272 lượt xem

Hồ Xuân Hương - Kỳ 1

Hồ Xuân Hương (1772 – 1822)
 
Description: HXH
(Nguồn: Sưu tập)
 

Chân Dung và Thân Thế

    Thơ Hồ Xuân Hương được độc giả mọi giới hâm mộ kể cà thi sĩ ngoại quốc.  Thi sĩ Xuân Diệu (1916 – 1985) thán phục cách sử dụng chữ Nôm của bà nên đã gọi vinh danh bà là “Chúa Thơ Nôm” (Nôm là chữ quốc ngữ cũ viết theo kiểu chữ Nho và là tiền thân của chữ quốc ngữ mới).  Thi sĩ Dimitrova người Bulgaria ca ngợi bà: “Hồ Xuân Hương là một trong những hiện tượng văn học độc đáo nhất của Việt Nam trong toàn bộ nguồn thơ mà tôi được biết trên nền thơ thế giới qua tất cả các thời đại.”

 Tuy nhiên, bấy lâu nay, người đọc ít nhiều hãy còn bán tín bán nghi về nhân vật Hồ Xuân Hương (HXH) nổi tiếng với  những bài thơ Ðường luật rất độc đáo lời lẽ vừa lịch lãm, thâm thúy lại vừa dí dỏm tục-thanh rất thu hút người đọc. Chẳng hạn, hai bài thơ một tao nhã, nghiêm trang; một bỡn cợt trêu ngươi như sau:

 
 Ðài Khán Xuân

 Êm ái chiều xuân tới Khán Ðài
Lâng lâng chẳng gợn chút trần ai
Ba hồi triêu mộ  chuông gầm sóng
Một vũng tang thương nước lộn trời
Bể ái nghìn trùng khôn tát cạn!
Nguồn ân muôn trượng dễ khơi vơi?
Nào nào cực lạc là đâu tá?
Cực lạc là đây chín rõ mười

 
Vịnh Cái Quạt

 Một lỗ xâu xâu mấy cũng vừa
Duyên em dính dán tự bao giờ
Vành ra ba góc da còn thiếu
Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa
Mát mặt anh hùng khi tắt gió
Che đầu quân tử lúc sa mưa
Nâng niu ướm hỏi người trong trướng
Phì phạch trong lòng đã sướng chưa?

 

 Gần đây, nhờ công trình sưu tầm công phu của một số nhà khảo cứu có uy tín trong văn học, thân thế, cuộc đời, và hoạt động thi phú của nữ sĩ họ Hồ đã dần dần được sáng tỏ giúp xây dựng lại con người trung thực của bà và giải đáp một số thắc mắc như HXH là ai?  Ðẹp hay xấu?  Tại sao có tới bốn đời chồng?  Giăng mắc tình thơ với những ai?  v.v.  Thơ của nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương được tìm thấy gồm: tập Lưu Hương Ký có 52 bài thơ vừa Hán (24) vừa Nôm (28) và một số bài thơ truyền tụng chép lại trong đó chắc chắn có nhiều bài không phải bà làm.   

Nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương là một nhân vật có thật và không còn nghi ngờ gì nữa: HXH quả là một nhà thơ tài năng, hương sắc vẹn toàn nhưng cuộc đời lại truân chuyên. 

 Hương sắc và thi tài của bà đã làm cho nhiều thi nhân có tiếng đương thời như Nguyễn Du, Tốn Phong thán phục và lấy đó làm nguồn thi hứng cho những tác phẩm của mình. 

 HXH không còn phải là con người xấu xí, mặt rỗ, lại có thêm ẩn ức dồn nén về tình dục như có người đã tưởng tượng và phóng đại ra.   

Các Nhà Khảo Cứu Tiên Phong 

Khoảng năm 1956- 57, cụ Cử Nguyễn Văn Tú quê ở Hành Thiện tìm thấy trong tủ sách gia đình tập Lưu Hương Ký. 

