352 lượt xem

Sài Gòn Năm Xưa - Vương Hồng Sển - Kì 4

f) Con Đường Sài Gòn vô Chợ Lớn

Tục danh Đường Trên (Route Haute)

Đường trên (Rout Haute), xưa do ông Olivier de Puymanuel phóng hoa tiêu, để nối liền Sài Gòn vô Chợ Lớn, đối chiếu với Đường Dưới (Route Basse) ngả Mé Sông.

Xưa có hai đường xe lửa nối liền Sài Gòn vô Chợ Lớn.

A. – Một đường Mé Sông:xe chạy bằng than củi, tải vận hàng hoá; và trái cây miệt Lái Thiêu, trạm chánh trước Chợ Bến Thành, nay làm Bót Cảnh Sát. Xe chạy hai ngả:

1. Trước chạy từ Chợ Bến Thành, bọc đại lộ De la Somme (nay là Hàm Nghi), dọc theo mé sông tới đường Luro (Cường Để), lên trạm Hàng Sao (đường Mạc Đĩnh Chi), quẹo Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu), Đinh Tiên Hoàng, ghé qua Đất Hộ, thẳng vô Gia Định, trạm chót là Lái Thiêu.

Phần 4 – 5

2. Xe đỗ ga chánh chợ Bến Thành, rồi chạy vô Chợ Lớn, trạm chót là ga Bình Tây.

B. Một đường gọi xe lửa giữa,trước chạy than củi, sau chạy điện. Xe chở bộ hành nhiều hơn hàng hoá, bắt đầu từ ga Chợ Cũ Sài Gòn, đổ ra Chợ Mới Bến Thành, rồi chạy cặp với đường tàu hoả Sài Gòn – Mỹ Tho dài theo đường Phạm Viết Chánh, Nguyễn Hoàng, thẳng đến ga An Bình, chạy dọc đường Thuỷ Bình (nay Đồng Khánh), bọc theo đường Tổng Đốc Phương trổ ra ga chót là ga Chợ Cũ – Chợ Lớn (ga Rodier, nổi danh xưa điếm móc túi nhiều và tài nhứt). Đi xe đường này xưa đã là sang: Vé hạng nhứt Sài Gòn vô Chợ Lớn là một hào bạc (0$10) được ngồi băng dài có trải nệm bố trắng. Hạng nhì: sáu chiêm tây (0$06). Đường chỉ non sáu cây số ngàn (6km) mà chạy hơn ba mươi phút mới đến nơi, có đủ hỷ, nộ, ai, lạc; vui vì xe chạy một đỗi, thấy di tích Đồng Tập Trận mênh mông (nay là đại lộ Lý Thái Tổ) và nếu là buổi trưa, sẽ được ngắm cảnh người Tàu ngủ gà ngủ gật trên xe, buồn là có khi nội khúc đường ấy đã bị điếm giựt tiền nhảy xe hay anh chị móc túi. Sách nói khi xưa, làm con đường này gặp nhiều mả mồ, (ắt chốn Đồng Tập Trận cũ), Langsa có lệ phát ba quan tiền và một xấp vải cho mỗi ngôi mộ và mả bị cải táng.

Sau bỏ con đường nầy và xe chạy củi.Thay vào bằng xe điện và đường xe chạy từ chợ Bến Thành dài theo khoảng giữa con đường Trần Hưng Đạo, đến đường Đồng Khánh, Tổng Đốc Phương, và trạm chót là ga Rodier. Đường sắt nầy đã bãi bỏ hồi năm 1953 và qua năm 1954 được khoả lấp nhựa.

Ba bốn mươi năm về trước, hai bên đường xe lửa giữa có trồng xoài và mít chen lộn nhau, tàn lá sum sê bóng rợp, đến nay vì lần hồi mở mang đường ra rộng lớn đủ phương tiện lưu thông nên không còn gốc đại thọ nào sót lại, có còn chăng là những danh từ khêu gợi: Xóm Vườn Xoài Bà Lớn (mộ phần của gia tộc Đỗ Hữu Phương) trên đường Phan Thanh Giản. Xóm Vườn Mít (xưa dân nghèo lấy hột mít xay ra bột, bán: xóm nầy truy ra ở lối Taberd-Mac-Mahon cũ, và đừng lộn với một xóm mít ở trên Phú Nhuận, đường Võ Di Nguy nối dài.

Gần Ngã Sáu đường Võ Tánh (Nguyễn Trãi) còn thấy ngày nay ngôi mộ Lê Văn Gẫm tử đạo thời Thiệu Trị, bị hành hình lối năm 1847. Mộ nầy nay nhà phố xung quanh che gần bít mất và mộ ở lún sụt xuống thấp hơn mặt đường lộ có một thước sâu, suy ra đường và phố mãi đắp lên cho khỏi ngập lụt nay mới cao làm vậy, còn đất xóm nầy khi xưa lấy mực mộ Lái Gẫm là đủ biết thấp và nước thế nào.

Học giả Trương Vĩnh Ký chép lại rằng xưa tại chỗ Khám Lớn cũ (nay Đại Học Văn Khoa), gần bên Toà Pháp Đình, thuở đó có một cái chợ tục danh “Chợ Da Còm”, tức là chợ nhóm dưới gốc một cây da nhánh còm lá gie khòm xuống mặt đất. Xưa đây là xóm bán trống, bán lọng, yên ngựa, và mão Tú Tài.

Nhắc đến cây da, còn thấy gần Toà Pháp Đình, phía góc đường Nguyễn Du và Nguyễn Trung Trực, còn mấy gốc đã lâu đời, có dính líu gì với “cây da còm” xưa chăng?

Tiếp theo Chợ Da Còm, có Chợ Đũi (bán đũi, bán lụa, v.v…) Thưở cụ Trương Vĩnh Ký còn sanh tiền, thì Chợ Đũi ăn dài từ xóm Boresse giáp qua đường xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho. Khỏi Chợ Đũi là Xóm Đệm Buồm rồi tới Xóm Thuận Kiều đóng dọc theo đường Thuận Kiều.

Còn nói gì vùng Chợ Mới như ngày nay ta đã thấy, xưa kia lại là một ao sình lầy nước đong. Như đã nói rồi, năm 1913 người Pháp lấp ao vũng xây nhà chợ có làm lễ lạc thành trọng thể gọi lễ “khai tân thị”. Chợ nầy ở gần chỗ bến nước của thành xưa nên gọi “Chợ Bến Thành” cho đến nay vẫn còn gọi như thế. Ngày khai mạc có chưng “cộ bảy bang” có cộ bông hình “Quan Âm Tay Xách Giỏ Cá”, hình “Hồng Hài Cầm Quạt Ba Tiêu Chấp Tay Bái Phật Bà” toàn do đồng nam đồng nữ tình nguyện chịu cho các thợ mã bong hình thế nộm giấy, cả ngày đứng trên một cốt sắt nhỏ có hoa lá che kín, chân tay tê liệt vì không cử động được. Lại có múa lân, thí võ, hát Triều Châu, hát Quảng Đông và hát bội diễn ngoài trời, cộ đèn, cộ bông, nhạc ngũ âm, và nhạc “mủ dích” Pháp. Sánh với ngày nay, thì cuộc lễ rất tầm thường, nhưng vào thời ấy tiếng đồn khắp Lục Tỉnh, đâu đâu cũng nô nức kéo nhau về Sài Gòn. Có câu: “Xem được lễ Tết Tân Thị một lần chết cũng sướng thân!”Mà đi thì chỉ có đường thuỷ là tiện. Nhắc lại thưở đó, có tàu “Lục Tỉnh” chạy từ Sài Gòn lên Nam Vang trải qua các chợ như Mỹ Tho, Vĩnh Long, Châu Đốc, v.v… Tầu nhỏ hơn chạy miệt Hậu Giang thì có tầu Pélican, Sarcelle, Cormoran của hãng Messageries Fluviales tục gọi Hãng Tàu Nam Vang, chạy khởi hành từ Mỹ Tho xuống Bạc Liêu đi qua các chợ như Chợ Gạo, Tam Bình, Trà Ôn, Cần Thơ, Phụng Hiệp, Sốc Trăng, Bãi Xàu, Cổ Cò v.v… và tàu khác đường Mỹ Tho – Rạch Giá. Hãng tàu các chú cũng chạy kình một đường với tàu Tây. Về sau mới có ông Phán Nuôi ở Vĩnh Long sắm tàu chạy, nhưng không tranh đua cùng hai hãng Tây, Tàu. Đường bộ thời ấy (trước 1913) chưa được thông thương, vì chưa có cầu bắc qua sông lớn. Bởi đó cho nên, như đã nói rồi, nhờ vị trí trên bờ có xe lửa nối liền với thủ đô, dưới sông có tàu thuyền chạy Lục Tỉnh, Mỹ Tho thời ấy chỉ nhượng có một Sài Gòn.

Nhắc lại lễ khai tân thị Chợ Bến Thành năm đó (mars 1914) đã phá kỷ lục về hội hè vui vẻ. Ông già bà cả từng mục kích lễ nầy đến nay còn nhắc, và tự hào chứng kiến một “Tần vương hội” (danh từ của các báo thời ấy dùng).

Tục lệ thành Sài Gòn và Chợ Lớn, cho đến về sau lâu lắm mới dẹp là dân trong thành phố hễ quá mười giờ đêm muốn ra đường phải xách theo một lồng đèn, lại nữa riêng Chợ Lớn, xóm của gái điếm cũng gọi “Xóm Lồng Đèn”, đã là xóm huê nương tức nhiên phải về khuya, khách làng chơi cơm nước phủ phê rồi mới xách lồng đèn đến thăm, sự ấy cũng dễ hiểu.

g) Nay xin trở lại đường Thuận Kiều

Từ đây đến “Sở Nuôi Ngựa” cũ của nhà binh Pháp tức là trong trại “Ô Ma” đường Võ Tánh (Nguyễn Trãi) thì là chợ “Điều KHiển” do một ông Điều Khiển tạo lập. Khỏi Chợ Điều Khiển là đến “Chợ Cây Da Thằng Mọi”. Gọi làm vậy nhưng khoan vội tưởng rằng đây là một nhà chợ do một người Mọi nào đó đứng ra xây cất. Sự thật là tại chợ này thường thấy bày một món hàng không đâu có bán: ấy là một thứ đèn thắp dầu phộng hay dầu dừa làm bằng đất nung, nắn hình một người Chàm (ông Phỗng): hai chân quỳ, hai tay chắp lại, trên đầu đội một thếp dầu. Trong tập “Cổ Gia Định vịnh” có câu:

“Cây Da thằng mọi, coi bán đủ thuốc xiêm cau mứt.
Cái cầu Cao Mên, thấy làm nguyên cột vắp ván trai”.

