315 lượt xem

Đinh Điền

Đinh Điền (chữ Hán: 丁佃; 924 - 979) quê ở làng Đại Hữu, nay là xã Gia Phương, Gia Viễn, Ninh Bình, là một trong số những công thần khai quốc Đại Cồ Việt và là người tận trung với nhà Đinh. Dân gian xem ông như một biểu tượng của tinh thần hào hiệp, trượng nghĩa và trung thành. Ông được sử sách Trung Hoa liệt vào danh sách "Giao Châu thất hùng", tức 7 anh hùng người Giao Châu gồm: Đinh Bộ Lĩnh, Đinh Liễn, Lê Hoàn, Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp và Phạm Cự Lượng.


Nguồn: sưu tầm.

Thân thế

Sử sách viết ông là bạn đồng hương với Đinh Bộ Lĩnh, tức xã Gia Phương, Gia Viễn. Theo thần phả đền thờ Đinh Điền ở Yên Mô, Ninh Bình và theo cuốn "Những nhân vật lịch sử thời Đinh Lê" thì cha ông là Đinh Thân, mẹ là Dương Thị Liễu. Quê mẹ ở Yên Bạc, nay là xã Yên Phú, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Khi mới sinh Đinh Điền có tên gọi là Đinh Trào. Điền là tên chữ của ông và quen được gọi bằng tên này.
Ông với Đinh Bộ Lĩnh cùng tuổi (sinh năm Giáp Thân, 924) và là người cùng làng Đại Hữu. Khi còn là trẻ nhỏ, đi chăn trâu ở Thung Lau (động Hoa Lư, Gia Viễn), Đinh Điền đã cùng lũ trẻ lấy hoa lau làm cờ, khoanh tay làm kiệu, suy tôn và rước Đinh Bộ Lĩnh làm chúa.

Dẹp loạn sứ quân

Lớn lên, Đinh Điền cùng Nguyễn Bặc, Lưu Cơ, Trịnh Tú theo phò Đinh Bộ Lĩnh trấn giữ động Hoa Lư chống lại nhà Ngô, trong đó ông cùng Nguyễn Bặc làm tướng võ, còn Lưu Cơ và Trịnh Tú làm tướng văn.
Năm 965, nhà Ngô mất. Ông cùng các chiến hữu giúp Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp loạn 12 sứ quân trong 3 năm, thống nhất giang sơn về một mối.

Theo sử sách, Đinh Điền được vua Đinh cử giữ chức Ngoại giáp, nghĩa là coi việc bên ngoài, theo thần phả thì ông giữ chức Nhập nội kiểm giáo Đại Tư đồ, Bình chương trọng sự.

Sống chết với nhà Đinh

Năm Kỷ Mão (979), Đinh Tiên Hoàng và Nam Việt Vương Đinh Liễn bị sát hại, triều đình tôn người con còn lại của Tiên Hoàng là Vệ Vương Đinh Toàn mới 6 tuổi lên ngôi kế vị. Lê Hoàn làm Nhiếp chính đại thần, thường ra vào cung cấm tư thông với thái hậu Dương thị là mẹ của ấu chúa. Sau đó, Lê Hoàn lại tự xưng là Phó Vương, mọi việc trọng sự đều do tay Lê Hoàn sắp đặt.

Đinh Điền cho rằng Lê Hoàn có ý đồ thoát đoạt. Ông bàn với Nguyễn Bặc và Phạm Hạp cùng một số trung thần khác, bỏ quan về ở ẩn để mưu tính đại sự. Ông tập kết các anh hào, tướng sĩ trung thành với nhà Đinh để chuẩn bị đánh Lê Hoàn.

Đinh Điền hợp quân với Nguyễn Bặc, Phạm Hạp, đem hai đạo quân thuỷ bộ từ Ái Châu (Thanh Hoá) tiến về kinh thành Hoa Lư mưu giết Lê Hoàn, thu giang sơn lại cho nhà Đinh. Nhưng Lê Hoàn lợi dụng gió đông nam thổi mạnh, đánh một trận hoả công, đốt sạch thuyền bè, quân sĩ của Đinh Điền, Nguyễn Bặc. Đạo thuỷ quân tan rã, Đinh Điền bị tử trận.

Sau đó không lâu, Nguyễn Bặc và Phạm Hạp cũng bị Lê Hoàn đánh bại, bị bắt và bị xử tử.