Năm 1963, cụ Cử Trần Thanh Mại phát hiện ra trong bài “Du Hương Tích Ðộng Ký” của Chu Mạnh Trinh có bài của Tốn Phong đề tựa cho tập Lưu Hương Ký.  
Năm 1983, GS Hoàng Xuân Hãn (Paris) công bố các sưu tầm của ông trên Tập San Khoa Học Xã Hội Paris, số 10- 11 trong đó 5 bài thơ chữ Hán vịnh Vịnh Hạ Long; thơ của HXH truyền khẩu; những tình tiết về cuộc đời của HXH; các bản gia phả của họ Hồ Quỳnh Lưu; và các sách sử chép người chồng cuối cùng của bà là Quan Tham Hiệp Trấn Yên Quảng (bị tử hình, đời Gia Long).

Cụ Trần Văn Giáp, Hà Nội, tìm được 8 bài thơ chữ Hán vịnh Ðồ Sơn Bát Cảnh. 
Năm 1974, Nguyễn Huệ Chi và Hồ Tuấn Niệm công bố trong Văn Học số 3 tập chép tay có 4 bài thuộc loại Lưu Hương.

Khoảng năm 1981 – 85, thi Sĩ Xuân Diệu tặng cho Nhất Uyên Phạm Trọng Chánh tập di cảo của ông trong đó có nhiều bài viết so sánh thơ HXH với thơ Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Lê Thánh Tông.  Xuân Diệu mệnh danh HXH là “Bà Chúa Thơ Nôm”.

Năm 1917, Ðông Châu Nguyễn Hữu Tiến viết cuốn Giai Nhân Dị Mặc trong dó có in nhiều bài thơ ghi là của HXH.

Từ 1913, ông Nguyễn Ngọc Xuân có máy in chữ quốc ngữ và mở nhà Xuất Bản Xuân Lan, bắt đầu in thơ của HXH.  Xuân Hương Thi Tập lần đầu tiên xuất hiện phần lớn là các bài thơ châm chọc hay mô tả bóng gió cái tính giống mà nhà in không nói rõ xuất xứ từ đâu.  Có thể một số bài được ngụy tạo để bán cho chạy. 

Thân Thế Hồ Xuân Hương  

Theo sưu tầm của Nhất Uyên Phạm Trọng Chánh: HXH tên thật là Hồ Phi Mai (nghĩa  là  hoa mai bay trên hồ) và hiệu là Xuân Hương.  Một thi hữu thân tình của HXH là Tốn Phong đã nhắc đến chữ “Mai” trong 29/31 bài thơ tặng HXH. Tốn Phong tên thật là Phan Huy Huân (gốc gác Phan Huy Ích), hiệu là Nham Giác Phu (người ẩn trong núi mà biết việc đời).  Suy luận này được GS Hoàng Xuân Hãn và Học Giả Trần Thanh Mại tán đồng. 

 HXH sinh năm 1772, gốc phường Khán Xuân, huyện Vĩnh Thuận, Thăng Long (Hà Nội).  Ngôi nhà HXH ngụ trông ra Hồ Tây nơi có đền Khán Xuân, là nơi Vua Lê, Chúa Trịnh thường du ngoạn thưởng Xuân. 

Thân phụ của HXH là ông Hồ Phi Diễn sinh 1703, mất 1786.  Năm 20 tuổi, ông đậu Tam Trường (Tú Tài, 1723).  Mẹ bà họ Hà ở Hải Dương, làm bé cho ông lúc đó ông đã gần 70.  Ông Hồ Phi Diễn người làng Quỳnh Lôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, một gia đình tiếng tăm và lâu đời ở đó. 

Hồ Quý Ly cũng xuất phát từ họ Hồ này.  Có chi đổi ra họ Nguyễn như Hồ Phi Phúc sinh ra Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, và Nguyễn Lữ.  Vua Quang Trung Nguyễn Huệ, Hoàng Giáp Hồ Sĩ Ðống, và HXH, và Tú Tài Hồ Phi Hội đều thuộc đời thứ 12 (theo gia phả của Hồ Phi Tích, thư viện Hoàng Xuân Hãn, Paris 8). 

