Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải: Danh tiếng muôn đời
Bên bến Chương Dương độ, trong cái bồi hồi của tiết xuân Tân Sửu đang đến, lại nhớ tới chiến công vào mùa xuân của một danh nhân tuổi Tân Sửu. Ông là Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải - một đại thần triều Trần. Một vị tướng văn võ toàn tài, biết đặt quyền lợi tổ quốc lên trên tình riêng…
Hình ảnh Thái sư Trần Quang Khải in ở bìa sách do Đông A và NXB Tri thức ấn hành. Nguồn: Sưu tập
Tuổi trẻ, chức cao
780 năm trước, vào tháng 10 năm 1241, cũng vào năm cùng hàng can chi như năm Tân Sửu 2021 này, đã xuất hiện trên đất nước ta một nhân tài lớn. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” viết: “Hoàng tử thứ ba là Quang Khải ra đời”.
Hoàng tử Trần Quang Khải là con của Hoàng hậu Thuận Thiên. Ông là em của hoàng tử trưởng Trần Quốc Khang và thái tử Trần Hoảng. Thời điểm này vua Trần Thái Tông 29 tuổi, ở ngôi 16 năm.
Tương truyền, lúc mới sinh, hoàng tử Trần Quang Khải bị bệnh, phát chứng kinh giật, nhiều người nghĩ không qua khỏi. Vua Trần Thái Tông thương con, lấy áo gấm của cha mình và tháo cả thanh gươm báu truyền quốc luôn đeo bên mình đặt cạnh, bảo rằng: “Nếu con mà sống, ta sẽ ban cho những thứ này”. Và thật ngạc nhiên, Quang Khải đã vượt qua bạo bệnh. Nhưng vua Trần Thái Tông lúc đó đã tấn phong cho hoàng tử Trần Hoảng làm Thái tử nên ngài chỉ ban cho Trần Quang Khải áo gấm còn gươm báu truyền quốc thì giao lại cho Trần Hoảng.
Sách “An Nam chí lược” của Lê Tắc viết thời Trần cho biết: Vua Trần Thái Tông đã mời Bảng nhãn Lê Văn Hưu (hơn Trần Quang Khải 11 tuổi) làm thầy. Không phụ lòng tin của đức vua, vị Binh bộ thượng thư Lê Văn Hưu, sau là Hàn lâm học sĩ kiêm Giám tu Quốc sử, tác giả của bộ “Đại Việt sử ký” đầu tiên trong lịch sử dân tộc đã rèn cặp nên một nhân tài. Sách "Lịch triều hiến chương loại chí" của Phan Huy Chú, phần Nhân vật chí có ghi về Trần Quang Khải như sau: “Ông nghe rộng, biết nhiều, hiểu các tiếng người nước Phiên. Mỗi khi sứ sang, ông được chọn vào thù tiếp. Ông rất chăm học, hay làm thơ”.
Hơn 10 năm đèn sách, thao luyện binh thư, Trần Quang Khải tỏ rõ người văn võ toàn tài.
Chắc rằng ở thời điểm lịch sử khi diễn ra trận đánh thắng đầu tiên chống quân Mông Nguyên năm 1258, Trần Quang Khải đã tham chiến. Thế nên, “Đại Việt sử ký toàn thư” cho biết: Dù mới 17 tuổi, (vào tháng 11/1258), dưới triều vua Trần Thánh Tông, Trần Quang Khải đã được phong tước Chiêu Minh đại vương.
Rồi bằng tài năng của mình, chỉ hai năm sau, vào năm 1261, niên hiệu Thiệu Long năm thứ 4, ông được phong làm Thái uý.
Như thế là khi tuổi mới 20 tròn, với chức quan vào hàng tam thái này (thái sư, thái úy, thái bảo), Trần Quang Khải đã giữ chức quan đầu triều, cao hơn hẳn chức Binh bộ thượng thư, nắm toàn bộ binh quyền nước Đại Việt.
Một chức cao tột bậc như thế, ở vào một hoàn cảnh đất nước đang lo chuẩn bị chiến tranh không biết xảy ra vào lúc nào thì càng chứng tỏ Trần Quang Khải là người có thực tài chứ không phải chỉ vì dòng dõi mới được phong chức.
Nhà ngoại giao khéo léo
“Đại Việt sử ký toàn thư” viết vào năm 1265, Trần Quang Khải vào trấn nhậm đất Nghệ An (bao gồm cả Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay) cùng với người anh là Trần Quốc Khang.