(Đây là thuốc lá xắt và ướp kiểu người Xiêm dùng. Cau mứtlà cau trái để già, nấu kẹo như mứt, người Thổ rất thích ăn. Hai món là gia vị đặc biệt trong miếng trầu thời xưa, nay đã ít được thấy, không khác “cây đèn thằng Mọi”).

Khỏi Chợ Cây Da Thằng Mọi, có một cánh đồng rộng lớn trống trải và cây cỏ mọc tùm lum nhiều chỗ. Ngày nay nhà cửa cất lấp bít bùng không còn nhìn được nơi nào, chớ xưa kia đây là “Đồng Tập Trận”, cung gọi “Mả Nguỵ” hay “Mả Biền Tru. Nơi đây vua Minh Mạng đã sai chặt đầu ném thây chôn chung một huyệt mả (đến nay mặc dầu đào móng cất nhà vẫn chưa tìm gặp) cả thảy đến 1.137 người già trẻ bé lớn, đàn ông đàn bà lộn lạo, khép vào tội phản nghịch, theo giặc Khôi ở lại trong thành, chống binh lính triều đình ba năm (1832 – 1835).

Như đã nói rồi nơi mục chú thích về Sở Nuôi ngựa, sở này cất trên một ngôi chùa cũ tên gọi “Kim Chương Tự” (hay Kim Chung Tự). Chùa này lại xây trên một nền chùa Thổ đã có trước đời Gia Long. Theo cụ Trương Vĩnh Ký thì chúa Duệ Tông bị Tây Sơn bắt tại vùng Ba Thắc (thuộc Cà Mau) và chúa Mục Vương bị bắt tại Ba Vác (thuộc Bến Tre, gần Mỏ Cày) đều bị hành quyết gần Kim Chương Tự, lối năm 1776.

Còn tại thành lính tập Ô Ma (Camp des Mares) thì còn có miếu thờ các công thần nhà Nguyễn, lập năm 1804, chữ gọi “Hiển Trung Từ”. Nơi đây khi xưa có các bài vị thờ tất cả 1015 sĩ tử liều mình vì nước trong các trận chống Tây Sơn, trong số đó có một võ tướng quốc tịch Pháp tử trận Thị Nại, ta gọi ông Mạnh Hoè (Manuel). Miễu này đã ghi vào bộ các cổ tích trường Viễn Đông Bác Cổ; năm 1927 chùa này được trường Bác Cổ xuất tiền trùng tu lại tử tế; qua năm 1939 triều đình Huế có biệt phái một đại thần vào đây tế tự (ngày 10 tháng 11 dương lịch). Tang thương biến đổi, đến thời binh Nhật hoành hành một lúc… Chùa đã hư tệ sẵn, thêm các lính tập đạo binh Lang sa phá phách, hầu hết những bài vị đều xiêu lạc. Vợ con binh lính đến ăn ở nơi đây không lòng bảo tồn, nên chùa mau điêu tàn. Đến lượt đạo binh viễn chinh Pháp trở lại chiếm thành Ô Ma sau khi Nhật đầu hàng, thì họ triệt hạ Hiển Trung Từ lúc nào không rõ ắt, bất chấp đó là di tích hiếm có trong Nam. Kịp đến khi Pháp trả thành Ô Ma cho Việt Nam Cộng Hoà, thì đền Trung Hiển chỉ còn một danh từ hão trong trí nhớ của những người hiếu cổ. Lại nữa, trong tập kí ức của cụ Trương Vĩnh Ký, còn nhắc một cổ miếu của thành Ô Ma này, danh gọi “Miễu Hội Đồng” (thờ đủ chư vị), cũng gọi là “Miễu Thánh”, có trước đời Gia Long. Tập kí ức cho ta biết thêm rằng vị trí miếu này ở giữa hai hào sen lớn. Nhưng năm 1885 võ quan Pháp chiếm cứ miếu này làm nơi ăn ở thành thử lâu ngày miếu xưa mất tích, nay không còn biết rõ chắc xưa ở nơi nào. Cụ Trương Vĩnh Ký nhắc lại chính trước Hiển Trung Từ và Miễu Hội Đồng ngoài Lộ cái, thuở cựu trào có xây hai cột gạch và đá, một đề “Khuynh Cái” (nghiêng lọng nghiêng dù), một đề “Hạ Mã” (xuống ngựa), nay di tích ở đâu?

Lại còn một ngôi chùa khác nữa gọi “Chùa Oâng Phúc”, cũng gọi “Chùa Phật Lớn”, trong tập kí ức ghi ở bọc theo một con lộ nhỏ dài theo bờ ao sen lớn thành Ô Ma, thì cụ Trương Vĩnh Ký đã nhìn nhận mất tích từ năm 1885 vậy.

Khỏi một cống nước ăn thông với ngọn “Rạch Cầu Bà Đô”, thì xưa kia có hai ngôi mộ khá to, tương truyền là mộ phần của hai hoàng tử con của Nguyễn Văn Nhạc tục gọi là “Mộ Hoàng Thuỳ” và “Mộ Hoàng Trớt”, nay đã không còn vì có lẽ bị phá bỏ từ lâu để xây cất nhà phố, đâu còn cháu con dòng họ để nhìn nhận? Thậm chí tiếng đồn trước kia tại Rạch Bà Đô có một cái chợ, vì nhóm họp buổi sáng nên danh gọi là “Chợ Mai” nay cũng không biết khi xưa toạ lạc chốn nào? Rạch Bà Đô, di tích tồn tại đến năm 1959, còn dấu cũ con rạch nước dơ, nay đã lấp đi, nhường chỗ cho một trạm bán xăng, đường Trần Hưng Đạo, ngó xéo qua đại lộ Cộng Hoà (Nguyễn Văn Cừ).

Con đường ngang Nhà Thờ Chợ Quán có hai ngôi chùa, một gọi “Kim Tiên Tự”, sau đổi lại là “Nhân Sơn Tự”, một cái khác nữa gọi là “Chùa Gia Điền”. Hai chùa này đã không còn từ năm 1885.

Từ Chợ Quán trở vô Chợ Lớn thì đầu tiên gặp “Xóm Bột”, ngày ngày phơi trắng dã tận lề đường những bột mì, bột đậu, bột lọc, bột khoai v.v… Đi tới nữa thì gặp “Chợ Hôm”, nhóm chiều tối để đối với “Chợ Mai” đã nói trên.

Sau Chợ Hôm, có một ngôi chùa thờ một vị tướng lãnh của Cao Hoàng, bị Tây Sơn giết, không biết tên, chỉ ghi họ Trần. Chùa “Trần Tướng” ở đâu cũng không ai biết.

Trên một con rạch nhỏ, gần mộ nghĩa địa người Tàu có một cái cầu, gọi “Cầu Linh Yển”. Yển là một quân sĩ trung thành của Nguyễn Chúa, một hôm cõng vua trên vai, chạy đến đây thì ngộ nạn. Chúa được một lực sĩ thay vai cõng chạy vuột, Yển bị Tây Sơn giết. Chúa Nguyễn thương tiếc lắm, sau tức vị sai dân lập miếu thờ Yển. Trong sách ghi miếu thuộc xóm Tân Thuận, cũng có tên khác là “Hàm Luông”.

Gần nơi đây, thuở xa xưa có một gốc me thật lớn, dưới bóng râm có lập một quán chuyên bán bánh nghệ tục danh là “Quán Bánh Nghệ”. Cũng vì cây me ấy, nên xóm này gọi “Xóm Cây Me Mát”.

Đường Đồng Khánh (Marins cũ) có hai xóm là “Xóm Cốm” và “Xóm Chỉ”. Mặc dầu nay đã có tên Việt (Đồng Khánh), đường Marins xưa vẫn có một tên riêng rất thơ là “Hàng Cháo Muối”, cho đến nay người cố cựu đất Chợ Lớn vẫn quen dùng chưa bỏ. Truy ra ở đây lúc trước có một người Triều Châu khuya khuya gánh “cháo muối” (thứ cháo trắng nấu thật nhừ với tấm xay nhỏ, trong cháo lỏng bỏng có vài trái bạch quả, cũng gọi “bạch quả chúc”. Người Quảng Đông thích ăn cháo muối sau một đêm thức trắng, vì nhẹ tiêu mau khỏe con người). bán dài theo con đường nầy. Món hàng rẻ tiền, vừa nóng vừa ngon, đã giúp ông “danh lưu hậu đại”. Cũng như đường Tản Đà, thuở trước mì cháo đều ngon, có thứ tép lăn bột chiên nguyên con và cháo “bào ngư” thật ngọt. Ngày nay đã cấm bán rong ngoài đường, những thức ăn khuya đặc biệt nầy mất, và mất luôn “những thú phong lưu” cựu thời của bợm sành ăn.

