351 lượt xem

Giới thiệu về trường Quốc Học Huế – ngôi trường THPT lâu đời tại Việt Nam

Trường Quốc Học Huế – Là một ngôi trường nổi tiếng ở cố đô Huế được thành lập vào năm 1896 Quốc Học là ngôi trường trung học phổ thông lâu đời thứ 3 tại Việt Nam. Công trình kiến trúc được xây dựng theo kiểu Pháp vào thế kỉ 20 bao bọc xung quanh và trước mặt là tường xây bằng gạch đỏ sậm.

MỞ ĐẦU: VẤN ĐỀ GIÁO DỤC ĐÀO TẠO TRONG CHỦ TRƯƠNG CANH TÂN ĐẤT NƯỚC CUỐI THỜI NGUYỄN


Trong cuộc tiếp xúc văn hóa, văn minh Đông – Tây ở Huế từ nửa sau thế kỷ XIX, sau nhiều căng thẳng binh biến, vấn đề canh tân đất nước đã được cả triều đình Đại Nam lẫn chính quyền thuộc địa Pháp rất quan tâm. Để giảm sốc sau những động thái vũ lực tang thương, cả hai phía Nam – Pháp đã kịp tìm ra nhiều giải pháp thăng bằng, hướng tới sự canh tân xứ sở, đặc biệt là trong vấn đề con người, từ lĩnh vực văn hóa và giáo dục. Trường Quốc Học hoàn bị tính chất cựu học – tân học cho sĩ tử tinh hoa để phục vụ quan trường, canh tân đất nước từ tầng lớp quan lại. Trường nữ sinh Đồng Khánh ra đời nhằm phát huy truyền thống tinh hoa, phẩm giá cao quí của người phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là ở kinh đô Huế, để bổ sung nguồn nhân lực nữ cho đất nước, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, y tế…


Phát huy tối đa sở trường, giảm thiểu sở đoản từ trong di sản truyền thống, kết hợp hài hòa tinh hoa văn minh phương Tây một cách phù hợp, tất cả nhằm mục đích canh tân đất nước từ giáo dục, để tạo nên nguồn nhân lực đặc trưng, hoàn bị. Đó chính là sứ mệnh, đặc điểm then chốt và là bài học lịch sử cốt yếu làm nên diện mạo đặc biệt của Trường Quốc Học và Trường Đồng Khánh nổi danh ở Huế hơn trăm năm qua.

Tinh hoa Hán học truyền thống kết hợp với Tây học trong giai đoạn này, đã đem lại cho văn hóa Việt Nam và văn hóa Huế một sức sống mới, góp phần quan trọng trong việc đưa đất nước hội nhập với thế giới hiện đại. Những cây cầu, con đường, ngôi trường và những sách báo, tạp chí… trong bối cảnh đó, đóng vai trò tiên quyết.(1)

Dù vẫn còn nhiều khoảng trống tư liệu nhưng đến nay, cần khẳng định tư tưởng và tinh thần yêu nước của vua Thành Thái. Ngoài chuyện “giả điên” khi “Kim Long có gái mĩ miều…” để chiêu tập nữ binh kháng Pháp thất bại, thì chủ trương canh tân giáo dục nước nhà của vua Thành Thái, rồi sau đó được kế tục bởi vua Duy Tân, Khải Định, là rất điển hình, trong tương quan điều chỉnh chính sách từ phía Pháp: xúc tiến mở trường Quốc Học (nam sinh) và Đồng Khánh (nữ sinh), tập trung trong lĩnh vực giáo dục phổ thông; rồi Trường Kỹ nghệ thực hành, Trường Canh Nông ở lĩnh vực đào tạo ngành nghề chuyên nghiệp; đầu tư xây dựng Bệnh viện Lớn – Bệnh Viện Trung ương Huế v.v.

