Đa Dạng Bản Sắc Văn Hóa Các Dân Tộc Tây Nguyên
Nhắc đến Tây Nguyên , người ta thường liên tưởng đến những câu chuyện sử thi , những người mẹ Việt Nam Anh Hùng hay những rừng cà phê cao su bạc ngàn , Không chỉ có vậy Tây Nguyên còn có những bản sắc văn hóa rất riêng của các dân tộc sinh sống tại đây mà ở bất cứ đâu cũng không có được .
Nếu ai đã một lần đến với Tây Nguyên đều dễ bị cuốn hút bởi cái vẻ hoang sơ huyền bí của núi rừng. Sự mạnh mẽ hùng vĩ của những dòng thác trắng xóa rầm rì tuôn chảy, và vẻ đẹp bất tận hoang dại của miền sơn cước. Với những vườn cao su, cà phê bạt ngàn, của hương vị rượu cần nồng cay và cơm lam nướng. Ngoài ra văn hóa Tây Nguyên thì muôn màu muôn vẻ, đa sắc thái dân tộc, đặc biệt là không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Không Gian Văn Hoá Cồng Chiêng Tây Nguyên
Tới Tây Nguyên, du khách sẽ được thưởng thức văn hóa cồng chiêng trong các ngày lễ lớn hay các sinh hoạt quan trọng của cộng đồng, được chiêm ngưỡng những ngôi nhà của người Ê-Đê “dài như một tiếng chuông ngân” hay những lễ hội: cúng sức khỏe, mừng lúa mới, bỏ mả… của người bản địa.
Văn hoá cồng chiêng được bắt nguồn từ văn minh Đông Sơn cổ đại, nền văn minh được biết đến với tư cách là một nền văn hoá trống đồng nổi tiếng ở Đông Nam Á. Nghệ thuật cồng chiêng của Việt Nam đã phát triển đến một trình độ cao so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Giá trị văn hóa của cồng chiêng ở Việt Nam có vị thế đặc biệt nổi bật trong hệ nhạc khí cổ truyền bởi nó bắt nguồn từ sự tổng hoà các giá trị văn hóa đa dạng như: giá trị biểu thị đặc trưng và bản sắc văn hóa vùng; giá trị biểu thị đặc trưng văn hóa tộc người hoặc nhóm tộc người; giá trị phản ánh đa chiều; giá trị nghệ thuật; giá trị sử dụng đa dạng; giá trị vật chất; giá trị biểu thị sự giàu sang và quyền uy; giá thị tinh thần; giá trị cố kết cộng đồng và giá trị lịch sử. Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên bao trùm 5 tỉnh Tây Nguyên, tập hợp của nhiều dân tộc thiểu số.
Cồng, chiêng là loại nhạc khí bằng hợp kim đồng, có khi pha vàng, bạc hoặc đồng đen. Cồng là loại có núm, chiêng không núm. Các dàn cồng chiêng thường gồm nhiều bộ. Mỗi bộ có số lượng khác nhau và đảm nhiệm những chức năng riêng trong cuộc hoà tấu. Nhạc cụ cồng chiêng có nhiều cỡ, đường kính từ 20, 50 đến 60 cm, loại cực đại tới 90 – 120 cm. Cồng chiêng có thể được dùng đơn lẻ hoặc dùng theo dàn, một bộ có từ 2 đến 12 – 13 chiếc, thậm chí có nơi tới 18 – 20 chiếc. Trong một bộ chiêng có chiêng mẹ (chiêng cái) là quan trọng nhất. Các dàn cồng chiêng không chỉ làm nhiệm vụ điểm nhịp, đi tiết tấu hoặc giai điệu một bè mà còn hoà tấu nhạc đa âm. Cồng chiêng có thể được gõ bằng dùi hoặc đấm bằng tay. Có thể gõ vào giữa mặt chiêng hay đánh ngoài rìa tùy theo bài bản. Người Êđê đa số sử dụng loại dùi cứng tạo nên tiếng vang rất to nhưng lại có nhiều tạp âm. Người Bana thường sử dụng dùi làm bằng cây sắn là loại gỗ mềm hơn, tuy nét nhạc không vang bằng nhưng âm cơ bản nghe rất rõ. Loại dùi thứ ba làm bằng gỗ thường có bọc thêm một lớp bên ngoài (xưa kia người ta sử dụng da tinh hoàn của trâu, bò hoặc dê, về sau được bọc bằng vải rồi đổi sang bọc bằng cao su). Dùi loại này phù hợp nhất vì tạo nên âm thanh rất hay. Khi đánh cồng, bàn tay mặt của nhạc công vỗ vào núm cồng như xoa dịu. Trước đây một số nhà nghiên cứu tưởng rằng chỉ có một cách đánh bên