232 lượt xem

Hồ Thấu

 
Hồ Thấu
 

Nói đến Hồ Thấu chúng ta nghĩ ngay đến một trí thức cách mạng, một nhà thơ tài hoa. Nhà thơ Huy Cận từng viết: “Tưởng niệm Hồ Thấu, chúng ta tưởng niệm một nhà thơ tài hoa, xuất sắc bạc mệnh đang đà nảy nở”.

Nhà trí thức cách mạng...

Hồ Thấu, có bút danh Huyền Thông, sinh năm 1918, tại thôn Phú Bông, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, trong một gia đình nhà nho có truyền thống hiếu học và yêu nước. Ông nội từng tham gia dưới ngọn cờ “Cần Vương cứu quốc”. Cha làm Huấn đạo huyện Tiên Phước, Quế Sơn, rồi về làm Hậu bổ ở tỉnh; anh ruột là Hồ Nghinh, Hồ Liên (Hoàng Bích Sơn), là những nhà cách mạng, nhà lãnh đạo của tỉnh và Trung ương.

Vốn ham học, lại thông minh, sau khi đỗ tiểu học Pháp - Việt tại Hội An, Hồ Thấu vào học tại trường Quốc học Quy Nhơn, ở đây Hồ Thấu được các bạn đồng môn chọn là một trong ba người học giỏi nhất có tên chữ T, gọi là 3T: Hồ Thấu, Lê Văn Thiêm và Nguyễn Thương. Năm 1936, thi đỗ Thành chung, học ban chuyên khoa Tú tài tại trường Quốc học Huế, cùng khóa với Tố Hữu. Ở Quy Nhơn cũng như ở Huế, Hồ Thấu có tiếng học giỏi, tài hoa không chỉ có toán, triết, Pháp ngữ mà cả nhạc, họa, thể thao, thơ văn...

Được sống và học tập trong lúc phong trào cách mạng dân chủ sôi động trong nước đó là phong trào học sinh bãi khóa ở Huế, phong trào vận động dân chủ Đông Dương năm 1936 - 1939, các phong trào đó được Hồ Thấu tiếp nhận ngay từ những ngày là học sinh. Sau khi tốt nghiệp tú tài, Hồ Thấu về lại quê vận động mở trường dạy học. Với chí hướng đem tri thức của mình truyền thụ cho con em quê hương mở mang dân trí, góp phần đưa xã hội tiến lên, năm 1941, Hồ Thấu cùng anh mình là Hồ Nghinh vận động xây dựng trường tiểu học tư thục Tân Tân, với trang bị tiên tiến, giáo dục tương đối toàn diện, có thư viện, sân thể dục thể thao, giáo viên giảng dạy gồm những thanh niên tri thức hấp thụ tư tưởng tiến bộ.

Trường Tân Tân ra đời, là mô hình phát triển văn hóa theo tư tưởng yêu nước “Khai dân trí, chấn dân trí, hậu dân sinh”, mang ý nghĩa nhân văn hiếm có trong đời sống văn hóa ở nông thôn Quảng Nam trước cách mạng tháng 8-1945. Với uy tín của mình, Hồ Thấu đã thu hút được nhiều thầy giáo có uy tín, có kinh nghiệm như nhà thơ Lưu Trọng Lư, nhà giáo Vũ Hán... làm cho trường có uy danh năm nào cũng có tỷ lệ học sinh thi đỗ cao ở các kỳ thi; vừa làm hiệu trưởng, vừa trực tiếp giảng dạy, Hồ Thấu rất gần gũi với học sinh và được phụ huynh học sinh kính trọng. Học sinh của trường không những được đào tạo về văn hóa mà còn được tiếp thu tư tưởng tự do dân chủ của trào lưu mới, nhiều người học trò của trường đã tham gia cách mạng, sau này có nhiều người thành đạt, có học vị cao.

