368 lượt xem

Những nét riêng cuả người hoa ở Chợ Lớn

Người Hoa ở Chợ Lớn

Thông tin tham khảo về người Hoa ở Chợ Lớn..
1. Người Hoa ở Chợ Lớn phần lớn thuộc về bốn nhóm người chính: Quảng Đông (Việt) tính tình rộng rãi, giỏi kinh doanh buôn bán, Phúc Kiến (Mân) bảo thủ gia trưởng và coi trọng việc thi cử đỗ đạt, Triều Châu (Tiều) sống tiết kiệm, kham khổ và siêng năng và Khách Gia (Hẹ) đầu óc phóng khoáng và đặc biệt nấu ăn rất ngon, nhất là những món Tây. Trong đó Quảng Đông là nhóm đông nhất.
2. Ngôn ngữ chính để giao tiếp của người Hoa ở Chợ Lớn với nhau là tiếng Quảng Đông vì tiếng Quảng Đông tương đối dễ nói. Người Hẹ, Tiều và Phúc Kiến phần lớn đều có thể nói lưu loát tiếng Quảng Đông, còn người Quang Đông hiếm ai có thể nói được ba thứ tiếng còn lại. Điều này khiến Chợ Lớn rất giống Hong Kong về mặt ngôn ngữ với tiếng Quảng Đông là ngôn ngữ chính. Nhiều người Hoa ở Chợ Lớn biết tiếng Phổ thông nhưng nói không tốt vì hầu như chẳng bao giờ sử dụng.
3. Người Quảng Đông ở Chợ Lớn gọi nhau là Thoòng dành (Đường nhân) để nhắc nhở quê hương của họ là ở Đường Sơn, Quảng Đông, gọi Sài Gòn là Xấy Cung (Tây Cống) và Chợ Lớn là Thày Ngòn (Đề Ngạn). Còn người TQ thì gọi là Tài Lục dành (người đại Lục). Người Hoa Chợ Lớn không thích bị đánh đồng với người đại lục mà thích khi được khen giống người Héng Coỏng (Hương Cảng) hơn.
4. Người Hoa ở Chợ Lớn có một số đức tính như rất siêng năng và giữ chữ tín trong kinh doanh, hầu như hiếm khi xảy ra chuyện thất tín hay mua gian bán lận. Khi buôn bán với người Việt hoặc người nước ngoài, người Hoa cũng không lợi dụng sự bất đồng ngôn ngữ để bán giá khác cho khách. Họ cũng ít khi se sua chưng diện vẻ bề ngoài xe xịn, điện thoại xịn. Nhiều ông già người Hoa ngồi uống cà phê quán cóc có thể là xì thẩu (đại gia) cỡ bự.
5. Người Hoa Chợ Lớn coi trọng gia đình và phần lớn dạy con rất nghiêm. Gia đình nhiều thế hệ thường tụ tập đông đủ ăn cơm tối chung, hiếm có chuyện mỗi người bưng một tô cơm ngồi vừa làm việc riêng vừa ăn hay đi đâu quá giờ cơm tối. Tỉ lệ người Hoa nghiện ngập, cờ bạc, đánh nhau trong trường hoặc phá thai rất hiếm cũng một phần nhờ gia giáo nghiêm khắc.
6. Đàn ông người Hoa hiếm khi nhậu nhẹt rượu bia. Dịp duy nhất tôi thấy họ uống vài ly bia là đám cưới, thôi nôi hoặc tân gia và hầu như không bao giờ ép uống tới say. Các quán ăn của người Hoa buổi tối hầu như không hề thấy cảnh cánh đàn ông ngồi nhậu cà kê mà thường là cả gia đình vợ chồng con cái chở nhau đi ăn. Đàn ông người Hoa phần lớn đều nấu ăn rất ngon và không ngại chuyện bếp núc hoặc làm việc nhà.
7. Người Hoa Chợ Lớn cũng có một số nhược điểm như nhà ở không chú trọng vệ sinh nên rất bừa bộn và cũ kĩ, coi trọng việc đẻ con trai nối dõi tông đường,bảo thủ gia trưởng và mê tín. Các nghi thức ma chay cưới hỏi đều rất rườm rà và tốn kém.
8. Nếu như người Việt Nam hay sử dụng nước mắm để nêm nếm, người Hoa thường sử dụng nước tương, dấm đỏ, bột ngũ vị hương và dầu mè làm gia vị chính. Người Hoa ít dùng ớt tươi mà thường dùng gừng, tiêu, ớt khô hoặc sa tế để tạo vị cay cho món ăn.
