1875 lượt xem

Đông Phương Tam Thánh (Dược Sư Tam Tôn) – Ý nghĩa và cách thờ

Đông Phương Tam Thánh (Dược Sư Tam Tôn) – Ý nghĩa và cách thờ

5 / 5 ( 2 bình chọn )
5 / 5 ( 2 bình chọn )
Đông Phương Tam Thánh còn được gọi là Dược Sư Tam Tôn gồm Đức Phật Dược Sư và 2 vị Đại Bồ tát là Nhật Quang Bồ tát và Nguyệt Quang Bồ tát. Người thờ tôn tượng Dược Sư Tam Tôn, niệm danh hiệu các Ngài sẽ được tiêu trừ tất cả bệnh khổ, được phước báo vô lượng và có thể giữ được thâm tâm an lạc.

 

Đông Phương Tam Thánh là Đức Phật Dược Sư và hai vị Đại Phụ tá đắc lực của Ngài là Nhật Quang Bồ tát và Nguyệt Quang Bồ tát của thế giới Tịnh Lưu Ly
Nguồn: Sưu tập

Đông Phương Tam Thánh (Dược Sư Tam Tôn) là ai?

Đông Phương Tam Thánh hay Dược Sư Tam Tôn là ba vị chư Phật và Bồ tát của thế giới Tịnh Thổ Lưu Ly ở Phương Đông. Thường là Phật Dược Sư là tôn chủ và 2 vị Đại Bồ tát là Nhật Quang Bồ Tát và Nguyệt Quang Bồ Tát. Trong Kinh Dược Sư có đoạn viết rằng Nhật Quang Bồ Tát là vị đứng hầu ở bên trái của Đức Phật Dược Sư còn Nguyệt Quang Bồ Tát là vị đứng hầu bên phải, đây là hai Đại Phụ Tá vô cùng đắc lực của Đức Phật Dược Sư trong quốc độ Tịnh Lưu Ly. Đức Phật Dược Sư cùng với hai vị Đại Bồ tát này hợp xưng là Đông Phương Tam Thánh hay còn gọi là Dược Sư Tam Tôn.

Nhật Quang Bồ Tát, Nguyệt Quang Bồ Tát cùng Đức Phật Dược Sư có quan hệ vô cùng sâu xa. Trong thời quá khứ xa xưa, khi đức Điện Quang Như Lai hành hoá ở nhân gian, có một vị phạm sĩ Bà La Môn nuôi dưỡng hai người con. Vị cư sĩ và hai người con này đều cảm thấy sự trược loạn của thế gian, ba cha con khi ấy đều khởi phát Tâm Bồ Đề, cùng lập chung chí, mong muốn cứu lấy tất cả chúng sinh bệnh tật, đau khổ trong thế giới. 

Điện Quang Như Lai đối với họ vô cùng khen ngợi và lệnh cho vị phạm sỹ kia đổi tên là Y Vương, thường gọi là Dược Vương, hai người con đổi tên là Nhật Chiếu và Nguyệt Chiếu. Trải qua thời gian dài tu luyện, do nhận sự phó chúc của Đức Điện Quang Như Lai, sau khi thành phật, vị Dược Vương ấy trở thành Đức Phật Dược Sư, hai người con của Ngài cũng trở thành 2 vị Đại Bồ tát là Nhật Quang Bồ Tát và Nguyệt Quang Bồ Tát.

Tại thế giới Tịnh Thổ Lưu Ly, Phật Dược Sư là vị chư Phật độ hóa chúng sinh, trước khi thành Phật, Ngài phát 12 đại nguyện với mong muốn giải trừ hết thảy bệnh khổ về thân lẫn về tâm cho chúng sinh để họ có đủ căn lành và được giải thoát khỏi nghiệp báo luân hồi. Hai vị Đại Bồ Tát Nhật Quang và Nguyệt Quang lãnh đạo rất nhiều vị Bồ Tát của thế giới Tịnh Lưu ly. Khi Đức Phật Dược Sư nhập Niết Bàn, hai vị Bồ tát này sẽ theo thứ tự mà thay thế Phật Dược Sư.

