286 lượt xem

Đội Cung


Đội Cung - người lãnh đạo khởi nghĩa Đô Lương

Cuộc khởi nghĩa Đô Lương diễn ra vào ngày 13/1/1941 do Đội Cung lãnh đạo cùng anh em binh lính đồn Chợ Rạng, Thanh Chương đã tiến về chiếm đồn Đô Lương, giết tên Đồn trưởng  rồi cùng 25 lính tiến về trong đêm với mục đích chiếm trại Giám Vinh Thành Nghệ An sau đó phát triển ra nơi khác.

Đội Cung tên thật là Nguyễn Văn Cung. Năm 1926, Nguyễn Văn Cung bị bắt đi lính khố xanh, đóng ở đồn Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1930-1931, để đàn áp cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh đang lan tràn khắp nơi, đơn vị Nguyễn Văn Cung được điều từ Thanh Hóa về đóng ở đồn Kim Nhan, huyện Anh Sơn.

Sau phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh, Đội Cung được điều về đóng ở Vinh để bảo vệ nội thành của thực dân Pháp và bọn tay sai phong kiến Nam triều. Đội Cung sống cương trực, chân thành, hay bênh vực đồng đội và những người gặp khó khăn, hoạn nạn nên rất được anh em kính nể.

Làm thân phận một người lính bắt buộc, ăn cơm, mặc quần áo do thực dân Pháp cung cấp, hàng ngày phải đi đàn áp phong trào cách mạng ở các địa phương, Nguyễn Văn Cung đau lòng, phẫn uất trước cảnh những người dân bị chết vô tội chỉ vì họ đứng lên chống lại chế độ hà khắc của thực dân phong kiến, để bảo vệ quyền sống chính đáng của con người. Thế mà họ bị khép vào tội phản loạn. Chính sách "binh vận" của Đảng ta từ cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh đã lôi kéo binh sĩ tham gia phản chiến, bỏ trốn và cao hơn nữa là về với nhân dân, đứng vào hàng ngũ cách mạng. Ông Măng Dan, lính lê dương đã trở thành người nội ứng cho Đảng Cộng sản trong nhà tù Vinh, là một tấm gương để cho Nguyễn Văn Cung suy nghĩ.


Nơi đóng quân của Đội Cung ở chợ Rạng, Thanh Chương. Nguồn: sưu tầm.

Ngày 8/1/1941, thời cơ đã đến, đó là lúc Nguyễn Văn Cung được cất nhắc làm đội trưởng thay cho viên đồn trưởng người Pháp là Alôngdô, đang đóng ở đồn Rạng thuộc địa phận huyện Thanh Chương, có trách nhiệm kiểm soát cả hai huyện Thanh Chương và Đô Lương. Sau khi nhậm chức được 5 ngày, Nguyễn Văn Cung đã chớp lấy thời cơ, kéo quân lên Đô Lương kiểm tra và ông tuyên bố khởi nghĩa.

Vào lúc 20 giờ 30 phút ngày 13/1/1941, Nguyễn Văn Cung và binh sĩ đến phủ Anh Sơn (thị trấn huyện Đô Lương bây giờ). Sau khi cho anh em ăn tối xong, Đội Cung tập hợp binh sĩ tại sân Chùa. Nội dung và lý do cuộc khởi nghĩa được Đội Cung chuẩn bị từ trước, ghi vào một tờ giấy để trong túi áo ngực, khi tập hợp đông đủ anh em, ông mới rút tờ giấy ra đọc, tuyên bố khởi nghĩa và giao nhiệm vụ cho binh sĩ. Nghĩa binh sẽ giết tên Bạch, đồn trưởng Đô Lương, sau đó lên ô tô kéo về thành Vinh giết bọn thực dân Pháp, gồm những tay khét tiếng tàn ác, nắm những cương vị chủ chốt như: Thanh tra, Công sứ, Phó sứ …

Tại Đô Lương, Đội Cung đã cho cắt tất cả đường dây liên lạc ở bưu điện, phá máy điện thoại, điện báo rồi chia thành hai nhóm. Nhóm 1 do Đội Cung chỉ huy đi giết tên đồn trưởng Bạch. Nhóm 2 chịu trách nhiệm giết tên đồn trưởng là Rôsai, sau đó vào phủ đường giết tên tri phủ.

