218 lượt xem

Đội Cấn

Danh nhân lịch sử Đội Cấn


Nguồn: sưu tầm.

Đội Cấn tên thật là Trịnh Văn Đạt, sinh năm 1881 mất năm 1918. Quê làng Yên Nhiên, tổng Thượng Nhung, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên ( nay là thôn Yên Nhiên, xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc). Cụ thân sinh ra ông là Trịnh Văn Đoan  đã từng làm việc cho viên cai tổng Đặng Văn Ngoan, một người  hưởng ứng chiếu Cần Vương chống thực dân Pháp từ 1895. Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị xâm lăng, Đội Cấn  đã chịu ảnh hưởng của thời cuộc và hình thành lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc. Vào năm 1884 sau khi bình định xong nước ta, thực dân Pháp thực hiện chính sách “Dùng người Việt trị người Việt”. Chúng ra sức bắt thanh niên trai tráng người Việt vào quân đội Pháp, trong đó có Trịnh Văn Đạt.  Ông bị điều động đi đóng quân  trong nhiều năm ở Thái Nguyên. Khi về đóng quân ở Tỉnh lị Thái Nguyên ông đã giữ chức đội trưởng đội lính khố xanh. Từ đó ông còn được gọi là Đội Cấn. Hay còn gọi là  viên đội nhất trong trại lính khố xanh Tỉnh lỵ Thái Nguyên - Người đội Nhất mang “số lính 71”

Trong những ngày nghĩa quân Đề Thám khởi nghĩa ở Thái Nguyên. Đội Cấn bị buộc phải cầm súng đi đàn áp nghĩa quân Yên Thế.  Cũng chính vì những cơ hội đó, vốn sẵn lòng yêu nước nồng nàn, căm thù giặc sâu sắc, ông lại càng cảm phục và chịu ảnh hưởng rất lớn về tình thần bất khuất, anh dũng của nghĩa quân Đề Thám. Qua đó ông đã học tập được chiến thuật, chiến lược đánh giặc, am hiểu hơn về địa hình, rừng núi, và cũng thấy rõ hơn bộ mặt thật, giả dối, tàn bạo của bọn thực dân Pháp. Tư tưởng nổi dậy càng nung nấu trong ông. Ý chí chiến đấu chống lại thực dân được thể hiện rõ nhất khi Đề Thám hy sinh và cuộc khởi nghĩa Yên Thế thất bại.

Cảm phục, noi gương những người đi trước, Trịnh Văn Đạt đã nuôi hoài bão tiếp nối sự nghiệp của nghĩa quân Yên Thế. Tinh thần đấu tranh đang sục sôi, ông tập hợp những người cùng chung ý nguyện  nên không bao lâu họ đã kết thành một tổ chức, liên lạc và bàn bạc với nhau những vấn đề thời cuộc. Hồi còn ở chợ Chu, Đội Cấn đã định tập hợp những người cùng chí hướng nổi dậy chống lại kẻ thù nhưng điều kiện thực tế không thuận lợi. Vì vậy ông đã hoãn lại chờ thời cơ.

Qua nhiều tài liệu và những binh lính chiến đấu lâu ngày bên ông đã kể lại những chuyện về tư cách của ông. Ông là người ưa giản dị, can đảm, trong sạch. Những ngày đầu, nghĩa quân còn đóng ở Tỉnh lỵ các tướng lĩnh khác của quân khởi nghĩa cũng thích mặc các bộ binh phục uy nghiêm, đeo phù hiệu, thậm chí có người còn đeo cả bài ngà ( riêng ông Cấn chỉ mặc bộ áo dạ vàng, đội mũ nâu). Khi thư thả ông mặc quần áo lụa, đội nón rộng vành, đi dép dừa, tay cầm can. Đối với tướng lĩnh và nghĩa quân, ông có thái độ trang nghiêm nhưng khoan hoà, có kỉ luật chặt chẽ. Trong chiến đấu ông chỉ huy vững vàng không lúc nào tỏ ra sợ hãi. Một tay cầm ống nhòm, một tay cầm súng lục, vai khoác khẩu Mútkơtong luôn nạp đạn. Những lúc đạn địch bắn như mưa hoặc có khi nguy cấp, ông vẫn bình tĩnh, ngẩng đầu thản nhiên đàng hoàng, chưa thấy ông cúi đầu hay khom lưng đi bao giờ. Tính tình ông độ lượng, không hiếu sát giết người. Ông tha nhiều người bị nghi oan là do thám, ban quân lệnh rất nghiêm, cấm binh lính không được lấy của dân, không được hà hiếp dân, ông hiểu và thông cảm với nhân dân.