Ý nghĩa của tôn tượng Đông Phương Tam Thánh

Tượng Đông Phương Tam Thánh có ý nghĩa như một liệu pháp chữa bệnh huyền bí, tối cao trong y học Tây Tạng. Việc thờ cúng sẽ giúp chúng ta loại bỏ tham sân, si mê, hận thù, thoát khỏi những đau đớn về cả thể xác và tâm hồn, diệt trừ ba loại độc tố là nguồn cơn của mọi bệnh tật và nguy hại là bám víu, vô minh và hận thù. Ý nghĩa của tượng Đông Phương Tam Thánh có thể hiểu là:

1. Về Phật Dược Sư

Theo Dược Sư Như Lai Bổn Nguyện Kinh: “Về phương Đông cách thế giới Ta Bà khoảng 10 hằng hà sa Phật độ có cõi Phật tên là Tịnh Lưu Ly, tên của Đức Phật đó là Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai”. Ngài thường được thể hiện khá giống với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, nếu không dựa vào pháp bảo và tư thế ngồi thì rất khó để phân biệt. 

Phật Dược Sư thường được mô tả với làn da màu xanh lưu ly, Ngài ngồi trên bảo tòa nguyệt luân hoa sen, ngài có 32 tướng tốt, 18 vẻ đẹp. Đức Phật an tọa trong tư thế Kim Cương, trên thân ngài khoác ba tấm y giải thoát tay trái thường giữ bình bát chứa thần dược, tay phải cầm thân cây Aruna hoặc cây Myrobalan ở giữa ngón tay cái và ngón tay trỏ.  Trong đó, cây Myrobalan là loại thảo dược có thể đại diện cho tất cả các cây thuốc tốt nhất, có tác dụng chữa được ba loại chất độc là nguồn cơn gây mọi bệnh tật và nguy hại của con người là vô minh, bám víu và hận thù. 
 

Phật Dược Sư là đấng giác ngộ Toàn giác, có thể giúp chúng sinh thoát khỏi những đau đớn về tâm và than
Nguồn: Sưu tập

Phật Dược Sư là đấng giác ngộ có lòng từ bi vô mẫn, ngài có thể giúp chúng sinh thoát khỏi những đau đớn về tâm và về thân, giúp họ vượt qua khó khăn, bệnh tật. Ngài là đấng Y vương Toàn giác, có bình bát chứa diệu cam lồ có thể diệt trừ tật khổ, đồng thời thành tựu viên mãn tâm nguyện của chúng sinh. Việc thờ tượng và trì niệm danh hiệu của Đức Phật Dược Sư có ý nghĩa như một liệu pháp chữa bệnh tối cao, có các yếu tố huyền bí trong y học Tây Tạng, giúp cá nhân giải phóng khỏi đau khổ. 

Ngài có bổn nguyện cứu tất cả bệnh khổ cho các chúng sinh. Những người trì niệm và nghe danh hiệu của Ngài thì:
 
  • Những kẻ nghèo thiếu y phục, khổ sở ngày đêm vì lạnh nóng thì sẽ được những thứ y phục tuyệt diệu, được đồ trang sức bằng vàng bằng ngọc tùy ý thích
  • Những người bị đói khát hành hạ, vì cái ăn mà làm ác nghiệp khi nhất tâm thọ trì danh hiệu Ngài thì cơ thể sẽ được no đủ bằng các thực phẩm tuyệt diệu.
  • Những người lầm đường lạc lối, sa vào rừng rậm ác kiến sẽ được dẫn dắt, thực tập các hạnh Bồ tát và mau chóng tuệ giác vô thượng
  • Những nữ nhân bị hành hạ trở nên cùng cực chán ngán khi nghe danh hiệu ngài sẽ được chuyển thân nữ thành nam, đủ tướng trượng phu đến khi được tuệ giác vô thượng.
  • Những người bị bệnh khổ hành hạ không có y sĩ, không nơi nương tựa, không ai cứu giúp, không có thân thuộc, không có dược liệu, không có nhà cửa thì khi nghe danh hiệu của ngài bệnh khổ sẽ tan biến, nhà cửa, đồ dùng đầy đủ, thân tâm an lạc. 

