330 lượt xem

Tài liệu khu di tích chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại khu Phủ Chủ tịch trong 15 năm (từ 1954 đến 1969). Nhiều địa danh lịch sử ở nơi đây đã gắn liền với những hoạt động cách mạng sôi nổi và cuộc sống đời thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh như: tòa nhà Phủ Chủ tịch, nhà 54, nhà sàn, nhà H.67, phòng họp Bộ Chính trị, hầm H.66 và các di tích ngoài trời như: đường xoài, vườn cây, ao cá, giàn hoa Phủ Chủ tịch…

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, tất cả các di tích cùng với những tài liệu, hiện vật lưu niệm về Người đã được bảo vệ, bảo quản một cách tốt nhất, để đồng bào trong nước và bè bạn quốc tế đến viếng thăm chiêm ngưỡng nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.

Giới thiệu chung về một số điểm di tích tại Phủ Chủ tịch

Thời gian mở cửa hàng ngày:– Các ngày trong tuần, trừ chiều thứ Hai và thứ Sáu.

Giờ mở cửa mùa hè: – Sáng từ 7 h 30 đến 11h.

Chiều từ 14h đến 16h
.

Giờ mở cửa mùa đông: – Sáng từ 8h đến 11h.

Chiều từ: 13h 30 đến 16h.

Liên hệ tham quan: – Phòng Tuyên truyền – Giáo dục.

Tel: 08043226 – 08043381. – Địa chỉ: Số 1, Bách Thảo- Ba Đình- Hà Nội

Nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thủ đô Hà Nội ngày nay được gọi bằng tên chính thức: Khu di tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ tịch, gọi tắt là Khu di tích Phủ Chủ tịch. Về khoa học bảo tàng, khu di tích được coi là bảo tàng lưu niệm về sinh hoạt đời sống danh nhân.

Khu di tích Phủ Chủ tịch nằm trên địa phận phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Phía Bắc Khu di tích giáp Hồ Tây, phía Nam giáp chùa Một Cột, bảo tàng Hồ Chí Minh; phía Tây liền kề với Bách Thảo, phía đông nhìn thẳng ra đường Hùng Vương, Lăng Bác và quảng trường Ba Đình – nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà vào mùa thu năm 1945. Diện tích toàn bộ Khu di tích hơn 10 ha, bao gồm nhà cửa, vườn cây xanh, thảm cỏ, ao cá và sân, đường đi lối lại. Theo tính chất của các công trình kiến trúc và hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại những nơi đó, Khu di tích được chia thành ba khu vực:

Khu A: là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc. Các di tích ở đây liên quan trực tiếp tới cuộc sống đời thường và hoạt động của Người trong 15 năm cuối đời. Đó là:

Di tích nhà 54: nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở, làm việc từ cuối năm 1954 đến giữa tháng 5 năm 1958.

Di tích nhà sàn gỗ: nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở, làm việc từ giữa tháng 5 năm 1958 đến năm 1969.

Di tích nhà 67: nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc trong thời gian đế quốc Mỹ bắn phá miền Bắc ác liệt (1967 – 1969), nơi Người chữa bệnh và qua đời.

Các di tích khác như: vườn cây xanh, ao cá, nhà bếp và xe ôtô Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng.

Khu B và C: gồm có nhà khách Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chính phủ và vườn cây xung quanh các nơi này. Hiện nay, khu vực này Nhà nước và Chính phủ vẫn đang làm việc.

Chỉ có khu vực xung quanh Phủ Chủ tịch và các di tích chính ở khu A được đưa vào hoạt động, phục vụ cho công tác tuyên truyền phát huy tác dụng. Toàn bộ Khu di tích có khoảng 1456 hiện vật (trong đó đang trưng bày 759 hiện vật) thuộc nhiều chất liệu khác nhau. Các di tích, hiện vật, tài liệu đang được lưu giữ tại nơi đây đều đảm bảo tính nguyên gốc, nguyên trạng như những ngày cuối cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc tại nơi đây từ năm 1954 đến năm 1969. Trong 15 năm đó Người đã cùng Bộ Chính trị Trung ương Đảng đề ra đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn cho Cách mạng Việt Nam và lãnh đạo nhân dân vượt qua những thử thách cam go ác liệt để thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, giải phóng miền Nam tiến tới thống nhất
đất nước; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì độc lập, dân tộc dân chủ, vì hoà bình và tiến bộ xã hội của thế  giới. Với tất cả những ý nghĩa đó, sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa (ngày 2-9-1969), nơi Người ở và làm việc cùng với các di tích, kỷ vật ở đây đã trở thành những vật chứng quý giá, biểu tượng thiêng liêng về cuộc sống, hoạt động của Người trong 15 năm cuối đời.