Chính vì tư cách  đạo đức tốt của người chỉ huy và của nghĩa quân nên quần chúng nhân dân hết lòng giúp đỡ, ủng hộ tận tình. Dân chúng từ già đến trẻ, nam giới, nữ giới tình nguyện dẫn đường, chu cấp nuôi dưỡng thương binh, biếu tặng thực phẩm… Đó chính là những nét điển hình của sự nghiệp chính nghĩa vì dân, của lòng yêu nước, của một thứ căn cứ địa lòng người vô giá.

Tinh thần yêu nước chống Pháp của Đội Cấn ngày càng dâng cao, chín muồi  khi ông gặp Lương Ngọc Quyến - tự là Lập Nham ( hay còn gọi là Ba Quyến – con trai cụ Lương Văn Can  - người sáng lập ra Đông Kinh Nghĩa Thục ). Quê ở làng Nhị Khê, Huyện Thượng Phúc, Tỉnh Hà Tây. Sau nhiều năm học tập, hoạt động tại Nhật, Trung Quốc đến năm 1914 ông được cử về nước xây dựng cơ sở cách mạng ở Bắc Kì, Nam Kì.

Năm 1915 ông bị bắt - đến 25/7/1916 ông bị bọn Pháp đưa lên nhà giam Thái Nguyên. Ở thị xã này trong trại lính khố xanh có một số người yêu nước, đứng đầu là Trịnh Văn Đạt với tấm lòng cảm phục, kính mến những người vì dân, vì nước mà bị tù tội, nên thường tìm cách gần gũi, giúp đỡ và tin phục. Ngược lại Lương Ngọc Quyến cũng rất trọng thị viên Đội nhất này và chú ý giác ngộ Đội Cấn. Cái chí lớn mà Trịnh Văn Đạt và các bạn ôm áp bấy lâu đã đi đến quyết tâm trở thành hành động. Đội Cấn đã cùng Lương Ngọc Quyến gấp rút chuẩn bị cuộc khởi nghĩa.

Sau nhiều lần dự định tiến hành cuộc khởi nghĩa không thành, đến 11giờ 30 rạng sáng ngày 31/8/1917 cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên bùng nổ. Ngay trong đêm khởi nghĩa, Đội Cấn đã phát đi lời hịch kêu gọi binh lính, nhân dân Thái Nguyên  tham gia khởi nghĩa giết giặc Pháp: “Bản chức Thái Nguyên Quang phục quân Đại đô đốc, từ trước tới nay không hề có giây phút nào lãng quên nỗi khổ của đồng bào dân chúng". Ngay khi còn sống lam lũ ở chốn quê làm nghề cày ruộng, lòng hằng băn khoăn tức tối về thảm hoạ vong quốc. Nhiều lần ta đã nhập tâm xướng nghĩa khởi binh tuốt gươm giết giặc. Nhưng rồi lại ngậm hờn khoanh tay là bởi ta chưa gặp thời cơ nào thuận tiện. Vì thế ta đành ẩn nhẫn ra đi lính tập, phải ngậm làm thinh. Nhưng lúc nào cũng nuôi hoài bão cừu thù với Pháp tặc không hề biến tâm thoái chí. Phen này chúng ta quyết ra sức phấn đấu để khôi phục độc lập cho Tổ Quốc.  Nếu bất hạnh mà mục đích không đạt , đại công không thành thì cuộc đời thà hy sinh tất cả chúng ta cũng chẳng thiết sống làm gì cho nhọc nhằn khốn khổ.

Anh em !Ta hãy cố sức phấn đấu phen này, đồng tâm hiệp lực, đả đảo quân thù. tuốt gươm giết giặc”.
Lời hịch đó như một hồi trống xung trận thúc giục anh em binh lính ra trận. Theo đúng giờ đã qui định, Đội Cấn cùng nghĩa quân nhanh chóng giết được tên giám binh Nôen và một số tên tay sai đắc lực như Phó Quản Lạp, Đội Hành và tuyên bố khởi nghĩa trước sự đồng tình của anh em binh lính. Sau đó nghĩa quân được lệnh phá nhà tù giải phóng các tù nhân, phối hợp với trại lính trong đánh ra, ngoài đánh vào. Riêng Lương Ngọc Quyến vì chân bị xiềng xích lâu ngày và bị Pháp tra tấn nên đã bị liệt được anh em cõng ra ngoài, tiếp đó ông Đội Giá mở kho quân lương lấy quần áo, đạn dược trang bị cho nghĩa quân rồi tiếp tục đánh chiếm toà công xứ, nhà bưu điện, các công sở như: Sở Lục lộ, Toà án, Nhà Đoan, kho vũ khí…