ngoài mà thôi, nhưng về sau mới biết bàn tay trái nắm ở bên trong cũng tham gia biểu diễn với nhiều cách, hoặc nắm vào vành hoặc bóp vành rồi buông ra, giống như cách nhấn nhá trong các loại đờn dây hay cách ém hơi trong kỹ thuật hát. Thậm chí có khi nhạc công đeo thêm chiếc vòng để khi lắc tay thì chiếc vòng đụng vào mặt trong phối hợp với tiếng gõ bên ngoài. Người Tây Nguyên còn có nhiều phong cách chơi cồng chiêng rất phong phú và bài bản. Nếu dàn cồng chiêng ở các nước khác, chẳng hạn như Gamelan ở Java, Gong Kebyar ở Bali (Indonesia) hay Kulingtan, dân tộc Mindanao của Philippines, nhạc công luôn ngồi yên tại chỗ thì người đánh cồng chiêng Tây Nguyên luôn di động, còn động tác thì đa dạng như nghiêng mình, cúi người, khom lưng … Người Bana và Giarai có phương pháp đánh chỉ điệu (một bài trầm đánh trên một vài giai điệu); người Êđê đánh theo cách thức từng chùm…
Người dân Tây Nguyên không chỉ dùng riêng một loại chiêng núm hoặc chiêng bằng, mà thường dùng kết hợp với nhau. Trong đó, chiêng núm làm bè trầm, chiêng bằng đánh giai điệu. Khi biểu diễn vòng tròn, các nghệ nhân đánh và di chuyển dàn cồng chiêng từ phải qua trái với ý nghĩa ngược chiều với thời gian, hướng về nguồn cội.Giá trị của cồng chiêng không chỉ thể hiện ở kỹ thuật chế tác mà nó còn có ý nghĩa tâm linh.
Cồng chiêng đại diện cho văn hoá Tây Nguyên, được sử dụng trong nhiều nghi lễ, tín ngưỡng quan trọng. Cồng chiêng được xem là ngôn ngữ giao tiếp hàng đầu của con người với thần thánh và thế giới siêu nhiên. Người Giarai, khi đứa trẻ được sinh ra, trong lễ hội “thổi tai”, tiếng chiêng sẽ cấp cho đứa bé những tín hiệu đầu tiên của văn hoá dân tộc. Chiêng còn sử dụng khi làm đám cưới, làm nhà mới, làm rẫy, đưa người chết ra mồ và cả khi bỏ nhà mồ. Chiêng đem cái thiêng vào cuộc sống, khiến con người cảm thấy được sống trong một không gian thanh cao, tâm linh, huyền ảo. Tiếng cồng chiêng Tây Nguyên hoà nhịp âm vang gợi cho người nghe như thấy được cả không gian săn bắn, không gian làm rẫy, không gian lễ hội… của con người nơi đây. Không chỉ có vậy, tiếng cồng chiêng còn đem đến cho đời sống của người Tây Nguyên sự lãng mạn. Đó chính là nguồn gốc của những áng sử thi, thơ ca đi vào lòng người.
Ngày 15/11/2005, UNESCO công nhận “Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại”. Sự kiện này có ý nghĩa to lớn đối với cả nước nói chung và Tây Nguyên nói riêng, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hoá vừa đa dạng phong phú, vừa độc đáo và giàu bản sắc của các dân tộc Tây Nguyên. Trong kho tàng văn hoá phong phú của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, bên cạnh giá trị của âm nhạc cồng chiêng đã được công nhận là “di sản văn hoá phi vật thể” của UNESCO, còn phải kể đến giá trị của sử thi. Đó là những áng anh hùng ca mà tuỳ theo ngôn ngữ mỗi dân tộc, được gọi là Khan (theo tiếng Êđê), là Hom (đồng bào Bana), là Hri (đồng bào Giarai), là Ot nrông (đồng bào Mnông)… Gọi là anh hùng ca là căn cứ vào âm điệu anh hùng trong các tác phẩm dân gian ấy. Nhưng có lẽ gọi một cách khoa học chính xác, đó là sử thi. Sử thi hình thành trên nền tảng văn hoá, văn nghệ dân gian thời sơ sử và thời cổ đại, trước hết trên nền tảng thần thoại. Thần thoại phản ánh nhận thức của người xưa về thế giới, về nhân loại, về cuộc sống… Thần thoại thường gắn liền với phong tục, tập quán, nghi lễ và ca múa nhạc nguyên thuỷ.