Cùng với những hoạt động sôi nổi, đầy ý nghĩa và cuộc đời vĩ đại trong sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các công trình kiến trúc khác nhau trong Khu di tích Phủ Chủ tịch và cảnh quan với cảnh quan môi trường, sân vườn, đường đi, trong một không gian rộng đã tạo nên một quần thể di tích hoàn chỉnh, độc đáo, có giá trị về lịch sử, văn hoá, đạo đức, thẩm mỹ. Những giá trị đó giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cuộc đời, tư tưởng, đạo đức tác phong, lối sống, đức khiêm tốn giản dị, tinh thần cách mạng, tình yêu tha thiết với nhân dân, đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc đối với mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam.

Sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết về việc bảo quản, gìn giữ tốt khu lưu niệm, các di tích, hiện vật lưu niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tai Phủ Chủ tịch. Các văn bản pháp quy của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Văn hoá tiếp sau đó đã hoàn chỉnh cơ sở pháp lý để Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch trở thành di tích đặc biệt quan trọng của quốc gia có tầm cỡ quốc tế và trở thành di sản văn hoá vô giá của dân tộc để Khu di tích hoạt động có hiệu quả cao nhất.

Thời gian đã và mãi mãi sẽ trôi qua, cuộc sống ngày một phát triển nhưng Khu di tích Phủ Chủ tịch vẫn được giữ nguyên vẹn như những ngày cuối cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc ở nơi đây mà không thấy dấu vết của quyền uy, phú quý. Cuộc sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ trở thành bài học cho mọi thế hệ người Việt Namvà trở thành hình ảnh trong sáng tuyệt vời trong trái tim bạn bè thế giới. Nơi đây mãi mãi trở thành nơi hành hương của nhân dân Việt Nam và những ai yêu hoà bình, tự do và công lý trên toàn thế giới.

Di tích Phủ Chủ tịch

Điểm di tích đầu tiên trong hành trình tham quan Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là toà nhà Phủ Chủ tịch. Đây là toà nhà sang trọng, bề thế, cao bốn tầng nhìn thẳng ra đường Hùng Vương.

Công trình mang phong cách thời Phục Hưng này được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XX (1900 – 1906), do kiến trúc sư người Pháp gốc Đức Lichn Fen-đơ thiết kế. Diện tích sử dụng của toà nhà gần 1300 mét vuông.

Toàn bộ toà nhà có trên 30 phòng, mỗi phòng được trang trí theo một phong cách riêng. Trong thời thực dân Pháp cai trị, toà nhà được gọi là Phủ Toàn quyền Đông Dương, từ khi nhà được hoàn thành đến ngày cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, đã có 29 đời Toàn quyền và Quyền Toàn quyền ở và làm việc.

Trong năm 1945 đến năm 1946, hết phát xít Nhật đến quân đội Trung Hoa dân quốc chiếm giữ toà nhà này. Khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam lần thứ hai thì nơi đây lại trở thành trụ sở cao nhất của chính quyền thực dân. Toà nhà này chỉ thực sự thuộc về nhân dân Việt Nam sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thành công, thủ đô Hà Nội được giải phóng (tháng 10 – 1954), (toà nhà được gọi là Phủ Chủ tịch). Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường chủ trì các phiên họp Hội đồng Chính phủ quyết định những vấn đề lớn, quan trọng của đất nước; tiếp đón khách quốc tế và gặp gỡ đại biểu nhân dân Việt Nam.

Với khách quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đón từ các vị nguyên thủ quốc gia, lãnh tụ Đảng các nước anh em, đại sứ các nước đến trình quốc thư, các đoàn nghệ thuật, thể thao, các nhà văn, nhà báo, nhà khoa học, các tổ chức quần chúng… và bạn bè khắp nơi trên thế giới đến với Việt Nam, ủng hộ sự nghiệp cách mạng và giúp đỡ nhân dân Việt Nam xây dựng cuộc sống mới.

Với nhân dân Việt Nam, Người gặp gỡ các đại biểu thuộc mọi thành phần trong xã hội, không phân biệt họ thuộc tôn giáo, đảng phái nào, làm ngành nghề gì. Trong 15 năm, từ năm 1945 đến năm 1969, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp trên 1000 đoàn đại biểu trong nước và ngoài nước. Phủ Chủ tịch còn là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần đọc thơ chúc Tết đầu xuân nhân dịp năm mới.