Trong kẹt đường Đồng Khánh, gần đầu cầu Chà Và vài ba mươi năm trước, có một lão Tiều gánh gánh bán cháo khô cá hường ăn với cải “tằng ô”. Đèn nhá nhem, người bu đông đến độ cháo không kịp bán, thêm tuổi vừa đôi mươi “ăn sắt cũng tiêu”, bàn ghế không có, mỗi người tự tiện lấy húp ngon lành, ngó mặt nhau vẫn quen quen: Cô Ba Trà, ông Cò mi Kính và tớ đây, kẻ còn, người mất, đứa bạc đầu.

h) Cầu Đường, Cầu Khâm Sai, Chùa Cây Mai

Nay thử bắt đầu từ trong Chợ Lớn kể ra. Về phía bên kia “Đường Trên” (Route Haute), lần lượt ta gặp:

Nghe nói lại, lối năm 1885, thì chợ cũ ở vào xóm nhà Dưỡng đường Chợ Rẫy, nay chỉ còn trơ lại một danh trơn và đây có lẽ là một chợ hồi đời trước, đến trào Pháp lại dẹp đi. Trước Dưỡng đường Chợ Rẫy, xưa kia có một ngôi mộ cổ bằng vôi, kiểu chạm trổ rất khéo, tương truyền là của một ông hầu tước họ Đỗ (Tombeau du marquis de Đỗ). Trường Viễn Đông Bác cổ đã xin liệt kê làm cổ tích, nhưng chủ đất là người có thế lực, một hai xin phá để cất phố xá và viên Toàn quyền Decoux ưng lời, thiệt là rất tiếc cho một cổ tích không có người ủng hộ. Mộ phần họ Đỗ này có dính líu chăng với Tả quân phu nhơn, tên tộc là Đỗ Thị Phẫn. Tương truyền khi Lê Tả quân bị tội, phu nhơn về ngụ nơi xóm Chợ Rẫy, trong một ngôi chùa Phật, do bà mẹ năm xưa đứng tạo lập tục danh là Chùa Bà Dội.

Từ con đường Cháo Muối (Đồng Khánh) xuống một con kinh, sau lấp đi biến thành đại lộ Tổng Đốc Phương, thì có xóm người “Minh Hương”, ngày nay còn sót lại một di tích nguy nga tráng lệ là chùa “Minh Hương Gia Thạnh”, tạo lập năm 1788, về sau có tu bổ lại nhiều lần. Chùa này nằm trên đờng Đồng Khánh, day mặt ngó qua Bót Cái Quận Tư (nay đổi làm Quận Năm), trong chùa còn giữ được đạo sắc thần của vua phong, cùng bài vị sơn son thếp vàng của các ông Trần Thắng Tài, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Vương Hữu Quang và bút tích liễn đối do tay Trịnh Hoài Đức viết. Đây là một xóm kỳ cựu nhất và hiệp với xóm Chùa Quan Võ, đường Triệu Quang Phục (Quảng Tống Cái cũ), là trung tâm buôn bán của cựu Chợ Lớn ngày xưa. Ông Trương Vĩnh Ký nhắc năm 1885 tại đây có nhiều nhà buôn giàu có, vách xây gạch hai mươi, nnóc có phong tô, lợp ngói lăn ống y một kiểu kiến trúc như bên Trung Quốc, nay xem lại nhiều nhà vẫn y như cũ.

Các nhà buôn lớn người Tàu xưng “Tầu Khậu”, do danh từ (đây là từ tiếng Hoa, đọc âm Hán Việt là “Thổ khố”, nghĩa là nhà chứa hàng hoá) phát âm giọng Triều Châu Phúc Kiến. Cũng có khi họ dùng danh từ “Đại Khố” (đồng một nghĩa với từ trên). Khi khác họ tâng nhau, xưng là “Tàu kê” (Đại Gia), tỷ dụ như Chà Đen cho vay bạc, tức Chà chetty cũng xưng “Tàu kê mập”, “Tàu kê ốm”, Chà bán vải cũng xưng “Tàu kê bán vải”, thậm chí mụ tú bà cũng bắt gọi mình là “Mụ Tàu kê” và oái ăm thay, “hạng lãnh giấy số ở nhà má” hẳn đòi để treo giá ngọc, cũng xưng mình là “con gái nhà đại gia”, “gái Tàu kê” chính cống.

Mỗi năm cứ đến mùa gió thuận, thì thuyền buôn miệt Sơn Đầu (Swa-tow) chở hàng từ Trung Hoa sang đất Việt đổi chác lăng xăng: cam Quảng (Quảng Đông), cam Tiều (Triều Châu), hồng khô, kim quýt kiểng, hàng lụa Bắc Thảo…
Ở gần vùng này, trong sách còn ghi một cái cầu danh gọi Cầu Đường, vì ở xóm bán đường phèn, đường thẻ, đường hạ, đường cát, đường phổi đủ thứ. Cầu Đường này nối liền hai cái chợ:

– Một chợ nhà lồng hình tam giác, trong chợ bán đủ món, dọc ba bên có tiệm chạp phô Hoa kiều tấp nập (nay nhà chợ đã nhường chỗ cho nhà Bưu điện Chợ Lớn).

– Một chợ hình chữ nhật, từ Cầu Đường đến đường Thuỷ Binh, nay trở nên một đoạn của đại lộ Tổng đốc Phương. Và ngày nay Rạch Chợ Lớn cũng gọi Rạch Cầu Đường biến thành đại lộ Gaudot, và nhà “Thông Hiệp” của Quách Đàm chính ở đây day mặt tiền ra Rạch Cầu Đường (Rạch Chợ Lớn) với cái mộng “phong thuỷ đầu Rồng”.

Từ Cầu Đường vô Cầu Khâm Sai, trên đường Gò Công, cũng gọi Cầu Khâm Sai hay Cầu Ba Miệng, nhà cửa nối liền san sát xem rất ngoạn mục. Xóm Lò Gốm ở ném về làng Phú Lâm, trên một con kinh thông ra Ngã Tư, đầu kia chạy tới Cầu Khâm Sai, dân trong xóm sanh nhai bằng nghề làm đồ gốm, ngói gạch, chậu kiểng, lu mái, đôn sành để chậu kiểng v.v…

Tại ngã tư, đầu đường Cây Mai cũ (nay Nguyễn Trãi) xưa có một cái cầu, danh gọi “Cầu Phố” vì bắc trong con đường “Phố Xếp”, là đường Tổng Đốc Phương hiện nay, nơi đây có kinh và nhà Đỗ Hữu Phương, nay kinh đã lấp, nhà họ Đỗ đã bán cho người Tàu dỡ mất và thế vào là nhà phố lầu cao ngất, tửu quán, ciné. Kinh Cầu Phố hồi đó gọi là “Kinh và Đường Phố Xếp”. Thân trên Chùa Bà (thờ bà Thiên Hậu Thánh Mẫu), dọc đường lên Cầu Phố, xưa có một cái giếng, tục gọi nôm na “Giếng Chùa Bà” hoặc “Giếng Bộng”. Có danh là nước tốt và ngọt hiền nên các nhà văn nhân thuở ấy đặt là “Giếng Cam Tuyền”.

Dài theo bờ kinh từ Cầu Đường trở ra đến Cầu Kinh Phố Xếp, là địa phận làng Quới Đức. Chợ nơi đây cũng gọi là “Chợ Kinh”.

Chỗ Nhà Thờ Cha Tam hiện nay xưa là “Chợ Lò Rèn”, đây là xóm của thợ rèn và thợ kéo chỉ sắt. Vì họ chuyên môn giỏi giắn nên thời ấy đã gọi họ là quân Mậu Tài. Chợ Lò Rèn ở bên kia đầu Cầu Phố. Ngày nay vẫn còn vài tiệm chuyên nghề kéo chỉ sắt và cán kim ngân ra lá, trước cửa tiệm có trưng bày một hay vài cái máy cán, quen gọi là “bàn cán” (laminoir).

Lối Đồn Cây Mai có một cái cầu gọi “Cầu Ông Tiều”. Theo tôi, “Tiều” đây là “Triều Châu” đọc trại đi, vì xóm có nhiều người làm rẫy dân Tiều, chớ không có người tiều phu nào.

Cùng bài vị sơn son thếp vàng của các ông Trần Thắng Tài, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Vương Hữu Quang và bút tích liễn đối do tay Trịnh Hoài Đức viết. Đây là một xóm kỳ cựu nhất và hiệp với xóm Chùa Quan Võ, đường Triệu Quang Phục (Quảng Tống Cái cũ), là trung tâm buôn bán của cựu CHợ Lớn ngày xưa. Ông Trương Vĩnh Ký nhắc năm 1885 tại đây có nhiều nhà buôn giàu có, vách xây gạch hai mươi, nnóc có phong tô, lợp ngói lăn ống y một kiểu kiến trúc như bên Trung Quốc, nay xem lại nhiều nhà vẫn y như cũ.

Các nhà buôn lớn người Tàu xưng “Tầu Khậu”, do danh từ (đây là từ tiếng Hoa, đọc âm Hán Việt là “Thổ khố”, nghĩa là nhà chứa hàng hoá) phát âm giọng Triều Châu Phúc Kiến. Cũng có khi họ dùng danh từ “Đại Khố” (đồng một nghĩa với từ trên). Khi khác họ tâng nhau, xưng là “Tàu kê” (Đại Gia), tỷ dụ như Chà Đen cho vay bạc, tức Chà chetty cũng xưng “Tàu kê mập”, “Tàu kê ốm”, Chà bán vải cũng xưng “Tàu kê bán vải”, thậm chí mụ tú bà cũng bắt gọi mình là “Mụ Tàu kê” và oái ăm thay, “hạng lãnh giấy số ở nhà má” hẳn đòi để treo giá ngọc, cũng xưng mình là “con gái nhà đại gia”, “gái Tàu kê” chính cống.

Mỗi năm cứ đến mùa gió thuận, thì thuyền buôn miệt Sơn Đầu (Swa-tow) chở hàng từ Trung Hoa sang đất Việt đổi chác lăng xăng: cam Quảng (Quảng Đông), cam Tiều (Triều Châu), hồng khô, kim quýt kiểng, hàng lụa Bắc Thảo…

Ở gần vùng này, trong sách còn ghi một cái cầu danh gọi Cầu Đường, vì ở xóm bán đường phèn, đường thẻ, đường hạ, đường cát, đường phổi đủ thứ. Cầu Đường này nối liền hai cái chợ:

– Một chợ nhà lồng hình tam giác, trong chợ bán đủ món, dọc ba bên có tiệm chạp phô Hoa kiều tấp nập (nay nhà chợ đã nhường chỗ cho nhà Bưu điện Chợ Lớn).

– Một chợ hình chữ nhật, từ Cầu Đường đến đường Thuỷ Binh, nay trở nên một đoạn của đại lộ Tổng đốc Phương. Và ngày nay Rạch Chợ Lớn cũng gọi Rạch Cầu Đường biến thành đại lộ Gaudot, và nhà “Thông Hiệp” của Quách Đàm chính ở đây day mặt tiền ra Rạch Cầu Đường (Rạch Chợ Lớn) với cái mộng “phong thuỷ đầu Rồng”.