Tham gia khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng tháng 8/1945 thắng lợi tại phủ đường Duy Xuyên, Hồ Thấu được nhân dân tín nhiệm cử vào Ủy ban cách mạng lâm thời phủ Duy Xuyên, được phân công Ủy trưởng phụ trách công tác văn hóa, tuyên truyền. Với lòng nhiệt tình cách mạng và tính năng động của người cán bộ trí thức trẻ, trong một thời gian ngắn, đồng chí đã vận động tổ chức được nhiều lớp học truyền bá quốc ngữ xóa nạn mù chữ và phong trào văn hóa văn nghệ, đều khắp ở các thôn xã ở huyện Duy Xuyên.

Với tư duy đổi mới và uy tín của nhà trí thức cách mạng, Hồ Thấu tổ chức nhiều câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa trong nhân dân, có tiếng nhất thời ấy là các câu lạc bộ Hồng Trinh, Đại Chúng, Bình Dân... đã góp phần tích cực thực hiện một trong những nhiệm vụ cần kíp của Đảng, Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa bấy giờ là “diệt giặc dốt” nhằm giúp cho bà con nhân dân nông thôn ai cũng biết chữ để đọc và hiểu chủ trương đường lối của Đảng của Chính phủ, tích cực tham gia ủng hộ, xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, chống thực dân Pháp xâm lược.

Theo yêu cầu nhiệm vụ mới, đồng chí Hồ Thấu được Ủy Ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện phân công về làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời xã Châu Dương - Xuân Trinh nay là xã Duy Trinh. Với năng lực và uy tín của người trí thức cách mạng, đồng chí luôn đi sát cơ sở vận động nhân dân thực hiện chủ trương đường lối của Đảng, Chính phủ cách mạng lâm thời, cùng với tập thể xã lãnh đạo tổ chức, vận động xây dựng chính quyền cách mạng nhân dân; xây dựng làng chiến đấu; xây dựng lực lượng du kích vũ trang tập trung chiến đấu bảo vệ nhân dân, bảo vệ vùng tự do kháng chiến, tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân tham gia cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội trong cả nước; chuẩn bị thực lực cho cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.   

Để tranh thủ thời gian hòa bình, tập trung xây dựng lực lượng, chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến lâu dài bảo vệ nền độc lập tự do dân tộc, Hiệp định sơ bộ được ký giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cộng hòa Pháp ngày 06/3/1946. Theo Hiệp định, quân Pháp vào thay quân Tưởng đóng ở một số thành phố nước ta, trong đó có thành phố Đà Nẵng. Hồ Thấu là một trong số ít người thông thạo về Pháp ngữ và văn hóa Pháp, nên tháng 3 năm 1946, đồng chí được Đảng và nhân dân tin tưởng giao phó trách nhiệm, làm Phó trưởng Đoàn đại diện Quân đội nhân dân Việt Nam trong Ủy ban Liên kiểm Việt - Pháp tại Đà Nẵng.

Trên cương vị Phó trưởng đoàn đại diện Quân đội Việt Nam trực tiếp đấu tranh với quân xâm lược Pháp, kiểm tra giám sát thực thi Hiệp định, nhằm giữ chân, hạn chế hoạt động khiêu khích, gây chiến chống phá cách mạng của giặc Pháp tại Đà Nẵng, để Đảng ta có thêm thời gian hòa bình, tập trung xây dựng hậu phương, chuẩn bị mọi nguồn lực phục vụ cho cuộc kháng chiến lâu dài.