TRƯỜNG QUỐC HỌC HUẾ

Trong bối cảnh xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX – đầu XX, sự xung đột, va chạm văn minh Đông – Tây trở thành vấn đề then chốt, nổi rõ ở khía cạnh cựu học và tân học. Đó chính là nguồn cơn của sự ra đời Trường Quốc học ở Huế, cùng với sự hiện diện gần như hiếm hoi, đồng thời của hai ngôi trường tương tự ở Đà Nẵng, Vinh. Tất cả, nhằm bổ sung một cách thiết thực cho Quốc Tử giám, Trường Hành nhân trong nền giáo dục truyền thống Việt, nhằm đào tạo nhân lực, nhân tài phục vụ đất nước trong bối cảnh lịch sử xã hội mới. Ngày 17 tháng 9 năm Thành Thái thứ 8 (23/10/1896), nhà vua ban dụ mở trường Quốc Học, nhấn mạnh tinh thần giáo dục quốc gia trong bối cảnh xã hội mới cần chú trọng sự liên tục, đều đặn, hài hòa giữa Cựu học và Tân học với nhiều bộ môn khác nhau, của nhiều nước để mở rộng quan hệ bang giao quốc tế. Sự học do vậy hướng đến việc nắm bắt kiến thức và hoàn thiện kỹ năng xử lý hiệu quả công việc hành chính, điều hành đất nước. Phương pháp giáo dục là phương thức để nuôi dưỡng trí thức và đào tạo tài năng.(2)

Trước đây, Khâm sứ Trung kỳ Brière từng bàn về việc học sinh Quốc Tử giám nên học và thi thêm phần chữ Tây nên triều đình hội đồng bàn bạc. Đến đây, nhà vua ban dụ “bắt đầu đặt trường Quốc Học chữ Tây”. Lời dụ nhấn mạnh: “Học không có thầy nhất định, cốt phải học rộng. Việc dạy ắt phải lập cho sự học được rộng. Đại khái ngoài cái học sáu kinh, còn có Lục thư, việc giao thông giữa các nước trọng chuyện từ lệnh, duy việc học có rộng thì sau có thể theo phương mà dùng cho phù hợp, việc dạy có chuyên thì về sau có thể tinh nghiệp mà thành người tài năng, đó đều là việc cần thiết hiện nay không thể coi thường. Nước ta từ Quốc Tử giám ở Kinh sư, tới các tỉnh phủ huyện không đâu không học Nho học, đã tinh tường lại đầy đủ, nhưng về cái học Thái Tây vẫn còn nhiều khiếm khuyết… Nay chuẩn đặt trường, gọi là Trường Quốc học để dạy tiếng và chữ Đại Pháp, tham khảo dạy thêm chữ Hán…, việc giao thiệp hiện nay thì hiểu rõ ngôn ngữ thông suốt tình lý đang là điều cốt yếu, các viên chưởng học đều nên cẩn thận theo đúng khoá trình gia tâm đào tạo để người học thông hiểu cả chữ Tây chữ Hán, trẻ em thành người đều được ích lợi, ngõ hầu làm việc xử thế đi sứ đều được người xứng đáng để không phụ thành ý đặt trường học dạy nhân tài”.(3)


Căn cứ theo đó thì học trò phải là người từ 15 đến 20 tuổi, “phàm công tử tôn thất, ấm tử quan viên, ai đã thông Nho học và sinh viên Quốc tử giám cùng học đường các tỉnh…”. Còn học trò Ty hành nhân, học trò ưu tú con nhà dân phải thông hiểu chữ Hán và phải qua sát hạch, sẽ được cấp học bổng. Riêng những người từ 8 – 12 tuổi, phụ huynh trình với Chưởng giáo cho vào lớp đầu tiên.

Về giáo quan, chuẩn đặt 01 Chưởng giáo, 04 Đốc học trợ giáo, 01 Giáo tập trẻ em, đều chiểu hàm chi bổng và cấp thêm lương tháng có thứ bậc. Ngoài ra, còn có 02 Kiểm Khán (hay Khán học – Giám thị) và 01 Từ hàn, 01 Điển thủ.