Chiều 31/8 nghĩa quân tấn công vào kho bạc và thu được gần 72 ngàn đồng bằng tiền kim loại ( tiền Đông Dương)
Như vậy chỉ trong một đêm binh sĩ yêu nước Thái Nguyên dưới sự lãnh đạo của Trịnh Văn Đạt và Lương ngọc Quyến đã đồng tâm nổi dậy làm chủ được tỉnh lỵ. Sau khi làm chủ tỉnh lỵ nghĩa quân Thái Nguyên tuyên bố thành lập Quang Phục Quân do Trịnh Văn Đạt làm Đại đô đốc, Lương Ngọc Quyến làm quân sư, phong hàm các sĩ quan. Quang Phục Quân lúc này có 623 người trong đó có 131 vốn là lính khố xanh, 180 người vốn là tù nhân được giải phóng, 312 là công nhân, nông dân yêu nước ở Thái Nguyên mới tham gia. Họ được trang bị đầy đủ vũ khí, quân phục với kỉ luật nghiêm minh.

Sau đó nghĩa quân Thái Nguyên đã tuyên bố đặt Quốc hiệu là Đại Hùng, định Quốc Kì là lá cờ nền vàng với 5 ngôi sao đỏ (cờ Ngũ Tinh ) với 4 chữ “Nam binh phục quốc” tung bay trên Tỉnh lỵ Thái nguyên.

Một ngày sau khi làm chủ Tỉnh lỵ Thái Nguyên Đội Cấn đã đưa ra hai bản tuyên ngôn thể hiện cái hùng tâm tráng trí mạnh mẽ.

Đêm 31 rạng ngày 1/9 nhân dân Thái Nguyên được nghe bản tuyên ngôn thứ nhất.

Ta chiêu tập những anh em có tinh thần tự do độc lập, có nhiệt tâm yêu nước thương nòi... Hôm nay ta bắt đầu khôi phục lấy tỉnh Thái Nguyên, lá cờ 5 ngôi sao đã kéo lên phấp phới trên kì đài, ta tuyên bố Thái Nguyên độc lập” 
                                                                                       ( Trích:  Tuyên ngôn thứ nhất)

Sáng 1/9 Ban chỉ huy tuyên bố bản tuyên ngôn thứ hai.“ Từ 30 năm qua xứ sở chúng ta hoang vắng như sa mạc, những người tài chí phải sống buồn tủi, cuộc đời tối tăm… 40 triệu đồng bào đang rên xiết như bị ném vào đống lửa hoặc xuống nước sâu… Tất cả những tai hoạ mà trời giáng xuống đầu chúng ta đã kết thúc từ ngày hôm nay. Để khỏi phụ lòng mong đợi khí thiêng và sông núi, đồng bào hãy cố gắng hơn nữa để hoàn thành sự nghiệp vĩ đại, hiên ngang kéo lên ngọn cờ 5 ngôi sao của chúng ta trên khắp năm châu. Đẹp thay cuộc đời mới của đất nnước ngàn đời thanh xuân sẽ bắt đầu từ đây. Tất cả chúng ta hãy rũ bỏ ách tôi đòi từ lâu đè lên chúng ta”.
                                                                                      ( Trích : Tuyên ngôn thứ hai )

Qua hai bản tuyên ngôn trên chúng ta thấy rõ tư tưởng chính nghĩa, ý thức về quốc gia dân tộc đã trở thành niềm khát khao cháy bỏng trong mỗi con người Việt Nam.

Tinh thần chiến đấu của Đội Cấn, của binh lính và nhân dân Thái Nguyên đã làm chấn động cả miền Bắc. Một điều đáng tiếc là nghĩa quân không tiêu diệt ngay trại lính Pháp trong Tỉnh lỵ nên chúng vẫn cố thủ và thông tin về Hà Nội. Ngay hôm sau , hoảng sợ trước khí thế của cuộc khởi nghĩa thực dân Pháp huy động một lực lượng lớn đi đàn áp gồm 1086 sĩ quan binh lính người Âu, 1626 sĩ qquan binh lính nguỵ, 1139 lính lập , lĩnh dõng , lính cơ… được trang bị đầy đủ vũ khí. Chúng bao vây và tấn công 10 tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bắc Kạn, Phúc Yên, Phú Thọ, Sơn Tây, Hà Đông, Hà Nam, Hưng Yên.

Đến ngày 5/9/1917 bọn Pháp đã chiếm lại tỉnh lỵ Thái Nguyên. Sau 7 ngày tuyên bố độc lậpThái Nguyên lại rơi vào tay giặc. Nghĩa quân phải bắt buộc rút khỏi Tỉnh lỵ để bắt đầu một giai đoạn mới: Vừa chiến đấu vừa phòng thủ; Hành quân qua nhiều tỉnh trung du, đồng bằng Bắc bộ như Thái Nguyên, Vĩnh Yên, Sơn Tây, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hà Đông, Hà Nam. Cuộc hành quân kéo dài 6 tháng 5/91917 – 4/3/1918.