Nhận thức trách nhiệm nặng nề và ý nghĩa lịch sử thiêng liêng nghìn năm mới có của một dân tộc mất nước, làm nô lệ vừa mới đứng lên giành lại được nền độc lập, tự do đã bị kẻ thù hăm he đe dọa, đồng chí Hồ Thấu đã làm việc hết sức mình, thể hiện rõ lập trường, quan điểm chính trị vững vàng và kiên quyết của một sĩ quan Giải phóng quân, với sự khôn khéo, mềm mại, linh hoạt và kiên quyết của nhà trí thức cách mạng đấu tranh thi hành hiệp định với kẻ thù xâm lược, làm cho các sĩ quan trong Ủy ban Liên kiểm phải kính trọng đồng chí, một nhà trí thức sắc sảo về chính trị, tinh thông về quân sự. Trong thời gian làm việc ở Ủy ban Liên kiểm Việt - Pháp tại Đà Nẵng, đồng chí Hồ Thấu đã hoàn thành xuất sắc trọng trách của mình.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, Ủy ban Liên kiểm Việt - Pháp tại Đà Nẵng kết thúc nhiệm vụ. Hồ Thấu, được Tỉnh ủy Quảng Nam phân công về làm Chủ nhiệm Mặt trận Liên Việt tỉnh Quảng Nam, đặc trách công tác trí thức, công tác văn hóa, văn nghệ. Đây là một công việc khó bởi trong thành phần trí thức không phải ai cũng sẵn sàng tham gia kháng chiến và mặt trận văn hóa, văn nghệ đòi hỏi người có khả năng tập hợp được đội ngũ văn nghệ sỹ.
Trên cương vị Chủ nhiệm Mặt trận Liên Việt, đồng chí Hồ Thấu đã tích cực lãnh đạo, tuyên truyền vận động, tổ chức tập hợp các lực lượng trong khối đoàn kết toàn dân vào mục tiêu kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc.

Để tăng cường sức mạnh trong lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng nhập lại thành Liên tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, tháng 01-1947, Hồ Thấu được bầu Tỉnh ủy viên, trong thời gian này đồng chí đã tích cực tổ chức các trường bổ túc văn hóa cho cán bộ, vì đa số anh chị em ít được học, nhất là anh em ở tù ra. Chính nhờ vào sự cố gắng của đồng chí mà trình độ văn hóa của cán bộ kháng chiến được nâng cao, đảm đương được những nhiệm vụ của Đảng phân công.

Nhà thơ tài hoa, bạc mệnh

Ngoài hoạt động chính trị, Hồ Thấu vừa dạy học vừa làm thơ, viết văn, sáng tác kịch bản. Tài năng được bộc lộ khá sớm, từ lúc còn là học sinh trung học ở Quy Nhơn và Huế. Thời còn tuổi học sinh Trường Quốc học Huế, nhà thơ Huy Cận đã viết về Hồ Thấu vào giai đoạn này như sau: “Anh Thấu và tôi đều học trường Quốc học Huế, tôi lớp trước, anh lớp sau. Lúc ở trường tôi đã nghe nhiều bạn nhắc đến thơ anh, nhưng thơ anh ít đăng báo nên chưa được phổ biến rộng rãi”. Vậy là đã có một mạch ngầm thơ Hồ Thấu từ thuở ông còn tuổi cắp sách đến trường. Dù vậy, mãi về sau này, suốt những tháng năm hoạt động cách mạng cho đến ngày qua đời (1949), Hồ Thấu sáng tác cũng không nhiều, hầu như chỉ là những bài thơ viết ra để chuyền tay cho bạn bè và đồng đội đọc. Thế nhưng cái đẹp của một trái tim thi sĩ và khát vọng chân thành đã chiến thắng được thời gian.