HXH học chữ nghĩa với cha.  Nàng rất thông minh và trí nhớ tốt.  Năm 13 tuổi đã làm thơ, và có biệt tài về thơ Nôm.  HXH rất dạn trai, tính hồn nhiên.  Bạn nàng là Dương Tri Tạn vịnh cái điếu bát (dùng hút thuốc lào) để tán tụng nàng:

 
 Eo lưng thắt đáy thật xinh xinh
Ðiếu ai hơn được điếu cô mình
Thoát châm, thoát bén duyên hương lửa
Càng núc, càng say nỗi tính tình

 Năm 1786, cha mất, thọ 84 và XH mới 14 tuổi.  Nàng tự học và dạy trẻ kiếm thêm.  Năm 18 tuổi, XH trổ mã rất xinh khiến Nguyễn Du Tố Như viết trong bài “Mộng Thấy Hái Sen” rằng “Hoa sen đẹp xinh xinh” và “Hoa sen ai cũng phải yêu”; “Nàng đến tự bao giờ?”  “Cách hoa nghe cười nói”. 

 Cổ Nguyệt Ðường

 Ðương thời, HXH giao du rộng rãi với những danh sĩ như Phạm Quí Thích (khắc và in thơ của Nguyễn Du)Phạm Ðình Hổ (tác giả Vũ Trung Tùy Bút),Nguyễn Huy Tự (Tác giả Hoa Tiên), Nguyễn Du, Mai Sơn Phủ, Tốn Phong, Cư Ðình, Trần Quang Tĩnh, và Trần Phúc Hiển, v.v.  Họ thường tụ lại chia xẻ thơ văn tại Cổ Nguyệt Ðường được dựng nên khoảng 1815.  Hậu thế chúng ta có thể xem đây là nơi bảo tồn và phát huy văn học Việt để trùng tu lại làm di tích để vinh danh HXH.

 Chữ Cổ và Nguyệt ghép lại thành chữ Hồ.  Cổ Nguyệt Ðường nhìn ra cảnh Hồ Tây trồng sen bát ngát hữu tình  là ngôi nhà của HXH dùng làm nơi gặp gỡ đông đủ những tao nhân mặc khách vào cuối thế kỷ 18.  Ðây chính là nơi có tổ chức thi thơ văn mà người đoạt giải quán quân là Trần Ngọc Quán.

  Bài thơ như sau:

Vào cắm Tao Ðàn một ngọn cờ
Ấy người thân đấy, phải hay chưa? 
Lắc đầy phong nguyệt, lưng bầu rượu
Giắt lỏng giang hồ, nửa túi thơ
Ðình Nguyệt góp người chung đỉnh lại
Trời Hoan mở mặt, nước non xưa
Bấy nay tài tử bao nhiêu tá?
Thèo đảnh khen ai khéo đặt cho 

Năm XH 35 tuổi, Tốn Phong vẫn còn làm nhiểu thơ có những câu ca tụng nàng như “Nét thanh xuân ấy, nghìn vàng cũng mua.” “Mười phần xuân sắc trời Nam”.  “Người Tiên rạng rỡ từ mây đến”.  “Như dáng cây mai xinh cốt cách, Mười phần xuân sắc rạng trời xanh”.  Bài thơ số 22, Tốn Phong tán dương HXH như sau: 
 
Tao Ðàn nay đã có thần
Gặp nàng đồng quận, bội phần hân hoan
Hỏi ra thật họ nhà quan
Ngắm dường tiên nữ thác thân xuống trần
Hoan Châu vốn tiếng đẹp thuần
Sao Khuê rạng rỡ mười phân vẹn toàn
Tình anh “Chín Chín Hồng Sơn”
Hoa Mai riêng chiếm trời xuân Ðế Thành

Chân Dung và Những Thẩm Ðịnh về Nữ Sĩ Họ Hồ

Ðề tựa cho thi tập Lưu Hương Ký của HXH (phát hiện năm 1964), Tốn Phong viết:

Tứ thơ dồi dào nhưng vẫn tỏ ra vui mà không buông tuồng; buồn mà không đau thương; khốn khổ mà không lo phiền; cùng mà không bức bách.  Thật là do tính tình nghiêm chỉnh mà ra.  Cho nên, khi hát lên, ngâm lên những lời thơ ấy, thì tay cứ muốn múa, châm cứ muốn dậm mà không tự biết.  Lưu Hương Ký tuy đầy vẻ gió, mây, trăng, móc, nhưng đều tự đáy lòng mà phát ra, biểu hiện thành lời nói, lại cũng đều đúng với cái ý trên kia là xuất phát từ mối tình mà biết dừng lại trên ân nghĩa. 