Mặc dù được nhân dân nhiệt tình ủng hộ, giúp đỡ nhưng cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên vẫn thất bại vì phải đối phó với kẻ thù mạnh hơn mình nhiều lần. Cuối năm 1917 nghĩa quân đã suy kiệt và tan dã từng mảng, đến tháng 3 năm 1918  cuộc khởi nghĩa hoàn toàn thất bại.

Trong những ngày cuối, Đội Cấn càng thể hiện rõ mình là một tấm gương dũng cảm quên mình. Bọn thực dân truy lùng ráo riết, Trịnh Văn Cấn phải trở lại Thái Nguyên (lúc này nghĩa quân chỉ còn lại 20 người. Tháng 12 năm 1917 biết không thể khuất phục được ông, kẻ thù đã sử dụng những thủ đoạn hèn hạ, bắt mẹ, vợ và con ông đến để dụ ông ra hàng. Biết rõ âm mưu đen tối của giặc và thấy rõ vận mệnh của đất nước mình là hơn cả nên ông vẫn giữ tấm lòng kiên trung, kiên định. Ngay cả lúc chiến đấu quyết liệt trước súng đạn của kẻ thù, ông vẫn nghe thấy tiếng khóc than của người thân. Lòng đau như cắt, ông vẫn quyết chiến đấu không hề nao núng, thủ đoạn quỷ quyệt của kẻ thù không thể khuất phục được ông.

Không còn khả năng chiến đấu vì ông bị thương vào chân rất nặng, Đến 5/1/1918 sau nhiều trận chiến đấu tuyệt vọng Đội Cấn đã anh dũng tự sát để thể hiện tinh thần thà chết chứ nhất định không đầu hàng giặc. Trước khi chết ông cho 3,4 đồng đội của mình đào huyệt, ăn mặc khăn áo chỉnh tề, đội mũ và nằm nghiêm chỉnh vào giữa, tay phải cầm súng lục tự bắn vào ngực và ra đi mãi mãi. Đó là ngày 5/1/1918 ( Tức ngày 23 tháng 11 năm Đinh Tỵ). Đồng đội khâm liệm ông rất chu đáo, còn xếp thêm vào huyệt những binh khí và đồ dùng thường ngày của ông, đặc biệt trong huyệt còn chôn theo 3 khẩu súng Mútkơtong .

Cái chết của ông Đội Cấn, của Lương Ngọc Quyến và những người đồng đội đồng nghĩa với sự thất bại của cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên. Đội Cấn và một số lãnh tụ khác là những người dũng cảm yêu nước nhưng tư tưởng nhận thức còn hạn chế, chưa có năng lực tổ chức sắc bén (đây là hạn chế chung của thời đại). Quân đội chưa được chuẩn bị chu đáo, vũ khí còn nghèo nàn, chưa có sự phối hợp, đoàn kết trên một địa bàn rộng trong khi kẻ thù rất mạnh và được trang bị vũ khí hiện đại. Đó chính là những nguyên nhân dẫn tới cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên thất bại và đó cũng là những hạn chế chung của cách mạng Việt Nam  trong thời kì cận đại.

Mặc dù thất bại nhưng cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên do Đội Cấn lãnh đạo đã giáng một đòn nặng vào kế hoạch “Dùng người Việt trị người Việt” của thực dân Pháp. Đây là một cuộc vùng dậy mạnh mẽ của những người nông dân mặc áo lính, lấy súng giặc giết giặc, để lại một số bài học quí báu cho cách mạng Việt Nam.

Tinh thần yêu nước của Trịnh Văn Đạt, của Lương Ngọc Quyến và đông đảo các chiến sĩ là bất tử và còn sống mãi trong lòng nhân dân ta, góp phần tô thắm truyền thống đấu tranh anh hùng, bất khuất của dân tộc ta.

Đội Cấn ra đi để lại niềm thương tiếc cho cả dân tộc ta nói chung, nhân dân Thái Nguyên nói riêng. Vì vậy năm 1973 nhân dân Thái Nguyên đã lập đền thờ để bày tỏ lòng thành kính, ngưỡng mộ, biết ơn sâu sắc trước tinh thần bất khuất và công lao của ông. Đến năm 2002 Sở văn hoá thông tin Thái Nguyên đã trùng tu lại ngôi đền trông bề thế và trang nghiêm xứng đáng với tên tuổi ông Đội Cấn.

Nguồn: vinhphuc.edu.vn