Từ Cầu Đường vô Cầu Khâm Sai, trên đường Gò Công, cũng gọi Cầu Khâm Sai hay Cầu Ba Miệng, nhà cửa nối liền san sát xem rất ngoạn mục. Xóm Lò Gốm ở ném về làng Phú Lâm, trên một con kinh thông ra Ngã Tư, đầu kia chạy tới Cầu Khâm Sai, dân trong xóm sanh nhai bằng nghề làm đồ gốm, ngói gạch, chậu kiểng, lu mái, đôn sành để chậu kiểng v.v…

Tại ngã tư, đầu đường Cây Mai cũ (nay Nguyễn Trãi) xưa có một cái cầu, danh gọi “Cầu Phố” vì bắc trong con đường “Phố Xếp”, là đường Tổng Đốc Phương hiện nay, nơi đây có kinh và nhà Đỗ Hữu Phương, nay kinh đã lấp, nhà họ Đỗ đã bán cho người Tàu dỡ mất và thế vào là nhà phố lầu cao ngất, tửu quán, ciné. Kinh Cầu Phố hồi đó gọi là “Kinh và Đường Phố Xếp”. Thân trên Chùa Bà (thờ bà Thiên Hậu Thánh Mẫu), dọc đường lên Cầu Phố, xưa có một cái giếng, tục gọi nôm na “Giếng Chùa Bà” hoặc “Giếng Bộng”. Có danh là nước tốt và ngọt hiền nên các nhà văn nhân thuở ấy đặt là “Giếng Cam Tuyền”.

Dài theo bờ kinh từ Cầu Đường trở ra đến Cầu Kinh Phố Xếp, là địa phận làng Quới Đức. Chợ nơi đây cũng gọi là “Chợ Kinh”.

Chỗ Nhà Thờ Cha Tam hiện nay xưa là “Chợ Lò Rèn”, đây là xóm của thợ rèn và thợ kéo chỉ sắt. Vì họ chuyên môn giỏi giắn nên thời ấy đã gọi họ là quân Mậu Tài. Chợ Lò Rèn ở bên kia đầu Cầu Phố. Ngày nay vẫn còn vài tiệm chuyên nghề kéo chỉ sắt và cán kim ngân ra lá, trước cửa tiệm có trưng bày một hay vài cái máy cán, quen gọi là “bàn cán” (laminoir).

Lối Đồn Cây Mai có một cái cầu gọi “Cầu Ông Tiều”. Theo tôi, “Tiều” đây là “Triều Châu” đọc trại đi, vì xóm có nhiều người làm rẫy dân Tiều, chớ không có người tiều phu nào.

Theo ông Trịnh Hoài Đức, Chùa Cây Mai, tên chữ là Thứu Lãnh Tự, nguyên cất trên một nền chùa cổ Cao Miên, xung quanh có đào ao rộng và sâu, hồi xưa mỗi năm tại đây có tổ chức lễ đua “ghe ngo” (ghe ngo là “túk nguâ” của người Miên dùng để thi đua các làng có chùa Miên) tức là lễ “đưa” nước khi cuối mùa làm lúa và “lễ rước nước” đầu mùa làm ruộng. Dưới đời vua Minh Mạng, chùa được tu bổ lại, tương truyền hai ông Nguyễn Tri Phương và Phan Thanh Giản có lập tại đây một thuỷ tạ trên có gác cao. Bấy lâu nghe đồn tại chùa có một gốc mai già bông trắng, từng trải mấy phen biến cố, và đã làm đầu đề bài thơ bất hủ sau:

Vịnh Mai Sơn Tự (Chùa Cây Mai) Phú Lâm

“Đau đớn thay cho Mai cách dưới đèo.
Mười phần trong sạch phận cheo leo.
Sương in tuyết đóng cành thưa thớt.
Xuân đến thu về, sãi quạnh hiu.
Lặng lẽ chuông quen con bóng xế.
Tò le kèn lạ mặt trời chiều.
Những tay rượu thánh thi thần cũ.
Trông cảnh bao nhiêu tiếc bấy nhiêu”.

(Tôn Thọ Tường, bản Khuông Việt, tr.88)

Đầu xuân năm Canh Tý (1960), thi sĩ Đông Hồ đã đến thưởng bạch mai tận gốc, bận về viết bài “Tìm dấu bạch mai” đăng trong Bách Khoa số 76 ngày 1/3/1960 trang 23-32.

Kế đó ông bạn Thái Văn Kiểm có đưa tôi đến ngắm Cây mai “cổ tích” và viết tiếp bài ông Đông Hồ “Tìm dấu bạch mai” cũng trong Bách Khoa số 78 ngày 1/4/1960 trang 51-58.

Như vậy cũng đã cạn tàu ráo máng.

Sách Gia Định thông chí chép rằng năm 1816, sư tăng tu bổ chùa, nhân đào đất, có gặp dưới nền chùa nhiều thức gạch cũ và ngói cũ kiểu cổ Cao Miên, nhưng tiếc thay thời ấy chưa biết giá trị của những vật ấy nên không để lại dành làm tài liệu khảo cổ.

Gần Chùa Cây Mai (chữ gọi Mai Sơn Tự, khi gọi Thứu Lãnh Tự) còn một ngôi chùa khác gọi Phụng Sơn Tự, cũng thuộc lịch sử cận kim thời đại. Chùa này gọi tục danh là “Chùa Gò” vì cất trên một gò nổi cao, chung quanh nước bao bọc, quả là di tích của một nền chùa cổ Cao Miên. Hỏi thăm, một ông đạo trong chùa nói xưa có đào được một đại hồng chung của người Miên; tôi lấy làm ngờ vì người Cao Miên tu đạo Phật không dùng chuông như ta. Có chăng thì sách ghi lại rằng tại một nền Chùa Gò có đào gặp một khúc tay Phật đá, kiểu Miên, nhưng cũng không biết để dành khảo cứu. Vùng Cây Mai và Chùa Gò đáng được các nhà khảo cổ chú ý nhiều nếu muốn sưu tầm gối Prei Nokor.

Còn chỗ toà Hành chánh Chợ Lớn, xưa thuộc huyện Tân Long. Ngoài vòng rào toà Hành chánh có con đường rải đá chạy bọc theo hông Chùa Chà Và đạo Hồi, mấy năm trước còn mang tên “rue des Clochetons”. Đó là con đường xẻ chạy thẳng vô Chùa “Kiểng Phước” cổ tự. Năm 1860 binh ta lấy chùa Kiểng Phước làm ổ kháng chiến chống giặc Pháp. Năm 1866 chùa đã điêu tàn vì bị dỡ phá, chỉ còn chút phương danh trong lịch sử kháng chiến mà thôi. Truy ra vị trí chùa này nằm lọt giữa con đường Maréchal Foch (nay là đường Nguyễn Văn Thoại), còn một phần lớn lại ở về lô đất bông đồ mới số 20 và 23 ngang ngang lại với trường học con gái (bông đồ 21) thường gọi “Trường Bà Đầm”.

i) Trở về Chợ Quán

Tân Kiểng, Nhơn Giang (trước 1885 mang tên Nhơn Ngãi), Bình Yên là tên ba làng xưa, sau sáp nhập làm một là vùng CHợ Quán. Trước kia, nơi đây có làng Thợ Đúc, trong một bản đồ đính theo tập nhỏ này gọi “ancien village des fondeurs” – dân trong làng chuyên nghề trau lư đồng có tiếng, nổi danh một thuở, không kém lư Chợ Gạo (Phú Lâm). Gọi là “Chợ Quán” vì thuở trước chợ nhóm họp dưới gốc những cây me đại thọ lối nhà thương Chợ Quán hiện nay. Chung quanh chợ có nhiều quán xá lốc cốc tựu một chỗ nên đặt tên làm vậy.

Mấy mươi năm về trước, có một phú ông, sanh trưởng tại Chợ Quán di cư xuống miệt Sóc Trăng khai phá, làm ruộng lớn, lập nên sự nghiệp đồ sộ, về già thâu tóm của cải và tạo lập tại đường Trần Hưng Đạo một ngôi nhà hùng vĩ lấy tên là “Villa Nhơn Giang”, để nhắc lại tên xưa làng cũ. Tôi còn nhỏ không biết, mỗi lần đi ngang đều cười thầm hai chữ “Nhơn Giang”. Sau này, chủ nhân mãn phần, gặp năm kinh tế khủng hoảng, hội “Đức Trí Thể Dục” đấu giá mua lại rất rẻ, nhưng không biết vì sao lại lọt vào tay quân đội Nhật đến ở, rồi chuyển lần sang quân đội Pháp đến chiếm, mãi đến khi trở nên trụ sở cơ quan cố vấn quân sự Mỹ. Đến đây là dứt hay còn thay đổi chủ nữa? Phải chăng vì nhà choán chỗ nền cũ Chùa Miên nên không ai cầm giữ được lâu bền? Hỏi thì ló mòi dị đoan, nhưng không hỏi không được! Ngôi nhà này toạ lạc trên một cuộc đất cao ráo, trong sách ông Trương Vĩnh Ký viết năm 1885 đã bày rõ vẻ cổ tích của vùng đất này, sau Viện Bảo Tàng đến đào và tìm gặp nhiều tảng đá to kiểu Cao Miên, hiện đem về đặt ngoài hành lang Việt, xem lại hình như đó là táng cửa, táng cột phướn Khmer và định chừng nếu có dịp đào đất chỗ này, may ra còn gặp cổ tích Prei Nokor nữa.