Một trong những tiểu thuyết Hồ Thấu viết sau khi về sống ở quê dạy học đã chuyển thể sang kịch. Vở kịch Gia đình và sự nghiệp được chuyển thể dàn dựng cho đoàn kịch nói Tân Tân với tốp diễn là bạn, là học trò... Nội dung đề cập những quan niệm mới về tình yêu, gia đình và sự nghiệp nhằm cổ vũ thế hệ trẻ hiến dâng cho lý tưởng cao đẹp, cho sự hồi sinh của dân tộc. Vở kịch diễn lần đầu tiên tại nhà hát Trà Kiệu, phủ Duy Xuyên vào năm 1943, tiếp đó là diễn ở Vĩnh Điện (Điện Bàn), Tam Kỳ... mục đích bán vé lấy tiền giúp bà con ở chợ Hàm Rồng (Trà Kiệu) bị hỏa hoạn. Đầu năm 1945, đoàn kịch lại xuất hiện với vở Đời thi sĩ của Lưu Trọng Lư... Đoàn kịch nhằm tuyên truyền tư tưởng dân chủ, cổ vũ phong trào cách mạng sôi động, đây cũng là hiện tượng văn hóa hiếm có ở nông thôn Quảng Nam trước cách mạng tháng Tám năm 1945.

Những năm dạy học tại trường Tân Tân, Hồ Thấu viết nhiều thơ, vừa làm tài liệu giảng dạy, vừa tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia cách mạng:

 
Bạn có nghe muôn trùng sóng dậy / Bạn có thấy khắp nhân gian máu chảy
Đời lên rào rạt triều mênh mông / Lửa hạn muôn trùng chảy núi sông
...
Đời xây trên bất công / Đời xây trên áp bức
Ai hút máu của muôn đời lao lực / Sống phủ hoa trên thi thể nhân gian

Cuối cùng, để kêu gọi các tầng lớp trung gian, trí thức đứng lên nhập vào cao trào cách mạng:

Kẻ lo chi định mệnh / Kẻ ôm chi kinh thư
Kẻ chờ chi ngày tạnh / Kẻ mở chi trường tư
Hãy đứng dậy lên đường / Nhập vào lòng biển cả
Đời không còn xa lạ / Đời chỉ là mến thương
                                                          (Lên đàng,1944)
 
Chứng kiến cuộc sống của người dân mất nước, luôn luôn khao khát với tự do, độc lập, Hồ Thấu đã sớm hóa thân nhập cuộc với phong trào vận động cách mạng ở ngay trên quê hương mình:

Thấy đời còn quặn khổ đau / Mắt trong sầu héo trước màu đục nhơ.
Lên đường như đứa trẻ thơ / Kể gì nguy hiểm bụi bờ chông gai.

Đúng là như vậy, khi được tiếp xúc cơ sở cách mạng và được giao nhiệm vụ truyền bá rộng rãi những tài liệu tuyên truyền vận động cách mạng của Việt Minh, đồng chí đã làm việc không kể ngày hay đêm, biến cả phòng ngủ của mình thành cơ sở in, nhận sao tài liệu, rồi đem đi phân phát nhiều nơi, cổ vũ phong trào vận động cách mạng trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt trong học sinh, sinh viên, trí thức có tư tưởng yêu nước tiến bộ. Trong những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp ở Quảng Nam, ở trường học, các cơ quan... đâu đâu mọi người cũng thuộc lòng thơ Hồ Thấu. Thơ Hồ Thấu trữ tình cách mạng, lời thơ mượt mà, thể hiện ý tưởng khí phách cách mạng, mang tính kêu gọi, những lời thơ toát lên một tâm hồn lãng mạn của người thanh niên cộng sản.

Giữa lúc tài năng đang được phát huy và góp phần vào những thắng lợi bước đầu của quân và dân Quảng Nam sau hai năm tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thì đồng chí lâm bệnh - căn bệnh “tứ chứng nan y” - lao phổi, lúc bấy giờ chưa có thuốc đặc trị, phần vì điều kiện cuộc sống trong kháng chiến vô cùng khó khăn. Trên giường bệnh đồng chí vẫn tiếp tục làm thơ nói lên nỗi nhớ quê hương, bạn bè da diết: “Nắng reo ta nhớ đường xa/ Nhớ đàn bướm trắng, nhớ hoa ven rừng” (Nhớ đường, 1947).