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời (ngày 2 tháng 9 năm 1969), Phủ Chủ tịch trở thành một trong những di tích lưu niệm về Người được Nhà nước xếp hạng là di tích đặc biệt quan trọng trong tổng thể Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Song từ đó đến nay tòa nhà này vẫn là nơi làm việc của Chủ tịch nước; những hoạt động có ý nghĩa quan trọng của Đảng và Nhà nước ta vẫn được tiến hành trọng thể ở đây.

Di tích nhà 54

Sau khi quyết định dành Phủ Toàn quyền cũ để Nhà nước làm việc và tiếp khách, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn một ngôi nhà nhỏ mái ngói, ở gần bờ ao để ở và làm việc. Ngôi nhà này vốn là nơi ở của người thợ điện nằm trong khu vực dành cho các nhân viên phục vụ Phủ Toàn quyền Đông Dương trước đây.

Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc tại ngôi nhà này từ tháng 12 năm 1954, vì vậy ngôi nhà có tên là “Nhà 54”. Người ở và làm việc tại ngôi nhà này gần 4 năm từ 1954 đến giữa tháng 5 năm 1958. Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển sang ở ngôi nhà sàn được xây dựng trong khu vườn Phủ Chủ tịch phía bên kia bờ ao, nhưng hàng ngày Người vẫn trở về nơi đây để dùng cơm và khám sức khoẻ định kỳ. Bởi vậy Nhà 54 là nơi gắn bó với cuộc sống đời thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt 15 năm cuối cùng của cuộc đời.

Trong thời gian ở và làm việc ở Nhà 54, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng, Bộ Chính trị xây dựng đường lối chiến lược, sách lược cơ bản cho cách mạng Việt Nam, l•nh đạo nhân dân Việt Nam hoàn thành thắng lợi công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế và xây dựng những cơ sở vật chất đầu tiên cho sự
nghiệp xây dựng đất nước, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội. Trong thời gian này (từ năm 1954 đến năm 1958), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn đầu nhiều đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ ta đi thăm chính thức 15 nước  em ở châu Âu và châu á. Những chuyến đi đó đã góp phần tích cực vào việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước trên thế giới, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới đối với cách mạng Việt Nam.

Nhà 54 có ba phòng, phía giáp ao là phòng làm việc và cũng là nơi Người tiếp khách, ở giữa là phòng ăn, cuối cùng là phòng ngủ. Mọi đồ dùng sinh hoạt của Người cùng với tài liệu sách báo Người đang đọc, những món quà lưu niệm bạn bè quốc tế tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn được giữ nguyên, xếp đặt gọn gàng, hợp lý, khoa học như những ngày cuối cùng của Người.

Tại phòng ăn của Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện đang trưng bày một bộ đồ ăn hàng ngày của Người. Bữa cơm hàng ngày của Người chỉ vài ba món. Khi mời khách dùng cơm thân mật. Người thường nhắc các đồng chí phục vụ nấu món ăn phù hợp khẩu vị của khách để mọi người ngon miệng.

Trong phòng ngủ, đồ dùng sinh hoạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh đơn giản, như mọi người dân bình thường: một bộ bàn ghế để Người đọc sách ban đêm, một chiếc giường nhỏ đơn giản không kiểu cách, cầu kỳ, chiếc tủ đựng quần áo. Trong tủ chỉ có vài ba bộ quần áo Người mặc hàng ngày và bộ quần áo kaki Người dùng khi tiếp khách hoặc đi công tác…

Tổng số tài liệu hiện vật ở trong nhà 54 gần 400 đơn vị, riêng hiện vật thuộc chất liệu giấy đã có hơn 300 đơn vị.

Ngôi nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống trong những năm đầu về thủ đô Hà Nội là minh chứng cuộc sống giản dị, gần gũi gắn bó với nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người chia sẻ với nhân dân những vất vả, khó khăn, đồng cam cộng khổ và động viên nhân dân, cùng nhân dân vượt qua những thách thức lớn của thời kỳ miền Bắc quá độ lên chủ nghĩa xã hội trên một nền tảng kinh tế, xã hội vô cùng nghèo nàn, lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Nhũng hoạt động của Người ở ngôi nhà nhỏ này đã phản ánh phong cách sống, tinh thần quyết tâm phấn đấu vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân, vì tương lai của đất nước trên chặng đường phát triển mới của lịch sử dân tộc.

