278 lượt xem

Đinh Liễn

Đinh Liễn


Nguồn: sưu tầm.

Đinh Liễn là con trưởng của Đinh Bộ Lĩnh , thuở nhỏ được Trần MInh Công và cha dạy bảo . Ngài vốn là người say mê cung kiếm , cưỡi ngựa bắn giỏi , mắt sáng mày sắc  , tiếng nói như chuông dáng đứng đàng hoàng oai phong .

Ông từng được Đinh Bộ Lĩnh cử làm con tin ở triều đình Cổ Loa suốt 15 năm rồi theo cha đánh dẹp 12 sứ quân và còn thay cha trong việc giao bang với Trung Hoa. Khi Đinh Bộ Lĩnh xưng Hoàng đế, ông được phong chức Nam Việt Vương nhưng lại không được chọn làm Thái tử, mà thay vào đó là Đinh Hạng Lang, một người con nhỏ khác của Đinh Bộ Lĩnh.

Chính việc bỏ Đinh Liễn lập Hạng Lang, rồi dẫn đến sự kiện Đinh Liễn sai người giết Hạng Lang để tranh ngôi Thái tử, là một chuỗi các sự kiện khiến các sử gia về sau chỉ trích quyết định thiếu sáng suốt của Đinh Bộ Lĩnh. Cuối cùng, ông cùng cha bị sát hại trong một vụ án còn gây tranh cãi, với hung thủ được ghi nhận trong sử sách là một người hầu tên Đỗ Thích.

Năm 968, khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, định đô ở Hoa Lư, Đinh Liễn được phong làm Nam Việt Vương.

Năm 972, Đinh Liễn phụng mệnh cha đi sứ nhà Tống. Năm sau ông trở về. Nhà Tống sai sứ sang phong cho vua Đinh làm Giao Chỉ quận vương và phong Đinh Liễn làm Kiểm hiệu thái sư, Tĩnh Hải quân tiết độ sứ An Nam đô hộ.

Năm 975, nhà Tống sai Cao Bảo Tự cùng Vương Ngạn Phù đem chế sách sang gia phong cho Nam Việt vương Đinh Liễn làm Khai phủ nghi đồng tam ty, Kiểm hiệu thái sư, Giao Chỉ quận vương (Tống sử, quyển 488 thì chép việc phong này là cho Đinh Bộ Lĩnh. Từ đó về sau, trong việc sai sứ sang nhà Tống, vua Đinh đều lấy Liễn làm chủ.

Cuối năm 979mùa đông tháng 10, cả Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn bị sát hại trong cung. Lúc đó ông 40 tuổi. Người con trai còn lại của Đinh Tiên Hoàng là Vệ vương Đinh Toàn được đưa lên ngôi, tức là Đinh Phế Đế.

Theo sử sách, người sát hại cha con Đinh Liễn là nội nhân Đỗ Thích, nhưng một số nhà nghiên cứu gần đây đặt giả thiết vụ này chủ mưu là Lê Hoàn và hoàng hậu Dương Vân Nga. Động cơ và hoàn cảnh của vụ án này thực chất là ngôi thái tử và gần giống với Vụ án Lệ Chi Viên sau này. (Xem thêm bài về Đinh Tiên Hoàng).

Sử sách không ghi chép về gia quyến Đinh Liễn, chỉ biết ông có một người vợ là em gái sứ quân Ngô Nhật Khánh. Theo gia phả họ Đinh Danh ở Thái Bình, sau khi Đinh Toàn lên ngôi, Lê Hoàn làm phó vương đã "cấm cố họ Đinh", vì vậy gia đình Đinh Liễn đã phải chạy đi nơi khác và thế hệ sau của họ này chính là Đinh LễĐinh Liệt - các công thần khai quốc nhà Hậu Lê.

Đinh Liễn là người đã trưởng thành, có công lao, lại được vua Tống thừa nhận trong quan hệ ngoại giao. Việc ông bị giết cùng vua Đinh là một trong những lý do khiến nhà Tống lấy cớ để khởi binh sang đánh nước Đại Cồ Việt.

Có ý kiến cho rằng xưa kia (năm 951), khi Đinh Bộ Lĩnh sai người nhằm Đinh Liễn (đang bị hai vua Ngô treo trên sào) mà bắn tức là trong lòng vua Đinh đã không có Liễn rồi. Tuy nhiên suy diễn như vậy có phần phiến diện. Trong hoàn cảnh bức bách này, vua Đinh buộc phải làm cách đó vì đại sự và không phải vua Đinh không yêu Đinh Liễn. Giống như trường hợp Lưu Bang, khi thấy Hạng Vũ đặt cha mình lên thớt, Bang thương cha nhưng vẫn buộc lòng phải nói: "Cha ta cũng như cha ngươi, nếu ngươi nấu cha ta thì cho ta xin bát nước luộc với!" Có nói như vậy Hạng Vũ mới "nản lòng" không giết cha Lưu Bang nữa. Việc Đinh Liễn giết Hạng Lang là nhẫn tâm, nhưng Tiên Hoàng không trừng phạt ông cho thấy vua Đinh vẫn có ý để ông là người nối nghiệp. Tiên Hoàng đã nhận ra sai lầm lần đầu khi lập con nhỏ, bỏ con lớn và nhà vua đã đủ sáng suốt khi không giết nốt con lớn, chỗ dựa lớn nhất của ông trong việc duy trì sự nghiệp nhà Đinh.

Đinh Liễn cùng Đinh Bộ LĩnhĐinh Toàn và Đinh Hạng Lang được thờ ở Đền Vua Đinh Tiên Hoàng, thuộc quần thể di tích cố đô Hoa Lưhuyện Hoa LưNinh Bình.