Cũng trong Lời Tựa trên, Tốn Phong đã dẫn lời khen của Cư Ðình tặng XH: 
Cổ Nguyệt Ðường Xuân Hương học rộng mà thuần thục, dùng chữ ít mà đầy đủ, từ mới lạ mà đẹp đẽ, thơ đúng phép mà văn hoa.  Thức là một bậc tài nữ. 

GS Hoàng Xuân Hãn nhận xét: 

Một người thẩm phán về mặt hình thức văn thái (Cư Ðình), một người xét về mặt ý tứ văn (Tốn Phong).  Cả hai lời phẩm bình đều đúng.  Riêng về mặt thơ Nôm, ta nhận thấy có kỹ thuật chắc, lời nghiêm nghị mà bóng bảy, từ thiết tha.  Nhưng thơ trữ tình mà không có gì lả lơi hay bỡn cợt, trái với hầu hết những thơ Nôm mà ta thường đọc trong các sách báo dưới mục “Thơ Hồ Xuân Hương”. 

Căn cứ vào tình ý và lời thơ chính thức của HXH trong Lưu Hương Ký và những lời nhận xét kể trên thì HXH là một người lúc trẻ có dung nhan đẹp, tính tình cởi mở, thích bỡn cợt trong mức độ, học thức rộng, có khiếu văn chương, giao thiệp rộng, và có tài sử dụng từ ngữ.  Chắc hẳn rằng trước khi những sưu tầm về HXH được phổ biến rộng rãi, một số người muốn kiếm tiếng tăm hay lợi lộc nên đã thêu dệt thêm nhiều hư thoại về bà. 

 Ðiểm Ðộc Ðáo Trong Thơ Hồ Xuân Hương 

Bàn về Thơ HXH, không thể không nói tới những nét thật độc đáo trong phẩm chất và trong thơ của bà.

Trước hết, nét thứ nhất phải nói đến là tư chất thông minh của bà thể hiện ở chỗ bà giỏi cả về chữ Hán lẫn chữ Nôm.  Tại sao?  Có thể dựa vào hai điều để chứng minh đề xuất này: (1) Bà ra đời mang huyết thống của một dòng dõi văn học (Hồ Quý Ky) và (2) Bà được sinh ra lúc Cụ đồ Diễn đã gần 70 tuổi: những người con sinh ra trong trường hợp cha muộn tuổi này thường rất sáng dạ, thông minh.

Nét thứ hai là thơ của bà toát ra ẩn ức (repression) của một người có tâm trạng bất đắc chí và không khép kín.  Rõ ràng bà là người có văn tài mà đường chồng con lại rất hẩm hiu, không được như ý muốn (mấy đời chồng gẫy đổ và không có con).  Có lẽ vì thế mà có một số người cho rằng thơ của bà mang tính “nổi loạn”, “cách mạng”, hay “khiêu dâm”.  Tâm trạng bất mãn này hẵn đã đưa tới khuynh hướng giễu người và giễu chính mình trong thơ văn của bà qua những câu thơ như: 

 
Ðền Sầm Nghi Ðống 

Ghé mắt trong ngang thấy bảng treo
Kìa Ðền Thái Thú đứng cheo leo
Ví đây đổi phận làm trai được
Sự nghiệp anh hùng há bấy nhiêu
 
Bánh Trôi Nước 

Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bẩy nổi, ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son
 
Chê Thi Sĩ Dởm 

Kheo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ
Lại đây cho chị dạy làm thơ
Ong non ngứa nọc châm hoa rữa
Dê cỏn buồn sừng húc dậu thưa

 
Nét thứ ba là bà yêu chuộng văn Nôm mặc dầu thời đó có câu “Nôm na là cha mách qué” và bà sử dụng chữ Nôm rất tinh tế và sắc xảo, ít người sánh kịp.  Hơn nữa, bà thường chọn những âm khó đọc (khổ độc) để hạ vần và rồi tạo thành những bài thơ rất tài tình và đầy thú vị trong đó ý thơ và tình thơ của bà trải ra như một bức họa mà nền của bức họa mang màu sắc đạo đức, tiếu lâm, hay châm biếm.  Tỉ dụ như vần “uông”
 
Một đàn thằng ngọng đứng xem chuông
Chúng bảo nhau rằng “ấy ái uông”

Ðặc biệt là bà ưa tiếu lâm bằng cách mô tả cái tính giống của phái nữ bằng cách lấy những vật bình thường như con ốc nhồi, quả mít, cái hang, hay cái quạt v.v. để tạo thành một bài thơ có ý tục mà lời lại thanh.  Ðối với những người còn chưa có kinh nghiệm về “Hoa Dinh Cẩm Trận” (Love Battle, từ của nhà văn Hồ Hữu Tường đặt) thì đọc những bài thơ sau đây sẽ không thấy cái gì đáng đỏ mặt và ôm bụng cười cả. 
 
