273 lượt xem

Lê Thị Hồng Gấm

LÊ THỊ HỐNG GẤM – NỮ ANH HÙNG QUÂN ĐỘI ĐẦU TIÊN TỈNH TIỀN GIANG

Dân tộc Việt Nam là một dân tộc Anh hùng. Lịch sử đấu tranh oanh liệt qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước đã sản sinh ra biết bao người con anh hùng. Thời đại Hồ Chí Minh, thời kỳ kháng chiến chống Mỹ đã chứng kiến sự chiến đấu và hi sinh của hàng nghìn những anh hùng trẻ tuổi. Trong hàng nghìn vị anh hùng ấy có nữ anh hùng 19 tuổi Lê Thị Hồng Gấm.

Anh hùng Lê Thị Hồng Gấm sinh năm 1951, dân tộc Kinh, trong một gia đình nông dân lao động ở xã Long Hưng, huyện Châu Thành, Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Ngay khi còn nhỏ, chị đã được nghe kể về những tấm gương hi sinh anh dũng của những người con ưu tú quê hương Mỹ Tho. Tấm gương can đảm của những Thủ khoa Huân, Trần Xuân Hòa đã tạo cho chị lòng yêu quê hương, căm thù quân xâm lược, tham gia cách mạng từ rất sớm.

Tháng 12-1967, Lê Thị Hồng Gấm tham gia cách mạng, làm giao liên xã. Đây là công việc vô cùng khó khăn, nguy hiểm; bởi vì xã Long Hưng nằm gần kề với căn cứ Đồng Tâm của sư đoàn 9 Mỹ, địch thường xuyên đánh phá ác liệt. Năm 1968, địch tăng cường lực lượng, điên cuồng phản kích nhằm đẩy quân giải phóng và du kích ra khỏi địa bàn đứng chân. Tình hình trở nên căng thẳng. Tuy vậy Hồng Gấm vẫn dũng cảm bám chặt địạ bàn và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Bất kể bom pháo và địch càn quét hay phục kích, hàng ngày, Hồng Gấm như con thuyền chuyển công văn, chỉ thị đến các nơi tuyệt đối an toàn. Có lúc cao điểm Hồng Gấm phải đi từ 7 đến 10 chuyến giao liên. Nhiều khi gặp địch kiểm soát gắt gao, Hồng Gấm giả dạng dân thường, bình tĩnh, mưu trí vượt qua.

Từ tháng 12-1967 tới 5-1968, Hồng Gấm làm giao liên cho xã, địa bàn hoạt động hẹp lại phải qua khu căn cứ và vành đai của địch nên rất gian khổ và nguy hiểm. Cuối năm 1968 tổ còn lại chỉ duy nhất một mình chị, có ngày phải chuyển tới 7 công văn nhưng chị vẫn cố gắng để hoàn thành.Tháng 12-1968, Hồng Gấm được cấp trên chỉ định làm Xã đội phó xã Long Hưng.
Tháng 8-1969, Lê Thị Hồng Gấm được cấp trên điều về làm Trung đội phó du kích vành đai liên xã Bình Đức sát nách Mỹ Tho. Trong quá trình chiến đấu tại đây, chị Lê Thị Hồng Gấm đã cùng du kích xã đánh 49 trận, tiêu diệt và làm bị thương 217 lính địch (trong đó có 22 lính Mỹ) bắn rơi 1 máy bay, thu 4 súng. Ở cương vị mới, Hồng Gấm đã phối hợp với các Xã đội, Xã đoàn xây dựng 5 Trung đội dân quân tự vệ, 5 tổ du kích xã của các xã thuộc Mặt trận vành đai diệt Mỹ - Bình Đức. Tính đến tháng 3-1970, Hồng Gấm cùng đồng đội trực tiếp chiến đấu trên 10 trận, diệt 63 lính địch, bắn rơi 11 máy bay.