Sử Thi Tây Nguyên
Tây Nguyên là vùng đất sản sinh khá nhiều sử thi và do đó được các nhà khoa học gọi là “vùng sử thi”. Từ sau sử thi “khan Đam San” của người Êđê được công bố đầu tiên từ năm 1927, đến nay đã phát hiện được trên 20 sử thi, trong đó có các sử thi nổi tiếng còn truyền tụng tới nay, như ĐămDi, Chilơkok, Khinh Dú, Đăm Đơroăn, Y Prao, và M’hiêng (của người Êđê), Ot mrông, Cây nêu thần, Mùa rẫy Bon (của Mnông) H’điêu, Chín chiêng, Zông (Giarai), Đăm Noi, Xing chi ôn, Diôông (Bana),… Sử thi không chỉ là đặc trưng, nét độc đáo duy nhất của vùng văn hoá Tây Nguyên, mà vùng này còn thể hiện tính thống nhất của mình qua nhiều hiện tượng văn hoá tiêu biểu khác, như âm nhạc cồng chiêng, văn hoá nhà mồ, các loại luật tục khác… Đây là một biểu hiện của sự thống nhất thể loại của vùng văn hoá Tây Nguyên. Diễn xướng sử thi ở Tây Nguyên thường diễn ra trong các dịp hội hè, tiếp khách, mừng nhà mới, cưới xin… ở nhà rông hay ở nhà dài. Các nghệ nhân vừa hát kể sử thi, vừa đệm nhạc, điệu bộ. Sử thi Tây Nguyên, do đó, là một giá trị tinh thần, được đồng bào Tây Nguyên lưu giữ trong trí nhớ và được diễn xướng trong các sinh hoạt cộng đồng mà chúng ta có thể gọi là “văn hoá sử thi”. Sử thi chứa đựng trong nó những tri thức bách khoa của cộng đồng các dân tộc. Nếu người Ấn Độ nói rằng, mọi cái hiện có ở Ấn Độ đều đã có trong “Mahabhrata” thì người Mnông cũng cho rằng mọi thứ trong cuộc sống của họ đều có từ thời Tiang, Yang (hai nhân vật sử thi). Vì vậy, kho tàng sử thi Tây Nguyên là một kho tàng văn hoá vô giá, là món ăn tinh thần không thể thiếu của người Tây Nguyên.
Lễ Hội Truyền Thống
Bao trùm lên tất cả trong đời sống tinh thần của người Tây Nguyên có lẽ là lễ hội truyền thống, biểu thị những quan niệm của họ về con người, về vũ trụ ít nhiều còn thô sơ, chất phác nhưng họ rất tin thờ, như: Lễ cúng bến nước – hay còn gọi là uống nước giọt vào dịp cuối năm cũ hoặc đầu năm mới; lễ ăn cơm mới – đóng cửa kho lúa vào dịp thu hoạch mùa màng; lễ cưới cho người trẻ, lễ mừng thọ người già, lễ bỏ mả – phơi thi cho người đã khuất, lễ cúng tạ ơn cha mẹ… đều trở thành những hội vui, cuốn hút sự tham gia của toàn thể cộng đồng, thậm chí các dòng tộc khác hoặc buôn lân cận. Mỗi hội lễ là một tổng thể nguyên hợp, tiêu biểu cho đời sống văn hóa cổ truyền các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, cho nền văn minh nương rẫy.
+Lễ hội Tăm Nghét của người Mnông Đăk Nông: tổ chức khi thu hoạch xong mùa màng, người ta làm thịt một con gà, buộc một ghè rượu nhỏ để xin Yàng đóng cửa kho lúa, rồi mới làm lễ Tăm Nghét để xin chính thức mở cửa kho sử dụng, hoặc sum họp gia đình vào đầu năm mới.