Ngang toà nhà cũ “Đức Trí Thể Dục”, có một ngôi nhà lầu không kém vĩ đại và có liên quan đến cổ tích Cổ Sài Gòn. Nhà xây cất trên nền nhà xưa của học giả Trương Vĩnh Ký tiên sinh, ngoài cửa, chục năm về trước, còn thấy gắn một bảng đá biên rành mạch sự tích này, nhưng nay không rõ vì sao đã dẹp không còn treo nữa? Chủ nhà này (quý danh là H.M.Ph). là một người đàn bà có chí lớn và có sự nghiệp ruộng đất mênh mông vùng Sóc Trăng quê tôi. Hôm nay tôi tưởng niệm bà là người mua sắm đồ sứ cổ trước nhất trong Nam và bà quả là người có ngọc nhỡn trong khoa chơi cổ ngoạn. Năm 1940, Nhật đổ bộ vào đây, trước tiên đến chiếm cứ ngôi nhà này, đặt làm trụ sở và trục xuất bà. Nhật bại binh, ngôi nhà này sang tay quân đội Pháp, mãi đến nay tang thương biến đổi, gia chủ đã lìa trần, ngôi nhà thay chủ, trở nên một xưởng dạy đóng giày và may quân phục… Bây giờ là trại Yên Thế. Cố chủ đã mất, không rõ những đồ xưa quý giá dời giấu lúc loạn ly nay còn gìn giữ nguyên vẹn hay chăng?

Nhắc đến bà, khiến tôi nhớ lại một buổi sáng năm 1939. Lúc ấy bà còn sõi lắm, tuổi tác trên 80 mà nhanh nhẹn như người cỡ lục tuần. Sáng hôm ấy, tôi đến gõ cửa nhờ báo tin có khách muốn xem đồ cổ ngoạn. Đến khi tôi trình diện, bà thấy tôi còn nhỏ tuổi, bà hơi ngại dạ, nhưng đẫ hứa lỡ, bà cũng chẳng đã ừ hữ có chừng. Sẵn bà ngồi rửa mặt, bà đưa tay chỉ sơ những món chưng bày gần chỗ bà ngồi cho tôi xem, tức những món để nhà bếp! Tôi rảo một vòng, thấy nào chóe lớn, tô xưa đủ cỡ, cái nào cũng khá, cũng coi được. Xem rồi, tôi định kiếu từ, nhưng nãy giờ tôi không dè chừng bà để ý từng cử chỉ, từng lời bình phẩm. Độ chừng không chướng tai bà lắm nên bà sai trẻ mở rộng cửa nhà trên lúc nào tôi không hay biết, khi tôi cáo thoái bà không cho, mời tôi bước thẳng lên thưởng thức đồ sưu tập chính thức. Đây mới quả là một bộ môn có giá trị, gồm đủ các loại: be, bầu, ngõng, hũ, chóe, nai, nậm, nhạo, vò, chum v.v… cái nào cái ấy toàn hảo xinh tốt thật cổ, thật quý, đáng gọi đồ sưu tập danh bất hư truyền. Tôi xem mãi không biết chán, day lại thấy mắt bà lóng lánh vui vui. Nhưng ngày giờ có hạn, tôi không dám lợi dụng lòng tốt của bà nên xin kiếu một phen nữa. Phu nhân không nghe, mời lên lầu xem nốt những đặc phẩm thuở nay ít cho mắt người lạ ngó vào. Ban đầu, tôi cũng tưởng vị lòng phu nhân lên xem lấy lệ, nhưng khi vào được “tháp ngà chứa toàn bảo vật” này, tôi mới hiểu tôi tốt phước bậc nào! Làm sao tả được những cái khéo cái lạ chứa trên lầu của phu nhân? Hạt hổ phách lớn bằng trái mù u chưa lột vỏ! Ngọc mã não tiện tròn làm hạt chuỗi Bồ đề, nhưng khoét bộng ruột để chứa thuốc độc (nghe đâu đó là chuỗi thánh trị gia đời Tự Đức thường đeo hộ thân, phòng khi ngộ biến lấy đó huỷ mình, khỏi lậu cơ mưu, và cũng không cho tục nhân xâm phạm quý thể). Còn đây là bộ chén trà bằng ngọc lưu ly, nếu rót nước vào thì vun chùn như miệng chén lên be thêm; còn kia là bầu thuỷ tinh trong suốt, lóng lánh chói như hạt sương gặp nắng; này là đấu rượu bằng sừng tê giác (nôm gọi u tây) chạm rõ khéo, tuyệt đẹp. Mà đẹp nhất, quý nhất có lẽ là hai tấm cửa bật để che gió: khuôn vành bằng trắc “hổ bì” vân mun vằn vện rất lạ mắt; mặt khảm ngọc thạch nguyên miếng và cẩm thạch màu xanh lục “phỉ thuý”, một bên thì chạm “kỳ sơn dị thảo”, một mặt khắc bài thi, toàn “thi ngự chế, ngự bút” vua Càn Long, nội mấy tấm ngọc này, giá thử lấy ra làm trang sức phẩm thì không biết bao nhiêu tiền.

Nơi giữa nhà, dựa theo hai cột cái, chưng hai lộc bình to tướng, men lam chấm “sơn thuỷ”, cái nào cái nấy sức tôi ôm không giáp và cao còn chút xíu nữa đụng trần nhà, cả hai không tì không vết, không khờn cũng không mẻ, mới đáng gọi là của vua của chúa gì đây! Nhưng theo ý tôi, những món này tuy quý lạ, vẫn không làm cho tôi say mê bằng mấy bộ chén trà và tô uống trà, có thơ nôm hoặc hiệu đề đúng vào những năm đi sứ của sứ bộ Nguyễn triều, hoặc những bình tích “Mạnh Thần”, “Thế Đức”, thật cổ thật xinh, thuở nay tôi chưa từng thấy ở đâu có nhiều và có đẹp như ở nhà này. Xem không mãn nhãn, nhưng phu nhân bản thân hướng dẫn, sớm giờ đã quý lắm rồi, tôi kiếu từ, bà dặn với bảo tôi khi nào rảnh trở lại tiếp xúc với các công tử và ráng giùm giảng giải nghĩa các cậu nghe rằng mua sắm đồ cổ không phải là đem tiền vứt sông vứt biển! Lúc từ giã, tôi có cảm giác sống cảnh “Cao Thiên Tứ viếng nhà Lưu Dung” tả trong truyện Tàu “Càn Long hạ Giang Nam”. Cao Thiên Tứ là tên giả của vua Càn Long, xưng tạm trong khi đi chơi miền Nam, viếng nhà Lưu Dung, thấy biển đề năm chữ “THIÊN HẠ ĐỆ NHẤT GIA”, vua không bằng lòng nên tự tìm hiểu trước khi phán đoán. Nhà năm ngăn bảy nắp có vòng tường bao bọc không khác cung điện của nhà vua. Vào nhà trước gặp cháu nội Lưu Dung, còn học sinh, chưa biết gì. Vô nhà tầng nhì gặp con trai họ Lưu, cũng ú ớ không trả lời được. Nhập vào tầng thứ ba gặp em Lưu Dung và tầng thứ tư gặp cha của Lưu Dung, đều ấp úng cắt nghĩa không gãy gọn năm chữ vàng nọ. Duy khi đến đại thính đường gặp một lão trượng đầu râu bạc phếu, dáng điệu thanh kỳ, đây chính là ông nội của thừa tướng Lưu Dung.

Oâng giải rằng ông được tám mươi mốt tuổi, ăn lễ bát tuần thượng thọ, anh em trong xóm thấy nhà ông năm đời khoa giáp nối tiếp không dứt, phú quý vinh hoa tột phẩm, thêm trường thọ sum vầy, nên đi tặng ông tấm biển sơn son thếp vàng “THIÊN HẠ ĐỆ NHẤT GIA” ấy. Cao Thiên Tứ nghe rõ tự sự, gật đầu nhận thầm rằng năm chữ vàng rất xứng và không có chi là phạm thượng. Tôi đứng lại kể sự tích này cho phu nhân nghe, không dám tự ví mình với Cao Thiên Tứ hoặc với ông hoàng đế phong lưu nhà Mãn Thanh, nhưng nhấn mạnh nơi chỗ nhà phu nhân kể từ nhà bếp, nhà dưới lầu trên không khác mấy đời thế phiệt, câu “THIÊN HẠ ĐỆ NHẤT GIA” sánh với chỗ này không chi là ép gượng. Phu nhân không trả lời, đứng trước thềm nhà tiễn tôi, hai hột kim cương nơi trái tai runh rinh lóng lánh. Dè đâu đó là buổi chót! Nay bảo ngọc trân châu quý đến mấy phu nhân cũng chẳng màng bao, mấy hàng tưởng niệm thành kính này phu nhân cũng không bao giờ đọc.

Trở lại câu chuyện làng Chợ Quán, từ đường Nhà Thương đi đến một cái ao lớn, chỗ này mới đúng là làng Thợ Đúc năm xưa.

Gần ngôi nhà lầu Đức Trí Thể Dục, còn dấu tích một xóm cổ người Miên, hiện nay trong xóm còn một gò đất cao hơn mặt đường cái, khách đi trên đường Trần Hưng Đạo dòm vào thấy cao ngùn ngụn, đây là nền chùa và xóm Thổ đời trước. Thỉnh thoảng dân cư còn đào gặp gạch cũ kiểu Cao Miên, và cách nay mấy chục năm Viện Bảo tàng có sưu tầm tại chỗ, nào Phật đá nhỏ, Phật đồng đủ cỡ, đồ từ khí lụn vụn, đặc biệt là một đèn đồng xưa hình hoa sen, trổ tượng một nô bộc chân quỳ, hai tay bưng thiếp dầu; thêm có ba tảng đá lớn mòn lỳ, độ chừng đây là ngạch cửa chùa Thổ đời xưa. Các vật này hiện đem về lưu trữ tại Viện Bảo tàng để làm dấu tích “Cổ Sài Gòn”, một mớ thu xếp theo hành lang, một mớ để trong tủ kiếng Trung đường.