Đồng đội kể lại ngày chị hy sinh: Hôm đó là ngày 18-4-1970, chuẩn bị cho trận đánh đêm, chị cùng 2 nữ du kích đi mua thức ăn trữ cho Trung đội. Khi đến giữa cánh đồng (cách căn cứ Bình Đức 500 mét) bị máy bay địch phát hiện. Hai chiếc máy bay lên thẳng HU1A sà xuống rất thấp định bắt sống.Trong tình thế nguy hiểm, chị Gấm ra lệnh: “Tôi có thể chạy thoát được nhưng nguy hiểm cho hai chị, nếu cả ba cùng ở lại chiến đấu thì không đủ vũ khí. Tôi ở lại chiến đấu, thu hút hỏa lực, còn hai chị chạy thoát ngay đi”. Nói xong, 2 nữ du kích chạy vào vườn, còn một mình với khẩu súng AR 15, chị chiến đấu với địch. Hai chiếc trực thăng HU1A xả đạn bắn uy hiếp, quần thảo trên đầu kêu gọi đầu hàng, chị bình tĩnh nhắm thẳng trực thăng nhả đạn, một chiếc cháy rơi tại chỗ.

Sau một hồi chiến đấu, Hồng Gấm bắn rơi một máy bay trực thăng, chiếc còn lại nã đạn dữ dội về nơi người nữ du kích kiên cường đang ẩn nấp và bay ra xa gọi thêm máy bay đến đỗ quân bao vây, chị bắn hạ thêm 3 tên địch. Mặc dù quân địch rất đông và bản thân bị thương nặng, máu tuôn xối xả, chị vẫn tỳ vai, quỳ gối chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. song Hồng Gấm không nao núng, dựa vào bờ ruộng đánh bật các đợt xung phong của bọn chúng, tiêu diệt thêm một số lính địch. Cuối cùng khẩu súng của Hồng Gấm hết đạn.Quyết không để vũ khí lọt vào tay địch, Hồng Gấm gắng sức đập gãy khẩu súng carbine. Một loạt đạn từ phía địch vang lên Hồng Gấm đã anh dũng hy sinh.Chị ngã xuống lúc mới tròn 19 tuổi.

Vào ngày 22-2-1972, dưới dốc Ba Hầm thuộc ranh giới huyện Ba Tơ và huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi),Đại đội nữ Lê Thị Hồng Gấm chính thức được thành lập. Đây cũng là Đại đội nữ đầu tiên thành lập ở miền Nam trong thời kỳ chống giặc ngoại xâm. Đại đội nữ Lê Thị Hồng Gấm anh dũng chiến đấu, trở thành nỗi khiếp sợ của kẻ thù, và vinh dự nhận được danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Hồng Gấm được Nhà nước trao tặng 3 bằng Dũng sĩ diệt Mỹ, 1 bằng khen Dũng sĩ diệt máy bay, 1 Huân chương Chiến công hạng nhì, ngày 20-9-1971, liệt sĩ Lê Thị Hồng Gấm được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam truy tặng Huân chương Quân công giải phóng hạng Ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Chị là nữ Anh hùng quân đội đầu tiên của tỉnh Tiền Giang.

Tại tỉnh Tiền Giang, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai ở huyện Long Khánh, Xuân Lộc hiện đã có đường phố và trường học mang tên Lê Thị Hồng Gấm. Từ tấm gương chiến đấu kiên cường của người nữ du kích Anh hùng lực lương vũ trang nhân dân, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã xúc cảm sáng tác nhạc phẩm “Những cánh chim Hồng Gấm”  một bài hát giúp hình ảnh của chị còn lại với thời gian được nhiều người yêu thích:
 
“Dâng tuổi xuân cho đất nước quê hương
Tấm gương Hồng Gấm kiên trung, trong sáng yêu thương
Ta như cánh chim tung bay, vượt qua giông tố ngàn trùng
Và mỗi chúng ta hãy là một Hồng Gấm anh hùng…”

Nguồn: Thuviendongnai.gov.vn