Về thời gian diễn ra trận chiến và cái chết của Đinh Điền, các nguồn tài liệu ghi khác nhau. Sử sách thống nhất ghi việc này diễn ra vào cuối năm 979. Theo thần phả ở Ninh Bình, việc này diễn ra ngày 20 tháng 4 năm Canh Thìn (tức 5 tháng 6 năm 980). Một số thần phả khác, được Từ điển các nhân vật lịch sử Việt Nam dẫn lại, cho rằng ông cùng vợ là Phan Môi Nương bị thua trận, quân tan nát hết nên cùng nhau tự vẫn ngày 20 tháng 11 năm Kỷ Mão (tức 12 tháng 12 năm 979) chứ không phải ông bị tử trận.

Nhân dân vô cùng thương xót, coi ông là bậc trung thần, vì nghĩa cả quên mình nên đã thu nhặt hài cốt ông đem về chùa Trúc Lâm, nơi ông tu hành trước để an táng. Ngày nay ở rất nhiều nơi đặc biệt tại Gia Viễn, Hoa Lư có đền thờ ông và Nguyễn Bặc.

Đền thờ, tên đường

Đinh Điền, Nguyễn Bặc được nhân dân nhiều nơi kính trọng tôn thờ. Văn bản Sự tích Đinh Điền làng Động Xá xã Liêm Cần có những câu viết về ông:
 
Anh linh phổ chấn cửu lai.
Ninh Bình tám xã, xứ Đoài mấy hương.
Xã Tuấn Kiệt, tỉnh Hải Dương.
Cùng làng Đông Xá quý hương đất nhà.
Lập đền phụng sự nguy nga…

Tỉnh Hà Nam Ninh cũ có tới 134 nơi thờ và phối thờ Nguyễn Bặc. Nơi thờ và phối thờ Đinh Điền càng nhiều. Đền vua Đinh ở Trường Yên, Gia Phương, Ba Dân (Kim Bảng) đền vua Đinh ở Ý Yên… nơi nào cũng thờ Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Các lễ hội như cờ lau tập trận, hội đền vua Đinh… đều diễn hình ảnh vua Đinh, Đinh Điền, Nguyễn Bặc, xem như những người hùng tiêu biểu cho tinh thần thượng võ dân tộc. Nhiều nơi thờ các vị thần khác mà vẫn lưu lại sự tích, có khi thờ cả Đinh Điền, Nguyễn Bặc gắn bó với nhau, được dân địa phương sùng kính (như các đền miếu ở huyện Yên Khánh, Ninh Bình, chùa Long Hoa ở xã Liêm Cần, Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, đền chùa ở bến Vạc Ninh Bình, đình Động Phi ở Ứng Hòa Hà Nội…). Chứng tỏ, hai vị sống thân thiết, chết lại không xa rời, trở thành hình ảnh tâm linh hòa hợp giữa lòng ngưỡng mộ của nhân dân.

Đinh Điền được phong làm thành hoàng của nhiều làng ở miền Bắc, đền thờ ông có nhiều ở Ninh Bình và Hưng Yên, tiêu biểu như:
  • Đền Kim Đằng ở phường Lam Sơn, thị xã Hưng Yên, là nơi Đinh Điền đã đóng quân.
  • Đền Đinh Điền ở thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên
  • Đền thờ Đinh Điền ở xã Khánh Thịnh huyện Yên Mô tỉnh Ninh Bình.
  • Đền Tứ trụ ở quần thể danh thắng Tràng An, Ninh Bình phối thờ ông cùng Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Lưu Cơ
  • Đình Tình Quang ở xã Giang Biên, Gia Lâm, Hà Nội thờ Đinh Điền cùng 2 vị thần khác.
  • Mộ và đền thờ tại Trúc Lâm (Yên Tử, Quảng Ninh), nơi đây là quê mẹ của ông và cũng là nơi ông tu hành.
  • Cố đô Hoa Lư và đền thờ Đinh Bộ Lĩnh ở quê hương Gia Phương (Gia Viễn, Ninh Bình) phối thờ ông cùng Vua Đinh Tiên Hoàng.
  • Đình Động Xá, huyện Thanh Liêm, Hà Nam.
  • Đình Nhân Kiệt, xã Hùng Thắng, Bình Giang Hải Dương.
  • Miếu Hạ, xã Khánh An, huyện Yên Khánh, Ninh Bình.
Đinh Điền được đặt tên cho nhiều đường phố ở Việt Nam
  • Phố Đinh Điền, thị xã Hưng Yên.
  • Đường Đinh Điền ở thành phố Tam Điệp và thành phố Ninh Bình.
  • Đường Đinh Điền, thành phố Thái Bình
  • Đường Đinh Điền, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh.
  • Quảng trường - tượng đài Đinh Tiên Hoàng đế tại trung tâm thành phố Ninh Bình với 4 góc có tượng 4 vị quan đại thần Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Lưu Cơ cao 5m, có lính canh và ngựa bằng đá.
SGT tổng hợp