+Lễ hội Đâm trâu (lễ ăn trâu): của đồng bào dân tộc M’nông ở Đắk Nông đến nay vẫn duy trì được lễ đâm trâu ( hay còn gọi là lễ ăn trâu ), một lễ hội truyền thống của các dân tộc bản địa ở Tây Nguyên. Lễ hội thường diễn ra vào những ngày nông nhàn, mọi người được nghỉ ngơi, vui chơi để chuẩn bị cho mùa rẫy mới, thường rơi vào tháng 3 hoặc đầu tháng 4 âm lịch.Theo các già làng người M’nông thì địa điểm tổ chức Lễ đâm trâu thường được tổ chức tại sân nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng của các bon làng, nghi thức lễ đâm trâu thường diễn ra vào buổi chiều tà, gia đình chủ lễ cử một đoàn người đi đón khách về dự lễ đâm trâu.Khi dựng câu nêu nam, nữ phải ra đứng đánh cồng chiêng múa vui vòng quanh cây nêu.Tiếng chiêng càng vang hơn, mọi người càng hớn hở hơn, nhất là lúc con trâu được buộc vào cọc nêu.Suốt đêm đó, dân làng vui chơi, uống rượu, đánh chiêng.
Lễ bỏ mả:là lễ hội quan trọng của đồng bào dân tộc Ê-đê,mang tính tang lễ mà người sống tổ chức để từ biệt người chết.Đây là dịp sinh hoạt văn hóa cổ truyền với nhiều hoạt động:hiến tế bằng súc vật,lễ cúng,chia của cải cho người đã khuất và trình diễn âm nhạc,mua hát…
-Lễ hội cà phê Buôn Mê Thuột: là một lễ hội lớn ở Tây Nguyên được tổ chức hai năm một lần ở Tp.Buôn Mê Thuột, tỉnh Đăk Lăk.Lễ hội diễn ra tôn vinh cây cà phê, quảng bá hình ảnh Buôn Mê Thuột,Đăk lăk là vùng đất trồng cà phê chiếm vị trí 60% sản lượng cà phê Việt Nam.Lễ hội có nhiều hoạt động như: quy trình, cách thức, sản xuất, chế biến cà phê; hội chợ triễn lãm các loại cà phê và trưng bày các sản phẩm về cà phê…thu hút khách du lịch từ nhiều nơi đến khi diễn ra lễ hội.
Đặc Sản
-Cơm Lam: là một món ăn nổi tiếng của người dân Tây Nguyên, để có món cơm lam ngon phải được chọn cây nứa khô còn non, chặt lấy gióng lưng chừng nứa.Còn với gạo chọn loại gạo trắng, dẻo, thơm rồi ngâm qua đêm, sau đó vo sạch cho thêm it muối rồi trộn đều cho vào ống lam rồi nưỡng trên bếp củi.Cơm lam khi chín sẽ nghe mùi thơm của gạo quyện với mùi tre nứa tạo nên nét đặc trưng ở vùng Tây Nguyên, cơm lam ăn với muối vừng hay thịt gà thịt lợn rừng nướng.
Giang Nam có câu rất hay
a vin cần uống núi rừng thiêng
Em múc trăng vàng về tan đáy rượu
Giọt mắt hoà vào men chếnh choáng
Tôi chìm trong hương tóc trăng em…
Cũng như uống rượu cần, chủ nhà trân trọng mời ống cơm lam đầu tiên. Ống cơm dành cho khách không phải là đoạn dài nhất, to nhất, mà phải là đoạn được cô gái Tây Nguyên nướng khéo nhất, nhìn vào màu trúc vẫn xanh tươi. Dùng với rượu, cơm lam là thức nhắm; không có rượu, cơm lam thành lương thực ăn no…..
-Rượu Cần: Rượu cần đối với người đồn bào Tây Nguyên là sản phẩm văn hóa vật chất tinh thần của mỗi gia đình.Đặc biệt trong các lễ hội và mời khách quý, người ta không uống rượu cần với mục đích giải sầu mà chỉ uống tập thể vào những dịp lễ tết, khi tiếp đãi bạn bè, khách quý phương xa, chóe rượu được đặt ngay giữa nhà, bên bếp lửa bập bùng, còn khách và chủ nhà quây quần bên nhau.Rượu cần có nhìu loại, rượu ủ là một lớp gạo và lớp men ngâm ủ qua mấy ngày là uống được.Rượu cần chính là một nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng.
Tây Nguyên cũng như bao mảnh đất khác dọc trên chiều dài đất nước của hình chữ S, cũng từng trải qua bao năm tháng mưa bom bão đạn của chiến tranh. Mảnh đất từng sản sinh ra nhưng người anh hùng đã đi vào huyền thoại và trở thành cảm hứng để nhân dân các dân tộc Tây Nguyên viết nên những bản trường ca bất tận truyền mãi tới muôn đời sau….
Nguồn: SGT Tổng Hợp