, quỳ gối, chấp tay bạch Phật:

- Con xin nguyện được xuất gia trong Chánh pháp của đức Phật.

Ðức Phật chấp nhận rồi bảo Tỳ-kheo ni Ba-xà-ba-đề:

- Này Tỳ-kheo ni, nên độ người nữ này tu tập hành đạo.

Ma-ha Ba-xà-ba-đề vâng lời dạy, liền độ cho xuất gia thọ giới. Liên Hoa Sắc siêng năng tinh tấn hành đạo, nhanh chóng thành bậc La-hán.

Sau khi thành La-hán, nhờ thú vui trong các cảnh thiền giải thoát, nên dung nhan, tướng mạo Liên Hoa Sắc càng sáng rỡ bội phần hơn trước.
 

Nhờ thú vui trong các cảnh thiền giải thoát, nên dung nhan, tướng mạo Liên Hoa Sắc càng sáng rỡ bội phần hơn trước
Nguồn: Sưu tập

Trải nghiệm trong cuộc đời, chứng kiến nhiều đau khổ, nên khi được xuất gia, Liên Hoa Sắc thành tâm tu học, siêng năng tinh tấn, không bao lâu chứng được quả A-la-hán, trở thành một trong những bậc thần thông đệ nhất.

Ngày ấy, vào giờ trì bát, Liên Hoa Sắc vào thành khất thực. Một người Bà-la-môn trông thấy, ông ta đắm say ngay sắc đẹp của Liên Hoa, liền có ý nghĩ: “Ðây là Tỳ-kheo ni, ta không thể chiếm đoạt ngay được mà phải khôn khéo tìm cách tiếp cận, rồi dồn vào thế có thể hành sự được...”

Khất thực xong, Liên Hoa sắc trở về vườn An-đà, rồi vào trú phòng của mình. Người Bà-la-môn kia theo sau theo dõi, nắm vững chỗ ở và nếp sống của Liên Hoa. Hôm sau, khi đến giờ khất thực, lợi dụng lúc vắng vẻ không người, ông ta đột nhập phòng Liên Hoa qua ngã sau, rồi chui xuống gầm giường nằm yên đợi chờ.

Suốt ngày ấy, các Tỳ-kheo ni tập trung nghe pháp và nghe xong thời pháp thì trời đã tối. Về đến phòng, vì mỏi mệt nên Liên Hoa Sắc đặt mình xuống là thiếp đi.

Ngay lúc ấy, Bà-la-môn dưới gầm giường bò ra làm chuyện bất tịnh. Tỳ-kheo ni Liên Hoa liền thức dậy, rồi vụt bay lên hư không. Còn đối với người Bà-la-môn thì ngay trên giường ông đã bị đọa thẳng vào địa ngục. Liên Hoa Sắc nhân đó bay đến chỗ đức Phật, đầu mặt đảnh lễ sát chân Ngài, rồi bạch lên Phật vấn đề vừa xảy ra.

Ðức Phật hỏi:

- Vào lúc ấy tâm cô thế nào?

Liên Hoa Sắc thưa:

- Lúc ấy như lưới sắt nung đỏ rực, áp vào thân con.

Ðức Phật dạy:

- Như thế là vô tội.

Liên Hoa Sắc lại bạch Phật:

- Ngủ một mình có phạm tội hay không?

Ðức Phật dạy:

- Người đắc đạo thì không phạm.
 

Liên Hoa Sắc
Nguồn: Sưu tập

Vào thời gian ấy, có bọn giặc tập trung tại một địa điểm rồi thảo luận: “Vật dụng mà chúng ta đoạt được nên trao đổi như thế này... để có thức ăn ngon và gái đẹp”. Ða số bọn chúng đều đồng ý rằng: “Vườn An-đà kia là trú xứ của Tỳ-kheo ni, chắc chắn có sắc đẹp và cũng sẽ có nhiều thức ăn ngon cung cấp cho ta, ta đến đó phân chia trao đổi vật dụng, đương nhiên chúng ta sẽ được như ý muốn”.