Từ làng Nhơn Ngãi (sau đổi Nhơn Giang) tới giáp đường Cầu Kho, xưa kia nhà phố đông đúc lắm, mỗi nhà chung quanh đều có vườn tược cây trái xum xuê. Gần đây có một xóm nguyên là của những người ăn mày khi trước. Thuở Nguyễn Ánh tỵ nạn trong Nam, bọn này có công cứu giá. Theo khẩu truyền, bữa đó binh Tây Sơn truy nã ngặt lắm. Tưởng vua khó thoát chết. May sao chạy đến đây, bọn ăn mày ra tay ủng hộ. Một mặt họ chỉ đường cho vua ăn nấp. Một mặt họ xúm lại người đánh trống kẻ đập thùng… làm phở lỡ thế nào, binh tướng Tây Sơn ngộ tưởng binh mã Chúa Nguyễn tụ tập nơi đây đông lắm, e quả bất địch chúng, nên họ rút lui, Nguyễn Ánh thoát nạn. Về sau nhớ ơn xưa, Gia Long cho phép lập xóm này ban cho ba chữ “Tân Lộc Phường”. Chỗ này, truy ra trước kia là ruộng lúa của người Miên trồng trọt, đủ biết hồi đời đó, dân thưa đất rộng đến bậc nào.

Qua tay Nam trào, dân ta bồi ruộng thành đất nền và đào một con kinh để lấy đất lấp nền, dân trong xóm làm một cây cầu lấy tên “Cầu Gạo”, vì trong xóm chuyên bán gạo. Cách đó không xa có một xóm bán lá lợp nhà, tục danh “Xóm Lá Buông”. Xóm Lá Buông ăn thông qua đường Boresse cũ, giáp lại với Xóm Cầu Quan đã có nói rồi.

Xóm Lá Buông nay biết được vị trí của nó nhờ trong sách có ghi rằng nơi đây có một khúc đường danh gọi “Đường Nước Nhỉ”. Đường này xét ra ở giữa đường đi Chợ Lớn đầu này trở ra Bến Thành, mé ngoài là chợ Kim Chung (Kim Chương), mé trong là “Xóm Cây Da Thằng Mọi”. Tài liệu này tôi gặp trong chú thích ghi dưới bài “Gia ĐỊnh vịnh” bản in Trương Vĩnh Ký 1882.

Theo một chỗ khác trong diễn văn đọc tại trường Hậu Bổ 1885, “Souvenirs historiques”, chính cụ Trương Vĩnh Ký cắt nghĩa thêm rằng: “Đường Nước Nhỉ” có cái tên làm vậy vì thường thường đường này bị ngập lụt, tứ mùa ẩm ướt. Nếu ai còn giữ bức địa đồ xưa nào, xin tìm hộ con đường Nước Nhỉ, theo cụ Vĩnh Ký thì ở vào lối khoảng đất đi chưa tới Sở Nuôi Ngựa (Haras) của nhà binh và Đồng Tập Trận (Plaine des tombeaux), từ vườn Bà Lớn (Phan Thanh Giản) ngó qua Trường Đua cũ, cánh Đồng Tập Trận ăn thông đến Xóm Lách, trên đường Yên Đỗ, chạy ra sau nhà cũ Blancsubé, vì nhà này thường được nhắc đi nhắc lại trong bài khảo cứu của cụ Trương Vĩnh Ký. Nay định chừng thì nhà Blancsubé vốn ở lối đường Lê Văn Duyệt (Verdun cũ) giữa chặng thành Ô Ma (trụ sở Công an và Cảnh sát) chạy lên Chợ Đũi. Con Đường Nước Nhỉ phải chăng nay là con đường Cống Quỳnh ăn qua đường Phạm Ngũ Lão? Đường Cống Quỳnh trước kia là con đường Blancsubé sau đổi làm rue d’Arras.

Để nhắc lại đây là một danh từ “là lạ” xưa thường dùng mà không nghe nay nói nữa, danh từ này thoạt nghe như có tính cách tục tĩu đó là hai tiếng “Cầu Khấc”. Theo cụ Trương Vĩnh Ký xưa có đến hai cái cầu trùng tên như vậy: ấy là “Cầu Bà Châu” (phải chăng Bà Lệ Châu thờ làm tổ của những người thợ bạc thợ vàng Chợ Lớn?) và một cầu khác nữa là “Cầu Khấc” ngoài chợ Cầu Kho đi lên Đường Nước Nhỉ nói trên.

Trong “Gia Định vịnh” có câu:

“Trên cây Da Còm, nỡ để ông Già gùi đội;
Dưới đường Cầu Khấc, chỉ cho trẻ con lạc loài”

Hai câu này dạy ta hai việc:

– Một là người xưa tánh tình chất phác thấy sao nói vậy, không hiểu nghĩa đôi ba, thanh ý tục, không kỵ cữ tiếng trùng âm như bây giờ;

– Hai là bởi quá say mê văn biền ngẫu, mỗi câu đều muốn đối chọi, chơi chữ, thành thử tối nghĩa. Đại ý như hai câu trên là:

Câu thứ nhất nhắc”Cây Da Còm” nảy ý nhớ đến cảnh “Ông Già” gùi đội trong đèn dầu “Thằng Mọi chân quỳ”, hoặc văn vật, nhớ câu“Lão giả bất phụ đái ư đạo lộ” (lời Thầy Mạnh), ý muốn nói hễ nước nhà thịnh trị thì “ông già không gùi đội”… (gùi đội là mang đội).

Câu nhì nói “Cầu Khấc” thị tứ, trẻ con có thể lạc đường… (câu này theo tôi không có cũng được).

j) Gần Dinh Độc Lập

Toà án hiện nay và trường Pháp Chasseloup cũ, đều ở ngoài thành luỹ. Dinh Tả quân phu nhân ở vòng rào dinh Thống Nhất (dinh Độc Lập – 1960) ngày nay.

Xa một độ thì có “Nhà Hoa”, tức là chốn dành cho Tả quân đến thưởng hoa giải muộn. Nhà hát bội, trường bắn ná cũng của Tả quân, nền Xã tắc đều ở vùng này. Xóm Lụa (dệt và bán lụa) cũng ở gần đây. Còn con đường Hồng Thập Tự chạy đến Sở Nuôi Ngựa cũ thì có “Xóm Thuẫn”, “Xóm Chậu”, “Xóm Củ Cải”.

“Chợ Cây Vông” thì ở lối nghĩa địa đô thành ngày nay ăn giáp tới Cầu Bông. Theo ông Trần Văn Học là ông quan đàng cựu đời Gia Long có công vẽ ra bản đồ thành Sài Gòn thời ấy (1815) thì Cầu Bông, trước kia gọi là “Cầu Cao Miên” sau đổi là “Cầu Hoa” rồi vì huý tên một bà phi tần của đức Minh Mạng nên gọi “Cầu Bông” cho đến ngày nay.

Còn trên đường Trưng Vương, có một cái cầu gọi là “Cầu Xóm Kiệu” sau gọi tắt “Cầu Kiệu”, nay còn giữ tên y như trước.

Qua khỏi “Cầu Kiệu” thì tới chợ Phú Nhuận, tục danh xưa là “Chợ Xã Tài”, (mả ở đường Công Lý nay đã cải táng). Làng Phú Nhuận, theo cụ Trương Vĩnh Ký, xưa sung túc lắm, trong làng đếm đến bảy mươi hai kiểng chùa, nay đâu còn?

k) Qua bên Thị Nghè

Thì gặp hai cầu: “Cầu Sơn” ở vùng đình Cầu Sơn và “Cầu Lầu”.

Cũng tại Thị Nghè, trước nhà thương Dưỡng lão, có một khoảng ruộng công điền, xưa gọi là “Tịch Điền”, mỗi năm Lê Tả quân đều có đến khai “lễ hạ canh” làm gương cho nông phu bắt đầu mùa năm mới, kế bên sở “Tịch Điền” có cái đền “Thần Nông”, nay nhà cửa dân cư đã xâm nhập mất dấu.

Theo cụ Trương Vĩnh Ký, lối năm 1885, gần rạch Thị Nghè đổ ra sông Sài Gòn, có một miếu thờ Đức Thánh Khổng Phu Tử, nay cũng không truy đúng ra ở nơi nào (trong phần chú thích “Gia Định vịnh” có ghi Văn Thánh Miếu, xưa ở đường Cầu Thị Nghè qua Cầu Sơn, Cầu Lầu, khúc vòng nông, thân trên Rạch Bà Nghè). Theo nguyên văn câu này đó ai biết Miếu Văn Thánh nay ở vào đâu?

Phần 5

l) Trên đường Cao Thắng

Gần Tam Tông Miếu, mấy năm về trước còn thấy một ngôi mộ xây ô dước to lớn, vì chồm ra lộ cái quá nhiều nên bị cải táng. Hỏi ra đó là mả Huỳnh Công Lý. Công Lý là quan to có con gái hầu đức Minh Mạng, được vua sủng ái nên hay cậy thế ỷ thần. Theo cụ Trương Vĩnh Ký chép lại, Lê Tả quân mắc ra chầu vua ngoài Huế, Công Lý ở lại Sài Gòn, có làm nhiều điều ngang dọc và dường như có xúc phạm đến một cô hầu của Tả quân. Khi về Quan Lớn Thượng hay được cả giận bèn tâu tự sự lên Minh Mạng. Oâng ua này có ý binh vực cha vợ nên hạ chỉ giải Công Lý ra Kinh đặng dễ bề tha tội. Tả quân biết trước, sẵn có trong tay Thượng phương Kiếm được quyền “tiền trảm hậu tấu” bèn chém đầu Huỳnh Công Lý, sai quân đóng thùng ướp muối, gởi thủ cấp về Kinh, trên nắp thùng viết mấy chữ: “Phụng Thừa Thánh Chỉ, xử trảm tội nhân”. Minh Mạng thấy sự đã rồi, trong lòng căm giận nhưng không làm gì được Lê Công. Sau Bố chánh Bạch Xuân Nguyên đem chuyện này ra kết tội khi quân cho Lê Công và vu thêm nhiều tội lớn nữa. Vì vậy mới có giặc Phó Vệ uý Khôi làm phản, giết Bạch Xuân Nguyên, chiếm cứ thành Sài Gòn cố thủ được ba năm. Năm 1834, Khôi đau bịnh rồi chết, bình định xong giặc Khôi, Minh Mạng sai phá bỏ thành Sài Gòn, và năm 1836 xây lại cái thành khác nhỏ hơn bằng vật liệu sẵn như đã nói rồi đoạn trước.

Thuở ấy trong dân gian có câu hát:

“Bao giờ bắt được giặc Khôi.
Cho yên việc nước chồng tôi đặng về”.