...nhớ những đoàn cán bộ đi công tác...
Ai đi sứ mệnh nặng vai / Lòng vui nhiệm vụ chẳng nài gian lao
Nằm đây ta nhớ thao thao / Nhớ sông, nhớ núi, dạt dào bốn phương
Bao giờ gió mới gặp hương/ Trời xanh chân rộng, dặm đường thênh thênh...

Ở tuổi 30, trước mắt mình cái chết đang cận kề, song đồng chí vẫn lạc quan yêu đời, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc. Chính những ngày giờ quạnh quẽ một mình, giằng xé đau đớn với bệnh tật trong một ngôi miếu cũ giữa bãi cát nắng cháy Tam Thanh, con người thi sĩ của Hồ Thấu đã tỏa sáng hơn bao giờ hết. Trong một thế giới mà sự cô đơn cùng với căn bệnh nan y vây bủa, Hồ Thấu âm thầm chống chọi với sự tuyệt vọng. Hay nói một cách khác, sự dấn thân cho chí cả, với nghĩa hy sinh vượt lên trên số phận: “Mắt say hớp mảnh trời xanh / Miệng say uống ngợp gió lành muôn phương”.

Vào những ngày tháng đó, khoảnh khắc đó, nguồn cảm của thi sĩ thể hiện rõ bước đi định mệnh của mình đến bờ bến vô cùng “Chiều lên theo nẻo đẹp thơ/ Ra đi chỉ tiếc cuộc cờ thiếu tay”. Đứng bên bờ tử sinh mà câu thơ đẹp một cách kiêu sa. Và hiệu quả là sức sống của thơ Hồ Thấu đã gieo vào lòng công chúng những cảm xúc mạnh mẽ, khó quên. Đây có thể nói là bể chứa của thời gian, qua những thanh lọc khắc nghiệt, cũng của thời gian, cái đẹp như một niềm tin vững chãi nâng con người đứng dậy: “Một lần tin chắc tương lai/ Trời xanh, thơ đẹp, không ai, riêng mình”.

Vào những ngày cuối tháng 12 năm 1949, Hồ Thấu ra đi để lại niềm tiếc thương vô hạn. Trước khi chết đồng chí đã viết bài Gửi Kỳ. Đây là những lời trăng trối, di chúc bằng thơ của người biết trước giờ phút ra đi để trở về với đất.

 
Chừ đây ôn lại đời ta / Một đời trong trắng như hoa giữa đồng
Ái ân chưa bận tấc lòng / Bạc tiền chưa bẩn túi không bao giờ
Trong đời chỉ đẹp và thơ / Yêu đời dù đến ngẩn ngơ cũng đành
...
Mắt ta khô lệ từ lâu / Mà lòng vẫn thấy tủi sầu nhân gian
Chết đi như khách qua đường / Ôm đầy hoa lá giàu sang xuống mồ
Đời lên theo nẻo đẹp thơ / Ra đi chỉ tiếc cuộc cờ thiếu tay
Lên đường vững bước mà say / Ta vừa thức giấc sáng đầy bình minh.
...
Thấy đời còn quá khổ đau / Mắt xanh sầu nhớ những màu đục nhơ
Lên đường như đứa trẻ thơ / Kể gì nguy hiểm bụi bờ chông gai
Một lòng tin chắc tương lai / Trời xanh, thơ đẹp, không ai, riêng mình.

Có người khi đọc mấy câu thơ trên đã nói: “Đúng ! Hồ Thấu là vậy đó. Hồ Thấu là chiếc gương soi nhỏ bé phản chiếu hình ảnh Bác Hồ vĩ đại”.

Sau khi đồng chí qua đời, để tưởng nhớ công lao của nhà trí thức cách mạng, nhà thơ tài hoa, bạc mệnh, Tỉnh ủy đã lấy tên đồng chí đặt cho tên trường Đảng của tỉnh - trường Đảng Hồ Thấu.

 
Nguồn: vannghedanang.org.vn