Trong lúc ấy, tên cầm đầu bọn giặc lại có lòng kính tin Phật pháp, nghe nói như vậy, lấy làm lo lắng, trong ý tưởng ông ta: “Bọn chúng chắc sẽ đến gây não loạn các Tỳ-kheo ni. Ta nên âm thầm cho người đến báo trước”. Tên cầm đầu bọn giặc liền thực hiện việc mật báo.

Tỳ-kheo ni nhận được với lời cảnh báo: “Tối nay sẽ có bọn người ác đến đây khủng bố, ắt sẽ sanh náo loạn, Chư ni nên đi tránh để có được sự an toàn”.

Trong thành Xá-vệ có một nơi dành riêng cho Tỳ-kheo Tăng trạm trú, ngôi nhà này do một đại thần phát tâm xây dựng cúng dường. Ngày hôm ấy không có Tăng trạm trú ở đây, nhân đó, các Tỳ-kheo ni, sau khi được mật báo đã vội vã về đây lúc xế chiều và tạm trú ngụ tại ngôi nhà này.

Tối hôm ấy, bọn giặc đến vườn An-đà, chúng chẳng tìm thấy một ai cả. Trước sự thất vọng của bọn giặc, người chủ tướng lại vui mừng, tâm niệm rằng: “Các Tỳ-kheo ni đã thoát được cảnh sĩ nhục, không gì vui bằng, ta nên làm việc cúng dường”.

Chủ tướng lấy một xấp vải rất tốt, gói đầy đủ đồ ăn, thức uống thuộc loại cao sang mỹ vị rồi treo lên nhánh cây với tâm niệm rằng: “Nếu Tỳ-kheo ni nào đắc đạo Thần thông thì đến lấy gói thức ăn này ”.

Tâm niệm này liền được cảm ứng, Tỳ-kheo ni Liên Hoa Sắc nhanh như cánh tay co duỗi của lực sĩ, từ thành Xá-vệ đến vườn An-đà, lấy gói thức ăn trên nhánh cây.

Sáng hôm sau, đến giờ ăn, thay vì ăn, Liên Hoa Sắc thiết dọn rồi mời hai Trưởng lão Ưu-bà-tư-na và Bạt-nan-đà đến cúng dường. Hai vị nhận sự cúng dường này, và sau khi thọ thực xong, Liên Hoa Sắc ngồi trên chiếc ghế nhỏ đối diện, thỉnh cầu nhị vị Trưởng lão thuyết pháp. Trưởng lão Ưu-bà-tư-na nói diệu pháp xong liền đứng dậy ra về, còn Bạt-nan-đà nán lại, hỏi Liên Hoa Sắc:

- Sư cô được thức ăn hảo hạng này từ đâu?

Liên Hoa Sắc trình bày lại sự việc từ đầu đến cuối như đã xảy ra.

Bạt-nan-đà nói:

- Có thể cho tôi xem tấm vải ấy được không?

Yêu cầu này được thỏa mãn và Bạt-nan-đà nhìn thấy xấp vải giá trị kia thì lòng tham nổi dậy, muốn trưng dụng nên nài nỉ xin cho được.

Liên Hoa Sắc nói:

- Ðiều này không thể được, tại sao vậy? Bởi người nữ phước mỏng nên cần phải sắm giữ 5 y.

Bạt-nan-đà nói:

- Như người đem voi, ngựa bố thí mà lại không cho dây cương, sư cô cũng như vậy: Tại sao cúng dường thức ăn mỹ vị cao sang thì được, mà lại tiếc chi một tấm vải không cho là sao?

Bạt-nan-đà bằng tài ăn nói của mình đã tìm cách thuyết phục cho kỳ được. Trong thế chẳng đặng đừng, Liên Hoa Sắc đành trao cho Bạt-nan-đà tấm vải giá trị này.

Ðược tấm vải này rồi, Bạt-nan-đà trở về lại trú xứ. Các Tỳ-kheo thấy tấm vải đẹp nói:

- Thầy là người phước đức nên mới được tấm vải tốt này.