Khôi có hai phó tướng giúp sức, là ông Hoành (tú tài) và ông Trấm. Hai người ăn ở ngang tàng, ai ai cũng sợ họ. Ngày nay, mỗi khi gặp người quá ngang ngạnh, bực tức quá thì người dân Sài Gòn Bà Chiểu thường nói:

– Cha! Bộ nó là ông Hoành tái thế sao mà?

– Mấy cha đó, đâu cũng là ông Hoành ông Trấm chi đây!

Phần 5. 

Cổ tích chung quanh Sài Gòn Chợ Lớn

Trước năm 1954, lăng miếu cổ tích trong Nam được Trường Viễn Đông Bác Cổ giao phó cho quản thủ Pháp của Viện Bảo Tàng Sài Gòn chăm nom. Đến năm 1954 thì Pháp giao quyền lại cho Viện Khảo cổ Việt Nam quản thủ. Trào Pháp bơ thờ không lưu tâm nhiều tới cổ tích trong Nam, chê không cổ như đền Đế Thiên (Cao Miên) lại không thuần tuý như các đền chùa ngoài Bắc (Bút Tháp) hoặc ở miền Trung (chùa Thiên Mụ). Khi làm sổ liệt kê vào sách mục lục cổ tích, họ bỏ sót rất nhiều; nay Chính phủ ta chưa chỉnh đốn kịp, nên có nhiều người thừa dịp mua rẻ đất thổ mộ, vận động xin phép được cất nhà rồi xin bốc mả cải táng. Nếu Chánh phủ không khéo ngăn ngừa kịp lúc thì chẳng bao lâu nữa, chung quanh Sài Gòn tuy có vẻ phong quang hơn nhưng các cổ tích sẽ theo lưỡi cuốc vô tình của thợ xây nền nhà mà lui vào dĩ vãng hết. Nhiều lăng mộ có vẻ hùng vĩ, có thể nên để lại làm kiểu mẫu cho khoa kiến trúc lấy đó biết được cách thức bắt chỉ phong tô kiểu vở thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Không khéo ủng hộ và duy trì kịp thời, thì miền Nam có tiếng là rất nghèo về mỹ thuật và cổ tích, sẽ nghèo nàn về mỹ thuật và cổ tích hơn nữa, một phần lỗi là chưa làm sổ tu chỉnh liệt kê và bảo tồn cổ tích được chu đáo hơn.

Đường Công Lý nối dài, mé tay mặt khi ta đi từ Sài Gòn lên sân bay, cách nay lối hai mươi lăm năm, có một người ngoại kiều mua một sở đất trên có một ngôi mộ lâu đời không có ai nhìn nhận cả. Đơn xin bốc mả không ai ngăn trở. Quá hạn kỳ chủ đất thuê người phá mộ. Gặp một mão bằng vàng, một sợi dây đai cũng bằng vàng, nút áo cũng bằng vàng, lược giát đầu bằng đồi mồi còn nguyên vẹn, cũng bịt bằng vàng nốt, đem ra cân thử, cân được trên một ký lô vàng ròng (lối 30 lượng). Báo đồn rùm lên, chừng ấy mới thấy một người cháu họ ra mặt, nhờ trạng sư đem vụ ra toà phân xử. Toà phú cho tham biện Pháp tỉnh Gia Định điều tra. Ông Dufour là người ngay thẳng, làm phúc trình trả lời; việc lâu năm tôi không còn giữ được nguyên bản, nhớ mại mại có câu như vầy:

“Nên lập uỷ ban cân kỹ lưỡng các món đã tìm thấy trong mộ. Hãy định theo giá thị trường, đổi ra bạc băng, ký quỹ vào kho cung thác sở (caisse des dépôts et consignation) chờ lịnh toà. Nếu người khiếu nại có đủ bằng cớ chứng minh mmình là con cháu chắt của kẻ bạc phước nằm dưới nấm mộ kia, thì cho y lãnh của ấy về (đã tính ra tiền). Nếu chứng cứ không minh bạch, khi ấy sẽ tuỳ Toà định đoạt. Dầu chi đi nữa, những trang sức phẩm tìm được, nên ký thác cho Viện Bảo Tàng sở tại triển lãm cho bá tánh xem… Vì tánh chất công cộng nên không tính ra bạc số tiền công làm nên món đồ. Chúng ta, người Pháp, đã mang tiếng nhiều rằng “đến đây với danh hiệu kẻ đi cướp nước”. Không nên vì một lý do gì mà tư vị, ủng hộ bất chánh một “tiểu bối” “ăn cướp hạng nhì” mượn danh đại Pháp, bóc lột người bản xứ!”

Tiếc thay, Việt Bảo tàng không có phần. Các bảo vật ấy về Viện không bao lâu, kế gặp chiến tranh, ông quản thủ Pháp cất kín các vật trong một tủ sắt kiên cố, chở tủ ấy xuống gửi tại toà hành chính tỉnh Long Xuyên, tưởng vậy là chắc, không dè đến năm 1945, một nhóm người xâm đoạt luôn cả tủ cả bảo vật, Viện Bảo tàng mất hết không còn món nào.

Đây là một vụ thứ hai về phá mộ xưa. Hôm ấy nhằm ngày 16 tháng 11 năm 1953. nhân danh đại diện quản thủ Pháp Viện Bảo tàng Sài Gòn, tôi đến làng Hoà Hưng, vào một ngõ trong hẻm chi nhánh đường Lê Văn Duyệt coi cho người ta bốc một ngôi mả vôi vô thừa nhận, để đất trống cho tân nghiệp chủ tiện xây cất nhà cửa. Mộ này đã bị phá từ mấy ngày trước chỉ chừa cái hòm chưa cạy nắp, những chi tiết quan trọng, mộ bia, liễn đối đều không còn nên không làm sao rõ được chức phận, phẩm tước của người quá cố. Duy thấy chiếc quan tài bằng cây huỳnh đàng mà đoán địa vị người ấy khi xưa ắt cũng lớn lắm, giàu có lắm. Gỗ trai, huỳnh đàng, người mình thích đóng hòm cũng phải. Cứ bằng chứng nơi chiếc quạt tre phất giấy dầu trong tay người chết, quạt còn xòe được như mới, chữ còn sắc sảo vì viết bằng một chất phấn kim khí sáng sáng như chì rõ ràng đề “Gia Khánh đệ … niên” thì đoán hòm chôn đã được tròm trèm một trăm năm mươi năm rồi, thịt rã nát thành đất đen. Xương còn nguyên nhưng thâm xì, nhưng lạ thay, trên trán còn rõ ràng một miếng da người thấy lỗ chân lông nhầy nhầy nhìn còn được, cạnh gò má xương màu đỏ đỏ như nhuộm máu, buột miệng anh cò lai hôm ấy thốt ra một câu tôi nhớ mãi: “accident d’auto”. Quên nói hôm ấy có một ông bác sĩ và một phó cảnh sát trưởng đến chứng kiến với tôi vụ cải táng này.

Và trong ý anh cò lai, vì chưa thấy chiếc quạt “Gia Khánh” nên đinh ninh thây ma nằm đó chắc của một người mới chết gần đây vì tai nạn xe cộ, ô tô húc mà thôi! Mà lạ thật! Những cái gì cho ta trường cửu, thì trở nên tro bụi: vàng xi, nút áo bạc, mấy nút bằng pha lê biến thành chai (verre). Trái lại, những vật ta cho rằng mau mục, mau tan rã còn lại ràng ràng như mới: vỏ cau ăn trầu, chiếc chiếu lót dưới người chết còn đủ màu nhuộm ô xanh ô đỏ, thậm chí giấy tiền vàng bạc còn phân biệt để nguyên xấp, bên vàng bên bạc rành rạnh, không hư; trong tay, như đã nói, cầm chiếc quạt “Gia Khánh” gói trong vuông khăn nhiễu điều, cây quạt này xòe được lúc trong hòm lấy ra, đến cái chốt nan quạt cũng chẳng hề hấn gì (duy sau này cất để đến nay, giấy quạt khô trở nên giòn không mở ra được nữa). Trên bụng còn một gói, giở ra là trầu, thuốc xỉa (thành tro bụi), cau ăn, xác còn cứng chắc, một ống bạc đựng vôi đã hen rỉ, cả các món đựng trong một đãy trầu bằng gấm có thêu kim tuyến ràng ràng, một khăn đỏ khác gói hai cây viết lông, quản bút bằng trúc mới tinh, ngòi bút bằng lông mềm mại, khi lấy trong hòm ra, ước chừng lấy chấm mực viết như chơi, nhưng ra ío giây lát sau thì lông bút rớt ra khỏi quản. Ngay chỗ háng, giữa xương hai đùi, có một chùm lông rõ rệt. Râu đen, tóc dài đều còn nhưng sau râu lại nhét vào mồm, không để tự nhiên dài che cổ, ngực? Phong tục này xin hỏi các bậc lão thành. Răng nhuộm đen, chứng tỏ người chết là người Việt gốc gác không miền Bắc thì miền Trung, đầu chít khăn quấn tay, áo mặc nhiều lớp chồng lên nhau, vẫn còn nguyên xé nghe tèn tẹt.

Chiếc lược đồi mồi vẫn chưa mục, và hai món này: khăn, lược chứng tỏ cho ta biết người quá vãng không có phẩm tước triều đình (nên không đội mão). Dầu chi cũng là một người phong lưu khác giả nên có đem theo bút lông, cây xỉa răng bạc, cây móc tai dát vàng và bao đựng thuốc xỉa, thuốc hút, đãy đựng trầu ăn. Oâ hô! Giàu sang một đời, nằm xuống đất nay đã gần một trăm năm mươi năm, thế mà chưa được yên thân! Cháu con lâu đời át đã lui về quê cũ Bắc hoặc Trung, còn sót những đứa ở lại đây, một nắm xương tàn đối với chúng sao trọng bằng tiền bạc nên chúng đã ký tên bán đất, phú cho phu phá mồ đào cốt, cải táng về đâu mặc kệ. Ván hòm cứng thật. Ngoài da mốc mốc, đất ăn xầy xầy, tưởng bở. Chạm sâu một phân tây, cứng rắn vô cùng. Thậm chí, cái máy khoan điện, thuở nay nào biết kiêng nể thứ gì, sức bực sắt đá nó còn nhai như bánh bột thế mà máy khoan đâm không thủng nắp hòm! Khoét được lỗ nào chỉ đút sâu lỗ đó, chung quanh vẫn y nguyên. Khoan cả mấy giờ không xuể đâu vào đâu, phu phá mồ “xổ nho” nghe mà phát mệt! Thét rồi, chúng chạy về lấy búa thầu và đục thép cỡ lớn ra nói chuyện với huỳnh đàng! Nghĩ mà tội cho người nằm đó! Sắm hòm cây danh mộc tưởng chừng đủ chịu đựng với thời gian, không dè kẻ thù ngày nay là đức cháu bất hiếu, một tên võ phu tay cầm búa thầu đục thép.