Di tích Nhà sàn

Sau gần 4 năm tiến hành công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế ở miền Bắc Việt Nam cơ sở vật chất của xã hội bước đầu được củng cố và phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị mong muốn xây dựng một ngôi nhà mới để Chủ tịch Hồ Chí Minh có nơi ở, làm việc được tốt hơn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đồng ý với ý định này của Trung ương và lựa chọn kiểu nhà sàn của đồng bào dân tộc sau buổi gặp mặt đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Bắc tại Phủ Chủ tịch và sau chuyến đi thăm một số địa phương của tỉnh Thái Nguyên.

Kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh, nguyên Cục phó Cục Thiết kế kiến trúc thuộc Bộ Giao thông thuỷ lợi (nay là Bộ xây dựng) được trao nhiệm vụ thiết kế và chỉ đạo xây dựng ngôi nhà này, Đoàn 5 Cục Doanh trại (nay là Cục kiến thiết cơ bản) Tổng cục Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam chịu trách nhiệm thi công. Ông Nguyễn Văn Ninh được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời đến trao đổi về thiết kế, cách bố trí cụ thể của ngôi nhà.

Ngày 15 tháng 4 năm 1958 ngôi nhà sàn được khởi công xây dựng. Ngày 17 tháng 5 năm 1958 ngôi nhà được khánh thành.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại nhà sàn trong 11 năm cuối đời (1958 – 1969). Tại nơi đây, Người đã ngày  đêm suy nghĩ để cùng Bộ Chính trị hoàn chỉnh đường lối chiến lược, sách lược cho cách mạng Việt Nam, tiếp tục lãnh đạo nhân dân vượt qua khó khăn, thử thách để thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc dân chủ và chủ nghĩa xã hội trên thế giới . Hiện nay gần 250 tài liệu hiện vật thuộc nhiều chất liệu khác nhau ở Nhà Sàn vẫn được giữ nguyên vẹn và bảo quản chu đáo như những ngày cuối cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc.

Nhà sàn được làm bằng gỗ dổi- loại gỗ thông thường trong xây dựng dân dụng, mái nhà lợp ngói. Trước nhà là một vườn hoa nhỏ, trồng nhiều loại hoa thơm. Phía ngoài là hàng rào dâm bụt gợi nhớ hình ảnh ngôi nhà Người đã sinh ra và lớn lên ở quê hương Nghệ An.

Tầng dưới nhà sàn kê một bộ bàn ghế lớn. Đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc về mùa hè, nơi Người họp, trao đổi công việc với các đồng chí trong Bộ Chính trị, cán bộ phụ trách đầu ngành hoặc các địa phương đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ miền Nam ra miền Bắc chữa bệnh và công tác.

Trên bàn làm việc vẫn còn lại những kỷ vật của Người. Đó là những cuốn sách Người đang đọc vào những ngày cuối cùng. Chồng sách ngoài cùng là loại sách nói về người tốt, việc tốt của các giới, các ngành được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Người trực tiếp theo dõi việc xuất bản loại sách này. Hai chồng sách phía trong là những cuốn sách bằng tiếng nước ngoài. ở đây có sách của V.I Lênin viết về cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười vĩ đại, sách của các tác giả nước ngoài viết về cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Việt Nam và phong trào đấu tranh chống phân biệt chủng tộc ở ngay trong lòng nước Mỹ. Trên bàn làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có chiếc khay đựng bút bằng đá mầu đen hình con thuyền, kỷ vật của Tổng thống nước cộng hoà nhân dân Cu Ba Ôt-xvan-đô Đoóc-ti-cốt tặng Người năm 1967.

Phía cuối phòng có chiếc ghế chao (còn gọi là ghế xích đu) bằng mây, Người thường nghỉ ngơi vào buổi trưa hoặc sau giờ làm việc, sau khi tiếp khách về.

Trong những năm tháng đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc Việt Nam bằng không quân hải quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn làm việc tại nhà sàn. Người theo dõi tình hình chiến sự, làm việc với Bộ tư lệnh phòng không, không quân, Cục tác chiến; làm việc với Bộ Chính trị, Trung ương Đảng thông qua những máy điện thoại đặt ở cuối phòng. Chiếc mũ sắt để bên cạnh được anh em bảo vệ mang theo trong những lần Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm các địa phương, đơn vị bộ đội… để phòng tránh những mảnh bom, đạn.