Bạt-nan-đà nói:

- Tôi đâu có phước đức gì, năn nỉ muốn gãy cả lưỡi, Tỳ-kheo ni mới cho tôi đó!

Các Tỳ-kheo nghe thế liền quở trách:

Tại sao thầy lại cưỡng bức bằng lời nói để thu đoạt vải y của Tỳ-kheo ni?

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn không muốn tứ chúng tới lui ồn ào, nên bảo các Tỳ-kheo:

- Nay Ta muốn vào tịnh thất ba tháng, đừng để ai đến chỗ Ta đang trú, chỉ trừ Tỳ-kheo đem cơm. Các thầy nên lập ra quy định này.

Vâng lời Phật dạy, các Tỳ-kheo lập ra định chế ghi rõ:

“Từ nay không ai được đến chỗ Phật ở, chỉ trừ Tỳ-kheo đem cơm. Nếu người nào vi phạm, phạm Ba-dật-đề”.

Qui chế này, Trưởng lão Ưu-bà-tư-na không hay biết, sau khi đến thành Xá-vệ, hỏi một Tỳ-kheo để biết đức Phật ở phòng nào. Theo chỉ dẫn của Tỳ-kheo này, Ưu-bà-tư-na-đến trước cửa phòng Phật, đưa tay gõ cửa. Ðức Phật mở cửa.

Ưu-bà-tư-na kính lễ sát chân Phật rồi ngồi lui ra một bên. Ðức Phật hỏi Ưu-bà-tư-na:

- Chúng của thầy thanh tịnh, rất mực oai nghi, thầy giáo hóa cách nào mà được như vậy?

Tỳ-kheo ấy thưa:

Nếu có người nào đến con cầu xin xuất gia thì con dạy họ 12 hạnh Ðầu-đà. Con bảo họ: “Phải trọn đời làm Tỳ-kheo ở A-lan-nhã, khất thực, nhất tọa thực, tuần tự khất thực, ở nơi gò mả, mặc y phấn tảo, ba y, phu tọa tùy thân, ngồi dưới gốc cây, ngồi chỗ đất trống. Kính bạch đức Thế Tôn! Nếu người nào nói trọn đời có thể phụng hành pháp này thì mới được vào chúng của con, con làm thầy họ.

Ðức Phật khen:

- Hay lắm! Hay lắm! Như vậy, có thể gọi thầy là hạng người khéo giáo dục đồ chúng.

Ðức Phật lại hỏi:

- Thầy có biết trong Chúng tăng ở đây có đề ra qui chế gì hay không?
Trưởng lão Ưu-bà-tư-na thưa:

- Con không hề hay biết việc này. Vì con từng nghe Phật dạy: “Những gì Phật chưa chế, không được tự ý lập ra; những gì Phật đã quy định, nên trân trọng làm theo”.

Ðức Phật nói lại quy chế trên cho thầy này nghe. Trưởng lão Ưu-bà-tư-na thưa:

- Con không tùy theo quy chế của Tăng mà sám hối tội Ba-dật-đề được.

Ðức Phật dạy:

- Hay lắm! Thầy nhận xét như thế là đúng!

Trong lúc đó, Tỳ-kheo sống lâu năm ở đây đứng trước phòng, chờ Ưu-bà-tư-na đi ra rồi bảo:

- Thầy phạm quy chế của Tăng, nên tác pháp sám Ba-dật-đề.

Trưởng lão Ưu-bà-tư-na hỏi:

- Tôi phạm Ba-dật-đề nào vậy?

Các Tỳ-kheo trình bày đầy đủ nội dung quy chế trên. Trưởng lão Ưu-bà-tư-na trả lời:

- Tôi không thể thực hiện theo quy chế của Tăng để sám hối được! Tại sao thế? Bởi chính tôi nghe Phật dạy: “Nếu Phật không chế cấm thì Tăng không được phép chế cấm. Nếu Phật đã chế rồi Tăng không được trái phạm”.