 Quả Mít 

Thân em như quả mít trên cây
Vỏ nó xù xì, múi nó dầy
Quân tử có yêu thì dóng cọc
Xin đừng mân mó, nhựa ra tay 
 
Con Ốc 

Bác Mẹ sinh ra phận ốc nhồi
Ðêm ngày lăn lóc đám cỏ hôi
Quân tử có thương thì bóc yếm
Xin đừng ngó ngoáy lỗ trôn tôi 

Tại sao bà thích loại tiếu lâm có tính khiêu dục này?

Có người cho rằng bà vốn lẳng lơ hay bị ám ảnh bởi đời sống sinh lý không được mãn nguyện.  Nhưng  tại sao không chỉ giản dị dựa vào văn phong tao nhã và sắc bén của bà thể hiện qua những bài thơ trữ tình nghiêm trang và dựa vào cái sở trường độc đáo dùng chữ tài tình của bà mà hiểu cho rằng: cũng tỉ như Vua Lê Thánh Tôn là người có cái thú làm thơ tả những nhân vật tầm thường như anh thợ cạo hay anh mõ làng thành những nhân vật anh hùng; hoặc cũng có thể tỉ như nhà văn nổi tiếng quá cố Lê Xuyên là người có cái thú tả dâm tình của nữ giới, nhưng cuộc đời của ông chứng tỏ ông đứng đắn và cương nghị.  HXH cũng thế, bà chỉ là người thích chọn những đề tài thật độc đáo mà nhiều người khoái nghe nhưng lại rất ít người có thể mô tả ra bằng những lời lẽ bình dị và dễ nghe.   Và, rất có thể là bà chỉ làm những câu thơ như thế để trổ tài hơn là có ý châm biếm hay giễu cợt ai. Thế thôi.

Những Mảnh Ðời Chắp Nối Của Hồ Xuân Hương 

Tại sao HXH đã chịu phận làm lẽ với nhiều đời chồng và đều đứt gánh giữa đường?  

Cuộc đời của mỗi con người nói chung đều gắn liền với hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh xã hội, và tâm tính của đương sự. 

Hoàn cảnh gia đình và xã hội 

HXH sinh vào một gia đình vốn dòng văn học: một người anh họ của HXH đậu Hoàng Giáp, nên hẳn là HXH hưởng được di truyền về tính nết văn chương của dòng họ.  Nhưng gia cảnh của cha mẹ HXH lại lâm vào cảnh nghèo khó vì lúc đó đất nước ta đã và đang trải qua một thời kỳ hết sức loạn lạc, nhiễu nhương kể từ khi họ Mạc cướp ngôi Nhà Lê năm 1527, rồi Trịnh Nguyễn phân tranh, Tây Sơn khởi nghĩa, cùng với nạn bão lụt, mất mùa, quan lại nhũng lạm, giặc cướp nổi lên khắp nơi, thi cử bị bãi bỏ, cho mãi đến khi Gia Long lên ngôi (1802), đất nước mới tạm yên.  Chắc hẳn cuộc sống ở quê nhà khó khăn nên cha của HXH phải di dời ra Thăng Long dạy học kiếm sống.  