Năm 1966, bị lún sâu vào vòng thế bị động, thua đau tại chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc càng dữ dội. Chúng hùng hổ tuyên bố: đưa miền Bắc Việt Nam quay về thời kỳ đồ đã. Đứng trước thách thức đó, ngày 17 tháng 7 năm 1966, tại ngôi nhà sàn bé nhỏ này Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết lời kêu gọi toàn dân đứng lên chiến đấu chống Mỹ cứu nước. Người khẳng định ý chí, quyết tâm của toàn dân tộc Việt Nam: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Namquyết không sợ. Không có gì quý hơn Độc lập Tự do”. Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cổ vũ nhân dân Việt Namtiến lên giành chiến thắng và nó đã trở thành chân lý của thời đại.

Xung quanh tầng dưới nhà là bệ xi măng bên trên lát ván gỗ được làm theo gợi ý của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để mỗi lần các cháu thiếu nhi vào thăm Người có đủ chỗ ngồi. Người còn nhắc anh em phục vụ đặt thêm bể cá vàng cho các cháu vui hơn.

Tầng trên nhà sàn có hai phòng: phòng làm việc, phòng ngủ. Diện tích mỗi phòng hơn 10 mét vuông. Đồ dùng sinh hoạt, làm việc chỉ là những gì cần thiết nhất đủ cho một người sử dụng.

Phòng làm việc có một bàn, một ghế, một giá sách. Giá sách được đặt vào vách ngăn giữa hai phòng. Sách ở trên giá thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau: chính trị, kinh tế, lịch sử, khoa học, văn học… Trong đó có nhiều cuốn sách của các tác giả trong nước và ngoài nước tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh với những lời đề tặng đầy tình cảm trân trọng và quý mến.

Ngăn dưới cùng giá sách là chiếc máy chữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng hàng ngày như một cây bút.

Tại nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo nhiều văn bản quan trọng có tính chất định hướng cho cách mạng. Một trong những văn bản quan trọng có ý nghĩa như kim chỉ nam cho sự nghiệp cách mạng sau ngày đất nước thống nhất; như lời tâm huyết đầy tình yêu thương giành cho Đảng, nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam chính là bản Di chúc lịch sử. Người viết những dòng đầu tiên của bản Di chúc vào dịp sinh nhật lần thứ 75. Từ đó hàng năm, Người dành một thời gian nhất định từ ngày 10 đến ngày 20 tháng 5, để sửa chữa, bổ sung hoàn chỉnh bản Di chúc, tháng 5 năm 1969, Người đọc và sửa chữa lần cuối bản Di chúc.

Tại phòng ngủ, tiện nghi sinh hoạt cũng đơn giản như ở mọi gia đình người dân Việt Nam thời đó. Mùa hè trên chiếc giường gỗ trải chiếu cói, mùa đông có thêm tấm đệm, chăn bông và một lò sưởi điện nhỏ. Để ngăn những trận gió mùa đông bắc lạnh buốt, cửa sổ, cửa ra vào phòng ngủ được lắp thêm kính.

Trên bàn làm việc ở phòng ngủ của Người, vẫn còn một số sách, tạp chí, chiếc mũ cát và chiếc đài bán dẫn của bà con Việt Kiều Thái Lan kính biếu Người.

Trên chiếc tủ nhỏ đặt ở đầu giường vẫn còn chiếc đồng hồ và cuốn sách Người đang đọc: “Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII” của hai tác giả Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đang đọc dở.

Di tích Nhà 67

Ngôi nhà màu xanh nhạt ở phía sau nhà sàn, nằm sát gò đất cao được gọi là “Nhà 67”. Ngôi nhà được gọi tên theo thời gian xây dựng.

Vào năm 1967, cuộc phiêu lưu mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân, hải quân của đế quốc Mỹ ngày càng trở nên ác liệt, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác cùng các khu công nghiệp bị bắn phá ngày đêm. Trước tình hình đó, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị đã quyết định xây dựng ở phía sau nhà sàn một ngôi nhà kiên cố đề phòng khi máy bay Mỹ bắn phá bất ngờ, Người chưa kịp xuống hầm.