9. Người Quảng Đông nổi tiếng các món canh tiềm, điểm tâm (há cảo, xíu mại), hoành thánh, sủi cảo, hủ tíu mì…người Tiều có cháo trắng cà na, trứng vịt muối, cải xá bấu, ruột heo xào cải chua, bún gạo xào và phá lấu…người Phúc Kiến có món Phật leo tường nổi danh còn người Hẹ nấu các món như cơm chiên, cơm xào, bò bít tết, gà xối mỡ, nui xào bò…những món kết hợp những nguyên liệu phương Tây như củ hành tây, cà chua, ớt chuông, khoai tây…là số một. Thời Pháp thuộc, các đầu bếp nấu ăn cho quan Tây phần lớn là người Hẹ.
10. Người Hoa ăn cơm nhất thiết phải có canh. Canh thường được nấu thật lâu, hầm nhừ các nguyên liệu như thịt, rau cải và các vị thuốc với nhau mấy tiếng đồng hồ rồi chủ yếu uống nước bỏ xác. Người Hoa ăn cơm không chan canh như người Việt mà uống canh sau khi ăn cơm với các món mặn xong.
11. Người Hoa thích ăn chè (thoòng sủi = nước đường). Chè người Hoa được nấu từ hầu như tất cả các loại nguyên liệu từ như các loại đậu (đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen), củ (khoai lang, khoai sọ, củ năng), hạt (bo bo, hat sen, ý nhĩ…) quả (táo tàu, nhãn nhục, trái vải, đu đủ…) các vị thuốc (hoài sơn, kỷ tử, thục địa, ngân nhĩ…) cho tới những thứ mang nguồn gốc động vật (trứng gà, trứng cút, tuyết giáp, mai rùa…). Chè người Hoa không có nước dừa như chè người Việt.
12. Món ăn Tết người Hoa thường là lạp xưởng, vịt lạp, canh tóc tiên giò heo đông cô, canh khổ qua dồn thịt, gà luộc và bánh tổ (niên cao). Tết Đoan ngọ ăn bánh bá chạng (gần giống bánh chưng của người Việt nhưng phần nhân có trứng vịt muối, thịt heo và nấm đông cô và được gói bằng lá tre) và thang viên (chè trôi nước). Người Hoa cũng cúng giao thừa, xông nhà, chúc tết cha mẹ và nhận lì xì vào mùng 1 tết nhưng không chưng mai đào hay hoa trong nhà như người Việt. Ngày giáp tết, người Hoa hay mua những tờ giấy đỏ viết chữ Phúc hoặc những câu chúc tết như “vạn sự như ý”, “xuất nhập bình an”, “sinh ý hưng long” (mua may bán đắt) viết bằng sơn nhũ kim về dán trên dưa hấu hoặc trên tường nhà và trước cửa. Nhà làm ăn thì hay rước đội lân về múa khai trương đầu năm.
13. Người Hoa phát lì xì hầu như bất cứ khi nào nhà có chuyện hỉ như đám cưới, thôi nôi, đầy tháng, khai trương, tân gia…với ý nghĩa chia lộc lấy hên. Màu may mắn là màu đỏ, màu xui xẻo là màu trắng, chỉ dùng cho tang ma.
14. Người Hoa có tinh thần đoàn kết tương trợ rất cao qua các hội đồng hương được gọi là hội quán. Các hội quán lúc trước là các hội kín của người Minh hương chống lại nhà Thanh. Khi qua tới Việt Nam, các bang hội này dần mất đi màu sắc chính trị mà chủ yếu tương trợ giúp đỡ đồng hương về mặt kinh tế. Trụ sở của các hội quán thường được đặt ở các miếu thờ Quan Công, Thiên Hậu nương nương hay Bổn Công (Triều Châu). Những hội quán này ở Hong Kong thường phát triển theo hướng làm ăn phi pháp gọi là “xã đoàn” tức băng đảng xã hội đen.
15. Ngoài những từ chỉ món ăn quá quen thuộc như hoành thánh, há cảo, xíu mại, xá xíu, lạp xưởng…người miền Nam trước 1975 còn dùng khá nhiều từ gốc tiếng Hoa như pạc sỉu (cà phê sữa đá ít cà phê), xây chừng (cà phê đen li nhỏ), tài mà ( đại ma = cần sa), xộ khám (toạ giam = ngồi tù), nhị tì (nghĩa địa) tài chảy, a có (ca = anh), a chế (tỷ = chị), sườn xám (trường xiêm = áo dài), xí quách (trư cốt = xương heo)…trong tiếng Quảng Đông, cà na, pò pía, hủ tíu (phảnh), phá lấu, thím (thẩm = vợ của chú hoặc người phụ nữ trung tuổi), tía (cha), má (mẹ), thèo lèo (trà liệu = bánh kẹo ăn khi uống trà),bánh pía, tùa hia (đại huynh)…trong tiếng Triều Châu để sử dụng trong lời ăn tiếng nói hằng ngày.