Đội Cung trở về đồn Rạng để giết tên đồn kiểm lâm người Pháp là Lôđagia, sau đó cho 25 binh sĩ về Vinh, lấy ô tô của tên đồn trưởng kiểm lâm cùng hai ô tô tư nhân kéo quân về Vinh. Khi đi qua cầu Cấm, ông ra lệnh cho binh sĩ cắt tất cả dây điện thoại bắc qua cầu và thu nạp thêm 5 binh lính ở đây lên ô tô cùng đi, với mục đích về giải phóng thành Vinh.

Binh sĩ đến Vinh vào lúc 4 giờ ngày 14/1/1941, nghĩa quân tập hợp trước cửa Trường Quốc học Vinh. Đội Cung phân công các mũi tiến quân: Cai Vị dẫn lính ra phía sau thành chờ. Còn Đội Cung và Cai Á dùng ô tô tiến thẳng vào thành. Đội Cung nói với trạm trưởng trực ban, xin vào gặp giám binh Đétxiu để báo cáo về sự việc, hai đồn Rạng và Đô Lương đã bị cộng sản cướp. Người thường trực cho ông vào gặp và giữ cai Cai Á ở lại.

Vì thông thạo đường đi lối lại nên Đội Cung đã đi thẳng vào phòng ngủ, đánh thức anh em binh sĩ dậy, báo tin là lực lượng của ông đã vây thành. Ông kêu gọi anh em binh sĩ giết tên giám binh ở phía trong. Công việc đang tiến hành thì ở phía ngoài có tiếng súng làm cho tên Đétxiu tỉnh dậy khi Đội Cung chưa kịp hành động.

Thấy tình hình bất lợi, Đội Cung vượt tường thành ra bên ngoài. Phía sau Cai Vị thấy động bèn dẫn binh sĩ trốn vào chùa Diệc. Thực dân Pháp điều lính Âu Phi và tung mật thám lùng sục khắp nơi nội, ngoại thành Vinh và chúng đã bắt được toàn bộ binh sĩ. Riêng Cai Á, sau khi bị bắt ông không chịu khuất phục, không chịu khai báo, ông tự sát để giữ tròn khí tiết và tấm lòng yêu nước của một người lính phản kháng.

Còn Đội Cung, sau khi vượt thành trốn thoát, ông ẩn náu ở hang núi được gần một tháng. Ngày 11/2/1941, ông quay lại khu vực ngoại thành để nắm tình hình. Do có kẻ phản bội nên ông đã bị bắt khi vừa vào nhà Tống Gia Liêm, khu vực Cổng Chốt.

Ngày 20/2/1941, Tòa án binh của Pháp ở Hà Nội đã mở phiên toà xét xử 51 người tham gia cuộc khởi nghĩa, 11 người bị kết án tử hình, 12 án chung thân, 2 án 20 năm tù khổ sai, 7 án 15 năm tù, 1 án 12 năm tù…

Ngày 25/4/1941, thực dân Pháp thi hành án từ hình tại 3 nơi: Vinh, chợ Rạng và Đô Lương.

Ngày thực dân Pháp thi hành án tử hình, các cơ sở của cách mạng - Đảng Cộng sản Đông Dương đã cho rải truyền đơn khắp các miền (Bắc-Trung-Nam) để ủng hộ, biểu dương tinh thần của anh em binh sĩ khởi nghĩa. Truyền đơn được rải ở các nhà máy, thành phố, nông thôn và cả trong trại lính.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Nguyễn Văn Cung được Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa truy tặng bằng: Có công với nước. Tổ quốc ghi công trên phần mộ của ông nơi ông bị xử bắn tại Cổng Chốt, thành Vinh cùng các đồng chí của ông.

Nguồn baonghean.vn