Tại xứ Nghệ, bằng con mắt tinh tường, Trần Quang Khải đã nhận ra tài năng của Bạch Liêu. Ông mời Bạch Liêu làm môn khách trong trướng phủ. Và tại khoa thi năm Thiệu Long thứ 9 (1266), Bạch Liêu đã trở thành vị tổ khai khoa xứ Nghệ. Sau khi đỗ, Bạch Liêu trở về phò tá Trần Quang Khải. Với tư cách là một quân sư, ông đã giúp Trần Quang Khải thảo ra kế hoạch về tuyển quân và dự trữ lương thực, củng cố biên giới phía Nam (gọi là Biến pháp tam chương) góp phần chuẩn bị thực lực cho cuộc chiến tranh Nguyên Mông lần 2.
Với tài năng của mình, vào năm 1271, Trần Quang Khải được tấn phong làm Tướng quốc Thái uý. Như thế là ngoài việc quản lĩnh binh quyền, ông còn kiêm quản cả công việc triều chính – Công việc mà chức Thái sư phụ trách.
Năm 1278, vua Trần Thánh Tông nhường ngôi cho thái tử Khâm tức vua Trần Nhân Tông. Nhà Nguyên lấy cớ vua mới không xin lệnh mà tự lập, sai phái bộ do Sài Thung sang hạch sách. Khi Sài Thung đến bờ sông Hồng, Trần Quang Khải với tư cách là tướng quốc ra đón y, dẫn về sứ quán. Sau đó Sài Thung vào triều, đọc chiếu thư của Hốt Tất Liệt. Chiếu thư này lời lẽ ngạo mạn, láo xược, nội dung là trách cứ vua Trần không chịu sang chầu, và đe dọa, nếu Thánh Tông không sang và không cử con tin sang thì sẽ bị trừng phạt… Trần Quang Khải thay mặt vua làm các công việc ngoại giao. Trước khi từ biệt, ông có làm bài thơ tặng Sài Thung. Lời thơ mềm mỏng, nhưng cốt cách cứng rắn, không chịu sang chầu. Bài thơ được ghi lại trong "Toàn Việt thi lục":
Nhất phong phượng chiếu hạ thiên đình
Chỉ xích hoàng hoa vạn lý hành
Bắc khuyết y quan tranh tổ đạo
Nam châu thổ mộc tận chi danh
Khẩu hoàn uy phúc quân bao biếm
Thân bội an nguy quốc trọng khinh
Cảm chúc tứ hiên quân phiếm ái
Hảo vi dực hoãn Việt phương sinh.
Dịch nghĩa:
Thềm son một bức chiếu rồng ban
Muôn dặm đường hoa chỉ tấc gang
Áo mũ đón chào ngoài cửa Bắc
Cỏ cây biết tiếng khắp trời Nam
An uy dày đúc trong lời nói
Xã tắc an nguy nặng gánh mang
Dám nghĩ bốn nghi đều lượng bể
Dùm che con đỏ chốn Viêm bang.
(Bản dịch của Ngô Linh Ngọc)
Năm 1281, quân Nguyên đã chuẩn bị lương thực khí giới đầy đủ, lại sai Sài Thung sang gây sự. Sài Thung đem theo Trần Di Ái (chú họ vua) đã được nhà Nguyên dựng làm An Nam quốc vương với mục đích dựng lên chính quyền bù nhìn. Nhà Trần đã thực hiện kế sách tiếp đón trọng thị Sài Thung nhưng bất ngờ đánh đuổi Trần Di Ái. Và tất nhiên, Trần Quang Khải lại có bài thơ đưa tiễn sướt mướt, tình cảm, nhún nhường nhưng không nhục quốc thể.
Vì Tổ quốc, gạt hiềm khích
Cuối năm 1282, sau khi thất bại với kế “giả đồ diệt Quắc” mượn đường nước ta vào đánh Chiêm Thành, quân Nguyên Mông đã ồ ạt tấn công vào nước ta. Trước thế giặc mạnh, vua Trần Nhân Tông cho triệu tập hội nghị Bình Than (trên sông Thiên Đức, sông Đuống ngày nay) họp các vương hầu và các quan để bàn kế đánh giặc.