Về mặt nhân sự, có thể thấy rõ ba cấp độ phân công khá rõ ràng, cụ thể:
  1. Chưởng giáo, trước tiên do quan Khâm sứ cùng Cơ Mật viện chọn cử và do Toàn quyền Đông Dươngchuẩn y, được cấp ấn quan phòng và kiềm nhỏ, theo kiểu thức của Quốc Tử giám. Mọi việc liên quan đến Toà sứ và viện, bộ, các nha đều được toàn quyền tư báo để coi trọng trách nhiệm.
  2. Các viên giáo chức do Viện Cơ Mật cùng Khâm sứ Trung kỳ uỷ nhiệm cho hội đồng sát hạch nhữngngười am tường. Tất cả đều ở lại trong trường để chuyên việc giáo tập.
  3. Các viên Từ hàn, Điển thủ, cho bộ Lại chọn bổ.
Việc xây dựng trường học, phòng ốc và nhà ở của nhân viên giáo chức Giám thị, lương bổng chi phí cho trường…, đều trích từ quốc khố Nam triều.

Việc phân định nhật kỳ dạy học, tất cả việc trường qui sĩ số, xét bổ niên hạn chi cấp lương bổng, chuẩn cho Chưởng học và nha sở quan bàn định, trình Cơ Mật viện xem xét bàn bạc với Khâm sứ Trung kỳ duyệt lại, rồi mới cho thi hành.

Về sau, Toàn quyền Đông Dương có văn bản giới hạn lại một số nội dung. Theo đó, từ nay, bãi bỏ Trường Hành nhân, lấy Trường Quốc học thay thế. Học trò, ngoài sinh viên Quốc Tử giám và học trò trường Hành nhân thì định rõ phàm người từ 15 tới 20 tuổi mới cho vào học; Công tử, Công tôn, ấm sinh, học trò trường hành nhân, sinh viên Quốc Tử giám theo lệ được vào trường thì do Nam triều chi cấp học bổng; học trò am hiểu chữ Hán, qua khảo hạch, có thể cho vào học. Riêng trẻ em từ 8 tới dưới 15, do phụ huynh trình với Chưởng giáo, cho vào học ở một lớp riêng.

Quan chức trong trường, nên đặt bốn hạng giáo chức (một, hai, ba, tư), mỗi hạng một người, 01 Giáo tập trẻ em, 02 Giám thị. Chưởng giáo do quan Khâm sứ và Cơ Mật viện chọn cử, quan Toàn quyền bổ nhiệm, theo lệ được bổ hàm tương đương với quan viên người Việt, mọi việc có liên quan với toà, viện, bộ, nha, thì được toàn quyền tư báo. Các chức giáo tập do Toà sứ uỷ quan hội đồng sát hạch bổ nhiệm.

Các viên Chưởng giáo, giáo chức ngoài việc được chiểu hàm chi bổng theo lệ, được cấp thêm cho Chưởng giáo mỗi tháng 50 đồng, giáo chức hạng nhất 25 đồng, giáo chức hạng hai 20 đồng, giáo chức hạng ba 15 đồng, giáo chức hạng tư và Giáo tập trẻ em 10 đồng. Các viên Chưởng giáo, giáo chức đều phải cư trú trong trường. Lương bổng, học bổng của quan chức, học sinh trong trường, đều do ngân sách Nam triều chi cấp.

Giờ giấc dạy học, nghỉ ngơi của trường, nội qui trong trường cùng số hiệu học trò và tất cả các việc cần làm…, trước tiên phải trình rõ cho các quan coi việc giáo tập khắp Nam kỳ, Bắc kỳ xem xét góp ý, sau đó mới phải trình lên Cơ Mật viện và Toà Khâm sứ hợp duyệt. Và “lấy Thái Thường tự khanh Ngô Đình Khả làm Chưởng giáo, định rõ từ trung tuần tháng giêng năm sau khai trường”.

Đến tháng 3 năm Đinh Dậu (Thành Thái 9 – 1897), đặt các chức Đốc học và Trợ giáo tiếng Pháp ở Trường Quốc học: Hồng Lô tự Thiếu khanh Nguyễn Hữu Mẫn sung Đốc giáo, Thị giảng Nguyễn Tiến Cương – Trợ giáo hạng hai, Cung phụng Nguyễn Tương – Trợ giáo hạng ba, Tu soạn Nguyễn Văn Phiếm – sung Trợ giáo hạng tư; đặt các chức Giáo quan và Trợ giáo chữ Hán: Quản giáo Nguyễn Văn Mại, Trợ giáo Hoàng Thân. Thêm vào đó, định lệ phụ cấp cho Trợ giáo hạng nhất 25 đồng, hạng hai 20 đồng, hạng ba 15 đồng, hạng tư và Giáo tập trẻ em đều 10 đồng.