Các đồng chí cán bộ, chiến sĩ ở Cục Công trình thuộc Bộ Tư lệnh công binh được giao nhiệm vụ thiết kế và xây dựng công trình. Ngày 1 tháng 5 năm 1967, nhân dịp Chủ tịch Hồ Chí Minh đi công tác nước ngoài, ngôi nhà được khởi công xây dựng. Ngày 30 tháng 6 năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Hà Nội sau chuyến đi công tác, ngôi nhà đã được hoàn tất trọn vẹn, đảm bảo chắc chắn, kiên cố mà vẫn thoáng mát, tiện lợi cho sinh hoạt. Tường nhà dầy hơn 60 phân, trần nhà dày hơn 1 mét , đều được làm bằng bê tông, cốt thép.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không nhận ngôi nhà cho riêng mình. Người đề nghị sử dụng làm nơi họp Bộ Chính trị, làm việc với các đồng chí Trung ương, và các cán bộ phụ trách đầu ngành để bàn những vấn đề quan trọng của đất nước như: đảm bảo sản xuất trongthời chiến, tăng sức chi viện cho chiến trường miền Nam, tìm ra những giải  pháp tích cực để cuộc đàm phán ở Hội nghị Pari giành thắng lợi và theo dõi tình hình chiến trường miền Nam. Gần 100 tài liệu hiện vật đang được bảo quản gìn giữ ở nơi đây đều gợi lại những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những vấn đề Người đang quan tâm trong những ngày cuối đời.

Hai tấm bản đồ quân sự về “bố trí binh lực địch ở miền Nam” và “bố trí không quân, hải quân địch tham chiến ở Việt Nam” treo trên tường để Chủ tịch Hồ Chí Minh theo dõi báo cáo của các cán bộ Cục tác chiến, văn phòng Quân uỷ về diễn biến, tình hình chiến trường miền Nam, chiến sự miền Bắc. Chiếc đài ZENITH đặt trên bàn làm việc là chiến lợi phẩm của quân giải phóng miền Nam thu được trong trận Phước Thành (nay thuộc tỉnh Bình Dương) kính tặng Người để báo công đầu.

Ngày 17 tháng 8 năm 1969, sau khi kiểm tra sức khoẻ cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, các bác sĩ đề nghị Người không lên xuống nhà sàn nữa. Theo lời đề nghị của bác sĩ, Người chuyển hẳn xuống ở nhà 67.

Những tập sách báo tài liệu còn lại trên bàn làm việc tại căn phòng này Người đang đọc dở, nhiều trang báo còn lưu lại bút tích của Người. Tờ báo, bản tin cuối cùng Người xem được phát hành vào ngày 24 tháng 8 năm 1969.

Từ ngày 25 tháng 8 năm 1969 trở đi, Chủ tịch Hồ Chí Minh lâm bệnh nặng, diễn biến bệnh tình mỗi ngày một xấu và phức tạp. Ngôi nhà 67, theo quyết định của Bộ Chính trị trở thành nơi điều trị bệnh cho Người. Các đồng chí trong Bộ Chính trị, các giáo sư, bác sĩ đầu ngành tập trung về đây chăm lo sức khoẻ cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Các thiết bị y tế hiện đại nhất ở thời kỳ đó được đưa về đây để chữa bệnh cho Người. Nằm trên giường bệnh nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh theo dõi, vẫn nắm tình hình đất nước qua báo cáo của các đồng chí Bộ Chính trị, Trung ương khi các đồng chí về bên. Người thường hỏi tin chiến trường miền Nam, tình hình lũ lụt ở miền Bắc. Người nhắc nhở các đồng chí Trung ương phải quyết tâm giữ vững đê, bảo vệ dân, bảo vệ sản xuất. Biết tin Trung ương muốn mời Người lên khu vực Ba Vì ( Sơn Tây) để tránh lũ lụt, Người nói: “Bác đi chỉ được mình Bác, còn dân thì sao”. Người quyết định ở lại cùng đồng bào. Người mong muốn được gặp nhân dân trong ngày lễ quốc khánh.

Bệnh tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn biến ngày một trầm trọng, nhịp tim rối loạn thất thường. Vì tổi cao, sức yếu Chủ tịch Hồ Chí Minh không vượt qua được cơn bệnh hiểm nghèo. Ngày mùng 2 tháng 9 Người ra đi. Đồng hồ trên tủ nhỏ ở cạnh giường và cuốn lịch treo tường dừng lại thời khắc Người đi xa: 9 giờ 47 phút ngày mùng 2 tháng 9 năm 1969 (ngày 21 tháng 7 năm Kỷ Dậu).

Những di vật còn lưu lại ở nơi đây,những câu chuyện của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các nhân chứng lịch sử kể lại về giờ phút cuối đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho chúng ta cảm nhận sâu sắc những giá trị cao quý về phẩm chất một lãnh tụ của nhân dân, về tình yêu sâu nặng, tha thiết của Người đối với nhân dân, đất nước.

