255 lượt xem

Đặng Trần Diễm - Kì 1: giáo tử đăng khoa

Đặng Trần Diễm – Giáo tử đăng khoa
https://khds.1cdn.vn/2018/09/16/dang-tran-diem-300x182.jpg
Hình minh họa. Nguồn: sưu tầm.

Làm thầy ngay khi còn là học trò

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Đặng Trần Diễm sinh năm 1705 ở thôn Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội, trong một gia đình nghèo khó nhưng lại có tinh thần hiếu học.

Gia phả họ Đặng Trần ở Vân Canh chép rằng, Đặng Trần Diễm lúc mới được sinh ra đã yếu ớt thể trạng và nghèo nàn gia thế, nhưng nhờ rất có chí nên đã biết cách và chăm chỉ rèn tập chữ nghĩa thánh hiền, nhất là việc “tầm thư học đạo”.

Một trong những vị thầy đã làm nên danh giá cho cậu học trò Đặng Trần Diễm là quan Thám hoa họ Vũ, vị danh sư Vũ Thanh ở trường Hào Nam. Ngôi trường Hào Nam dựng bên hồ Bảy mẫu trên mạn nam Kinh thành Thăng Long khá xa so với quê hương Vân Canh của Đặng Trần Diễm. Vậy mà vẫn được chàng trai Đặng Trần Diễm làng Vân Canh đánh đường tìm đến xin học.

Chẳng những thế, học được chữ nào của các vị thầy tài danh, Đặng Trần Diễm còn biết cách biến chữ viết của thầy thành vốn liếng của mình để dùng ngay vốn đó dạy lại cho người khác, làm thầy ngay khi còn là học trò, lấy tiền lương gõ đầu trẻ để ăn mà học tiếp. Nhờ thế mà khoa thi hương năm 1730, ở tuổi 26, thư sinh và nhà giáo trẻ Đặng Trần Diễm đã vượt qua được cả tứ trường vẻ vang, đỗ cống sinh, giành được học vị hương cống.

Trong sự nghiệp quan trường của mình, Đặng Trần Diễm đã trải qua khá nhiều chức vụ từ tri huyện Đông Ngàn đến hiến sát sứ Hải Dương, rồi tri phủ Trường Khánh… Tuy nhiên, điều vinh dự nhất là mặc dù ông chỉ đỗ trung khoa nhưng lại được phong làm Đông các đại học sĩ (chức vốn chỉ dành cho những vị đỗ đại khoa).

Trong các bản sắc phong đời Cảnh Hưng đều ghi lại rất rõ sự kiện này. Ông là viên quan đa tài, mẫu mực nên được vua rất tin dùng, giao cho nhiều trọng trách như giám thị, giám khảo, biên tu…

Việc vua phá lệ phong cho một cử nhân lên làm Đông các đại học sĩ có thể chứng minh điều đó và có thể thấy rằng, ông gần như là nhân vật duy nhất trong lịch sử khoa bảng Việt Nam được hưởng đặc cách này. Chính tài năng và đức độ của ông đã quyết định việc được đặc cách đó.

Tiếp đó, ông còn được ban nhiều sắc thời Cảnh Hưng vào các năm 1767, 1769… phong làm Hiển cung đại phu, Tu thận Thiêu doãn trung liệt…

Gia đình khoa bảng

Không chỉ nổi tiếng trong quan trường, Đặng Trần Diễm còn được biết đến với vai trò người cha đức độ, mẫu mực, đồng thời là thày dạy của cả ba người con trai, ba vị tiến sĩ nổi tiếng là con cả Lý Trần Quán đỗ tiến sĩ năm 1766, con thứ là Lý Trần Dự đỗ tiến sĩ năm 1769 và con út là Lý Trần Thản đỗ tiến sĩ đồng khoa với anh trai mình năm 1769…

Gia đình ông cũng có thể được coi là gia đình khoa bảng vì có ba vị tiến sĩ. Mặc dù đây không phải là gia đình có người đỗ tiến sĩ nhiều nhất trong lịch sử khoa bảng Việt Nam, nhưng vẫn là một trong những gia đình khoa bảng quý hiếm thực sự đạt được chuẩn mực.

Đặng Trần Diễm không chỉ là một vị quan thanh liêm, chính trực, ông còn là một người cha điển hình trong xã hội phong kiến xưa với khả năng định hướng, dạy dỗ và rèn luyện nhân cách cho các con.

Đặng Trần Diễm và các con ông không chỉ là điển hình trong lịch sử khoa bảng và lịch sử khoa cử Việt Nam, đây cũng là trường hợp điển hình của việc trọng dụng nhân tài trong lịch sử quan chế thời phong kiến. Thực tế những gia đình như vậy không nhiều nhưng nó thể hiện truyền thống hiếu học của gia đình Việt Nam.