Tháng giêng năm Mậu Tuất (Thành Thái 10 – 1898), định lệ cấp bổng cho Trợ giáo chữ Hán trường Quốc học, cho công bằng với các Trợ giáo chữ Tây: Mỗi tháng Quản giáo 25 đồng, Trợ giáo hạng hai – 20 đồng, hạng ba – 15 đồng, hạng tư – 10 đồng, hạng năm – 6 đồng.

Tháng 3, định lệ cấp bổng cho quan chức trường Quốc học. Toà Khâm sứ tuyển bổ Thương biện Nordeman làm Chưởng giáo, lương tháng do ngân sách bảo hộ chi cấp; 1 Phó Chưởng giáo quan Nam dạy tiếng Pháp 90 đồng/tháng; 02 Trợ giáo hạng I – 35đ; 02 Trợ giáo hạng II – 30đ; 02 Trợ giáo hạng III – 20đ; 01 Phụ giáo thí sai – 12 đ; 01 Quản giáo chữ Hán – 40đ; 01 Trợ giáo hạng I – 25đ; 01 Trợ giáo hạng II – 20đ; 01 Trợ giáo hạng III – 15đ; 02 Từ hàn – 4đ 5 hào. Điểm đáng chú ý là tất cả quan viên nói trên đều do Chưởng giáo chọn cử nhưng không được kiêm chức ở Bộ và không có phụ cấp. Còn lại sinh viên cũng theo lệ cấp lương, chi phí trường vụ mỗi tháng 80 đ, đều do ngân sách Nam triều chi cấp.


Học trò Trường Quốc Học đã có sự bổ sung, thay đổi thành phần, đối tượng qua thời gian. Từ tháng 2/Mậu Tuất (Thành Thái 10 – 1898), bỏ Ty Hành nhân, chỉ chọn lưu lại 02 người, lệ vào Cơ Mật viện, còn lại cho qua học tập ở Trường Quốc Học. Đến tháng 10 thì bắt đầu phái các Tiến sĩ, Phó bảng theo trường Quốc học học tập chữ Tây (Tiến sĩ hàng tháng cấp 10đ, phó bảng 8đ). Tháng 5 năm sau (Kỷ Hợi -1899), bắt đầu chọn những người trẻ tuổi, có tư chất, cho vào học Trường Quốc học.

Đến tháng 2/Bính Ngọ (Thành Thái 18 – 1906), triều đình cho bãi bỏ cấp sơ học ở Trường Quốc Học, chỉ dạy bậc toàn phần, chuyển cấp sơ học qua cho Trường Sơ học Pháp Việt phủ Thừa Thiên dạy. Tháng 4. Tân Hợi (Duy Tân 5 – 1911), khi Trường Hậu bổ được thành lập thì Phòng Khoa Mục ở trường Quốc Học cũng bị bãi bỏ, chuyển số “chỉ định mức 30 suất, tuổi từ 24 – 34, chỉ Tiến sĩ, Phó bảng được tới 40 tuổi” và “sắp có trách nhiệm coi dân, làm việc giao thiệp đều phải hiểu biết tiếng Pháp” sang trường Hậu Bổ.

Ở đây, có thể đơn cử một số nhân vật lịch sử có liên quan đến trường Quốc Học nổi tiếng như Chưởng giám Ngô Đình Khả thời kỳ đầu tiên, Tham tri bộ Lễ Hoàng Trọng Phu sung Đốc học từ tháng 3/Canh Tý (1900), Quản giáo Trần Đạo Tiềm, sau được sung duyệt quyển Khoa thi Hội tháng 3/Tân Sửu (1901) v.v…