Hội nghị Bình Than đã đi vào lịch sử không chỉ là một hội nghị quân sự có tầm vóc chiến lược mà còn đánh dấu sự đoàn kết của vua tôi nhà Trần. Trần Quang Khải đã gạt đi hiềm khích với Trần Quốc Tuấn để cùng đồng tâm hiệp lực cứu nước. Hội nghị đánh dấu sự xuất hiện của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Trần Quang Khải biết rõ tài thao lược của Trần Quốc Tuấn hơn hẳn mình nên đã mạnh dạn đề xuất vua Trần Nhân Tông tin dùng làm Quốc công tiết chế thống lĩnh thiên hạ chư quân sự (tức là cấp cao nhất về quân sự). Trần Khánh Dư đang bị mất hết chức tước, làm thứ dân buôn than cũng ngay lập tức được phong Phó đô tướng quân…
Rồi trên bến Bình Than, một giai thoại về tinh thần đại đoàn kết đã hình thành. Trần Hưng Đạo sai người nấu nước lá thơm rồi tự tay tắm cho Trần Quang Khải. Vậy là những hiềm khích từ thời Trần Liễu (thân phụ Trần Quốc Tuấn) và Trần Thái Tông (lấy chị dâu, vợ Trần Liễu, tức hoàng hậu Thuận Thiên) đã được giải tỏa. Thượng hoàng Trần Thánh Tông sau này đã có đôi câu thơ khen tặng Trần Quang Khải như sau:
Nhất đại công danh thiên hạ hữu
Lưỡng triều trung hiếu thế gian vô
Nghĩa là: Công danh trọn một đời thiên hạ còn có người như ông; Tấm lòng trung hiếu với hai triều vua thì thế gian này không ai sánh được.
Vậy là: Với tầm nhìn chiến lược, với lực lượng tinh nhuệ, với tài thao lược và nhất là tài cầm quân của vua tôi nhà Trần, các chiến thắng của quân dân nhà Trần liên tiếp diễn ra. Mở đầu Trần Quốc Tuấn hạ vùng A Lỗ (nằm ở chỗ sông Hồng gặp sông Luộc). Tiếp đó Trần Quốc Toản và Nguyễn Khoái hạ đồn Tây Kết (gần bãi Mạn Trù thuộc Khoái Châu). Còn Trần Quang Khải dẫn Trần Quốc Toản và một số tướng khác đánh địch ở bến Chương Dương (Thường Tín – Hà Nội). Về trận này, Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Ngày 10 tháng 3 năm Ất Dậu (1285) có người từ chỗ giặc trốn về đến chỗ vua, tâu rằng Thượng tướng Quang Khải, Hoài Văn hầu Quốc Toản và Trần Thông, Nguyễn Khả Lạp với em là Nguyễn Truyền đem dân binh các lộ đánh bại giặc ở các nơi như kinh thành, Chương Dương. Quân giặc tan vỡ lớn”.
Chiến thắng Chương Dương có một ý nghĩa chiến lược quan trọng vì đã tiêu diệt một cứ điểm trọng yếu cuối cùng của giặc trên sông Cái (sông Hồng), tạo điều kiện cho việc giải phóng Thăng Long, giải phóng đất nước. Từ xúc cảm mãnh liệt, Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải viết bài Tụng giá hoàn kinh sư (Theo xa giá về kinh đô):
Đoạt sáo Chương Dương độ
Cầm Hồ Hàm Tử quan
Thái bình tu chí lực
Vạn cổ thử giang san.
Dịch nghĩa: Bến Chương Dương cướp giáo. Cửa Hàm Tử bắt thù. Thái bình nên gắng sức. Non nước ấy muôn thu…
Sau khi cáo quan, Trần Quang Khải về thái ấp Độc Lập (làng Cao Đài, Mỹ Lộc, Nam Định) sống cùng Phụng Dương công chúa (con của Thái sư Trần Thủ Độ). Năm 1962, di tích khu vực thái ấp xưa được xếp hạng di tích Quốc gia. Tại di tích hiện còn tấm bia đá từ năm 1293. Tấm bia đặc biệt này mang nhiều thông tin lịch sử giá trị. Không chỉ là tiểu sử và hành trạng công chúa Phụng Dương mà còn là lời nguyện thề của vị quốc lão Trần Quang Khải với vợ khi đau yếu sắp mất: “Kiếp sau xin được làm chồng vợ như xưa”…
Nguồn: đaiđoanket.vn