Ngoài ra, theo các giáo lý cổ đại, khi nhìn hình ảnh Phật Dược Sư hoặc nghe tên Ngài, nhìn thấy Ngài ở trạng thái mơ mộng thì sẽ đem đến những lợi ích đáng kể. Bên cạnh đó, một số nghi thức liên quan đến Ngài cũng tăng tác dụng chữa bệnh, tăng cường sức khỏe như tụng niệm thần chú Phật Dược Sư, lễ cúng dường cho các chư Phật hay thiền định trên màu xanh thẳm của đá Lapis. 

2. Nhật Quang Bồ tát

Nhật Quang Bồ Tát còn gọi là Nhật diệu bồ tát, Nhật Quang Biến chiếu bồ tát, là một trong 2 vị Đại Bồ tát đứng hầu ở 2 bên đức Phật Dược Sư. Nhật Quang Bồ Tát có hình tượng mình màu đỏ, bên tay phải cầm vòng hoa màu đỏ thắm, tay trái cầm Nhật Luân. Danh hiệu Nhật Quang Bồ Tát khiến người ta nghĩ ngay đến hình ảnh “Mặt trời phóng ra ngàn ánh sáng chiếu khắp thiên hạ, phá mọi ám tối”. Bản nguyện của Ngài là phát nát sự tối tăm của sinh tử, như ánh mặt trời chiếu rọi khắp thế gian. 

Theo Kinh Dược sư, Nhật Quang Bồ Tát là vị đứng hầu bên trái của Đức Phật Dược Sư, cùng với Nguyệt Quang Bồ tát thượng thủ của vô lượng chúng Bồ Tát. Các tài liệu cũng cho biết, Nhật Quang Bồ Tát có quan hệ mật thiết với Đại Bi Chú của Quán Thế Âm Bồ tát. Người trì tụng Đại Bi chú được hợp với vô lượng Thần Nhân của Nhật Quang Bồ Tát sẽ tăng thêm hiệu nghiệm, nếu trì tiếp Nhật Quang Bồ Tát Đà La Ni ắt sẽ được quả báo tốt lành. Thờ cúng, lễ bái Phật Dược Sư và 2 vị Bồ tát sẽ được diệt tất cả tội, tiêu trừ bệnh tật, đuổi được tà ma và trừ thiên tai, trong đời vị lai tiếp theo, sẽ có được tướng mạo đoan chính và quả báo đáng vui mừng.

3. Nguyệt Quang Bồ tát

Nguyệt Quang Bồ Tát, tên tiếng Phạm là Candra-prabha, còn gọi là Nguyệt Quang Biến Chiếu Bồ Tát và Nguyệt Tịnh Bồ Tát. Nguyệt Quang Bồ Tát là vị Bồ tát rất thân quen, Ngài ngự tại mặt trăng, biểu thị cho ánh sáng vào ban đêm. Ngài thị hiện để nói rằng trong đêm tối vẫn có những ngày trăng sáng rõ, soi sáng u mê của con người, giúp chúng ta đến bên bờ Giác Ngộ.

Nguyệt Quang Bồ Tát được mô tả có thân màu trắng, Ngài ngồi trên toà ngỗng, tướng tốt đẹp trang nghiêm, tay cầm hoa sen xanh, thân đeo Anh Lạc với vật trang sức, trên đoá sen là hình nửa vành trăng. Ánh trăng tượng trưng cho ánh sáng hiền thiện, yên tĩnh, phát ra trong chốn hắc ám để đưa Tà vào Chính. Nguyệt Quang Bồ Tát cũng được phụng thờ theo nhiều hình dạng khác nhau, tôn tượng của Ngài có hình tướng và vật trang sức khá tương tự với Bồ Tát Ma Ha Tát. 
 