Như vậy, có thể thấy được tính chất điển hình tiên phong, trên qui mô toàn xứ Đông Dương và cả đất nước Đại Nam, đại diện tiêu biểu cho môi trường giáo dục Tân học – Tây học ngay từ lúc thai nghén, trãi qua thời kỳ đầu tiên và trở thành tôn chỉ, sức thu hút trên tầm quốc gia, vùng miền, tạo thành nguồn lực trọng tâm chi phối, làm nên bóng dáng riêng có của Trường Quốc Học Huế xuyên suốt lịch sử hình thành và phát triển. Nhờ đó, tài năng và tầm ảnh hưởng của thầy và trò Trường Quốc Học Huế mới được ươm mầm, phát huy ảnh hưởng ngày càng cao hơn, xa hơn, trên tầm quốc gia, khu vực và quốc tế, từ những trang sử đầu tiên cho đến hiện nay.(4)

Trong bối cảnh vỡ ra của xã hội truyền thống Việt Nam tại Kinh đô Huế hồi cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, cuộc đụng độ rồi giao lưu, tiếp xúc văn hóa, văn minh Đông – Tây diễn ra một cách tất yếu, trên nhiều lĩnh vực, khía cạnh đời sống xã hội. Ở đó, giáo dục đào tạo được coi là một vấn đề đặc biệt quan trọng gắn liền khát vọng, xu hướng canh tân từ triều đình Huế và nhu cầu xây dựng, phát triển xứ Đông Dương của người Pháp, mà Quốc Học và Đồng Khánh, có thể coi là trường hợp điển hình.

Canh tân trên cơ sở phát huy tối đa sở trường, tiềm năng thế mạnh vốn có, giảm thiểu sở đoản từ trong di sản truyền thống, kết hợp hài hòa tinh hoa văn minh phương Tây một cách phù hợp, tất cả nhằm mục đích canh tân đất nước từ con đường giáo dục đào tạo. Đó chính là sứ mệnh, đặc điểm then chốt và là bài học lịch sử cốt yếu làm nên diện mạo, vóc dáng đặc biệt của trường Quốc Học và Đồng Khánh nổi danh ở miền Trung từ trước tới nay.

Tài liệu tham khảo


Công báo Đông Dương, số 7/1904.
Hồ sơ tài liệu mã số RSA 3786, Báo cáo của Đốc học Trung kỳ ngày 3/11/1917 gửi Khâm sứ Trung kỳ về việc cần thiết phải xây dựng trường nữ sinh tại Huế (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, văn bản số 1078).
Lê Đức Quang – Trần Đình Hằng (2016), Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX qua hồi ức của Michel Đức Chaigneau, Huế: Nxb. Thuận Hóa, tr. 21-44.
Orband, R., (1917), “Éphémérides annamites”, B.A.V.H, Số 4, tr. 307-308.
Phan Thuận An (2002), “Những cổ vật ghi dấu sự kiện lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng trường Đồng Khánh năm 1917”, trong Nghiên cứu Huế, tập 4, tr. 138-142.
QSQ triều Nguyễn (2011), Đại Nam thực lục Chính biên Đệ lục kỷ [Cao Tự Thanh dịch và giới thiệu], S.:
Nxb. Văn hóa – Văn nghệ.
Trần Đình Hằng (2013), “Sự ra đời của Trường Quốc Học Huế: sự chuyển đổi từ cựu học sang tân học”, Tạp chí Xưa & Nay (H.: Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam), số 434, tháng 8/2013.
Trần Đình Hằng, Thanh Biên (2017), “Trăm năm Quốc Học – Đồng Khánh và sứ mệnh canh tân từ giáo dục”, Tạp chí Huế Xưa và Nay, số 139 – Xuân Đinh Dậu (2017), tr. 13-20.
  1. Lê Đức Quang – Trần Đình Hằng (2016), Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX qua hồi ức của Michel Đức Chaigneau,
Huế: Nxb. Thuận Hóa, tr. 21-44.
  1. Công báo Đông Dương, số 11, phần 2, tr. 1453-1458.
  2. QSQ triều Nguyễn (2011), Đại Nam thực lục Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên, S.: Nxb. Văn hóa – Văn nghệ, 2011 (Cao Tự Thanh dịch và giới thiệu), tr. 264 – 267.
  3. Trần Đình Hằng (2013), “Sự ra đời của Trường Quốc Học Huế: sự chuyển đổi từ cựu học sang tân học”, Tạp
chí Xưa & Nay (H.: Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam), số 434, tháng 8/2013.
Khám Phá Di Sản (https://khamphadisan.com.vn/)