296 lượt xem

Danh sĩ Đỗ Huy Liêu – kỳ 2: Không làm quan cho Pháp

Không làm quan cho Pháp, Đỗ Huy Liêu đã thể hiện khí phách của một trí sĩ, trung với vua với nước, không màng công danh, không sợ chết.

https://khds.1cdn.vn/2018/09/16/vua-ham-nghi-300x162.jpg

Vua Hàm Nghi. Nguồn: sưu tầm.

Đỗ Huy Liêu: Quả có thực tài

Đỗ Huy Liêu tự Ông Tích, hiệu Đông La, sinh ngày 30 tháng Chạp năm Giáp Thìn (6/2/1845).

Tương truyền, khi còn trẻ Đỗ Huy Liêu rất thông minh và cực kỳ chăm học, nhiều khi quên ngủ, quên ăn, như cháo sáng, cơm trưa cho qua bữa mà còn để nguyên, ngủ cả bên chồng sách, rồi lả đi hồi lâu lay mãi mới tỉnh dậy…

Chuyện kể lại rằng cụ bà Biện lý khuyên ông Biện lý nên đưa con lên tập văn quan Hoàng Tam Đăng để đi thi đình. Ông Biện lý trả lời: “Nó học ở nhà cũng thừa sức”. Bà Biện lý lại nói “Nếu học để viết văn, sách, kinh điển thì học văn quan lớn, còn nếu đi thi đình thì phải học văn quan Tam Đăng họ mới chấm được”.

Khi cụ Biện lý đưa ông lên tập văn cụ Hoàng Tam Đăng, nhân ngồi uống nước, cụ Tam Đăng ra một vế đối: Viên ngoại ba tiêu, vô dân dục, tứ thời nhi hữu dụng (nghĩa là: Cây chuối tiêu ngoài vườn không có chồng vợ bốn mùa đều ra bu chuối).

Đỗ Huy Liêu đối lại: Nguyệt chung đan quế, vô thổ bồi bát tuyết nhi giai xuân (nghĩa là: Cây đan quế trong trăng không có đất bồi mà tám tiết đều xanh tươi).

Năm Đinh Mão (1867), Đỗ Huy Liêu đi thi Hương đỗ giải nguyên, được bổ làm Điển tịch Viện Hàn lâm, Huấn đạo huyện Yên Mô (Ninh Bình).

Năm Kỷ Mão (1879), ông thi Hội ân khoa đỗ trúng cách đệ bát danh. Dự thi Đình, ông đỗ Đình nguyên, Đệ nhị giáp tiến sỹ xuất thân (Hoàng giáp) nên được gọi là Hoàng giáp Liêu. Trong kỳ thi này, bài của ông được vua Tự Đức châu phê: Quả có thực học, những kẻ dẫm theo vết mòn không thể làm được.

Chiêu mộ nghĩa quân đánh Pháp

Thi đỗ hạng cao, Đỗ Huy Liêu được bổ làm Hàn lâm viện trước tác, sau đó bổ giữ chức Tri phủ Đoan Hùng – Phú Thọ. Tháng Bảy năm Canh Thìn (1880), triều đình đổi ông làm Tri phủ Lâm Thao – Phú Thọ. Tháng Tư năm Nhâm Ngọ (1882), ông được thăng làm Án sát Hà Nội. Tháng 5 năm Tân Mão (1882), cha mất, ông về nhà cư tang.

Năm Giáp Thân (1884), vua Hàm Nghi lên ngôi ở tuổi 13, Đỗ Huy Liêu được triệu vào kinh làm Biện lý bộ Hộ, rồi Tham tá nội các sự vụ, giữ chức Phụ đạo, dạy cho vua học và dạy hai con của Phụ chính Tôn Thất Thuyết là Tôn Thất Đạm và Tôn Thất Thiệp, sau này đều là các dũng tướng trong phong trào Cần vương chống Pháp.

Năm Ất Dậu (1885), quân Nam đánh úp quân Pháp ở Huế không thành, Tôn Thất Thuyết phải đưa vua Hàm Nghi xuất bôn. Đỗ Huy Liêu bị Pháp bắt giam vì liên can. Để mua chuộc, Pháp thả tự do và cho ông làm Bố chính Bắc Ninh, nhưng ông cương quyết từ chối.

Về lại La Ngạn, ông lo phụng dưỡng mẹ già. Sau khi quân Pháp đánh chiếm Nam Định, ông cùng với Vũ Hữu Lợi, ngầm chiêu mộ nghĩa quân, chuẩn bị khởi nghĩa chiếm lại tỉnh thành này.

Tuy nhiên sự vụ không thành, vì bị Tổng đốc Vũ Văn Báo cáo giác. Vũ Hữu Lợi bị Pháp chém tại Nam Định vào đầu năm 1887, còn Đỗ Huy Liêu bị bắt giam đến mấy năm mới được tha, nhưng vẫn phải chịu sự quản thúc.

Ngày 1 tháng 5 năm Tân Mão (tức 7/6/1891), tổ chức xong lễ mãn tang cho mẹ vào buổi sáng thì buổi chiều Đỗ Huy Liêu đột ngột từ trần. Theo Phan Bội Châu, thì ông đã uống thuốc độc tự vẫn. Năm ấy, ông mới 47 tuổi.

(còn nữa)

Nguyễn Bảo Nam