348 lượt xem

Hé lộ chân dung 5 Hoa hậu đầu tiên “vang bóng một thời” ở đất Sài Gòn xưa

 


Thời Pháp thuộc, tại Sài Gòn đã tổ chức những cuộc thi sắc đẹp để chọn ra người phụ nữ đẹp nhất lên ngôi hoa hậu. Tên tuổi của những người đẹp sau đó đã nổi khắp Nam Kỳ. Tiêu chuẩn cái đẹp mỗi thời mỗi khác nhưng phải công nhận, 5 người đẹp này vẫn khiến không ít người xao xuyến khi xem lại ảnh thời đỉnh cao nhan sắc của họ.

Thời Pháp thuộc, những định kiến hà khắc dành cho người phụ nữ vẫn tồn tại, thế nhưng, ở xứ Nam Kỳ vẫn thường xuyên tổ chức các cuộc thi sắc đẹp, quy tụ dàn mỹ nhân đến từ nhiều nơi của đất nước để tìm ra đâu là mỹ nhân đẹp nhất: “Hoa ghen thua thắm. Liễu hờn kém xanh”. Dù cho tiêu chuẩn của cái đẹp ở thời ấy và bây giờ có phần khác xa nhau nhưng không thể phủ nhận rằng những Hoa hậu đầu tiên của đất Sài Gòn sở hữu nhan sắc kiêu sa, mĩ miều có thể “đánh gục” trái tim bất cứ người đàn ông nào.

Sau đây chính là 5 cái tên mỹ nhân đình đám nhất thời bấy giờ:

Cô Ba Thiệu – Hoa khôi đầu tiên của xứ Nam Kỳ

Năm 1865, cuộc thi người đẹp đã được tổ chức ở Sài Gòn dành cho các cô gái ở miền Nam Việt Nam và các vùng lân cận với gần 100 thí sinh tham gia. Theo nhiều tài liệu ghi chép lại, thắng cuộc cuộc thi năm đó là cô Ba Thiệu. Cô vốn là con thầy Thông Chánh, quê ở Trà Vinh.

Từ bé, cô Ba Thiệu đã nổi tiếng là một trang tuyệt sắc giai nhân, tính tình lại đoan trang thùy mị. Về chuyện học hành, cô còn thông minh, tài trí. Nên sau khi đăng quang, tiếng tăm cô nổi như cồn. Thời đó, nhiều quan tây, học giả, văn nhân… khắp lục tỉnh đều khao khát được cưới cô Ba Thiệu làm vợ.

Cô Ba Thiệu còn nổi danh khắp lục tỉnh Nam Kỳ với danh xưng “Cô Ba xà bông” vì hình của người đẹp này được in nổi trên các sản phẩm nổi tiếng của Hãng xà bông Việt Nam do ông Trương Văn Bền lập ra.


Hình của cô Ba Thiệu được in trên hộp của một hãng xà bông thời xưa

Tuy vậy, cuộc đời cô Ba về sau này lại gặp phải biến cố khiến đời cô rẽ sang một hướng khác. Sau khi đoạt giải hoa khôi, cô cưới biện lý Jaboin và sống một cuộc sống khép kín. Tuy nhiên vào năm 1893, ông Chánh và Jaboin xảy ra mâu thuẫn, cô Ba đã cầm súng bắn chết tên biện lý Jaboin. Cô bị Tòa đại hình Mỹ Tho kết án ngày 19/6/1893 và bị xử tử ngày 18/1/1894 tại Trà Vinh.

Trần Ngọc Trà – Cô Ba Sài Gòn

Cô Ba Sài Gòn hay còn gọi là Cô Ba Trà, tên thật là Trần Ngọc Trà, sinh năm 1906. Vào những năm đầu thế kỷ 20, nhan sắc cô Ba Trà nổi tiếng khắp đất Sài thành. Dù không tham gia bất kỳ cuộc thi nhan sắc nào, bà vẫn được ưu ái gọi là Étoile de Saigon (tạm dịch: ngôi sao Sài Gòn), Tuyệt thế giai nhân Sài Gòn, Người đẹp Nam kỳ…

Xuất thân từ một làng quê nghèo ở Cần Đước (Long An). Năm 16 tuổi, sau khi cha qua đời, cô Ba Trà một mình lên Sài Gòn để mưu sinh. Nhiều người cho rằng, có lẽ một phần vì tuổi thơ cơ cực đã góp phần hình thành tính cách “coi đời như băng” ở cô Ba.

Ở đất Sài Gòn hoa lệ, nhan sắc “nghiêng nước nghiêng thành” cùng lối nói chuyện thông minh, duyên dáng, cô Ba Trà đã đốn ngã trái tim của hàng loạt tay chơi hào hoa giàu có bậc nhất đất Nam Kỳ như Hắc công tử (Trần Trinh Huy), Bạch công tử (Lê Công Phước), công tử Bích.

Cô Ba Trà trải qua 4 cuộc hôn nhân với lần lượt là viên quan ba người Pháp, con trai tỷ phú đất Phan Rang, bác sĩ Trần Ngọc Án, và cuối cùng là một triệu phú trẻ tuổi, nhưng tất cả đều tan vỡ. Sau đó, cô Ba lao vào ăn chơi, cờ bạc dẫn đến mất hết gia sản. Hết tiền, cô Ba phải bán nhà và sống tạm bợ trong một xó chân cầu thang của một chung cư với tài sản duy nhất là chiếc ghế bố. Có người nói rằng họ thấy cô Ba chết trên ghế bố dưới chân cầu thang một chung cư ở Sài Gòn.