Lúc ấy, đức Phật bước ra nói với các Tỳ-kheo:

- Từ nay nếu có Tỳ-kheo A-lan-nhã nào như Ưu-bà-tư-na thì cho phép đến chỗ Ta.

Các Tỳ-kheo ghi nhận lời dạy, lại có ý nghĩ: “Chúng ta nên trân trọng tu theo hạnh Ðầu-đà này để đến được chỗ đức Thế Tôn”. Thế là các Tỳ-kheo đua nhau tu hạnh Ðầu-đà...
 

Liên Hoa Sắc thành tâm tu học, siêng năng tinh tấn, không bao lâu chứng được quả A-la-hán, trở thành một trong những bậc thần thông đệ nhất.
Nguồn: Sưu tập

Bấy giờ, các Cư sĩ xây dựng các phòng xá để cúng dường, nhưng chẳng có Tỳ-kheo nào nhận sự cúng dường này. Vấn đề này được các Tỳ-kheo Trưởng lão bạch lên Phật. Ðức Phật dạy các Tỳ-kheo:

- Từ nay cho phép tứ chúng tự do đến thăm Ta.

Tỳ-kheo ni Ba-xà-ba-đề nghe Phật cho phép như vậy, liền cùng 500 Tỳ-kheo ni lên đường về thăm đức Phật. Trên đường đi, gặp Trưởng lão Ưu-bà-tư-na. Trong chúng của Ưu-bà-tư-na có một Tỳ-kheo mặc y thô rách, thấy vậy Ba-xà-ba-đề hỏi:

- Tại sao Trưởng lão mặc chiếc y rách nát như vậy?

Vị ấy trả lời:

- Chẳng còn chiếc nào khác nữa!

Tỳ-kheo ni chỉ vào chiếc y mình đang mặc, nói:

- Thầy có thể mặc chiếc y của con không?

- Có thể được.

Ba-xà-ba-đề lại hỏi:

- Trưởng lão có thể cho con chiếc y mà ngài đang mặc không?

- Có thể. - Trưởng lão đáp.

Hai bên trao đổi y cho nhau.

Khi đến trước đức Phật, Tỳ-kheo ni Ba-xà-ba-đề đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi lui ra một bên. Ðức Phật hỏi Cù Ðàm di:

- Tại sao cô mặc chiếc y rách bươm như thế?

Cù-đàm di trình bày sự việc như trên. Ðức Phật nói pháp cho Cù-đàm di nghe, rồi bảo về trở lại trú xứ.

Sau đó, đức Phật cho tập hợp Tỳ-kheo Tăng và trước Tăng, Tỳ-kheo đương sự xác nhận việc trao đổi y kia là sự thật. Ðức Phật quở trách vị này là thiếu sáng suốt, nhiều ham muốn. Nhân đó, sự việc của Bạt-nan-đà được bạch lên Phật và Bạt-nan-đà cũng thú nhận sự thật này. Phật quở trách và chế cấm như vầy:

- Tỳ-kheo nào nhận lấy y từ Tỳ-kheo ni, phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề 
Tuy nhiên về sau, Phật cho phép nhận y của Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni bà con mà không phạm điều chế cấm trên.

Câu chuyện của nàng Liên Hoa Sắc giúp chúng ta nhận ra rằng không nên cố chấp vào nhân xấu trước kia, chỉ cần ngay trong hiện tại biết tỉnh thức, thay đổi cách nghĩ là sẽ chuyển hóa được nhân xấu để kết thành quả tốt.

Với những người dễ sa ngã và đang gặp khó khăn, chướng ngại, tấm gương của nàng Liên Hoa Sắc có thể là lời cảnh tỉnh: hãy nhận biết đâu là nghiệp chướng, can đảm vượt qua rồi gieo trồng lại căn lành, tạo thiện nghiệp, sửa chữa lỗi lầm, tinh tấn tu hành để đời đời được sống trong Chính pháp, thiện duyên


Nguồn: Phatgiao.org.vn