Ánh sáng của Nguyệt Quang Bồ Tát có thể giúp chúng sinh giảm nhẹ những đau khổ trên thân xác
Nguồn: Sưu tập

Trong Phật giáo Nguyệt Quang Bồ Tát tượng trưng cho sự lắng tâm tĩnh lự (tĩnh định), có ánh sáng trong suốt rực rỡ để chúng sinh miễn trừ sự bức não, ảnh hưởng của ba loại Độc dược là Tham, Sân, Si. Ngài là vị Bồ Tát chờ thành Phật hiện đang thọ trì kho báu Chính Pháp của Đức Phật Dược Sư. Việc thờ và trì tụng Đại Bi Chú và trì tiếp Nguyệt Quang Bồ Tát Đà La Ni có thể trừ tất cả chướng nạn, trừ được cả nỗi đau khổ của bệnh ác, thành tựu Thiện Pháp, xa lìa tất cả sợ hãi, khiến những đau khổ trên thân xác được giảm nhẹ, thậm chí có thể hóa thành vô hình nhờ sức trong mát của Nguyệt Quang Bồ tát. 

Cách thờ Đông Phương Tam Thánh (Dược Sư Tam Tôn)

Phật Dược Sư là vị Phật thông suốt và hiểu biết tất cả các y dược của thế gian, có thể trị hết tất cả bệnh khổ cho chúng sinh. Người thờ tôn tượng Dược Sư Tam Tôn, niệm danh hiệu các Ngài sẽ được tiêu trừ tất cả bệnh khổ, được phước báo vô lượng và có thể giữ được thâm tâm an lạc. Những người đang mắc bệnh, thường xuyên bị bệnh, hay phiền não hoặc đang trong ranh giới sinh, khi thờ tượng Ngài, cầu Ngài thì có thể tai qua nạn khỏi, vượt qua bệnh tật, khốn khó.

 Để thờ Đông Phương Tam Thánh, gia chủ có thể:
 
  • Nếu thờ tôn tượng Dược Sư Tam Tôn tại gia thì nên đặt bàn thờ Phật ở vị trí chính của phòng khách, phòng thờ không phải là nơi để vui đùa, không tụ tập ồn ào. Nên đặt ở phòng thờ riêng, không có phòng khác đè lên, bàn thờ phật đặt ở vị trí trung tâm để phát huy được tác dụng.
  • Khi thờ tượng Phật, nên tham khảo ý kiến của thầy phong thuỷ hoặc pháp sư để có thể đặt tượng ở vị trí tốt. Tuyệt đối không đặt tượng Phật ở những nơi như gần cầu thang, phòng ngủ, phòng vệ sinh hay đối diện các nơi này vì như vậy là bất kính với chư Phật và Bồ tát.
  • Sau tượng Phật không có cửa sổ, nên đặt đối diện với cửa sổ để có đủ ánh sáng, không thờ chung bàn với gia tiên. Tượng Phật nên đặt ở vị trí trưng tâm cao nhất, hai vị bồ Tát theo hầu hai bên sau đó là gia tiên tiền tổ trong trường hợp không gian thờ nhỏ. 
  • Bàn thờ phật nên cao hơn đỉnh đầu của gia chủ, chỉ được cúng cỗ chay, bày cỗ vào các ngày như mùng 1, 15, 30… còn ngày thường chỉ cần cúng hoa quả, đặt lên đĩa riêng khi dâng lễ. 
  • Trước khi thỉnh tượng về nhà, gia chủ nên gửi vào chùa để làm lễ khai quang điểm nhãn và làm lễ rước và an vị. Trong những ngày thỉnh tượng cần trì tụng thập chú, tụng kinh Phật và ăn chay. 
  • Tuyệt đối không đặt các vật là như bùa chú, giấy tiền vàng mã lên bàn thờ Phật vì đây là mê tín dị đoan, đi ngược lại với tín ngưỡng Phật Giáo.

Thờ cúng tượng chư Phật, Bồ tát là cách chúng ta thể hiện lòng thành với Tam nhằm gia tăng đức tin, học tập theo lời dạy của các Ngài chứ không đơn thuần là cầu bình an, an lạc. Việc thờ cúng chư Phật quan trọng ở lòng thành, sự thành kính của quý Phật tử, không cần đặt nặng về hình thức.

Nguồn: Vnctongiao.org