HXH sinh trưởng và lớn lên ở Thăng Long, đất kinh đô ngàn năm văn vật (con người và cảnh vật thanh tú).  Vì có hương sắc lại thêm có tài văn chương nên HXH càng khó kiếm chồng.  Vả lại, trong thời buổi loạn lạc, các khoa thi bị hoãn, nên cũng hiếm những chàng trai đồng lứa có danh phận để cưới HXH. Cuối cùng, có lẽ cũng vì số mệnh của một con người vừa có tài lại có sắc, cái số mệnh nêu trong thuyết của Nhà Nho rằng: “hồng nhan đa truân” và “tài mệnh tương đố” mà Nguyễn Du đã viết lên ngay trong mấy câu mở đầu của cuốn Ðoạn Trường Tân Thanh hay Truyện Thúy Kiều rằng: 

 
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau 

Và nếu tin vào thuyết đó thì quả HXH cũng giống như Thúy Kiều:
 
Thúy Kiều sắc sảo khôn ngoan
Vô duyên là phận hồng nhan đã đành (câu 2660)
 
(Nguyễn Du: Kiều)  

Vì không thể chờ đợi gặp được người vừa ý, HXH bắt buộc phải gá nghĩa với những ai có thể giúp nàng thoải mái về kinh tế để đỡ đần mẹ già, và có thì giờ giao lưu văn bút để thỏa tình thơ trong đó có những mảnh tình lãng mạn dành riêng cho một số tao nhân tri kỷ.

  Ai là những người được làm chồng HXH? 

Theo những truyện kể và dấu vết của các bài thơ thì có thể HXH có bốn đời chồng nhưng bà không để lại một bài thơ nói về những người chồng này trong tập Lưu Hương Ký mà chỉ thấy trong thơ truyền tụng, có lẽ vì các cuộc sống chung này đã không mang lại hạnh phúc gì cho XH.    

HXH lấy chồng lần thứ nhất trong khoảng 1794 – 98 lúc XH khoảng ngoài 22 tuổi.  Chuyện kể rằng người chồng thứ nhất là một thầy lang nên có bài:

 
 Bà Lang Khóc Chồng 

Văng vẳng tai nghe tiếng khóc gì
Thương chồng nên khóc tỉ tì ti
Ngọt bùi thiếp nhớ mùi cam thảo
Cay đắng chàng ơi vị quế chi
Thạch nhũ, trần bì sao để lại
Quy thân, liên nhục tẩm mang đi
Dao cầu thiếp biết trao ai nhỉ?
Sinh ký, chàng ơi, tử tắc quy 

Người chồng thứ nhì bà lấy trong khoảng từ 1802 đến 1806.  Lần này bà làm lẽ cho một vị chánh tổng tức là Tổng Cóc nên có bài thơ đề “Khóc Tổng Cóc”.  Hai người sống chung được ít lâu rồi chia tay.  Hiện nay ở Vĩnh Yên (Sơn Tây) vẫn còn từ đường của Chánh Tổng Cóc.  Trong thân phận làm lẽ, bà tất phải cảm thấy tủi buồn vì không xứng với tài sắc của bà và bài thơ “Làm Lẽ” đã được cấu trúc với những tình ý thật não nùng mô tả trọn vẹn tâm trạng chung của người vợ lẽ khiến ai đọc cũng phải cảm thương. 
 
Làm Lẽ 

Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung
Năm thì mười họa, chăng hay chớ
Một tháng đôi lần, có cũng không
Cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm
Cầm bằng làm mướn, mướn không công
Thân này ví biết dường này nhỉ
Thà trước thôi đành ở vậy xong 

Theo bài viết nhan đề “Tổng Cóc với Xuân Hương” của nhà thơ Nguyễn Phú Long (Richmond, VA) đăng trong Tạp Chí Cỏ Thơm số 26 (2004) thì tên thật của Tổng Cóc là Cốc.  Tên “Cóc” là do người dân Sơn Tây đặt cho ông để tỏ lòng kính phục ông đã có gan làm những việc phúc đức như vớt thây người chết trôi rồi mai táng lại.  Người đời có những câu như “Gan cóc tía” và “Con cóc là cậu ông Trời”.  Theo chuyện kể của Nguyễn Phú Long thì HXH lấy Tổng Cóc để có nơi nương tựa lúc gia đình gặp khó khăn.  Rồi vì bị vợ lớn ghen nên bà bỏ đi, trở lại Khán Xuân. Lập luận này có hợp lý không khi mà việc bỏ vợ, bỏ chồng vào thời đó cũng phải được luật lệ cho phép?  Bộ Luật Hồng Ðức tức Quốc Triều Hình Luật đời Vua Lê Thánh Tôn (1442- 1497) minh thị “Người vợ tự ý bỏ nhà chồng, dù là về với bố mẹ ruột, bị coi là phạm trọng tội”.   Vả lại, bà vốn có ăn học, dòng dõi, nên tuy thích bỡn cợt, nhưng không vì thế mà bỡn cợt cả với chồng.  Dù sao thì cũng có bài thơ mà không biết có phải của bà không?  
 