Các Di tích ngoài trời khác

Các di tích ngoài trời là một bộ phận vô cùng quan trọng và gắn bó chặt chẽ trong tổng thể Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Đây cũng chính là những yếu tố cần thiết góp phần tạo thêm những giá trị và những nét đẹp sinh động, độc đáo trong bức tranh toàn cảnh về Khu di tích. Di tích ao cá, vườn cây, đường xoài,… đã trở thành những hình ảnh thân thuộc đi vào ký ức của các du khách trong nước và nước ngoài khi đến thăm nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.

ĐƯỜNG XOÀI

Có một con đường trong khu Di tích Phủ Chủ tịch có tên gọi được nhiều người biết tới qua câu thơ đầy ấn tượng,
xúc động trong bài “Theo chân Bác” của nhà thơ Tố Hữu:

 
“Anh dắt em vào cõi Bác xưa
Đường Xoài, hoa trắng nắng đu đưa

Con đường rộng 5 mét, dài hơn 200 mét. Hai bên đư ờng là hai hàng cây xoài cổ thụ, bởi vậy, con đường mang tên “Đường xoài”.

Hàng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường tập thể dục vào mỗi buổi sáng và đi bách bộ sau giờ làm việc buổi chiều trên con đường này. Đây cũng là con đường Người đi bộ từ nhà sàn ra tiếp khách ở giàn hoa và Phủ Chủ tịch.
Đường xoài đã từng ghi dấu nhiều kỷ niệm đẹp và cảm động giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào, chiến sĩ miền Nam. Một trong những kỉ niệm đó là bức hình ghi lại phút giây gặp gỡ đầu tiên giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đoàn đại biểu anh hùng, chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc vào ngày 15 tháng 11 năm 1965.

AO CÁ

Thời kỳ thực dân Pháp chiếm đóng, đây là một ao tù nước đọng, hươu, nai của Toàn quyền Đông Dương vẫn thường tới uống nước. Khi về ở và làm việc tại khu Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gợi ý anh em phục vụ cải tạo nơi này thành ao nuôi cá để làm cho môi trường thêm trong lành và cải thiện bữa ăn hàng ngày.

Ao rộng hơn 3000 mét vuông, nơi sâu nhất khoảng 3 mét. Trong ao nuôi nhiều loại cá khác nhau như: Trắm, chép, mè, rô phi… để tận dụng hết nguồn thức ăn ở các tầng nước.

Hàng ngày, sau giờ làm việc buổi chiều Chủ tịch Hồ Chí Minh thường ra cầu ao trước nhà sàn cho cá ăn.Trước khi cho cá ăn, Người thường vỗ tay gọi, lâu dần tiếng vỗ tay của Người đã tạo cho cá một phản xạ quen thuộc, hễ cứ nghe tiếng vỗ tay cá lại bơi về cầu ao. Năm 1959, Người gửi cá giống cho hợp tác xã Tiền Phong- Yên Sở- huyện
Thanh Trì- Hà Nội để động viên nhân dân tích cực phát triển nghề cá.

Ao cá là điểm di tích sống động cho du khách đến tham quan nơi này.

VƯỜN CÂY

Vườn cây xanh, thảm cỏ ở trong Khu di tích Phủ Chủ tịch kết hợp với hồ nước mát tạo nên một bức tranh thiên nhiên hữu tình, một môi trường sống tuyệt vời làm phong phú thêm cuộc sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh . Diện tích vườn cây xanh, thảm cỏ chiếm hơn 65.000 mét vuông. Cây trong vườn Phủ Chủ tịch gồm rất nhiều loài, tạo thành một hệ sinh thái thực vật phong phú, đa dạng, làm nên cảnh quan đẹp, giản dị và có sức cuốn hút du khách.

Toàn bộ vườn cây có 1271 cá thể, thuộc 161 loài cây, 54 họ thực vật; 78 cây có nguồn gốc trong nước, 68 loài có nguồn gốc từ nước ngoài và một số cây chưa rõ nguồn gốc; có 35 loài cây ăn quả, 59 loài cây bóng mát, 67 loài hoa và cây cảnh. Nhiều cây không chỉ có giá trị về mặt kinh tế, mà còn mang ý nghĩa lịch sử, văn hoá, gắn với quê hương đất nước, gắn với tình đồng chí, bè bạn quốc tế, tình hữu nghị giữa các dân tộc. Có nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, có cây Chủ tịch Hồ Chí Minh tự tay trồng và chăm sóc, có cây Người đặt tên, có cây Người mang từ nước ngoài về hoặc đồng bào trong nước gửi tặng…, mỗi cây đều chứa đựng những kỷ niệm sâu sắc về Người.