Nguyễn Hữu Thị Lan – Hoa hậu kiêm Hoàng hậu Nam Phương

Năm 1932, đất Sài Gòn nổi lên cái tên làm “điên đảo” các đấng mày râu thời đó là bà Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan. Bà sinh ra tại huyện Kiến Hòa, tỉnh Định Tường (nay thuộc thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang), là cháu ngoại của ông Lê Phát Đạt tức Huyện Sĩ, người đứng đầu trong tứ đại danh gia: Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định. Có nhiều đồn đại rằng số tài sản của Huyện Sỹ còn nhiều hơn tổng tài sản của Vua Bảo Đại.

Năm 1932, người đẹp này đã nổi danh về nhan sắc khắp vùng Nam Kỳ và cả Đông Dương. Nhiều tài liệu cho rằng trước khi Thị Lan trở thành chính cung hoàng hậu của vua Bảo Đại, bà đã 3 lần giành được giải hoa hậu Đông Dương. Tuy vậy, theo nghiên cứu của nhà sử học Dương Trung Quốc thì trong thời Pháp thuộc tuy có tổ chức nhiều cuộc thi sắc đẹp, nhưng không có cuộc thi nào mang tên Hoa hậu Đông Dương. Do đó có thể danh hiệu này được người dân trao tặng cho hoàng hậu vì yêu quý nhan sắc tuyệt trần của bà.

Sau khi tốt nghiệp tú tài ở Pháp về nước, Marie Thérèse tình cờ quen biết với Vĩnh Thụy khi ngài đăng cơ trở thành vị vua cuối cùng của triều Nguyễn, tức vua Bảo Đại và cô đã trở thành Nam Phương hoàng hậu vào ngày 20/3/1934. Bà là vị hoàng hậu cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam.

Nguyễn Thị Liễu – Người đoạt giải “Concours Elegent – Sài Gòn”

Bà Nguyễn Thị Liễu(sinh năm 1912 tai Hóc Môn, trong ảnh) là người đoạt giải “Concours Elegent – Sài Gòn”, được coi là cuộc thi Hoa hậu áo dài đầu tiên ở Sài Gòn, tổ chức ở Vườn Ông Thượng (Tao Đàn ngày nay). Đứng ra tổ chức cuộc thi (gọi theo tiếng Pháp là Concours élégantSaigon) là một nhóm công chức với sự kết hợp và hỗ trợ của vài nhà kinh doanh lúc bấy giờ đang hoạt động ở Sài Gòn.

Một trong những hạng mục là có phần thi trang phục áo dài Việt Nam do nhà may Phúc Thịnh thiết kế, có lẽ theo mẫu mã thời thượng lúc ấy. Và người đẹp được nhận danh hiệu Hoa hậu đầu tiên vào năm 1937 là Nguyễn Thị Liễu.

Công Thị Nghĩa – Nhà báo được “mời” thi Hoa hậu

Vào năm 1955, nhân dịp lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng, một cuộc thi tìm kiếm hoa hậu đã được chính quyền Ngô Đình Diệm tổ chức ở Sài Gòn. Đây cũng được xem là cuộc thi Hoa hậu đầu tiên ở nước ta.

Cuộc thi diễn ra ngày 20/2/1955 tại rạp Lido Chợ Lớn với thí sinh đa phần đang sinh sống tại Sài Gòn và các tỉnh miền Nam. Đăng quang hoa hậu cuộc thi này là cô Công Thị Nghĩa, sinh năm 1932, người miền Bắc cùng gia đình di cư vào Sài Gòn sinh sống trước 1945. Hoa hậu Công Thị Nghĩa chỉ cao 1.61m, số đo ba vòng 86-62-88 và nặng 53 kg. Công Thị Nghĩa được giới nghiên cứu sử học biết đến nhiều hơn với tên gọi Thu Trang. Thu Trang là bút danh khi bà làm nhà báo, sáng tác văn chương và viết sách nghiên cứu về lịch sử.

Điều thú vị là, năm đó, Thu Trang đến gặp BTC chỉ với ý định lấy thông tin viết bài, nào ngờ khi thấy bà quá xinh đẹp, BTC hết lòng thuyết phục bà đi thi. Ban đầu chỉ định “thi cho vui” nào ngờ Thu Trang “giật” luôn giải hoa hậu năm đó.

Sau khi đoạt giải, bà sang Pháp học tiến sĩ và định cư tại đây. Về sau, Hoa hậu Thu Trang quay trở lại nước nhiều lần và giảng dạy nghành du lịch tại vài trường đại học.


Bà Công Thị Nghĩa hiện là nhà nghiên cứu sử học. (Ảnh Báo Gia đình​)

Tuy chuẩn mực về cái đẹp có thay đổi qua từng thời nhưng phải công nhận, những mỹ nhân trên đây đều sở hữu nét đẹp đài các hơn người phải không nào? Bạn ấn tượng với người đẹp nào nhất?

Theo Thể Thao & Văn Hóa