Không một tiếng não bạt ê a, không một câu kinh an ủi. Nằm trơ đó mà chờ người ta mổ búa lớn vào nắp vào đầu. Nhà chức trách cũng bất lực, vô phương cứu cấp, mục kiến cho đám phu phá mồ dang thần lực nện búa thầu vào đầu đục, búa nào búa nấy nháng như búa Thiên Lôi. Hòm mở toang ra, chúng hốt lấy hốt để, từ hòm huỳnh đàng chuyển cốt qua một cái quách nhỏ bằng cây tạp dầu. Chiếc hòm quý huỳnh đàng mới làu làu phu phá mồ thừa hưởng, bán manh bán mủn cho phường dị đoan đem về là ghế xây, bàn cầu cơ. Quách dầu, vài đứa đem vùi một chỗ vô danh, chờ ngày không mục nát tự nhiên, thì đến năm cải táng nhường chỗ cho lớp khác. Chung quy có mớ đồ vật ký thác cho Viện Bảo tàng còn lưu lại hậu thế, kỳ dư trở về tro bụi. Nếu chánh phủ không sớm thảo điều lệ bảo vệ các cổ tích, lăng cũ, mộ xưa, cấm mua bán đất thổ mộ, liệt kê các ngôi mả bằng ô dước, vôi đá tại Việt Nam thì chẳng bao lâu nữa chung quanh Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn không còn sót lại một cái nào khỏi bị lưỡi cuốc phu phá mồ đưa về dĩ vãng.

Ngày trước đất rộng, dân gian tín ngưỡng, sợ chùa, miễu, mộ phần. Ngày nay đất chật, sự tin tưởng thần thánh, quỷ ma đã bớt, nhất là những đất có chôn mả thường bán rẻ tiền, miếng nào còn sót lại trong đô thành không chầy thì kíp cũng có người mua, dời mộ xây cất dinh thự, lâu đài, ít lâu người cố cựu cũng không làm sao nhớ nổi.

Đại lược các cổ tích còn sót lại và ngày nay còn thấy là:

– Lăng Thượng Công Lê Văn Duyệt tại chợ Bà Chiểu. Tả quân từ trần 1832, năm 1835 mộ bị san bằng phẳng, núm mộ bị xiềng lòi tói sắt. Năm 1848, vua Tự Đức tha tội truyền xây lại như cũ. Năm 1868, Tả quân được truy phục “Vọng các công thần, chưởng Tả quân Bình Tây Tướng quân Quận Công” và được vào “Miếu Trung Hưng Công Thần”.

– Lăng Phò mã Hậu quân Võ Tánh, mộ chánh tại Bình Định, đây là mộ chôn hình nhân bằng sáp, vì người tự thiêu trên giàn hoả, không còn thây thi. Mất năm Tân Dậu, ngày hai mươi bảy tháng năm năm 1801. lăng nằm trong vùng đất quân sự, vào cửa phải xin phép trước. Xưa tuy không vẻ nguy nga nhưng trang nghiêm. Nay tiêu điều lạnh lẽo. Trước năm 1942 còn sót lại bốn cây đại thọ đứng tứ trụ bốn góc lăng, là bốn cây thông do Gia Long sắc chỉ dạy trồng. Mỗi cây lớn cả ôm, da trổ da quy nứt lục lăng trông rất ngộ. Binh Nhật chiếm Sài Gòn, đục thông lấy tòng hương làm chết khô bốn cây cổ thụ, nay còn sót một gốc khô đứng sừng sựng, cảnh tang thương càng làm thêm đau lòng người hiếu cổ.

– Lăng Long Vân hầu Trương Tấn Bửu, đường Trương Tấn Bửu. Mất năm Minh Mạng thứ 8, ngày 2 tháng 8 năm 1827. vì người quản thủ không có óc thẩm mỹ, sửa chữa miếu kiểu ngoại lai, mộ phần trét xi măng, sơn vôi lố lăng trông xốn mắt.

– Lăng Bình Giang Bá Võ Di Nguy tại Phú Nhuận , trong hẻm một con đường mang tên của Ông nhưng con cháu đã bán đất chung quanh lăng, còn chừa nội phần mộ, kề bên có một chuồng heo dơ bẩn và một ngôi miếu thờ không đáng danh là miếu thờ. Đất là đất của Vua, con cháu công thần ăn hoa lợi. Nay trở nên đất của Nhà nước, tại sao ban quản thủ không xin thủ tiêu tờ mua bán đất bất hợp pháp (Bình Giang Quận công tử trận tại Thị Nại năm 1801).

– Lăng Bá Đa Lộc (Eùvêque d’Adran), thường gọi “Lăng Cha Cả” ở Tân Sơn Nhất, đường lên sân bay. Mất năm 1799, chôn vào đêm. Đám tang nửa theo phép đạo Thiên Chúa, nửa theo lễ tục Nam, tế trọng thể, bài ai điếu viết trên lụa vàng, nay còn để dành tại họ Sài Gòn.

– Sau Lăng Cha Cả là mộ phần chung các vị mục sư kế tiếpmất tại đây. Trong số, có mộ cha R. P. Liot, là bí thư của Đức linh mục d’Adran.

– Lăng Lê Văn Phong, sanh tiền tặng “ông Tả Dinh” là em của Lê Tả quân. Mất trước Tả quân nên mộ phần kiên cố hùng vĩ bởi do Tả quân đứng trông nom xây cất. Chúng tôi mới tìm được trước ở trong hoa viên nhà ông quản lý Đông Pháp Ngân hàng, sau vì đổi chủ nên mất tích. Trước ở về phía hữu đường Mac Mahon nối dài, nay ở về phía hữu đường Ngô Đình Khôi (?), khuất trong xa, phải cố tìm mới ra mối.

– Lăng Nguyễn Văn Học,trước kia Pháp gọi “tombeu du Maréchal Nguyễn Văn Học”. Nay truy ra không có công thần nào triều Nguyễn có tên họ như vậy. Có chăng là ông Trần Văn Học,tác giả bức địa đồ tỉnh Gia Định hoạ năm 1815? Ngày trước ngôi mộ Nguyễn Văn Học ở chỗ khác, chủ đất xin dời nên tham biện sai gỡ ra từng khối nguyên đem về ráp lại trong hoa viên gần toà hành chính như hiện nay ta thấy. Năm cải táng, 1939, lấy được đồ trang sức phẩm bằng vàng, mão, đai của nhất phẩm đại thần, về sau ông quản thủ Pháp dời giấu ở Long Xuyên bị cướp chung một số kiếp với những đồ vàng đào được tại đường Công Lý đã nói ở đoạn trước.

– Lăng quý tộc họ Hồ, hoàng thái hậu, vợ vua Minh Mạng, mẹ vua Thiệu Trị tại làng Linh Chiểu Tây (Thủ Đức).Lăng này còn tốt, tuy có vẻ đìu hiu. Trong sử ngày xưa, vua Tự Đức sai ông Phan Thanh Giản sang Pháp nói chuyện đem tiền chuộc đất ba tỉnh Miền Đông cũng vì những ngôi mộ này một phần nào.

– Lăng ông Nhiêu Lộc, cách kiến trúc khác hơn những lăng đã thấy, hình vuông vắn như ngôi nhà vững chắc. Lăng này trước kia Trường Viễn Đông Bác cổ chưa liệt kê, may thời nay lọt trong sở nhà đất thuộc sân bay Tân Sơn Nhất, tại đường Chi Lăng (?), giữa khoảng Võ Di Nguy (?) và Ngô Đình Khôi (?). Một ngôi mộ xưa nhỏ hơn mộ Nhiêu Lộc, vì ở gie ra ngoài đường Chi Lăng, nên đã bị phá, không biết khi cải táng có gặp món đồ gì có giá trị cổ tích chăng, vì lúc sau này, Ty Vệ sinh Đô thành, mỗi khi cải táng, không như trước, mời đại diện Viện Khảo cổ tham dự.

– Đất mộ phần dòng họ Trương Minh, tại Gò Vấp, đến đây hỏi thăm nhiều người biết. Phủ thờ cũ kỹ, kèo trính mối leo cả dây. Đặc biệt nơi đây còn giữ được trên trăm bài vị tiền nhân trong dòng họ. Còn sót vài món từ khí, bàn thờ, hoành phi, liễn đối nguyên xưa của nhà ông Thế Tải Trương Minh Ký, một học giả đồng thời ông Sĩ Tải Trương Vĩnh Ký. Mồ mả có cái xưa nhất là của ông bà Trương Minh Giảng thì xây bằng vôi trộn ô dước theo kiểu thế kỷ XIX, có riêng một ngôi mộ núm tròn kiểu khác lạ chưa từng thấy, đến như ngôi mộ của ông Trương Minh Ký cất đầu lối thế kỷ XIX đã “lai Tây”, có nóc bắt bông thạch cao kiểu bắt chước các mồ mả đạo Thiên Chúa, xuống một bậc nữa, đến cháu con ông Thế Tải thì có cái ngả hẳn về đạo Thiên Chúa, dầu núm đất cũng khắc mộ bia Việt ngữ, tên họ kèm theo tên thánh thêm đặt ảnh chụp lồng kiếng chân dung người quá vãng. Đi xem đất phần mộ họ Trương Minh, biết được kiểu mồ mả ba thế hệ: thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX và thế kỷ XX.

CÒN TIẾP =>>