Các loài cây được trồng xen kẽ nhau tạo nên những nét chấm phá làm tăng sự hấp dẫn sinh động của cảnh quan môi trường. Những cây gắn với kỷ niệm trong đời sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh được gọi là cây di tích. Đó là: cây đa kiên trì, cây xanh bốn mùa, cây vú sữa, cây bụt mọc. Mỗi cây là một câu chuyện cảm động về tình yêu thiên nhiên, con người; là một bài học có ý nghĩa giáo dục sâu sắc.

Vườn cây xanh trong khu vực Phủ Chủ tịch cho chúng ta thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ biết cách thưởng thức thiên nhiên đã sẵn có mà Người còn biết cách chăm sóc, cải tạo, “thổi hồn” vào thiên nhiên làm cho cảnh quan thêm đẹp, môi trường sống trong lành. Năm năm sau khi về ở Phủ Chủ tịch, tháng 11 năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào “Tết trồng cây” với mong muốn : “đất nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hoà hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta”. “Tết trồng cây” do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động được sự hưởng ứng của các địa phương trong cả nước, trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng, một phong tục tốt đẹp, mang tính văn hoá của dân tộc Việt Nam, mang lại lợi ích to lớn về nhiều mặt.

Trong vườn cây xanh có một khoảng đất rộng chừng 100 mét vuông trải sỏi cạnh đường Xoài ở phía sau Phủ Chủ tịch được gọi là Giàn hoa Phủ Chủ tịch. Bao quanh khoảng đất là giàn hoa móc diều (hoa giấy) màu tím. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường tiếp khách trong nước, ngoài nước thân tình tại đây vào những ngày đẹp trời. Người coi giàn hoa này như một phòng khách đặc biệt, không bị giới hạn bởi không gian. Có bức hình đẹp ghi lại hình ảnh Bác Hồ đang làm việc tại nơi này trên bộ bàn ghế bằng mây.

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, vườn cây trong khu Phủ Chủ tịch vẫn được bảo tồn nguyên vẹn. Phong trào xây dựng “vườn quả Bác Hồ” được phát động, nhiều địa phương trong nước đã nhận những giống cây ăn quả từ vườn này về trồng và một số địa phương đưa những giống cây đặc sản vào trồng tại đây khiến cho khu vườn càng phong phú và thêm ý nghĩa.

Các di tích ngoài trời trong Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch chứa đựng những giá trị tư tưởng nhân văn cao cả. Mỗi một di tích đều mang những ý nghĩa, thông điệp sâu xa và những bài học quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tình thương yêu con người, yêu thiên nhiên; cách ứng xử với thiên nhiên, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường sống.

XE Ô TÔ DÙNG PHỤC VỤ CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Hai chiếc xe ôtô phục vụ việc đi lại của Chủ tịch Hồ Chí Minh được bảo quản chu đáo tai nhà xe nhỏ bên phải ngôi nhà 54. Đó là hai chiếc xe Pôbêđa và Pơgiô 404.

Xe ô tô Pô-bê-đa là một trong những chiếc xe do Chính phủ Liên Xô tặng cho Việt Nam vào năm 1955. Tháng 3 năm 1957, Vụ Lễ tân Bộ Ngoại giao đã chuyển chiếc xe này sang văn phòng Phủ Chủ tịch. Xe đã phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh từ đó đến năm 1969.

Vào những năm 60 của thế kỷ XX, Chính phủ Liên Xô tặng thêm cho Việt Nam một số xe ô tô đời mới mang nhãn hiệu Von – ga đẹp hơn xe Pô- bê- đa về kiểu dáng, tốt hơn về tính năng kỹ thuật. Các đồng chí trong Văn phòng xin phép Chủ tịch Hồ Chí Minh cho sử dụng loại xe mới này để phục vụ Người, nhưng Người từ chối với lý do: để dành xe tốt cho các đồng chí làm công tác ngoại giao.

Chiếc xe Pơ-giô 404 là một trong những chiếc xe ô tô của đồng bào Việt kiều ở Tân Đảo biếu Chủ tịch Hồ Chí Minh tháng 3 năm 1964 trong chuyến hồi hương cuối cùng theo lời kêu gọi của Người. Chiếc xe này được dùng phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh vào những năm cuối, khi sức khoẻ của Người bắt đầu giảm sút.

SGT tổng hợp.