Khóc Tổng Cóc

 Chàng Cóc ơi!  Chàng Cóc ơi!
Thiếp bén duyên chàng có thế thôi
Nòng nọc đứt đuôi từ đây nhé
Nghìn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi 

Người chồng thứ ba bà lấy trong khoảng 1810 – 1812.  Lần này bà lấy một quan Tri Phủ nên có bài “Khóc Ông Phủ Vĩnh Tường”.  Theo GS Hoàng Xuân Hãn thì sự kiện này không có vì Phủ Vĩnh Tường mãi tới năm 1822 mới có tên.  Phủ đó mới đầu có tên là Tam Ðái rồi đổi thanh Tam Ða, rồi Vĩnh Tường.  Do đó, GS HXH kết luận bài thơ “Khóc Ông Phủ Vĩnh Tường” không phải là của HXH.
 
 
Khóc Ông Phủ Vĩnh Tường

 Trăm năm ông Phủ Vĩnh Tường ôi!
Cái nợ ba sinh đã trả rồi
Chôn chặt văn chương ba thước đất
Tung hê hồ thỉ bốn phương trời
Cán cân tạo hóa rơi đâu mất?
Miệng túi càn khôn khép lại rồi!
Hăm bẩy tháng trời đà mấy chốc
Trăm năm ông Phủ Vĩnh Tường ôi!

Người chồng thứ tư là quan Hiệp Trấn Yên Quảng Trần Văn Hiển cưới bà làm thiếp vào khoảng năm 1816.  Trong giai đoạn này, HXH tham dự việc quan với chồng và bà có viết sáu bài thơ “Vịnh Ðồ Sơn Bát Cảnh” bằng chữ Hán.  Chẳng may, quan Trần Văn Hiển bị vu cáo đòi hối lộ và bị Vua Gia Long phê “Tham nhũng như thế mà không giết thì lấy gì khuyên liêm.”  Tháng Năm, 1819, Trần Văn Hiển bị tử hình.  Ðó cũng là giai đoạn Vua Gia Long luận tội nhiều công thần như Hữu Quân Nguyễn Văn Thành, Tả Quân Lê Văn Duyệt, Ðại Công Thần Lê Chất.

Sau lần gãy gánh này, HXH phải là rất đau khổ nên lánh tu ở Chùa Hoa Yên, núi Yên Tử.  Nhưng chắc HXH không có số tu nên được ít lâu, bà lại trở lại Khán Xuân, mở cửa Cổ Nguyệt Ðường tái giao lưu xướng họa với các bạn thơ mới và cũ như là để trả cái nghiệp thi văn mà bà còn nặng nợ.  Bà mất năm 1822, hưởng dương 51 tuổi, mộ chôn tại làng Nghi Tàm, Hồ Tây.  Thật là:

 Ngẫm hay muôn sự tại Trời
Trời kia đã bắt làm người có thân
Bắt phong trần, phải phong trần
Cho thanh tao, mới được phần thanh tao 
Có đâu thiên vị người nào
Chữ tài, chữ mệnh dồi dào cả hai
Có tài mà cậy chi tài
Chữ tài liền với chữ tai một vần
Ðã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn Trời gần Trời xa
Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài
 
    (Nguyễn Du: Kiều, câu 3241 – 3252)

Chúng ta đã có một cái nhìn khái quát về chân dung và thân thế của nữ sĩ Hồ Xuân Hương: bà là một thi nhân vừa có hương sắc vừa có biệt tài về loại thơ Nôm dí dỏm mà Xuân Diệu, nhà thi sĩ hàng đầu của TY, đã mệnh danh bà là “Bà Chúa của Thơ Nôm”, nhưng bất hạnh thay cho bà là số phận chồng con lại hẩm hiu khiến bà phải mở tung cửa trái tim đón nhận TY của một số tri kỷ của bà qua thơ văn để thỏa mãn những khao khát tự nhiên của tâm hồn còn tràn đầy nhựa sống.

CÒN TIẾP...

Nguồn: nghiencuulichsu.vn